Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hai mặt đời

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

HAI MẶT ĐỜI  (Chúa Nhật Lễ Lá)

 

Thủ vĩ ngâm: HAI MẶT ĐỜI

Hai mặt cuộc đời nối tiếp nhau,

Thay đen đổi trắng thật là mau,

Khi thì trắng xóa như vôi vữa,

Lúc lại đen thui tựa mực tàu.

Lẻo mép hoan hô chưa dứt tiếng,

Quai mồm đả đảo tiếp liền sau,

Nhân tình thế thái là như thế,

Hai mặt cuộc đời nối tiếp nhau.

 

Suy niệm Lời Chúa trong Tuần Thánh, để tìm hiểu lòng dạ con người trong thời gian từ Lễ Lá đến Thứ Sáu Tuần Thánh quả thật rất khó khăn, chẳng khác gì câu ca dao VN: “Dò sông dò biển dễ dò, Đố ai lấy thước mà đo lòng người.” Trong Tuần Thánh, Giáo hội cử hành mầu nhiệm cứu độ mà Chúa Ki-tô đã hoàn tất vào những ngày cuối cùng Người ở trần gian, từ lúc Người vào thành Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a đến cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người. Khởi đầu Tuần Thánh là Chúa nhật Lễ Lá, ngày lễ hôm nay gồm có hai phần: phần đầu là cuộc rước kiệu lá kính nhớ việc Chúa Ki-tô vào thành Giê-ru-sa-lem được dân chúng cầm cành lá thiên tuế và tung hô vang dậy. Phần thứ hai là thánh lễ tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa.

 

Trong một Chúa nhật tưởng niệm hai mặt trái ngược nhau của lòng người đối xử với Đấng Cứu Độ: Ngày đầu tiên Chúa vào thành thì được dân chúng và trẻ con Do Thái hát hò, tung hô vang lừng để đón chào Đấng Mê-si-a như một vị vua: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!" (Mc 11, 9-10). Nhưng chỉ vài ngày sau đó, thì cũng vẫn đám đông ấy, mặt đằng đằng sát khí hô vang: "Đóng đinh nó vào thập giá!" (Mc 15, 14). Hoan hô đó, và cũng đả đảo tức thì. Thế đấy! Có một nhận định có vẻ khó hiểu và khắc nghiệt: “Chúa nhật Lễ Lá và Thứ sáu Tuần Thánh phản ánh trung thực cuộc sống của Ki-tô hữu”. Tuy nhiên, bình tâm mà suy xét sẽ thấy nhận định ấy tuy khó hiểu và khắc nghiệt, nhưng lại rất chính xác. Nói cách cụ thể thì Chúa nhật Lễ Lá và Thứ sáu Tuần Thánh phản ánh đúng thực chất tâm trạng con người (nói chung), và cách riêng là các Ki-tô hữu.

 

Nhận định trên xem ra có vẻ khắc nghiệt thực sự, nhưng không xa sự thật chút nào. Cứ nhìn vào các Tông đồ tiên khởi thì đủ biết: Vì sao các ngài đi theo Đức Ki-tô? Vì tin tưởng Người chính là vị cứu tinh cho cuộc đời của mình và các ngài luôn sẵn sàng tuyên xưng niềm tin ấy. Cụ thể như Phê-rô khi nghe Đức Ki-tô hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" thì tuyên xưng liền: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16) và khi nghe Thầy tiên báo sẽ chối Thầy, thì ngay lập tức khẳng định chắc nịch: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy". Thực ra, cũng không chỉ có một mình Phê-rô đâu, mà "Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy" (Mt 26, 35). Như vậy thì chẳng phải là hoan hô đó sao? Nhưng đến khi Thầy gặp nạn thì  "Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết" (Mt 26, 56), còn Phê-rô thì lẽo đẽo theo sau và chỉ cần một tớ gái nhà Cai-pha nói: “Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy”, đã vội vàng thề độc tới 3 lần: "Tôi thề là không biết người ấy" (Mt 26, 71-74). Bỏ trốn hết, chối Thầy như vậy thì có khác gì đả đảo!

