Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Theo Chúa để truyền giáo

Tác giả: 
Jos Vinc Ngọc Biển

 

 

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN - B

Theo Chúa để truyền giáo

(Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20)

 

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

 

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, thánh Gioan đã thuật lại hành trình của một ơn gọi là: Chúa gọi, ta đáp trả để đến xem và ở lại rồi ra đi giới thiệu về Chúa cho người khác.

 

Chúa Nhật hôm nay, thánh Máccô trình bày câu chuyện Đức Giêsu chọn và gọi đích danh 4 môn đệ đầu tiên, đồng thời tác giả cũng ghi lại rất cụ thể về sứ vụ sẽ được trao cho các ngư phủ này là: theo Chúa để trở thành những kẻ lưới người như lưới cá (x. Mc 1, 17)

 

  1. Đi theo Chúa để trở thành môn đệ

 

Câu chuyện được khởi đi từ bối cảnh sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa trên sông Giođan và chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa (x. Mc 1,12-13). Hôm nay, tác giả đề cập đến sứ vụ công khai của Đức Giêsu tại Galilêa. Khởi đầu cho một hành trình loan báo Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu, nhà thừa sai vĩ đại đã nhận lãnh từ Chúa Cha.

 

Cũng trong thời điểm này, Gioan Tẩy Giả đã hoàn thành xuất sắc công việc được trao và ông đã bị bắt. Như vậy, có thể nói, Gioan đã lui vào hậu trường để nhường chỗ cho nhân vật chính là Đức Giêsu xuất hiện. Hai nhân vật, chung sứ vụ. Điều này cho thấy mối giây liên hệ mật thiết, liên tục và quan trọng giữa Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả.

 

Khi chọn và gọi các môn đệ, Đức Giêsu muốn các ông tin và liều mạng đi theo mình, một cuộc phưu lưu đầy thử thách nhưng chứa chan niềm hy vọng, nên cần các ông phải tin và dứt khoát.

 

Chính vì vậy, ngay sau lời mời gọi “hãy theo tôi”, ngay lập tức, Đức Giêsu đã loan báo cho các ông biết cụ thể về sứ vụ mà các ông phải thi hành: “Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá" (Mc 1, 17). Lời mời gọi rõ ràng. Sứ vụ rất cụ thể, nên thái độ của các ông cũng phải dứt khoát, không tính toán nghĩ suy và bỏ lại sau lưng tất cả mọi sự để đi theo Đức Giêsu.

 

Thái độ dứt khoát ấy được thánh Máccô trình bày như sau: khi nghe thấy Đức Giêsu gọi, Anrê và Simon đã “lập tức bỏ lưới theo Người” (Mc 1, 18). Còn với Gioan và Giacôbê thì “bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người” (Mc 1, 20).

 

  1. Sứ mạng đến với dân ngoại

 

Cuộc gặp gỡ giữa thân tình và đầy ấn tượng ấy được diễn ra tại Galilêa, điều này gợi cho người ta nghĩ ngay đến vùng đất ngoại vi, bên lề, vì đây là: "Miền đất của dân ngoại". Đây cũng còn là vùng đất gần biên giới, nơi ở của những người thập tỉnh từ nhiều nơi tụ về.

 

Chính vì vậy mà nơi đây bị coi là vùng đất tối tăm, lộn xộn và bị người đương thời khinh miệt. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại chọn vùng đất này làm trung tâm truyền giáo, là nơi ưu tiên để Ngài thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng đầu tiên. Từ đó, nơi đây được biết đến như: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4, 16).

 

Như vậy, ơn gọi của các môn đệ đầu tiên được khai mào tại một vùng đất của dân ngoại như tác giả đã thuật lại, điều này cho ta thấy: sứ vụ của các ông phải được ưu tiên tại những vùng bị xã hội loại bỏ, khinh miệt; những nơi thiếu vắng tình thương, mất niềm hy vọng; những nơi nghèo tinh thần và vật chất; vùng sâu vùng xa....

 

Khung cảnh, sự kiện của vùng đất và con người nơi đây thật gợi cảm, khiến cho ý định của Đức Giêsu được thêm phần rõ nét và lời đáp trả của các môn đệ được tô đậm qua thái độ ra đi, dấn thân và phục vụ.

 

Đây cũng là sứ vụ và lời mời gọi cho mỗi chúng ta hôm nay.

 

  1. Sứ vụ loan báo Tin Mừng của người Kitô hữu

 

Trong sứ điệp Truyền Giáo 2017, số 4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy lại định hướng của tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng) để nói về tinh thần thực thi sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội ngày nay cần phải có, ngài viết: chúng ta bị thách thức “đi ra ngoài khu vực quen thuộc của mình và can đảm đi đến tất cả những vùng ngoại vi, là những người cần ánh sáng của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium, 20).

 

Tuy nhiên, muốn trở thành nhà truyền giáo, thành kẻ lưới người, tự bản thân chúng ta phải có sự hấp dẫn vì mang trong mình niềm hy vọng được cứu rỗi. Sự hấp dẫn ấy có thể là một nụ dễ thương, một sự cảm thông sâu xa, một thái độ chia sẻ tận tâm; một sự dấn thân không biết mệt mỏi tại những nơi nghèo đói và thiếu vắng tình thương. Nhưng có lẽ, sự hấp dẫn lớn nhất, đó là có Chúa nơi mình và cảm nghiệm được “Niềm Vui Tin Mừng” trong cuộc sống. Từ đó, chúng ta mới có thể chia sẻ về Chúa cho người khác một cách sống động.

 

Giáo Hội không bao giờ chấp nhận người Kitô hữu chỉ nghĩ cho chính mình, nhưng Giáo Hội cần lắm một người Tín Hữu Kitô hiền lành, khiêm nhường, đơn sơ, phản ánh trung thực về cuộc đời và sứ vụ của Đấng Cứu Thế (x. sứ điệp Truyền Giáo 2017, số 7). Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô trong một lần nói chuyện với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires, ngài nói:  “Tôi thà có một Giáo Hội bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Giáo Hội ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Giáo Hội chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục” (Evangelii Gaudium, 49).

 

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con luôn ý thức sứ mạng của chúng con là phải giới thiệu Chúa cho mọi người, để qua đó, Danh Chúa được rạng rỡ và vinh quang đến tận cùng trái đất. Nhưng trước hết, xin cho chúng con biết sám hối để trở nên khí cụ của Chúa và chỉ làm việc của Chúa muốn mà thôi. Amen.