Nói lời Thiên Chúa
NÓI LỜI THIÊN CHÚA
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN NĂM B (28/01/2018)
[Đnl 18,15-20; 1 Cr 1, 7-32-35; Mc 1, 21-28]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trong dân Chúa và cộng đồng con người, thời xưa cũng như thời nay, bao giờ cũng có những kẻ không muốn nghe Lời Thiên Chúa sống giữa những người khát khao nghe Lời Thiên Chúa. Cả hai loại người này đều cần đến những người nói Lời Thiên Chúa. Thời Cựu ước những người được chọn nói Lời Thiên Chúa là các ngôn sứ như A-mốt, I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en v.v... Thời Tân Ước, Chúa Giê-su Ki-tô là Lời Thiên Chúa đã thành xác phàm và cư ngụ giữa loài người để nói Lời của Thiên Chúa. Nhờ Người chúng ta chẳng những được nghe Lời Thiên Chúa mà còn trở thành những người nói Lời Thiên Chúa, như các ngôn sứ, vì khi được thanh tẩy trong Đức Ki-tô là chúng ta đã được tham dự vào 3 chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Người.
Chúng ta hãy đọc kỹ và tìm hiều các bài Sách Thánh để học cùng Chúa Giê-su về cách nói Lời Thiên Chúa cho loài người ngày hôm nay.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Đnl 18,15-20): Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ và Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy.
(15) Khi ấy ông Mô-sê nói với dân chúng rằng: “Từ giữa anh (em), trong số các anh em của anh (em), Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh (em); anh (em) hãy nghe vị ấy. (16) Đó chính là điều mà anh (em) đã xin với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), tại núi Khô-rếp, trong ngày đại hội; anh (em) đã nói: "Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết." (17) Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi: "Chúng nói phải. (18) Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. (19) Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. (20) Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết."
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 7,32-35): Người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa để thuộc trọn về Người.
(32) Thưa anh chị em, tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. (33) Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, (34) thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. (35) Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.
2.3 Trong Bài Tin Mừng (Mc 1,21-28): Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.
(21) Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. (22) Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.
(23) Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên (24) rằng: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !" (25) Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" (26) Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. (27) Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!" (28) Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa:
1o) trong Sách Đệ nhị luật là một Đấng Thiên Chúa quan tâm đến nguyện vọng và trình độ của dân Ít-ra-en là dân riêng của Chúa. Thiên Chúa đã dùng Mô-sê mà hướng dẫn, bảo vệ và cứu thoát dân. Rồi Người đã dùng nhiều người khác nữa, cũng xuất thân từ trong hàng ngũ con dân Ít-ra-en làm “phát ngôn viên” hay ngôn sứ cho Người. Nhiệm vụ và cũng là sứ mạng của ngôn sứ là nói lời Thiên Chúa!
Vị ngôn sứ mà đoạn Thánh Kinh này loan báo là chính Đức Giê-su Na-da-rét là Đấng sẽ đến trần gian vào ngày giờ Thiên Chúa đã định. Người chính là Lời Thiên Chúa nên Người là Đại Ngôn Sứ, Ngôn Sứ Số Một của Thiên Chúa!
2o) trong thư 1 Cr 7,32-35 Thánh Phao-lô không nói trực tiếp về Thiên Chúa mà nói về cách tốt nhất mà con người có thể sống với Thiên Chúa là toàn tâm toàn ý với Thiên Chúa, trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa! Thánh Phao-lô rút từ kinh nghiệm đời thường: một người có vợ có chồng thì thường khó toàn tâm toàn ý với Thiên Chúa vì người đó phải dành thời giờ và công sức để làm đẹp lòng người phối ngẫu của mình. Còn những người không có vợ có chồng thì dễ toàn tâm toàn ý với Thiên Chúa hơn, dễ thuộc trọn về Thiên Chúa hơn.
3o) trong Tin Mừng Mác-cô 1,21-28 là Chúa Giê-su Na-da-rét, Đấng giảng dậy có uy quyền và dẹp trừ thần ô uế cách hiệu quả, khiến những người chứng kiến phải kinh ngạc và trầm trồ khen ngợi: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!"
Sở dĩ Chúa Giê-su Na-da-rét làm được như thế là vì Người là Vị Đại Ngôn Sứ của Thiên Chúa và Người được Thánh Thần ngự trị và xức dầu tấn phong để Người thực hiện sứ mạng nói tiếng nói của Thiên Chúa cũng như rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, cứu giúp những người khốn khổ, giải phóng những người bị áp bức, giam cầm và công bồ năm hồng ân của Thiên Chúa (xem Lc 4,18-19).
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa:
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay gồm hai phần:
- Một là tin và lắng nghe Chúa Giê-su nói Lời Thiên Chúa cho mỗi người/cộng đoàn chúng ta và cho toàn nhân loại.
- Hai là đến lượt mình, mỗi người chúng ta cũng phải nói Lời Thiên Chúa với/cho những người xung quanh, cả với những người không muốn và những người muốn nghe tiếng nói của Thiên Chúa.
Muốn nói tiếng nói của Thiên Chúa, ngôn sứ phải có một đời sống kết hiệp mật thiết với Người, chìm sâu trong mầu nhiệm của Người, thấu hiểu tư tưởng của Người như Thánh Phao-lô mà chúng ta hết lòng ngưỡng mộ.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng trước đây đã dùng các ngôn sứ và trên hết là chính Con Một là Đức Giê-su Ki-tô, để nói lời của Người cho loài người thời xưa; còn ngày nay Thiên Chúa dùng tất cả mọi Ki-tô hữu, không phân biệt giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân, để nói lời của Người cho người thời nay.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Để thực thi sứ điệp Lời Chúa Chúa nhật IV Thường Niên Năm B, chúng ta cần thực hiện hai việc sau:
* Một là khám phá ra Chúa Giê-su là tiếng nói của Thiên Chúa + Đón rước Người và lắng nghe Người nói + Để Người đào tạo và hành động nơi/trong chúng ta bằng Thánh Thần để chúng ta trở thành những kẻ nói tiếng nói của Thiên Chúa.
* Hai là tập sống dũng cảm, bất khuất, chấp nhận thua thiệt, mất mát để trở thành tiếng nói của Thiên Chúa trong gia đình, khu xóm và cộng đồng.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.» Chúng ta hãy cầu xin cho hết mọi người trên thế gian này được nghe Lời Chúa từ miệng các ngôn sứ của Người mà biết cách sống đẹp lòng Thiên Chúa.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 «Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi người biết nói Lời Chúa một cách thuyết phục, nhờ tràn đầy Thần Khí và chứng tá đời sống cá nhân của họ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 «Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này được ơn siêng năng và tích cực nghe giảng và tìm học Lời Chúa!
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 «Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các mục tử và các bậc làm cha làm mẹ không dám nói Lời Chúa cho những người không muốn nghe Lời Chúa, để họ ý thức sứ mạng ngôn sứ của mình mà nỗ lực chu toàn.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
Sàigòn ngày 19 tháng 01 năm 2018
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: