Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần

Tác giả: 
Nguyễn Văn Nội

 

 

“ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN’’

CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG NĂM B (20/05/2018)

[Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3a-7.12-13); Ga 20,19-23]

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ       

 

Đối với các Ki-tô hữu thì việc đón nhận Thánh Thấn của Thiên Chúa là vô cùng quan trọng, vì không ai có thể sống đời sống đức tin cậy mến mà không có Thánh Thần. Vì thế mà lời mời  “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” của Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh dành cho các Tông Đồ và tất cả các Ki-tô hữu là lời mời chan chứa ân tình. 

 

Có Thánh Thần các Ki-tô hữu mới có thể sống tư cách môn đệ Chúa Ki-tô trong các môi trường gia đình, nghề nghiệp và cộng đồng xã hội của mình. Đã đành mỗi Ki-tô hữu đã đón nhận Thánh Thần ngày người ấy chịu phép Rửa. Nhưng phải nói là mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng…, các Ki-tô hữu cần phải nhận lấy Thánh Thần của Chúa Ki-tô Phục Sinh, để được đổi mới liên tục và làm chứng cho Niềm Tin của mình.

 

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

 

2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 2,1-11): Ai nấy đều được tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng.

 

1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

 

5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? 8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? 9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10 có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; 11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa! "

 

2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 12,3a-7.12-13): Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng  một Thần Khí để trở nên một thân thể.

 

3 Thưa anh em, không ai có thể nói rằng: "Đức Giê-su là Chúa", nếu người ấy không ở trong Thần Khí. 4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. 5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. 7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.

 

12 Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. 13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.

 

2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 20,19-23): Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.

 

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! " 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

 

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa:    

 

1°) Bài đọc 1 (Cv 2,1-11) là bài tường thuật của Sách Công vụ Tông Đồ về biến cố xảy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần là một lễ lớn của người Do Thái, một thời gian sau Lễ Vượt Qua. Biến cố được kể lại là sự “hiện xuống” của Thánh Thần Thiên Chúa trên các môn đệ Chúa Giê-su. Chúa Thánh Thần được nhìn thấy giống như những lưỡi lửa. Chúa Thánh Thần đổ xuống trên từng người và tràn ngập tâm hồn họ khiến những người này nói các thứ tiếng không phải ngôn ngữ của mình mà người nghe (bất kể thuộc ngôn ngữ nào) đều hiểu được điều các tông đồ nói.

 

2°) Bài đọc 2 (1 Cr 12,3a-7.12-13) là một đoạn của thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô trong đó trước hết Thánh Phao-lô Tông đồ khẳng định tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống của người Ki-tô hữu; kế đến ngài giảng giải về các đặc sủng phong phú và khác nhau mà Chúa Thánh Thần ban cho bất kỳ tín hữu nào cũng nhằm ích lợi chung của Hội Thánh là Thân Mình mầu nhiệm Chúa Ki-tô; và sau cùng ngài kết luận về tính hiệp nhất của cộng đoàn kẻ tin: “Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.

 

3°) Bài Tin Mừng (Ga 20,19-23 ) là tường thuật của Thánh Gio-an Tông đồ về lần hiện ra đầu tiên của Chúa Giê-su Phục Sinh với các môn đệ vào chiều ngày thứ nhất trong tuần. Trước hết Chúa Giê-su cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn là dấu tích của cuộc Khổ Nạn ba ngày trước đó. Kế tiếp Chúa Giê-su chúc bình an cho các môn đệ và giao cho các ông sứ mạng rao giảng Tin Mừng Cứu Độ mà Người đã nhận từ Thiên Chúa Cha. Và sau cùng Chúa Giê-su ban Thánh Thần và quyền tha tội cho các môn đệ của Ngài.

 

3.2 Sđiệp của Lời Chúa:    

 

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là Thánh Thần của Chúa Giê-su (cũng là Thần Khí của Thiên Chúa) đã được ban cho các tín hữu là môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng đã chết và phục sinh. Vậy việc quan trọng nhất là chúng ta hãy nhận lấy Thánh Thần như chính Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh mời gọi: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”

 

Thánh Thần Thiên Chúa sẽ củng cố và đổi mới niềm tin Ki-tô của mỗi người và sẽ gắn kết mọi người thành một cộng đoàn hiệp nhất. Thánh Thần sẽ ban sức mạnh cần thiết để mọi người thực hiện sứ mạng rao giảng, làm chứng cho Tin Mừng và phục vụ con người như chính Chúa Giê-su Ki-tô đã thực hiện và mời gọi các môn đệ làm theo.

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY

 

4.1 Sống với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, Đấng thực hiện mọi công trình tạo dựng, cứu độ và thánh hóa các tín hữu và ban cho họ tràn đầy ân sủng mà làm vinh danh Thiên Chúa và xây dựng Hội Thánh là Cộng đoàn của Chúa Ki-tô Phục Sinh.  

 

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là chúng ta mở lòng, mở trí, mở linh hồn và cuộc sống của chúng ta để Chúa Thánh Thần ngự vào và tự do hoạt động, bằng hai cách:

 

(a) Nỗ lực canh tân đời sống, xây dựng sự hiệp thông trong cộng đoàn, dùng những ơn huệ Chúa Thánh Thần đã ban, nhất là những đặc sủng, mà phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa và Hội Thánh.

 

(b) Thực hiện những gợi ý, soi sáng, thúc đẩy của Chúa Thánh Thần mà chúng ta nhận được, khi chúng ta cầu nguyện, dâng thánh lễ, nghe giảng, đọc Thánh Kinh, tĩnh tâm và tiếp xúc với người nghèo.

 

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI & HỘI THÁNH  

 

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

 

5.1  “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.”  Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người trong thế giới hôm nay để họ nhận ra dấu chỉ của Thiên Chúa trong đời sống cá nhân và xã hội mà tin vào Thiên Chúa.

 

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

 

5.2  “Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.”  Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi thành phần Dân Chúa được tràn đầy Thánh Thần mà nói Lời Chúa cho những người xung quanh. 

 

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

 

5.3 “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy biết mở lòng mở trí nhận lấy Thánh Thần của Chúa Ki-tô Phục Sinh.

 

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

 

5.4 “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị lãnh đạo trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội, để các vị ấy biết thực thi quyền bính của mình, cách bao dung và nhân ái, mà đem lại sự bình an và hạnh phúc cho mọi người.

 

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.                                           

Sàigòn ngày 12 tháng 05 năm 2018