Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ăn chay là thực hiện công bằng và bác ái

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

ĂN CHAY LÀ THỰC HIỆN CÔNG BẰNG VÀ BÁC ÁI (LỄ TRO)

 

Thấm thoát đã tới Lễ Tro, khởi đầu Mùa Chay thánh (14/2/2018). Sự kiện này khiến đầu óc lại nghĩ tới ý nghĩa và mục đích của Mùa Chay: “Phụng Vụ Mùa Chay nhằm giúp các dự tòng và các tín hữu chuẩn bị cử hành Lễ Vượt Qua. Các dự tòng được chuẩn bị qua những giai đoạn khác nhau của việc nhập đạo, còn các tín hữu thì qua vịêc tưởng niệm bí tích Thánh Tẩy và việc sám hối.” (Những Quy luật tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch “Normæ de Anno liturgico et Calendario”, số 27). Như vậy thì có thể hiểu Mùa Chay là mùa toàn Giáo hội thực hiện đời sống chay tịnh (thanh tẩy + sám hối), chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Phục Sinh. Thử tìm hiểu xem ý nghĩa, nguồn gốc và nhất là tinh thần, mục đích của Mùa Chay Thánh:

 

I- Ý NGHĨA, NGUỒN GỐC MÙA CHAY THÁNH:

 

Mùa Chay là một thiết chế của Giáo hội không bắt nguồn từ thời Giáo hội sơ khai. Đối với các Ki-tô hữu thời các Tông đồ, mỗi ngày Chúa Nhật là một cử hành biến cố Phục Sinh, và mãi cho đến thế kỷ thứ II mới thấy xuất hiện một ngày lễ đặc biệt dành để tưởng niệm cái chết và phục sinh của Đức Ki-tô để rồi sau đó biến thành Tam Nhật Phục Sinh (Triduum pascal), tức Tam Nhật Vượt Qua: Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Vọng Phục Sinh. Biến cố này được chuẩn bị bằng một hay nhiều ngày ăn chay tuỳ theo miền, thường là từ chiều Thứ Năm Tuần Thánh cho đến sáng ngày lễ Phục Sinh, hoặc ít ra là trong vòng 40 giờ từ lúc Chúa chịu chết cho đến thời điểm Người phục sinh. Đến giữa thế kỷ thứ III, ở Alexandrie việc giữ chay kéo dài suốt Tuần Thánh, và đến cuối thế kỷ III thì tại Ai Cập cũng đã xuất hiện việc giữ chay kéo dài đến 40 ngày mà mục đích trước hết dường như là sống lại thời gian chay tịnh của Chúa Giê-su trong hoang địa cũng như chuẩn bị cho lễ Phục Sinh.

 

Từ “Mùa Chay” là một từ tương phản với từ gốc la-tinh là “Quadragesima” có nghĩa là 40. Trong Kinh Thánh, con số 40 có ý diễn tả một khoảng thời gian chờ đợi, một quá trình tượng trưng cho việc chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa. Số 40 còn diễn tả hành trình trong sa mạc trên đường về Đất Hứa của dân Do Thái kéo dài 40 năm. Ông Mô-sê đã ở trên núi Chúa 40 ngày (Xh 24, 18; 34, 28). Những kỳ mục trong dân được ông Mô-sê sai đi do thám đã ở trong vùng đất (thung lũng Et-côn) 40 ngày (Ds 13, 21-25). Ê-li-a đã đi 40 ngày trước khi tới được hang Khô-rếp trong núi của Thiên Chúa (1V 19, 8). Ni-ni-vê đã được Đức Chúa cho 40 ngày để sám hối (Gn 3, 4). Và quan trọng nhất là Chúa Giê-su được Chúa Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa 40 ngày để ăn chay cầu nguyện trước khi thi hành sứ vụ công khai (Mt 4, 2).

 

Như vậy Mùa Chay là mùa nhắc nhớ 40 năm hành trình trong sa mạc của dân Do Thái, 40 ngày trong hoang địa của Chúa Giê-su (“Hằng năm, bằng 40 ngày Mùa Chay, Hội Thánh kết hiệp với mầu nhiệm Đức Giê-su trong hoang địa.” – Sách Giáo lý HTCG, số 540). Con số 40 ngày, là thời gian đi vào hoang địa của cõi lòng, thinh lặng để chuẩn bị gặp gỡ Chúa. Đây là thời gian phụng vụ cao điểm thuận tiện thích hợp cho các Ki-tô hữu noi gương Đức Ki-tô dùng 40 ngày để ăn năn đền tội và dấn thân phục vụ anh chị em. Với 40 ngày long trọng của Mùa Chay, người tín hữu được liên kết mật thiết hơn với Chúa Giê-su và với anh chị em trong đại gia đình Giáo hội.

 

II- TINH THẦN, MỤC ĐÍCH MÙA CHAY THÁNH:

 

Sống chay tịnh không chỉ giới hạn trong việc “ăn chay” (theo Từ nguyên thì “ăn chay” có nghĩa: “ăn không dùng thịt, cá và các chế phẩm từ thịt, cá”), mà còn bao gồm sống ngay thẳng, thật thà (nên tục ngữ VN mới có câu: “Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối”) và nhất là sống tinh thần bác ái Ki-tô giáo. Tuy nhiên, theo thói quen, người ta thường dùng tiếng ăn chay để chỉ việc hãm mình ép xác, tu thân tích đức. Vì thế, cứ tới Mùa Chay là ai cũng nghĩ tới việc ăn chay. Vấn đề đặt ra là phải suy nghĩ xem nên ăn chay như thế nào cho đúng tinh thần Ki-tô giáo, đúng tinh thần Phúc Âm.

 

Trước khi đi sâu vào chủ đề bài viết, xin được sơ lược về việc ăn chay trong Giáo hội hiện nay (xc. Giáo luật các điều: 1251, 1252, 1253):

 

1- TUỔI GIỮ CHAY: Từ 18 tuổi trọn đến hết 59 tuổi. 

 

2- TUỔI KIÊNG THỊT: Từ 14 tuổi trở lên.

 

3- CÁCH GIỮ CHAY: Trong ngày chay chỉ được ăn một bữa no để giữ sức khỏe (chọn bữa nào cũng được, nhưng thường là bữa chính trong ngày: bữa trưa), còn những bữa khác (bữa sáng, bữa tối) chỉ được ăn chút ít để bụng còn đói, đồng thời không được ăn vặt như kẹo, bánh v.v… (ngụ ý tiết giảm ăn uống nhằm thực hiện tinh thần bác ái).

 

4- CÁCH KIÊNG THỊT: Cấm ăn thịt loài máu nóng (heo, bò, gà, vịt…) bao gồm thịt và tất cả những thứ khác như tim, gan, lòng, cật …. Nhưng được dùng các nước thịt và các đồ ăn có pha chất thịt, như cháo nước thịt. Được ăn cá và loài máu lạnh (như ếch, rùa, sò, cua, tôm). Ngày kiêng thịt cũng được phép dùng trứng và các sản phẩm từ sữa như bơ và phó mát …

 

5- NGÀY BUỘC GIỮ CHAY VÀ KIÊNG THỊT: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh.

 

Tìm hiểu ý nghĩa và mục đích việc ăn chay trong Thánh Kinh thấy rất đa dạng: Các tín hữu ăn chay là để thờ phượng Thiên Chúa, làm đẹp lòng Thiên Chúa như một nghi thức tôn giáo, một việc đạo đức. Ăn chay để được Thiên Chúa nhậm lời khi cầu nguyện, đi kèm với cầu nguyện để khu trừ ma quỉ; để tỏ lòng ăn năn, sám hối và đi kèm với than khóc để bày tỏ sự buồn bã, hối hận, thương tiếc, lo sợ; đồng thời để đền vì tội lỗi đã phạm, cầu xin Thiên Chúa tha tội. Thánh Gio-an Tẩy Giả thì ăn chay bằng cách vào hoang địa mặc áo lông cừu, ăn châu chấu và mật ong rừng, để tự nguyện làm “Tiếng hô trong hoang địa” loan báo Tin Mừng (Lc 1, 57-80). Đức Giê-su Thiên Chúa thì ăn chay 40 đêm ngày trong sa mạc, chịu để Xa-tan cám dỗ, hầu chuẩn bị sứ mạng Chúa Cha đã trao phó: rao giảng và thực hiện Tin Mừng Cứu Độ (Lc 1, 57-80).

 

Thật không thể ngờ cách đây hơn 2500 năm, ngôn sứ Isaia đã có một quan niệm hoàn toàn mới về ăn chay: Ăn chay với mục đích đầy tính nhân đạo là thực hiện công bằng và bác ái (Is 58, 6-7). Với mục đích ấy, ngôn sứ Isaia lên án cách ăn chay chuộng hình thức bề ngoài mà thực chất bên trong chỉ lo kiếm lợi cho mình, áp bức kẻ khác, ăn chay để “mồm loa mép giải” cãi vã, hoặc “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” đánh lộn tàn bạo (“Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng ĐỨC CHÚA?” – Is 58, 3-5).

 

Cách ăn chay của ngài khác hẳn một trời một vực: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục.” (Is 58, 6-7). Ăn chay đúng nghĩa – theo ngôn sứ Isaia – chính là thực hiện công bằng xã hội, là tỏ tình yêu thương với người chung quanh bằng những hành động cụ thể.

 

Không cần nói thời đại cổ xưa ấy, mà ngay trong thế giới hiện đại cũng vẫn còn không ít cảnh ăn chay trên môi miệng, ăn chay bằng hình thức phô trương màu mè, thậm chí còn “ăn chay trường” bằng cách dùng lò đốt nhang để nướng “cờ tây” nữa kia! (“cờ tây” = cầy tơ => thịt chó). Hoặc giả nếu có ăn chay thực sự thì cũng chỉ giữ vì Luật buộc, mà Giáo luật chỉ buộc ăn chay mỗi năm có 2 ngày (Thứ Tư Lễ Tro + Thứ Sáu Tuần Thánh) – 2 ngày trong khoảng thời gian 365 ngày – thì có đáng là bao, chuyện nhỏ! Quả nhiên là thế, vấn đề ăn chay nếu được thực hiện chỉ vì luật buộc, chỉ vì bổn phận, chỉ câu nệ ở hình thức, trong khi từ trong sâu thẳm của tâm hồn thì vẫn muốn tránh né, vẫn muốn làm ngược lại hoặc làm chiếu lệ, thì cũng chẳng ích gì.

 

Nói như vậy cũng chẳng khác gì “đánh bùn sang ao”; vâng, xin mời nghe lời giáo huấn của thánh Phao-lô: “Anh em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh  em đoạn tuyệt với Đức Ki-tô và mất hết ân sủng. Còn chúng tôi thì nhờ Thần Khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên công chính như chúng tôi hy vọng.” (Gl 5,4-6). Đặc biệt hơn cả là Lời dạy của chính Đức Giê-su Ki-tô đã ăn chay 40 đêm ngày ròng rã trong hoang địa trước khi bước vào cuộc khổ nạn vì tội lỗi loài người: "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6, 16-18).

Ngay từ thời Cựu Ước đã có lời khuyên: “Hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương.” (Ge 2, 12-13). Vâng, Mùa Chay chính là mùa trở về với chính mình để có thể trở về với Thiên Chúa. Trở về với chính mình để hiểu rằng mình được dựng nên từ tro bụi đất cát, thì một mai cũng sẽ trở về với đất cát tro bụi mà thôi. Hiểu được như thế, hiểu được “Vua Ngô ba mươi sáu cái tàn vàng, chết xuống âm phủ cũng chẳng mang được gì.” (ca dao VN), thì đừng lo tích trữ của cải vật chất mà hãy lo đầu tư vào ngân hàng Nước Trời. Một cách cụ thể là phải biết từ bỏ tất cả thế gian, từ bỏ chính mình để trở về với Thiên Chúa. Cách tốt nhất để trở về với Đấng Từ Bi Nhân Hậu chỉ có thể là “Đừng xé áo (ăn chay hình thức), nhưng hãy xé lòng (ăn năn sám hối)”.

 

Vì thế, cần phải có một suy nghĩ sâu sắc hơn về vấn đề ăn chay:

 

* Thứ nhất: ăn chay là nhằm mục đích hãm mình ép xác để đền vì những tội lỗi xúc phạm đến Chúa và tha nhân (sám hối).

 

                        * Thứ hai: về mặt vật chất, nếu cố gắng giảm bớt chi tiêu phung phí, rồi đem khoản cắt giảm ấy làm công việc bác ái, thì việc ăn chay mới thực sự có ích.

 

* Thứ ba: không giới hạn việc ăn chay trong 2 ngày luật buộc, mà nên thực hiện bất cứ khi nào có dịp, thậm chí trong suốt cả Mùa Chay, suốt cả cuộc đời trần thế.

 

Người Ki-tô hữu cần ý thức việc ăn chay cốt ở cái TRÍ (hiểu rõ việc mình làm nhằm mục đích gì) và cái TÂM (đức bác ái), không cần câu nệ ở hình thức (“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có tình yêu, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” – 1Cr 13, 3). Nói cụ thể, mùa Chay là thời điểm Giáo hội kêu gọi người tín hữu canh tân và sám hối, hoặc nói như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã viết trong Sứ điệp Mùa Chay 2018:

 