 

Ngày xưa thì như thế, ngày nay hẳn là còn hơn thế nữa là cái chắc. Vâng, tôi vừa mới hùa theo đám đông "hoan hô" một ông tổng thống, nhưng khi thấy ông tổng thống đó thất thế, bị phía đối lập phản đối, hạ bệ, tôi lại thấy cũng đúng, và cũng "đả đảo" liền. Đấy mới chỉ là nói về những sự kiện hữu hình xảy ra trên bình diện xã hội loài người, riêng về mặt tâm linh thì cũng "sêm sêm" (same same) và còn vượt trội nữa là khác. Trong khi tôi vừa ở toà hoà giải ăn năn sám hối về những lỗi phạm của mình, mới chỉ bước ra khỏi toà hòa giải vài bước, nếu gặp chuyện trái ý thì ngay lập tức nổi đoá văng tục liền (dù có thể chưa văng thành lời nói trên miệng, thì cũng thầm thĩ trong lòng); vừa mới rước lễ trong thánh lễ, ra khỏi nhà thờ gặp phải một "người bạn quấy rầy" thì lập tức "nộ khí xung thiên" bộc lộ bản chất thô lỗ ngay.

 

Ở Việt Nam tuy có gần 130.000 người chấp nhận cái chết chớ không chịu đả đảo Ki-tô (bước qua, đạp lên Thánh giá, bỏ Đạo), nhưng con số người sẵn sàng đạp lên Thánh giá (chớ đừng nói chỉ bước qua), sẵn sàng gỡ bỏ bàn thờ để chưng hình lãnh tụ (đả đảo Giê-su, hoan hô lãnh tụ), sẵn sàng ghi vào sơ yếu lý lịch là "không tôn giáo"... thì không hiểu còn đông gấp bao nhiêu lần? Ngay đến cả những người bề ngoài thi rất siêng năng đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện, nhưng chỉ cần một người nghèo khó (một hành khất chẳng hạn) đến "quấy rầy" thì ngay lập tức "Không có gì hết! Cút đi chỗ khác!" Than ôi! "Ngày xưa Ta khát..., Ta đói..., Ta trần truồng... Ta đau yếu..., Ta ngồi tù..." thì ngươi đã đối xử với Ta như vậy đó (Mt 25, 42)! Vậy thì ai hoan hô, ai đả đảo? Hoan hô và đả đảo có cách xa nhau không?

 

Quả thật Lời Chúa "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu!" (Mt 7, 21) chẳng xa sự thật chút nào. Vậy mà cảnh "ngôn hành bất nhất" vẫn tồn tại hoài, miệng thì không ngớt tung hô Chúa, nhưng trong lòng thì lạnh tanh, chẳng một chút cảm xúc. Thậm chí, ngoài miệng nói một đàng, trong lòng nghĩ một nẻo ("Bề ngoài thơn thớt nói cười, Mà trong nham hiểm giết người không đao" – Truyện Kiều – Nguyễn Du). Vừa mới hoan hô, tung hô Chúa nơi Thánh đường, về tới khu xóm đã hiềm khích, đố kỵ, ghen ghét với người này nguời khác, thậm chí cả với người thân trong gia đình, như thế thì nào có khác gì đả đảo Chúa?

 

Chính vì thế, nên cần học cách “xoay cái nhìn ra khỏi cái ‘tôi’ của mình” (1), đồng thời “ra khỏi chính mình” (2) để khám phá người ở cạnh mình và nhận thấy Thiên Chúa nơi khuôn mặt của anh chị em. “Xoay cái nhìn ra khỏi cái tôi” hoặc “ra khỏi chính mình” chính là làm theo lời dạy của Thánh Tông đồ dân ngoại: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật, vì đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại.” (Rm 13, 10). Tóm lại, khi bước vào Mùa Chay, người tín hữu cần xác định: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 19-20).

 

Xin hãy lắng nghe lời dạy của vị Cha Chung trong Sứ điệp Mùa Chay 2018: ”Nếu chúng ta nhìn vào thẳm sâu tâm hồn của mình và quanh chúng ta những dấu hiệu vừa nói trên đây (Những tiên tri giả, Một con tim nguội lạnh), thì Giáo Hội, là Mẹ và là Thầy của chúng ta, cùng với phương dược sự thật, nhiều khi là thuốc đắng, cống hiến cho chúng ta trong Mùa Chay này phương dược ngọt ngào là kinh nguyện, làm phúc bố thí và chay tịnh.

