Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Với Cây Bút

Tác giả: 
Lm Bùi Trọng Khẩn

 

 

VỚI CÂY BÚT




Mỗi ngày cứ phải cầm cây bút viết một điều gì đó. Cũng có một chút thú vị khi mình viết được một nội dung nào đấy. Điều mình mới viết có lúc không muốn cho ai biết vì nó chưa ra làm sao cả, chưa được hoàn chỉnh lắm; nhưng có lúc lại muốn cho người ta biết ngay vì mình đã tâm đắc thấy nó hay hay cần phải phổ biến ngay.



Ngày xưa, người ta có nói: “văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền”; còn bây giờ đọc lên tự nhiên thấy nó không hợp tí nào. Người ta muốn cười một thằng dốt chứ không ai dám cười một người giỏi giang mà nghèo. Đôi lúc cũng thấy tủi cho phận nghèo mà cứ phải đi dạy chữ cho thiên hạ để rồi phải chịu nghèo suốt đời.




Dạy được vài chữ, viết được vài câu, đôi khi đã hãnh diện, tự mãn rồi. Nghĩ được một tư tưởng mới cứ tưởng rằng chưa có ai nghĩ ra. Sáng tạo được cái mới thì cứ tưởng là mình thông minh lắm. Tất cả chỉ là những tác động thông thường trong cuộc sống mà thôi. Nhưng khi nó gắn liền với một chủ thể rất thường là nó muốn nâng cao chủ thể ấy lên bằng cách này hay cách khác.




Xã hội hôm nay đang lạm dụng tư tưởng, lạm dụng chữ nghĩa để tìm danh dự cá nhân, để mua chuộc lòng người, để kiếm tiền của....Tinh thần người ta là cái đáng trân trọng. Chữ nghĩa người ta là cái đáng để ý. “Bút sa gà chết” mà. Ai cũng biết ngày nay, người ta có luật bảo vệ tác quyền, tức quyền của tác giả. Phải chăng người ta muốn gắn cho chủ thể nghĩ ra tư  tưởng nào đó một tầm quan trọng bất khả xâm phạm. Cái quyền đó làm tăng thêm giá trị của tư tưởng và góp phần đề cao cá nhân ấy nữa.



Ngày xưa người ta đi xin chữ và mua chữ của cac ông đồ nho về để trang trí trong nhà, kẹp ở sách vở....Một số nơi ngày nay vẫn còn thế. Kể cả sinh viên đại học đôi khi cũng vậy. Đấy là điều xuất phát từ tập tục xa xưa của ông cha ta để lại vì họ coi trọng chữ nghĩa, tôn trọng ông thầy dạy chữ cho mình. “Nhất tự vi sư bán tự vi sư” là câu cửa miệng của dân ta ngày ấy, hôm nay người ta vẫn muốn áp dụng nó, nhưng lại được chuyển thành "tiên học lễ, hậu học văn".



Khi cầm cây bút lên viết đâu ai còn nghĩ đến qúa trình vất vả học hành ngày xưa thế nào, thầy cô dạy bài ra sao.... Tự nhiên mình viết nên điều mình suy nghĩ. Và mình cũng chẳng cần nghĩ có bao nhiêu người đọc điều mình viết, bao nhiêu người chê, bao nhiêu người khen. Chính vì vậy mà hằng ngày mình cứ viết một cách tự nhiên. Khi tư tưởng mình không bị chi phối nặng bởi những điều trên thì mới viết một cách thoải mái và chính xác được. Cây bút chỉ là dụng cụ cuối cùng để người viết trình bày tư tưởng của mình ra. Cây bút không chịu trách nhiệm, không lãnh phần thưởng điều mình viết. Nó chỉ là dụng cụ. Nó chịu sự điều khiển của chủ thể viết. Nó không lên án, không nịnh bợ, không bới móc, không châm chọc mà là chính người viết. Cây bút thì vô hồn  nhưng đựơc người viết thổi hồn vào nó như bảo nó làm việc này vậy.



Mỗi ngày phải làm việc với cây bút cho ta hiểu về tư tưởng con người, về vấn đề truyền thông xã hội, về triết lý nhân sinh. Mỗi lần phải làm việc với cây bút là một cuộc sáng tạo có tính toán, là một kế hoạch có chọn lựa, một rủi ro hoặc may mắn.




Lạy Chúa, Chúa đã dùng cây bút của ông Môsê để viết cho con người 10 điều răn vào bia đá,



Chúa đã dùng cây bút của các ngôn sứ để viết lại sứ điệp của Chúa,



Chúa đã dùng các thánh tông đồ để viết lại Tin mừng của Chúa cho trần gian.



Xin cho chúng con cũng biết sử dụng cây bút của mình để viết nên những điều Chúa muốn về sự sống, về tin mừng cho anh chị em con.


Xin cho chúng con trở thành cây bút cho Chúa dùng để chúng con không bao giờ dám đổi nhân phẩm, chữ nghĩa, danh dự, lương tâm lấy tiền bạc làm phai mờ chân lý của Chúa. Amen.

 




Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

 

***********************************************