Mẹ Maria và trái tim diệu vợi
MẸ MARIA VÀ QUẢ TIM DIỆU VỢI
Thi thoảng, tôi nghe bài hát : trái tim ngục tù ! Và chắc mỗi người chúng ta cũng đã hơn một lần được nghe :
Anh đã gọi em, lời buồn chân mây
Anh đã chờ em, đến khi lá bay
Anh đã nhiều lần, bắt gặp mình trong gương
Chẳng hiểu vì sao, đời mình mãi lao đao
Xuân đến rồi đi, ngày tàn nắng ấm
Em đến rồi đi như con sóng ngầm
Anh đã một lần, một lần được biết yêu em
Để bây giờ, chỉ biết yêu em một mình
Trái tim ngục tù, trái tim ngục tù
Anh yêu em, anh yêu em cho đến ngàn thu
Đây là trải lòng của một tình yêu tưởng chừng xem ra như đẹp lắm nhưng khi suy nghĩ một chút, ta lại thấy tình yêu này có cái gì đó ai oán, có cái gì đó có thể nói là không bình thường. Và như vậy, tình yêu này là tình yêu có vấn đề và ta không nên cổ súy cho tình yêu ấy.
Tình yêu thương thật sự nó phải là tình yêu vô vị lợi, tình yêu bao la, nó phải chan hòa và nó phải mênh mông diệu vợi.
Thích và yêu ai đó nó hoàn toàn khác nhau.
Có thể ta nói ta thích một món ăn, ta thích một bản nhạc nhưng khi yêu một ai đó ta nói yêu. Thế nhưng cũng dễ lẫn lộn giữa thích và yêu một ai đó.
Thích người nào đó nhưng sẽ không yêu người đó vì như đồ vật khi thích. Còn yêu, đúng nghĩa là yêu cả thân phận người đó chứ không chỉ yêu cái dáng vẻ bên ngoài, yêu xác thịt, yêu cái vòng eo, vòng bụng và vòng mông ... Yêu thật sự là phải yêu cả cái thân cái phận của người mình yêu. Dù người mình yêu có thế nào đi chăng nữa mình vẫn yêu và vẫn thương cho đến cùng.
Những ngày này, những ngày lắng đọng bước theo Chúa Giêsu trên đỉnh đồi thập giá, ta thấy thấp thoáng đâu đó bóng hình của một người nữ, của một người mẹ đã yêu và yêu đến cùng. Người phụ nữ đã yêu thập giá, yêu cả con người bị treo trên cái cây gỗ ấy và yêu cho đến cùng, yêu cho đến giờ phút chót. Dù thân phận của người bị treo ấy có thế nào đi chăng nữa, có bị treo giữa 2 tên trộm cướp và bị liệt vào hàng tội nhân đi chăng nữa nhưng người nữ đó vẫn yêu và mãi yêu. Người nữ đó có tên là Maria.
Maria đã đứng gần và kề bên thập giá cho đến hơi thở cuối cùng. Và hơn thế nữa, Maria đã ôm chầm lấy xác người con yêu của mình. Dưới cái nhìn của trần gian và quân dữ, Maria ôm cả cái thân xác tội lỗi ấy vào người. Cũng đúng và cũng dễ hiểu vì lẽ người tội lỗi ấy chính là đứa con mà Mẹ 9 tháng cưu mang, 3 năm cho bú mớm. Trong giây phút bi đát đó, ngay cả các môn đệ thân tín nhất cũng đã rời xa và rồi chỉ còn mình Mẹ và người môn đệ Chúa yêu ở lại. Tại sao Mẹ lại ở lại với Chúa Giêsu trong giây phút bi đát nhất của cuộc đời ? Ta chỉ có thể hiểu được tình yêu ấy khi chiêm ngắm để rồi khám phá ra cuộc đời, cõi lòng, tâm tư của Đức Trinh Nữ Maria.
Tình yêu của Mẹ Maria xem ra toàn là trái đắng !
Từ lúc nhận lời thưa tiếng “xin vâng” Mẹ đã ôm Trái Đắng vào đời mình. Đơn giản nhất là mém một chút là Giuse từ bỏ và sẽ đón nhận cái chết đến bất cứ lúc nào.
Rồi khi Giuse đón về ở, chưa được bao lâu thì đến ngày nở nhụy khai hoa. Maria lại cùng Giuse đi đăng bộ hộ khẩu. Đường xa thăm thẳm và đến ngày nở nhụy khai hoa. Tiền không có mà bạc cũng không. Thế là bị người ta đẩy ra ngoài đồng ở trong máng cỏ lừa chiên.
Chưa hết đau khổ, khi đi lên Đền Thờ dâng tiến con theo luật Môsê thì được ngay ông Thánh Simêon nói tiên tri cùng Đức Mẹ : Một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn bà.
Khi về nhà thì được báo mộng Mẹ đem Đức Chúa Giêsu trốn sang nước Aicập để tránh khỏi lưỡi gươm khắc nghiện của Hêrôđê
Một lần đau đớn nữa khi lên Đền Thờ dâng Lễ thì Chúa Giêsu bị lạc mất và tưởng chừng như vô vọng. May mắn thay 3 ngày sau tìm được lại con yêu của mình.
Còn cảnh đau đớn nào hơn khi chính núm ruột mà mình sinh ra lại vác cây Thánh giá. Con mình bị liệt vào hàng trộm cướp thật đớn đau.
Và, đau đớn nhất có lẽ là khi Mẹ đứng kề Thánh giá để nhìn thấy Đức Chúa Giêsu là Con rất yêu dấu khi trút linh hồn.
Đau đớn khi Mẹ ẵm kính đứa con yêu của mình.
Và sau cùng, ngậm ngùi chia cách khi thấy các môn đệ táng xác con của mình vào huyệt mộ.
Ta thử hỏi và thử tìm ra lý do tại sao Mẹ lại can trường đến như vậy ? Phải chăng Mẹ có sức mạnh hay có người nào đó trợ lực cho Mẹ ? Thưa có ! Mẹ có chiếc chìa khóa vạn năng để đón nhận tất cả những đau đớn, những gai góc trong cuộc đời của Mẹ do đời sống tĩnh lặng của Mẹ. Trong tĩnh lặng, Mẹ khám phá ra Thánh Ý Chúa và thực thi Thánh Ý Chúa.
Mẹ cũng sống cùng thời với dân Do Thái thời Chúa Giêsu. Thế nhưng Mẹ khác với Dân Do Thái về lối nhìn, về cách sống.
Dân Do Thái đã hình dung, đã vẽ nặn lên cho mình hình ảnh một Đấng Mêsia đến trong trần gian này uy nghi lẫm liệt và sẽ làm cho dân Do Thái hơn bao dân khác. Chính vì những định kiến như vậy, họ đã không có cái nhìn đúng về Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa làm người. Khi họ sai định kiến thì họ sẽ kéo theo những hành động sai. Từ cái sai nhỏ họ đi đến cái sai lớn là giết Đức Giêsu. Còn Mẹ Maria, trong tĩnh lặng, Mẹ cứ từ từ đón nhận Thánh ý Chúa trên đời của Mẹ.
Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói :
Hoa trái của tĩnh lặng là cầu nguyện
Hoa trái của nguyện cầu là niềm tin
Hoa trái của niềm tin là hạnh phúc
Hoa trái của hạnh phúc là tình yêu thương
Khởi đi từ tĩnh lặng đến cầu nguyện và cuối cùng là yêu thương để rồi Mẹ Maria đã yêu và yêu cho đến cùng.
Nhìn lại cuộc đời nhân loại, nhìn lại bản thân chúng ta ngày hôm nay, chúng ta sẽ khám phá ra rằng chúng ta đã sống ngược lại những gì Mẹ Maria đã sống để rồi chúng ta thường ai oán hơn là mến thương.
Cuộc đời, chính vì không bằng lòng những gì người ta có để rồi người ta quay quắt trong khổ đau, trong phiền muộn.
Nhìn lên mình không bằng ai nhưng nhìn xuống mình may mắn hơn nhiều người.
Mỗi buổi sáng, mình còn thức giấc đó là ân huệ vô cùng to lớn mà Chúa thương ban. Thế nhưng mình không khám phá ra tình thương Thiên Chúa dành cho mình và mình lại quay quắt.
Chúng ta đã đánh mất đi sự thinh lặng mà Mẹ Maria đã có để rồi kéo theo biết bao nhiêu chuyện nham nham nhở nhở.
Nay đi Đức Mẹ La Vang, mai đi Đức Mẹ Ta pao, mốt đi Cha Bửu Diệp ...
Đi chỗ này chỗ kia không phải là xấu, nhưng đến những chỗ đó, ta xin gì. Tất cả nhờ Mẹ đến với Chúa, nhờ Cha Bửu Diệp đến với Chúa.
Cuộc đời Cha Bửu Diệp cũng là cuộc đời đớn đau nhưng Ngài đã theo Chúa đến cùng và đổ máu đào. Có ai đến với Cha Bửu Diệp để xin cho con được vác thập giá như Cha hay không ? Hay toàn xin ơn này ơn kia cho đời sống vật chất xem ra mình thiếu. Thiếu hay đủ do mình chứ không phải do Cha Bửu Diệp hay do Chúa ?
Đến với Mẹ cũng vậy, ta có xin Mẹ cho ta nhìn lên Mẹ để sống đời yêu thương thập giá như Mẹ đã sống hay không ? Hay lại đòi ơn này ơn kia. Khi không đủ được nhu cầu, ta lại đi tìm Đức Mẹ khác để cho đủ ơn.
Ngày hôm nay, dừng chân lại dưới chân thập giá, hẳn nhiên là ta Tôn Thờ con người chịu treo trên Thập Giá nhưng chúng ta cũng không quên chiêm ngưỡng và tôn kính Mẹ Maria đứng kề bên thập giá để học hỏi những nhân đức của Mẹ nhất là nhân đức đón nhận khổ đau. Ta xin Mẹ thương thêm ơn cho ta để ta có một tâm hồn tĩnh lặng để ta sống với Chúa, để từ tĩnh lặng ta có Hoa trái của nguyện cầu là niềm tin và rồi hoa trái của niềm tin là hạnh phúc và hoa trái của hạnh phúc là tình yêu thương. Xin cho ta một con tim yêu mến Chúa một cách hết sức chân thành như Mẹ.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: