Vượt qua chính mình
VƯỢT QUA CHÍNH MÌNH
(CN PHỤC SINH)
Khi chia sẻ Lời Chúa trong Lễ Phục Sinh, bất cứ ai cũng hay nhắc đến Đêm Canh Thức Vượt Qua. Đó là thời điểm quan trọng đánh dấu cuộc vượt qua vô cùng kỳ diệu của Đức Giê-su Ki-tô. Suy niệm về Đêm Canh Thức, kẻ viết bài này thường hay liên tưởng tới đêm cuối năm. Đêm cuối cùng của một năm được gọi là Đêm Trừ Tịch, còn được gọi là đêm Giao Thừa. Đêm Trừ Tịch là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành sẽ đến và tiễn đưa năm cũ. Giao thừa (交 承 : cũ giao lại, mới tiếp nhận) là thời điểm chuyển tiếp giữa ngày cuối cùng của năm cũ sang ngày đầu tiên của năm mới.
Dương lịch coi Giao thừa là thời điểm chấm dứt năm cũ (24 giờ ngày 31/12) và đón mừng năm mới vào đúng thời điểm 00 giờ 00 ngày 01/01. Âm lịch gọi thời điểm Giao thừa là giây phút “Tống cựu nghinh tân” 送 舊 迎 新 (tiễn cũ đón mới). Đây là một trong những buổi lễ quan trọng trong tập quán, văn hóa của nhiều dân tộc. Dân tộc Việt Nam có tập tục truyền thống cứ mỗi khi Xuân về Tết đến là tổ chức lễ Giao Thừa rất long trọng đón mừng Năm Mới. Tính cách giao thừa (cũ giao mới nhận) giống hệt thời khắc Vượt qua cuộc khổ nạn, đón mừng hồng phúc Phục Sinh. So sánh như vậy cho dễ hiểu chớ thực tình Đêm Canh thức quan trọng hơn nhiều, vì đó là “Đêm Thánh mẹ của mọi đêm Thánh” (Thánh Au-gus-ti-nô).
Giáo hội đã ấn định trước khi cử hành đại lễ Phục Sinh, phải cử hành đêm Canh Thức. Đêm Canh Thức Phục Sinh là đêm trọng nhất và là đỉnh cao nhất trong Năm Phụng Vụ. Sở dĩ vậy vì lễ Phục Sinh tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Giê-su Ki-tô, tựa như Dân Chúa thời Cựu Ước ra khỏi đất Ai-cập, vượt qua Biển Đỏ, trở về Đất Hứa. Sách Xuất Hành đã ghi nhận: “Đó là đêm ĐỨC CHÚA canh thức để đưa họ ra khỏi đất Ai-cập; đêm đó thuộc về ĐỨC CHÚA, đêm canh thức của toàn thể con cái Ít-ra-en, qua mọi thế hệ.” (Xh 12, 42). Cũng bởi vì trong Đêm Canh Thức, Giáo hội trông đợi Chúa Phục Sinh và cử hành các bí tích khai tâm Ki-tô giáo. Đêm nay trong bầu khí trang trọng này, Giáo hội mừng Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô Phục Sinh, mầu nhiệm căn bản của Ki-tô giáo. Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Nếu Đức Ki-tô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống.” (1Cr 15, 14.22)
Sách “Những Quy luật tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch – Normae de Anno liturgico et Calendario” (số 18-21) đã giải thích về Tam nhật Vượt Qua và lễ Phục Sinh: “Chúa Ki-tô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, nhất là nhờ mầu nhiệm Phục sinh của Người. Nhờ đó, Người đã chết để tiêu diệt sự chết của chúng ta và sống lại để khôi phục sự sống cho chúng ta. Chính Tam nhật Phục sinh, nhằm tưởng niệm cuộc thương khó và Phục sinh của Chúa, sáng chói lên như tột đỉnh của cả năm phụng vụ. Cũng như trong tuần lễ, Chúa nhật là ngày trọng đại, thì trong năm phụng vụ, lễ Phục Sinh là lễ trọng đại nhất. Tam nhật Vượt Qua tưởng niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa. Cuối Tam nhật Vượt Qua là Đêm Canh Thức Phục Sinh: Lễ Canh Thức Phục sinh, trong đêm thánh Chúa sống lại, được coi là "Mẹ của mọi lễ Canh Thức". Trong lễ Canh thức này, Hội Thánh canh thức để mong đợi Chúa Ki-tô sống lại và cử hành mầu nhiệm Phục sinh ấy trong các bí tích.”
Quả thật “Toàn thể truyền thống Ki-tô Giáo luôn nhìn nhận buổi canh thức này mang tính chất trông đợi cuộc quang lâm cánh chung của Chúa" (sách “Những ngày lễ Công Giáo 2018”, tr. 72-73). Cuộc Thương khó của Chúa Giê-su Ki-tô chính là cuộc Vượt Qua tội lỗi và cái chết của loài người để hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại. Như vậy cũng có thể nói Chúa Ki-tô đã vượt qua chính mình, tiêu diệt sự chết, phục hồi sự sống (phục sinh) vậy. Vượt qua chính mình ư? Thoạt nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng nghĩ cho kỹ, suy cho cùng, thì đó lại là một việc làm thiên nan vạn nan. Ngay chính Đức Giê-su với bản tính loài người, thì Người cũng khó lòng vượt qua được chính mình trong cuộc khổ nạn. Sở dĩ Người vượt qua được, là nhờ bản tính Thiên Chúa đã có sẵn trong Người.
Với bản tính Thiên Chúa thì cuộc vượt qua của Đức Ki-tô không có gì là khó khăn cả, nhưng với bản tính loài người thì không phải là chuyện dễ dàng. Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, nhưng với bản chất con người bình thường như mọi con người trên thế gian, thì Người cũng đổ cả mồ hôi máu ra nơi vườn Ghết-sê-ma-ni khi nghĩ đến cuộc khổ nạn mà Người phải vượt qua, thậm chí Người còn cầu xin cùng Chúa Cha cho khỏi phải chịu sự thương khó ấy (“Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy." Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này." – Mt 26, 37-39). Tuy nhiên, với bản tính Thiên Chúa thì Người lại thưa: “Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha." (Mt 26, 39).
Đặt một giả thiết, nếu Đức Giê-su không vượt qua được bản tính con người với cuộc thương khó không một phàm nhân nào có thể tưởng tượng ra được (chớ đừng nói là có thể vượt qua), thì liệu Người có được “Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Ki-tô sống lại từ cõi chết” (Rm 8, 11) không? Quả thật là không đơn giản chút nào để có thể vượt qua được chính mình. Xin đơn cử một ví dụ nhỏ: Trên đường đi gặp một con sông chắn ngang trước mặt, muốn vượt qua nó tôi phải làm sao? Tiên vàn thì phải có được quyết tâm, có được can đảm, dũng khí. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, mà còn cần phải rèn luyện được kỹ năng (bơi lội, cách thức chống chọi với sóng gió…), rồi còn phải trang bị cho mình những phương tiện (bè mảng, ghe thuyền). Rèn luyện kỹ năng thì có thể tự mình làm được, nhưng cũng cần phải có người chỉ bảo hướng dẫn, kết quả mới khả quan; đến như những phương tiện thì chắc chắn phải cậy dựa vào tha nhân mới có được. Tóm lại, dù có đầy đủ quyết tâm và dũng khí (chủ thể), nhưng vẫn rất cần phải có sự trợ giúp từ bên ngoài (khách thể).
Vượt qua một chướng ngại vật thiên nhiên còn như thế, huống hồ là vượt qua được những thử thách của siêu nhiên, vượt qua được chính mình. Hoá cho nên vấn đề đặt ra với Ki-tô hữu khi bước vào Tuần Thánh, chuẩn bị cử hành Tam Nhật Vượt Qua, không chỉ là tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su Ki-tô và ăn mừng Lễ Phục Sinh đánh dấu mầu nhiệm Vượt Qua vinh hiển của Người; mà còn là làm sao vượt qua được chính mình trên hành trình dương thế, ngõ hầu tiến về được quê Trời vui hưởng hạnh phúc đời đời. Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể đạt được ước vọng đó khi chúng ta được “cùng chết với Đức Ki-tô”. Và chỉ có “cùng chết với Đức Ki-tô” thì mới được “cùng sống lại với Người”.
Cụ thể hơn, phải vượt qua được bản chất “sợ chết” (tham sinh uý tử) cố hữu của con người. Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi loài người, vậy thì tại sao loài người lại không sẵn sàng chết vì tội lỗi của chính mình, để hy vọng được thực sự “sống lại” trong Nước Trời vinh quang. Hệ luận tất yếu phải là “cùng chết với Đức Ki-tô” (VƯỢT QUA CHÍNH MÌNH) để được “cùng sống lại với Người” (PHỤC SINH VINH HIỂN). Đơn giản chỉ có vậy, tuy nhiên muốn thực hành có hiệu quả thì điều tất yếu phải biết cậy dựa vào Thần Khí Chúa, cũng chẳng khác khi vượt qua một chướng ngại vật thiên nhiên phải cậy nhờ vào sự trợ giúp của tha nhân vậy (“Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Ki-tô sống lại từ cõi chềt, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” – Rm 8, 11).
Nghi thức Đêm Canh Thức Vượt Qua được sắp xếp theo 4 bước :
1- Thắp nến Phục Sinh (quen gọi là làm phép lửa): đem ”Ánh sáng Chúa Ki-tô” chiếu toả vào tận nơi sâu thẳm của cung lòng mỗi Ki-tô hữu;
2- Phụng vụ Lời Chúa: suy niệm những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho dân Người từ khởi nguyên đến tận cùng (alpha => omega);
3- Phụng vụ Thánh Tẩy (quen gọi là làm phép nước): Cộng đoàn Dân Chúa đón nhận những anh chị em tân tòng và cùng đồng thanh lặp lai lời cam kết khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy;
4- Phụng vụ Thánh Thể: Toàn thể Hội Thánh được mời vào bàn tịêc (“đồng bàn - ) trong đời sống mới mà Chúa đã dọn sẵn thông qua sự chết và phục sinh vinh hiển của Người (”Anh em không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao? Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật mà ăn mừng đại lễ” – 1Cr 5, 6-8).
Tóm lại, “Trong Đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta sẽ tưởng niệm một lần nữa nghi thức rước ánh sáng của ngọn nến Phục Sinh. Được thắp lên từ “ngọn lửa mới”, ánh sáng này sẽ dần vượt qua bóng tối và thắp sáng cộng đoàn phụng vụ. “Nguyện xin ánh sáng Đức Ki-tô vinh hiển chiếu giãi ánh sáng của Người để phá tan bóng tối đang bao phủ lòng trí chúng ta.” , và có thể cho chúng ta sống lại kinh nghiệm của các môn đệ trên đường Emmau. Bằng cách lắng nghe Lời Chúa và nhận lãnh của ăn từ bàn tiệc Thánh Thể, xin cho tâm hồn chúng ta ngày càng hăng hái trong đức tin, đức cậy và đức mến.” (Sứ điệp Mùa Chay 2018).
Mỗi năm chỉ có một Mùa Chay với 40 đêm ngày hãm mình ép xác, ăn năn sám hối. Mỗi Mùa Chay cũng lại chỉ có một lần cử hành Tam Nhật Vượt Qua. Ngoài ý nghĩa trọng đại của Tam Nhật Vượt Qua cô đọng trong đêm Canh Thức Vượt Qua như đã dẫn trên, người tín hữu cần nghĩ thêm rằng mình phải thực hành (không chỉ là cử hành) cho kỳ được công cuộc vượt qua được Mùa Chay của bản thân, của cuộc đời mình. Và nhất là làm thế nào để mỗi năm thêm một lần ghi dấu được cuộc vượt qua chính mình bằng một cái mốc thời gian trong cuộc đời.
Phải sống làm sao cho đúng với ý nghĩa “sống là chấp nhận vượt qua, vượt qua mọi cám dỗ ngọt ngào, mọi đam mê thấp kém, vượt qua mọi gian lao nguy hiểm, mọi thử thách nghiệt ngã – vượt qua được chính mình”. Cuộc sống không chỉ là mỗi năm một lần cử hành Tam Nhật Vượt Qua trong giới hạn 3 ngày, mà phải là thực hành liên lỉ cuộc “Bách Niên Vượt Qua” trong suốt cả trăm năm trần thế, cho đến ngày tới được cùng đích của cuộc đời. ”Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại.” (Rm 6, 5). Ước được như vậy.
Ôi! Lạy Chúa! Con biết nếu con vượt qua được chính mình để cùng chết với Chúa, con sẽ được sống lại trong Ngài. Nhưng con cũng biết rõ, với con người mỏng giòn yếu đuối, con không thể thực hiện được cuộc vượt qua vô vàn khó khăn đó. Lạy Chúa Ki-tô! Chúa đã sống lại thật như Lời đã phán hứa. Xin cho chúng con ”được trỗi dậy cùng với Chúa”, để chúng con biết ”tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Chúa đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha”, xin giúp chúng con luôn ”hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. Chúng con luôn cầu mong chúng con ”đã chết, và sự sống mới của chúng con hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô” và ”Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng con xuất hiện, chúng con sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.” (Cl 3, 1-4).
Ôi! Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh! Con tha thiết khẩn cầu Chúa ban Thần Khí cho con – như xưa Chúa đã ban cho các Tông đồ tiên khởi của Giáo hội trong ngày Lễ Ngũ Tuần – để con có thể vượt qua được chính mình, ngõ hầu được cùng chết và cùng sống lại với Chúa trong ngày cánh chung. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen. Alleluia! Alleluia!
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: