Thăm cô giáo hưu
THĂM CÔ GIÁO HƯU…
Tớ ghé thăm Cô giáo chủ nhiệm dạy toán thời đệ tam cấp (cấp 3).
Cô có gương mặt ấn tượng, thấp thoáng giống nàng Mona Lisa nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci; Cô dạy có trách nhiệm, rất thương học trò, đáng kính…
Ấy thế mà tớ… không ưa Cô mấy, thậm chị còn… sợ mỗi khi đến tiết Cô dạy…
Đơn giản tớ… yếu môn toán lắm lắm.
Hơn 20 năm ra trường, đây là lần đầu tiên tớ ghé nhà Cô.
Tớ biết và nhớ nhà Cô, vì nhà Cô nằm cạnh sát quán chè mà tớ và các bạn lại khoái ăn chè, lâu lâu đi học về vẫn đạp xe vào xơi…
Xác định được ‘địa cư’, song lạ quá: Ngôi nhà biệt thự sang trọng, cao cấp, dáng dấp kiểu Tây phương pha nét đông phương… Tớ ngạc nhiên, bởi tớ biết rõ nhà Cô vách gỗ, lợp tôn cũ kỹ…
Và với lương giáo viên, có 100 năm cũng không thể xây được cơ ngơi nguy nga, sang trọng thế này.
Tớ nghi ngờ !…
Hỏi thăm hàng xóm. Anh hàng xóm quả quyết chính xác không sai mộ ly.
Tớ… rụt rè bấm chuông… Thầy- chồng Cô, tóc bạc trắng, vẫn gầy, ra mở cổng.
Tớ giới thiệu học trò cũ, đến thăm Cô giáo.
Thầy niềm nở mời vào nhà và khẽ gọi Cô, thật dễ thương, ấm áp: ‘Em ơi, có học trò cũ đến thăm em…’.
Thầy mời tớ vào phòng khách, ngồi ‘đợi tí’.
Cô lên, tớ đứng dậy chào Cô… Cô nhìn tớ ngờ ngợ !?…
Tớ phải mượn ‘uy danh’ người bạn thân để tạo… độ tin, ấn tượng:
- Dạ, em cùng lớp với Bạn QT…
Ai chứ, học trò QT thì Cô không thể quên. Đơn giản ‘hắn’ học giỏi môn toán, lại hay lên nhà Cô chơi, chơi thân với con trai Cô, cũng là cây toán cừ khôi.
- Không biết QT dạo này thế nào ? Ngày trước hay lên Cô lắm, chơi thân với đứa con trai lớn nhà Cô… Đám cưới của QT Cô có đi… Hình như sau đám cưới không thấy em ấy lên nữa.
Cô ‘xin lỗi’ vì không nhớ tớ học trò cũ:
- Em thông cảm. Mấy lớp đầu, Cô nhớ hết… Vào thời dạy em, quả thực gia cảnh quá túng, lương không đủ sống, phải làm kiếm thêm nghề tay trái, không thể toàn tâm dạy...
Tớ dí dỏm để Cô đỡ ngại: - Dạ, Cô có đến cả trăm, cả ngàn học trò nhớ sao hết, nhất là những học trò…dốt toán như em, nhớ mới lạ ạ....
Cô cho biết mới đi Tây về. Cô qua vì đứa con gái chuẩn bị sanh, cần Mẹ. Hai con Cô du học và ở lại luôn bên ấy làm việc.
- Hai em đi du học ?!
Cô làm tớ bất ngờ !…
Cô trải lòng, nhà nghèo ăn còn thiếu làm gì có tiền cho con du học. Được cái các em biết thương bố mẹ, chịu khó học tập và tự săn được học bổng du học.
Tớ hưởng ứng chọn lựa sáng suốt của hai em (con Cô). Tớ nghĩ bây giờ ‘cống hiến’ cho quê hương đất nước không chỉ cứ về nước, đôi khi về nước lại…dại. Thực tế biện chứng- về nước với ‘cơ chế… đúng quy trình’ hiện đang lại làm… teo tài năng, giảm mất nhiệt huyết, nguy hiểm hơn sa thảm đạo đức nữa…
Nếu về nước làm gì có Ngô Bảo Châu !…
Tớ biết con trai Cô giỏi toán, nên nói: - Em ở lại bên ngoại quốc lại ‘cống hiến’ tốt hơn cho đất nước. Biết đâu nay mai lại có Ngô Bảo Châu thứ hai…
Cô không dám nghĩ đến ngôi sao Ngô giáo sư thứ hai… Hiểu ý tớ, Cô có nhắc đến ‘thần đồng’ toán VN thủa nào, từng đạt điểm tuyệt đối 40/40 trong cuộc thi quốc tế danh tiếng và đầy uy tín… Về nước không có môi trường học thuật nghiên cứu, giờ đi dạy thêm… luyện thi đại học.
(sau tôi gặp QT, nói về ‘thần đồng’ này, còn biết thêm ngài còn… ‘bê bối’ về rượu (!?)).
Cô hỏi thăm tớ về gia cảnh, vợ con…
Thấy Cô- trò đã thân quen, cởi mở, tớ hơi… bất kính, tếu:
- Dạ em đã làm cha hơn bốn năm nhưng không có…vợ ạ!
Đến lượt Cô ngạc nhiên…
Tớ giải thích, em đi tu, là Linh mục…
Tớ thấy rõ nếp căng ngạc nhiên trên gương mặt Cô nhanh giãn ra, thêm tươi vui, khi hiểu…
Cô chúc mừng trò, bảo tớ ‘thành công nhất lớp đấy’.
Tớ không dám nhận ‘thành công nhất’, song nhờ ơn Chúa sẽ cố gắng làm người…tử tế, phần nào khỏi phụ lòng yêu quý của Cô- trò.
Lm.Đaminh Hương Quất
- Tổng Hơp: