Khi hôn nhân thất bại
KHI HÔN NHÂN THẤT BẠI
Nói đến vấn đề hôn nhân thất bại, cũng đã có nhiều người cho rằng tất cả những gì xảy đến cho hôn nhân giữa hai người nam nữ đều do Thiên Chúa định đoạt, con người không cách nào tránh khỏi. Mới thoạt nghe thì thấy có vẻ đúng, nhưng nếu khách quan nhìn nhận vấn đề sẽ thấy lý luận như vậy là đã sa vào thuyết “định mệnh”. Thuyết này cho rằng tất cả những gì con người được hưởng hoặc phải gánh chịu đều do ông Trời ấn định, con người không thể muốn hoặc không muốn theo ý mình được. Thậm chí còn cho rằng việc linh hồn được lên Thiên đàng hay xuống hỏa ngục đều được định trước và không lệ thuộc vào lựa chọn của con người.
Lý luận như vậy là đã đi ngược lại những gì là nền tảng đức tin Ki-tô giáo, bởi khi dựng nên con người có nam có nữ, Thiên Chúa đã ban cho họ được tự do tuyệt đối. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng "Gaudium et Spes" (số 14) đã khẳng định: “Tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Ðấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Ngài, con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc. Vậy phẩm giá của con người đòi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng chế hoàn toàn bên ngoài.”
Tuyên ngôn về Tự Do Tín Ngưỡng “Dignitatis Humanæ" (số 2) cũng miêu tả phẩm giá con người chính là ở chỗ nó có lý trí và ý chí tự do, có trách nhiệm bản thân. Nói cách khác, con người có khả năng điều khiển hành vi của mình theo sự hiểu biết, tín tưởng của mình (chủ thể), chứ không thể bị lôi kéo bằng xiềng xích hay vũ lực (khách thể). Một điều hiển nhiên chứng minh cho lý giải này là Nguyên tổ loài người vì được tự do nên đã nghe lời dụ dỗ của rắn độc (Xa-tan) mà phạm tội (ăn trái cấm) chống lại Thiên Chúa, bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng (E-đen). Với con người trần tục khi làm bất cứ việc gì, đều có thể xảy ra một trong hai trường hợp: hoặc thành công hoặc thất bại. Nếu có ý chí và quyết tâm thì có thể “thất bại là mẹ thành công” (tục ngữ VN), nhưng nếu cứ tin vào thuyết định mệnh thì có thể “thất bại là cha thất vọng”.
Thấy chủ đề mục vụ tháng 3/2018 là: “KHI HÔN NHÂN THẤT BẠI”, nhiều người nảy sinh thắc mắc cho rằng chẳng lẽ HĐGMVN lại bắt những cặp đôi đang tiến đến hôn nhân phải học tập và làm theo những cuộc hôn nhân thất bại hay sao? Đúng là HĐGMVN có chủ ý cho học tập đề tài “KHI HÔN NHÂN THẤT BẠI”; nhưng không phải như thắc mắc vừa kể, mà là nhằm mục đích rút đúc kinh nghiệm cho bản thân học viên để “tránh vết xe đổ”, ngõ hầu xây dựng cho mình ““MỘT HÔN NHÂN HẠNH PHÚC” (chủ đề Mục vụ tháng kế tiếp – 4/2018). Để vấn đề sáng tỏ, xin cùng tìm hiểu:
I. NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI LẦM KHIẾN HÔN NHÂN THẤT BẠI:
Có thể kể ra những quan điểm sai lầm khiến hôn nhân thất bại:
1- Sự lựa chọn bằng những tiêu chí bên ngoài: Thói thường người ta hay lựa chọn cho mình người bạn đời dựa trên sắc đẹp, tiền tài, danh vọng… Những điều này là cần thiết, nhưng không phải là yếu tố then chốt để làm nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nếu chỉ yêu vì sắc đẹp hay vì tiền tài thì chuyện gì sẽ xảy ra khi người đó già đi, xấu đi, hay khi họ gặp phải những thất bại về tài chính?
Vì nền tảng hôn nhân là tình yêu, mà tình yêu lại xuất phát từ con tim, nên để có một cuộc hôn nhân bền vững, cần phải lưu tâm trước hết đến việc mình có yêu người đó không. Tình yêu phải thúc đẩy hai người đến chỗ “đồng cam cộng khổ” (vui cùng hưởng, khổ cùng chịu), cố gắng làm việc để đảm bảo nhu cầu vật chất và tinh thần cho cả hai. Như thế, cũng giống như xây một căn nhà, người ta phải bắt đầu từ nền móng vững chắc trước rồi sau đó mới đến những phần phía trên. Nền móng vững chắc mà hôn nhân cần phải có chính là tình yêu. Không có tình yêu thì hôn nhân không thể bền vững, dù người ta có sống trong cung vàng điện ngọc sơn son thếp vàng.
2- Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó: Đây là một quan niệm xuất phát từ ba lý do chính: * Con cái là sở hữu của cha mẹ nên phải nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, nếu không sẽ bị coi là người bất hiếu; * Cha mẹ là người có nhiều kinh nghiệm hơn nên sự sắp đặt của cha mẹ sẽ được cho là chuẩn xác hơn và khôn ngoan hơn; * Việc sắp xếp hôn nhân cho con cái là trách nhiệm của cha mẹ. Quan niệm này thể hiện một sự vâng lời tuyệt đối của con cái đối với cha mẹ liên quan đến đời sống hôn nhân. Dù rằng cha mẹ là người từng trải, có nhiều kinh nghiệm trong chuyện tình yêu và hôn nhân hơn con cái, nhưng chuyện bắt con cái phải nghe theo sự sắp đặt của mình là điều không nên. Nó mâu thuẫn với yếu tố “tự do ưng thuận”, một trong những điều cốt yếu làm nên hôn nhân Ki-tô giáo.
Cha mẹ là người sinh ra con cái, có bổn phận giáo dục và dạy dỗ con cái, nhưng con cái có quyền đưa ra suy nghĩ, chính kiến của mình, có quyền quyết định cho tương lai của mình. Hãy nhìn vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, để thấy được nguyên ủy vấn đề: Thiên Chúa dựng nên loài người và coi họ như con cái. Vậy mà bất cứ chuyện gì Thiên Chúa vẫn tôn trọng sự tự do của con người, Người chỉ mời gọi chớ không ép buộc. Để hướng dẫn con người, Thiên Chúa chỉ đưa ra những lời răn đe, nhắc nhở. Những trường hợp con người vi phạm luật lệ bị phạt, cũng là do con người đã biết đó là sai lầm, là tội lỗi, là đi ngược lại với lời dạy của Thiên Chúa, mà vẫn cứ vi phạm; thì đó là do con người tự đưa mình vào án phạt, chớ Thiên Chúa không hề bắt con người phải làm như vậy để rồi lại đưa ra án phạt.
Cứ nhìn vào Đức Ki-tô khi Người dạy dỗ hoặc cứu chữa bệnh nhân cũng đủ thấy Thiên Chúa luôn tôn trọng sự tự do của con người. Khi chữa bệnh, Người luôn luôn nói: “Đức tin của con đã chữa lành con”. Khi dạy về chân lý, Người khẳng định: "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được." (Lc 16, 13). Vì thế, hãy nhìn thấy điểm lỗi thời của câu nói “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, các bậc làm cha mẹ không nên giành quyền quyết định trong vấn đề liên quan đến hôn nhân của con cái. Hôn nhân là chuyện cả đời của con cái, ngoài việc khuyên can và góp ý, hãy để chúng tự quyết định hạnh phúc của riêng mình, miễn là hôn nhân đó không trái với luật Đạo và luật đời (luân thường đạo lý, thuần phong mỹ tục và các quy định của luật pháp).
3- Quan niệm “môn đăng hộ đối”: Thêm một vấn đề liên quan đến chuyện “sắp xếp” của cha mẹ. Cha mẹ thường muốn con cái mình kết hôn với người có địa vị ít là phải ngang tầm với mình để được “môn đăng hộ đối”, nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng. Ước nguyện “môn đăng hộ đối” (2 gia đình thông gia tương xứng với nhau về địa vị xã hội và tài sản) đôi khi là một loại biến tướng của kiểu hôn nhân vì vật chất, vì cái mã bên ngoài. Nhiều người, đặc biệt là các bậc cha mẹ, không muốn con cái mình kết hôn với người nghèo hơn, vì sợ mất mặt, sợ bị người ta chê cười, sợ bị hạ thấp danh dự.
Đó là nói đến quan điểm của những người giàu có, thế lực. Đặt giả thử người đưa ra quyết định “môn đăng hộ đối” là một người “nghèo rớt mồng tơi” thì liệu người ấy có đồng ý chọn một người cũng “nghèo rớt mồng tơi” như mình hay không? Tất nhiên là không, không thể có một người nghèo lại ước muốn con mình lấy một người nghèo như mình. Mục đích của hôn nhân Ki-tô giáo là hướng đến hạnh phúc của đôi lứa, không nên vì những chuyện bên ngoài mà đánh mất đi hạnh phúc của đôi bạn trẻ yêu nhau thật lòng. Bất cứ người cha người mẹ nào cũng muốn con cái mình hạnh phúc, có gia đình đầm ấm, yêu thương nhau. Vậy thì đừng lấy tiêu chí phải chọn người “môn đăng hộ đối” mới cho cưới. Cần phải nhận chân một điều: Nhân vật chính trong cuộc hôn nhân là con cái chớ không phải cha mẹ, nên không được phép lấy hạnh phúc cả đời của con làm bình phong cho danh dự của mình.
4- Phải có con trai nối dõi tông đường: Tiếc là ngày nay, nhiều người, đặc biệt là bố mẹ chồng, vẫn thường đòi hỏi con dâu phải sinh cho được con trai để nối dõi tông đường. Họ thường trách con dâu là “không biết đẻ”, khi chỉ sinh ra một “bầy con gái”. Lối suy nghĩ này vừa cổ hủ, vừa nói lên sự thiếu hiểu biết.
Con cái là do Chúa ban, nhiều người mong ước có con nhưng lại không được. Vì vậy, trong chuyện hôn nhân đừng “kén cá chọn canh”, đừng nhất quyết là “phải sinh con trai mới được”. Con trai hay con gái đều là con, là thành quả của một tình yêu và sự kết hợp giữa hai con người. Bởi thế, chúng đáng quý như nhau và có phẩm giá như nhau. Phải biết rằng điều quan trọng không phải là con gái hay con trai, nhưng là làm sao giáo dục chúng trở thành đứa con có hiếu, ngoan ngoãn, lớn lên trở thành một người có ích cho Giáo hội, cho xã hội.
5- Quan niệm “mua bán” (con dâu là mua về): Xuất phát từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, nhiều người vẫn cho rằng “con dâu là món hàng được mua về để phục vụ người chồng và nói chung là phục vụ gia đình chồng”. Chính quan niệm phong kiến đã đề ra thành ngữ “phu xướng phụ tùy” (người chồng định làm gì, người vợ cũng phải làm theo. Ngụ ý: người phụ nữ phải luôn luôn phục tùng người chồng cách tuyệt đối).
Tuy nhiên, dưới cái nhìn đức tin, phải chân nhận rằng hôn nhân không phải là chuyện mua bán. Người đàn ông và đàn bà đều có cùng một phẩm giá như nhau. Cả hai đều phải có trách nhiệm chăm lo cho gia đình bản thân mình, kể cả gia đình của cha mẹ hai bên (nhà trai + nhà gái). Con dâu là một thành viên mới của gia đình, chớ không phải là cái gì đó được mua về để mình tùy nghi sử dụng. Trong hôn nhân, người nam và người nữ bình đẳng với nhau, cùng ưng thuận với nhau để tạo lập một gia đình mới. Đó là kết quả của một sự tự nguyện trao hiến và nhận lãnh. Gia đình nào mà con dâu được đối xử tử tế như con cái trong nhà, quả thật là một gia đình hạnh phúc.
II. NHỮNG LÝ DO CHÍNH KHIẾN HÔN NHÂN THẤT BẠI:
Có thể kể ra những nguyên nhân chính khiến hôn nhân thất bại:
1- Chọn nhầm đối tác: Chọn lựa quá vội vàng vì “tiếng sét ái tình”. Thực ra, tiếng sét ái tình không phải là tình yêu đích thực, mà chỉ là những hấp dẫn cảm tính ban đầu. Một khi đã tiến hành hôn nhân theo sự chọn lựa kiểu đó, cả hai người sẽ phải chấp nhận một cuộc sống với sự ân hận suốt đời. Nếu không chấp nhận như vậy, thì cuộc hôn nhân sẽ tan vỡ ngay.
2- Dễ tới dễ lùi: Có những người bước vào hôn nhân với ý nghĩ nếu không hạnh phúc thì chia tay. Tư tưởng “dễ tới dễ lùi” sẽ khiến các đương sự không đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn. Hôn nhân không phải là chốn thiên đường, mà là sự gặp gỡ của hai cá thể khác biệt, đòi hỏi một quá trình thích ứng lẫn nhau, nhiều khi khá gay go mới tìm được sự hòa hợp.
3- Để sức hấp dẫn bị sói mòn: Trong giai đoạn đầu, cả hai đều hấp dẫn lẫn nhau, nhưng chung sống một thời gian họ không còn cố gắng chinh phục nhau nữa. Họ nảy sinh tư tưởng uể oải, lười nhác, không thiết chăm sóc dung nhan, không nói những lời âu yếm, không làm những việc đáng yêu. Họ để cho ngoại hình xuống cấp, cư xử thô bạo, sức hấp dẫn bị sói mòn.
4- Thiếu lòng tin: Niềm tin đóng vai trò rất lớn trong mối quan hệ vợ chồng. Nếu nghi ngờ đối tác, vô hình chung sẽ trở thành “công an mật” trong nhà. Trong cuộc sống chung mà người này cứ nghi ngờ, theo dõi người kia, bằng con mắt nghi kỵ thì chỉ còn lại sự dối trá và áp đảo. Đó là dấu hiệu cuộc hôn nhân sắp đổ vỡ.
5- Không tôn trọng nhau: Khi một người tự coi mình là chúa tể trong nhà và bắt người kia phải phục tùng mọi ý muốn của mình, thì tinh yêu đã không còn đất sống. Sự bạo hành thể xác hay tinh thần làm cho đối phương bị đau đớn và uất ức, rồi tìm cách chống lại. Khi đó hôn nhân sẽ biến thành bãi chiến trường.
6- Thiếu điều chỉnh linh hoạt: Chỉ nhìn thấy những yếu kém của đối tác, để rồi ép buộc đối tác phải thay đổi, sẽ làm cho cuộc sống căng thẳng, và không chỉ một người mà cả hai người đều phải chịu đau khổ. Đừng ép buộc đối tác phải thay đổi, mà cả hai phải chấp nhận một cuộc đổi thay từ chính gốc vấn đề. Nói cụ thể là cả hai phải điều chỉnh quan niệm và nếp sống. Hôn nhân là một quá trình điều chỉnh liên tục, mỗi hoàn cảnh lại có những tình huống mới. Nếu không chấp nhận điều chỉnh, thì hôn nhân thất bại là điều hiển nhiên.
7- Thiếu trò chuyện giao tiếp: Truyền thông rất quan trọng trong cuộc sống vợ chồng. Lúc đầu cả hai luôn chia sẻ mọi buồn vui, vì thế họ hiểu nhau và đáp ứng được những điều người kia mong muốn. Nhưng rồi một trong hai người sẽ dần không thích nói chuyện với đối tác và cũng không muốn nghe đối tác tâm sự. Điều đó làm cho những tâm tư nguyện vọng phải nén chặt trong lòng, khiến cho cuộc hôn nhân trở nên ngột ngạt và tan vỡ cũng chẳng còn bao xa.
8- Không dành đủ thời gian cho nhau: Khi tình yêu nồng nàn, tuần nào cũng vài ba lần hẹn hò nhau. Chính đó là thức ăn nuôi dưỡng tình yêu đưa đến kết hôn. Khi đã sống chung một nhà, thì ai cũng chỉ muốn làm những gì mình thích chứ không phải những gì dành cho nhau. Mỗi người như sống cuộc sống riêng của mình ở bên ngoài gia đình. Những cuộc hôn nhân như thế không tan vỡ sớm cũng chết từ từ.
III. CẦN CÓ LẬP TRƯỜNG VÀ QUAN ĐIỂM ĐÚNG ĐẮN:
Khi đã thấy rõ được những quan điểm sai lầm, những lý do chính đưa đến hôn nhân thất bại, người Ki-tô hữu cần có lập trường và quan điểm đúng đắn để xử lý những tình huống phức tạp trong hôn nhân của bản thân mình, hoặc giúp đỡ các bạn trẻ còn bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa hôn nhân. Để có được lập trường và quan điểm đúng đắn, rất cần thiết phải tìm hiểu, học hỏi thấu đáo về Hôn nhân Công giáo:
1- Trọng tâm của vấn đề: Cần xác tín rằng: Hôn nhân Công giáo là một cuộc sống trong Chân lý và Tình yêu. Nếu chỉ lướt qua vấn đề, chắc chắn sẽ có một nhận định cho rằng Hôn nhân Công giáo cũng không có gì là khó khăn phức tạp và người ta có thể dễ dàng vượt qua được mọi thử thách. Thực ra, vấn đề không đơn giản như vậy. Có thể nói không một vấn đề tôn giáo cụ thể nào lại có nhiều khó khăn rắc rối thường được đưa ra mổ xẻ và tranh luận nhiều như vấn đề hôn nhân Công giáo. Quả thật, khi thảo luận và đưa ra ý kiến về vấn đề quá rộng lớn và gai góc này, nếu chỉ dựa trên nền tảng nhân bản thuần túy và một chiều, nhất là nếu không nắm vững được các giáo lý của Giáo hội, người ta sẽ dễ rơi vào các nhận định sai lầm, lệch lạc. Vì thế, cần phải thấy được trọng tâm của vấn đề là hôn nhân phải là bản sao trung thực của hôn nhân Hội Thánh giữa Đức hôn phu Giê-su và Hiền thê Giáo hội.
2- Đức Giê-su và hôn nhân: Quan điểm rõ ràng của Đức Giê-su về vấn đề hôn nhân nhất thiết phải coi như những hướng dẫn cần thiết cho những nhận định về hôn nhân. Các giáo huấn của Đức Ki-tô soi sáng cho người tín hữu thấy rõ:
a- Hôn nhân mang trên mình bản quyền của Thiên Chúa Tạo Hóa. Nói đến hôn nhân là nói tới sự kết hợp không thể tháo gỡ giữa một người nam và một người nữ, là nói đến sự kết hợp chặt chẽ giữa hai người với nhau đã được chính Thiên Chúa se kết (“Ngay từ khởi đầu công cuộc tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt.” – Mc 10, 6-8)
b- Một khi hai đối tác trong hôn nhân đã “trở nên một xương một thịt”, thì không có bất cứ quyền lực nhân loại nào có thể xóa bỏ được sự kết hợp ấy. Bởi vì “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10, 9) Vì thế, hôn ước ấy mang tính chất bền vững và bất khả tháo gỡ cho đến chết, tức là chỉ có sự chết mới chấm dứt được một hôn nhân Công giáo đã thành sự.
3- Luật Giáo hội Công giáo về hôn nhân: Tình yêu giữa hai vợ chồng Công giáo có ý nghĩa rất phong phú và sâu sắc, vì bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa và rập theo khuôn mẫu tình yêu giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh. Tình yêu đó có hai đặc tính:
a- Đơn nhất: Đơn nhất nghĩa là một vợ một chồng. “Tự bản chất, tình yêu vợ chồng đòi hỏi sự đơn nhất và bất khả phân ly. “Họ không còn phải là hai, nhưng là một xương một thịt” (St 2, 24; Mt 19, 6). Họ được mời gọi không ngừng lớn lên trong tình hiệp thông với nhau qua việc mỗi ngày trung thành sống lời cam kết hôn nhân, là trao hiến trọn vẹn cho nhau. Sự hiệp thông này được củng cố, thanh luyện và hoàn thiện nhờ bí tích Hôn phối đem lại sự hiệp thông trong Đức Ki-tô. Sự hiệp thông này càng thâm sâu hơn nhờ cùng chia sẻ một đức tin và cùng đón nhận Mình Thánh Chúa.” (Giáo lý HTCG, số 1644)
b- Bất khả phân ly: Bất khả phân ly nghĩa là không thể ly dị. “Lý do sâu xa nhất đòi hỏi hai vợ chồng phải chung thủy chính là sự trung tín của Thiên Chúa với giao ước, và sự trung tín của Đức Ki-tô với Hội Thánh. Chung thủy suốt đời với người phối ngẫu là một trong những đặc điểm nổi bật của hôn nhân Công giáo, đồng thời còn có ý nghĩa đặc biệt hơn đối với thế giới hiện nay, khi mà ly dị thường được coi là giải pháp bình thường cho những khó khăn hoặc thất bại trong đời sống hôn nhân. Quả thực, đối với nhiều trường hợp, chung thủy là một thách đố lớn lao và phải cậy dựa vào ơn Chúa, vì chỉ nhờ sức riêng của mình mà thôi thì không đủ. Trong đời sống hôn nhân, đôi vợ chồng cần nhớ rằng sự liên kết với nhau không phải chỉ do quyết tâm của họ mà còn là kết quả của ơn Chúa. Tất nhiên chân lý bất biến phải là: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 6).
4- Kết hôn trong Chúa: Điều kiện của tính chất “không thể thu hồi” hay “bất khả tháo gỡ” của hôn nhân Công giáo là họ phải được kết hôn trong Chúa, tức hôn nhân phải hợp pháp, được cả hai người hoàn toàn tự do đồng thuận, thành sự, được Giáo hội chứng giám và đại diện Chúa chúc phúc. Theo thánh Phao-lô, tất cả mọi Ki-tô hữu muốn kết hôn hay tái kết hôn một cách hợp pháp và thành sự đều phải thực hiện hôn ước của mình “trong Chúa” (1Cr 7, 39). Chỉ những hôn nhân được thực hiện như thế mới thực sự là “đã được Thiên Chúa phối hợp”. Vì thế, những hôn nhân ấy mới mang đầy đủ tính chất “bất khả tháo gỡ”.
5- Dấu chỉ của một tình yêu vô biên: Một khi hai Ki-tô hữu nam-nữ đồng ý kết hôn “trong Chúa”, thì hiện thực tình yêu của họ cũng tương tự như tình yêu của Đức Ki-tô dành cho Giáo hội, mà Kinh Thánh Tân Ước bằng tiếng Hy-lạp gọi là “mysterion”, còn tiếng La-tinh gọi là “Sacramentum”, và tiếng Việt gọi là Bí tích Thánh, tức “mầu nhiệm cao cả” (Ep 5, 32). Sự hy sinh của hai vợ chồng Công giáo cho nhau là một dấu chỉ rõ ràng tình yêu vô biên và sự trung tín tuyệt đối của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Khi cử hành Bí tích Hôn Nhân chính hai người nam-nữ liên hệ, với sự trợ giúp của Chúa, là trọng tâm, là những nhân vật chính và đồng thời là những người chủ sự và cử hành. Nói cụ thể là đôi tân hôn ban bí tích cho nhau. Còn những người tham dự việc cử hành Bí tích Hôn Nhân (Linh mục, cha mẹ họ hàng đôi tân hôn, cộng đồng dân Chúa…) chỉ có tác dụng là các chứng nhân của việc cử hành ấy mà thôi. Việc đôi Tân Hôn nam-nữ vừa là những người cử hành và vừa là những người lãnh nhận Bí tích Hôn Nhân mang một ý nghĩa sâu xa và cao cả: Qua sự kiện ấy cả hai người muốn nói lên rằng tình yêu và sự chung thủy mà họ dành cho nhau là một biểu tượng sống động cho tình yêu vô biên của Đức Giê-su, Đấng đã yêu thương nhân loại cho đến chết.
KẾT LUẬN:
Tóm lại, người Ki-tô hữu không thể cứ đổ thừa cho Chúa khi một cuộc hôn nhân bị thất bại. Hãy thành thật mà nhận khuyết điểm, để từ đó cầu xin Chúa soi sáng mà sửa chữa, khắc phục. Khuyết điểm lớn nhất có thể là đôi bạn đã bỏ qua sự dạy dỗ của Hội Thánh về hôn nhân. Hoặc cũng có thể họ nói rằng mình biết nhưng chưa thật sự thực hành. Nếu cứ ngày đêm cầu nguyện Chúa ban phước cho hôn nhân mà không chịu làm theo Lời Chúa dạy trong hôn nhân, thì mọi việc cũng chỉ là vô ích mà thôi. Ấy cũng bởi vì “Một thân xác không hơi thở là một xác chết. Cũng vậy, Đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2, 26). Lời nói phải đi đôi với việc làm (lời cầu nguyện cần phải đi đôi với việc thực hành theo Lời Chúa dạy).
Để đạt thành công trong việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, ngõ hầu thăng tiến trong hôn nhân, xin hãy chạy đến cùng Đức Mẹ, lắng nghe lời Mẹ dạy: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5); đồng thời cầu xin Mẹ bầu cử cùng Thiên Chúa – cụ thể là Đức Giê-su Con Thiên Chúa và cũng là con của Mẹ – xin Người ban Thánh Linh soi sáng và hướng dẫn các gia đình trẻ, nhất là các đôi tân hôn gặp thất bại trong hôn nhân, khiến họ hiểu và thực hành đúng Luật Công giáo về Hôn Nhân trong Chúa và giữa đời thường. Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.