 

* Khi dành nhiều thời giờ hơn cho kinh nguyện, chúng ta sẽ để cho tâm hồn mình khám phá những gian dối bí mật chúng ta thường dùng để đánh lừa chính mình, để tìm kiếm sự an ủi trong Thiên Chúa là Cha và là Đấng muốn cho chúng ta được sống.

 

* Việc thực hành làm phúc bố thí giải thoát chúng ta khỏi sự ham hố và giúp khám phá tha nhân là anh chị em chúng ta: điều chúng ta sở hữu không phải chỉ là của chúng ta. Tôi ước mong việc làm phúc được biến thành lối sống đích thực của mỗi người! Tôi mong ước dường nào cho các tín hữu Ki-tô chúng ta theo gương các Tông Đồ và nhìn thấy qua sự kiện có thể chia sẻ thiện ích của chúng ta với người khác là một chứng tá cụ thể về tình hiệp thông mà chúng ta sống trong Giáo Hội.

 

* Sau cùng, việc chay tịnh giải tỏa bạo lực của chúng ta, và là cơ hội quan trọng để tăng trưởng. Một đàng chay tịnh cũng giúp chúng ta cảm nghiệm điều mà nhiều người khác đang thiếu thốn, thiếu những điều cần thiết và bị đói. Chay tịnh biểu lộ tình trạng tinh thần của chúng ta, đang đói khát lòng từ nhân và sự sống của Thiên Chúa. Chay tịnh thức tỉnh và làm cho chúng ta chú ý hơn đối với Thiên Chúa và tha nhân, thúc đẩy ý chí vâng phục Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn sự đói khát của chúng ta.”

 

Ối! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa ban Thánh Linh cho chúng con để chúng con có đủ dũng khí “xoay cái nhìn ra khỏi cái ‘tôi’ của mình”, ngõ hầu được ”tái sinh bởi nước và Thánh Linh” (Ga 3, 5); đồng thời giúp chúng con tái khẳng định quyết tâm vững vàng đáp ứng hoạt động của Ơn Thánh được làm môn đệ của Chúa. Cúi xin Chúa ban ơn cho chúng con nhìn ra được lẽ sống còn của chúng con không phải là con đường tối ngày chỉ biết hoan hô và đả đảo người khác, mà là phải biết cùng chịu đả đảo (cùng chịu đóng đinh) với Đức Ki-tô để được cùng sống lại (được tôn vinh) với Người (”Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống lại với Người” – Rm 6, 8). Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.

------------------------------

 

Chú thích:  (1) “Chúng ta học cách xoay cái nhìn ra khỏi cái ”tôi” của mình, để khám phá người ở cạnh chúng ta và nhận thấy Thiên Chúa nơi khuôn mặt của bao nhiêu anh chị em chúng ta. Đối với Ki-tô hữu, chay tịnh không hề có chiều kích duy nội tâm nào cả, nhưng cởi mở hơn đối với Thiên Chúa và những nhu cầu của con người, và biến tình yêu đối với Thiên Chúa cũng trở thành tình yêu đối với tha nhân (xc Mc 12, 31).” (Sứ điệp Mùa Chay 2011, số 3).

 

(2) “Tin Mừng không chỉ đơn giản là một ngôn từ, nhưng là một chứng từ yêu thương vô điều kiện và tín trung: đó là ra khỏi chính mình để đến gặp gỡ người khác, gần gũi với người bị cuộc sống làm thương tổn, là chia sẻ với người túng thiếu, là ở bên những ai đau yếu, già cả hay bị loại trừ.” (Sứ điệp Phục Sinh 2014). “Cách thứ hai, mỗi cộng đoàn Ki-tô hữu được kêu gọi ra khỏi chính mình để dấn thân vào đời sống của xã hội rộng lớn hơn mà mình cũng là thành phần, nhất là với những người nghèo và những người ở xa Giáo hội. Giáo hội tự bản chất là truyền giáo, Giáo hội không co cụm vào mình, nhưng được sai đến với mọi quốc gia và mọi dân tộc.” (Sứ điệp Mùa Chay 2015, số 2).