“Giáo Hội là Mẹ và là Thầy luôn với phương thuốc đắng của sự thật, cung cấp cho chúng ta trong Mùa Chay này phương dược chữa lành bằng lời cầu nguyện, bố thí và ăn chay. – * Bằng cách dành nhiều thời gian hơn để cầu nguyện, chúng ta cho phép tâm hồn mình nhận ra những lời dối trá bí ẩn và những hình thức tự lừa dối chính mình, và sau đó tìm lại được niềm an ủi của Thiên Chúa ban tặng. Ngài là Cha chúng ta hằng muốn chúng ta sống tốt đẹp. – * Bố thí giải thoát chúng ta khỏi tham lam và giúp chúng ta nhìn nhận người hàng xóm là anh chị em của chúng ta. Những gì tôi sở hữu không bao giờ là của riêng tôi. Tôi rất mong muốn bố thí trở nên phong cách sống đích thực cho mỗi người chúng ta! – * Ăn chay khiến xu hướng bạo lực của chúng ta yếu dần; nó giải phóng chúng ta và đó là cơ hội quan trọng để chúng ta thăng tiến. Một mặt ăn chay cho phép chúng ta trải nghiệm những gì mà người nghèo đói phải chịu đựng. Mặt khác nó thể hiện chính sự đói khát thiêng liêng của chúng ta, vì cuộc sống trong Thiên Chúa. Ăn chay thức tỉnh chúng ta. Nó làm cho chúng ta chú tâm hơn đến Thiên Chúa và người lân cận. Ăn chay làm sống lại khao khát của chúng ta để vâng lời Thiên Chúa, duy chỉ có Ngài mới có khả năng thỏa mãn cơn đói của chúng ta.”

 

Mùa Chay khẩn thiết kêu gọi người tín hữu hoán cải. Theo từ nguyên thì “hoán cải” là “thay đổi theo chiều tốt hơn”. Như vậy thì “hoán cải” chính là “canh tân và sám hối”, là “xé lòng chớ không xé áo” nhằm mục đích “đổi mới” tận gốc rễ con người của mình, ngõ hầu đón mừng Chúa Phục Sinh trong hiện tại cũng như trong ngày Chúa quang lâm lần thứ hai. Tóm lại, ngày nay Giáo hội Công Giáo chỉ buộc các tín hữu ăn chay mỗi năm 2 lần mà thôi. Điều ấy thật hữu lý vì ăn chay phải mang tính tự nguyện chớ không thể ép buộc. Hãy tin chắc rằng Chúa muốn người tín hữu ăn chay nhiều hơn, thậm chí ăn chay trong suốt cả lộ trình trần thế; ăn chay bằng cách ăn năn sám hối vì tội lỗi đã mắc phạm, đồng thời thực hành đúng Lời Chúa dạy: “Gặp anh em đói thì cho ăn, khát thì cho uống, anh em là khách lạ thì tiếp rước tử tế, anh em trần truồng thì cho mặc, đau yếu thì tới viếng thăm, bị tù đày thì hỏi han chia sẻ.” (Mt 25, 35-37).

 

Ước mong rằng tất cả “chúng ta, những Ki-tô hữu, theo mẫu gương của các Tông Đồ và thấy việc chia sẻ của cải của chúng ta là một bằng chứng hữu hình về sự hiệp thông, nghĩa là chúng ta ở trong Giáo hội! Vì lý do này, tôi nhắc lại lời mời gọi của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Cô-rin-tô để lạc quyên cho cộng đoàn Giê-ru-sa-lem từ những lợi tức mà chính họ nhận được (xc. 2 Cr 8, 10). Điều này càng thích hợp trong Mùa Chay khi nhiều nhóm lạc quyên để trợ giúp các Giáo hội và giúp những người có nhu cầu. Tuy vậy tôi cũng hy vọng rằng, ngay cả nơi những cuộc gặp gỡ hàng ngày của chúng ta với những người cầu xin sự trợ giúp của ta, chúng ta nên thấy những nhu cầu như thế xuất phát từ chính Thiên Chúa. Khi bố thí, chúng ta chia sẻ sự chăm sóc quan phòng của Chúa dành cho mỗi người con của Ngài. Nếu qua tôi mà Thiên Chúa hôm nay giúp ai đó, thì mai này chắc hẳn Ngài sẽ cung ứng những nhu cầu của tôi? Bởi chẳng có ai quảng đại hơn Thiên Chúa.” (Sđ Mùa Chay 2018).

 

Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa ban Thánh Linh soi sáng và thêm sức cho chúng con để chúng con dám mạnh dạn XÉ LÒNG CHỚ KHÔNG XÉ ÁO khi bước vào Mùa Chay Thánh 2018. Ôi! “Trên con đường trở về, xin đừng xé áo thôi. Trên con đường trở về, lòng tà cần xé nát. Hãy bước nhanh trở về, tình Người rất bao la, đời đời mãi thương ta, tình trời đất giao hoà. ĐK: Con xin trở về, về với Chúa là Cha. Con xin trở về, tội đời xin sám hối.” (“TRÊN CON ĐƯỜNG VỀ” - TCCĐ). Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.