Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Buồn vui chuyện thuyên chuyển

Tác giả: 
Người Giồng Trôm

 

 

BUỒN VUI CHUYỆN THUYÊN CHUYỂN

 

          Cuối ngày thường huấn, Em nhắn tin cho tôi em sẽ về ở miền đất mà chẳng ai mong muốn đến. Quả thế, vùng đất đó như cảm nghĩa của chính người dân địa phương ở đó là “lành thì ít – mà dữ nhiều”. Chẳng biết nói chi với em nữa, chị vội nhắn đôi chữ cho Em : “Xin Chúa luôn ở cùng Em”.

 

          Đời tận hiến dù Triều hay Dòng, dẫu biết rằng sẽ mãi mãi không bao giờ được chọn và lựa như lời tuyên hứa vâng phục “Giám Mục hợp pháp” nhưng rồi khi cầm tờ giấy mà ngôn từ người ta hay gọi là “Bài sai” ấy thì có kẻ khóc cũng có người cười. Và, dường như cười thì ít mà khóc thì nhiều nên người ta cũng hay dí dỏm với nhau : Quả thật ! Đó là bài sai chứ không phải là bài đúng.

 

          Quả nhiên, con người, ai ai cũng muốn chọn cho mình miền “đất hứa” nhưng rồi trong thực tế lại gặp phải những chỗ đắng cay. Có những vị mục tử đã được con chiên “chiên” mình giòn đến độ ra đi không một lời từ giã. Và, có những chỗ khi ra đi chẳng hiểu sao dòng lệ cứ tuôn tràn.

 

          Có những người khi cầm bài sai mà lòng cứ quắn lại và không nói nên lời nhưng vì đức vâng phục cứ phải bước đi. Ngược lại, có những người thấy như mình được “trúng số” khi được gửi về một nơi mà người ta gọi là “gà đẻ trứng vàng”.

 

          Thế nhưng rồi, cái gì nó cũng có cái giá của nó đó thôi. Ở cái xứ mà sung sướng quá xem ra dễ hư người và cơ hội nên thánh càng khó hơn khi ở cái xứ thiếu thốn trăm bề.

 

          Dưới con mắt của người đời, tội thay cho những linh mục ở những xứ nghèo xứ khổ nhưng trong niềm tin và trong ơn Thánh thì đó lại là nơi thanh luyện cũng như tiến trình nên thánh của đời tu được dễ dàng hơn. Ở cái nơi mà không thiếu thốn gì cả và cơm dư gạo thừa cũng như “ngày ngày yến tiệc linh đình” e rằng cơi hội thành thánh trở nên quá khó hay mù mịt.

 

          Nhìn vào cuộc đời của mục tử, xem ra không “dễ ăn” như nhiều người nghĩ. Có những bữa cơm chan hòa dòng lệ mà ngay như chính thân phụ mẫu sinh ra mình cũng không hề biết vì con không bao giờ về kể lại cho cha mẹ nghe những chuyện cay đắng ấy vì sợ cha mẹ buồn. Giản đơn rằng đời linh mục chả phải làm “dâu” cho 2 họ như bao nàng dâu bình thường khác nhưng lại là làm dâu cho cả trăm họ.

 

          Thế nhưng, ở đời làm sao có thể “mua vui” được cả và thiên hạ. Đơn giản là “9 ngườ 10 ý” và “ở rộng người cười, ở hẹp người chê”.

 

          Chưa hết ! Chẳng may về xứ đạo nào đó mà tình hình giáo dân ở đó khá êm ả không bè không cánh thì còn thuận buồm xuôi gió chứ nếu rủi thay về cái xứ mà 5 phe 7 nhóm thì coi như ăn cho bằng hết.

 

          Xét cho bằng cùng, đời linh mục cũng như bao con người khác, cũng chỉ cơm ngày 3 bữa chứ chả kém chả hơn. Và, trong cái thân phận làm người làm sao tránh khỏi những va vấp của phận người. Thành công thì soi mãi người ta cũng không thấy nhưng lỡ làng một chút mảy may thì tràn đầy trên các trang mạng.

 

          Tâm lý của con người, chả cứ phải nhà tu rằng cứ muốn ở yên một chỗ nếu như chỗ đó đã êm ấm. Thế nhưng rồi tới kỳ tới hạn cũng phải ra đi. Và, nơi đến vẫn là con số bị ẩn bởi tâm lý đón tiếp của 2 bên. Vui vẻ thì cha con xum vầy với nhau, còn không thì cha thì cha cũng phải chết.

 

          Mỗi năm, đâu đó ta vẫn thấy bảng lịch thuyên chuyển có khi là công khai hay có khi là ẩn kín nhưng dù sao đi chăng nữa thì bên dưới của công khai hay ẩn kín đó vẫn đầy ắp tiếng khóc hay nụ cười.

 

          Thật vậy, trong niềm tin và đặc biệt sự tín thác vào Chúa thì vị linh mục đã tuyên hứa hãy hân hoan lên đường vì luôn xác tín rằng bạn Giêsu vẫn bê đời mình.

 

          Gọi là may mắn nếu như đến nhiệm sở nào đó mà cha con cùng hòa thuận với nhau để cùng nhau gánh vác chia vui sẻ buồn. Còn nếu như kém may mắn thì ta hãy coi như là bài học thử thách về sự chịu đựng và kiên nhẫn của ta. Có khi ẩn dưới những đau khổ ấy Thiên Chúa lại tôi luyện con người của ta.

 

          Vị linh mục khôn ngoan, thông minh và sáng suốt chắc có lẽ nhìn đời và giáo dân chỉ bằng 1 con mắt thôi. Con mắt còn lại nhìn về chính bản thân của mình để cân chỉnh sao cho hợp lề hợp thói.

 

          Hành trình tiến về Quê Trời thì bất cứ ai dù là tu sĩ hay linh mục hay giáo dân, ai ai cũng phải trải qua thời gian thanh luyện ở đời này.

 

          Chuyện kể rằng có một vị linh mục kia, khi nhận được bài sai về cái xứ “khỉ ho cò gáy” thì ban đầu linh mục ấy giận và có chút gì đó ai oán vị Cha Chung. Thế nhưng rồi, vài năm sau đó khi “quen nước quen cái” rồi và nhất là trong thinh lặng với Chúa, vị linh mục đó lại thầm tạ ơn Chúa và cảm ơn Đức Cha đã đưa mình về “đúng chỗ”. Nếu như cứ để mãi ở cái xứ phồn hoa đô thị và cơm bưng nước rót thì e rằng được phần xác mà mất phần hồn.

 

          Cũng chả cần nói dài lời, người đời mà được phần xác để mất phần hồn cũng là eo lé lắm rồi chứ còn người tu mà mất tất cả thì e rằng cũng đáng uổng công.

 

          Hẳn nhiên là con người, chẳng ai muốn đến nơi mà mình không muốn đến nhưng suy cho bằng cùng, người môn đệ đích thực của Thầy Chí Thánh Giêsu là người vác thập giá đời mình theo chân Chúa mỗi ngày trong cuộc đời. Không những thế mà hơn những thế là phải  rập đời mình theo mầu nhiệm Chúa Kitô như lời Đức Cha tấn phong ngày lãnh thánh chức linh mục. Và như vậy, dù có khó khăn, gian nan cỡ nào đi chăng nữa cũng không hề đi ra ngoài tiến trình thập giá gian nan. Linh mục cũng hãy nên nhớ rằng căn cốt đời Kitô hữu vẫn là : “Qua thập giá mới đến vinh quang”.

 

          Với tất cả tâm tình đó, suy nghĩ đó thì dù đi đến đâu và có khó khăn khổ cực như thế nào, xin các vị cứ hãy nhìn lên Chúa Giêsu – Đấng đã sống cho tình yêu và chết cho tình yêu và cứu những người có tội – nhưng rồi những người có tội vẫn vui vẻ và cam lòng đâm thâu cái Đấng mà chịu chết đền tội cho họ đó thôi. Và như vậy, cứ hãy lên đường hân hoan như Thầy Chí Thánh hân hoan lên Giêrusalem để chịu đau khổ và chịu chết.

 

          Trong niềm tin và xác tín rằng vinh quang ở đàng sau cây thập giá thì các vị cứ hân hoan mà tiến bước.

 

          Chuyển đi đâu thì chuyển, với Sài Gòn thì “chịu khó” về Bình Hưng Hòa nằm đó chừng vài tiếng là xong.

 

          Chuyển đâu thì chuyển, với Vĩnh Long thì “chịu khó” ra Tân Ngãi nằm đó thôi chứ cũng chả có chọn lựa nào khác.

 

          Chuyển đi đâu thì chuyển, với Bà Rịa thì “chịu khó” ra Long Hương hay cùng lắm nằm đâu đó ở phần mộ dành cho các linh mục thôi chứ hơi đâu mà lo toan tính toán.

 

          Giám mục hay linh mục chuyển đi đâu thì chuyển nhưng không thoát khỏi cái nhà quàn chừng vài ngày rồi cuối cùng cũng về nơi lòng đất Mẹ chờ ngày Phục Sinh với Chúa mà thôi.

 

          Và, trước khi kết đôi ba tâm tình buồn vui chuyện thuyên chuyển, xin các cha hãy nhìn lên và nhìn lại cuộc đời của vị bổn mạng các cha Sở là Cha Sở họ Ars. Hãy cứ nhìn lên gương sống của Gioan Maria Vianney để ta khám phá ra đời tận hiến của ta : Cứ cố gắng hết sức mình và nhất là sống đời sống thánh thiện đạo đức, còn mọi chuyện chúa sẽ lo toan. Có như vậy, các vị cứ lên đường và mọi chuyện phía trước hãy giao cho Thầy Chí Thánh Giêsu.