Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hạt giống tự phát triển

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

HẠT GIỐNG TỰ PHÁT TRIỂN (CN XI.TN-B)

 

Suy niệm Lời Chúa ngày hôm nay (CN XI/TN-B) thấy tinh thần thật phấn khởi và hy vọng. Bài đọc 1 (Ed 17, 22-24) trình thuật việc Đức Chúa lấy một chồi non từ ngọn cây hương bá đem trồng trên đỉnh núi cao của It-ra-en, “Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng” (Ed 17, 23). Nghe tên cây “hương bá” tự nhiên nảy sinh thắc mắc, không hiểu đó là cây gì? Tra tìm nguồn gốc mới biết đó là cây “bá hương”     ( ); từ Hán Việt “bá” ( ) còn một âm nữa là “bách” nên cây này còn gọi là “bách hương” (một trăm mùi hương, ý nói cây có nhiều hương thơm). Theo tiếng Hê-bơ-rơ, “cây bá hương” là erez. Cựu Ước cho biết các dân tộc vùng Trung Đông đã biết đánh giá cao gỗ bá hương và họ sử dụng gỗ nầy cho các công trình kiến trúc như cung điện, đền đài, nhà cửa (1V 7, 1-8; 10, 27; Hc 24, 13; 1Sm 7, 1-3; Ds 19, 6; Lv 14, 5; Is 41, 19…).

 

Từ ngọn cây bá hương cao chót vót, Đức Chúa ngắt một chồi non đem trồng trên đỉnh núi cao của It-ra-en. Chồi non phát triển thành một cây bá hương huy hoàng. Nhờ vậy, tất cả cây cối sẽ nhận biết Đức Chúa. Tới đây thì ngụ ý của dụ ngôn đã rõ ràng: Câu “Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi.” trong Cựu Ước (Ed 17, 24) đã thành hiện thực ở Tân Ước. Đó chính là câu “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, Người giàu có lại đuổi về tay trắng.” (Lc 1, 52-53) trong “Bài ca Ngợi khen” (Lc 1, 46-56). Như vậy thì “cây bá hương huy hoàng” (Ed 17, 23) đích thị là Đức Giê-su Ki-tô.

 

Bài đọc 2 trích Thư thứ hai của thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô (2Cr 5, 6-10) nói đến vấn đề “lìa bỏ thân xác” (từ bỏ chính mình) để được ở bên Chúa Ki-tô. Liên hệ đến bài đọc 1 sẽ thấy việc “lìa bỏ thân xác” chính là việc lìa bỏ cây cối trong vườn (“những chồi non được ngắt ra từ cây bá hương” trồng trong vùng đất được tuyển chọn It-ra-en) để trổ sinh những cây khác (đem trồng khắp trên trái đất). Cuối cùng “tất cả chúng ta – tất cả những cây cối trong “vườn cây của Đức Chúa” – đều phải được “đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô. để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.” (2Cr 5, 10). Nói cách khác, đó là công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Cuối cùng, Đức Ki-tô sẽ tính sổ (thưởng công, luận tội) tất cả các cây cối (những Ki-tô hữu) vào ngày cánh chung.

 

Tới bài Tin Mừng (Mc 4, 26-34), thánh sử Mac-cô  trình thuật 2 dụ ngôn Đức Giê-su nói về Nước Thiên Chúa, đó là “Hạt giống tự mọc lên” và “Hạt cải”. Người đã dùng cách “nói ví” (dụ ngôn) như chính Người đặt câu hỏi: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?” (Mc 4, 30). Trong dụ ngôn “Hạt giống tự mọc lên”, Đức Giê-su nói hạt giống được một người gieo xuống đất sẽ tự động mọc lên và nhờ đất sinh màu mỡ, cây lúa sẽ đơm bông kết trái. Tới khi "Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa." (Mc 4, 29). Có một điều rất đáng lưu ý là “người gieo giống” chỉ việc gieo hạt giống xuống đất, sau đó thì “Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.” (Mc 4, 27-28). Cuối cùng chỉ việc mang liềm hái ra gặt.

 

Mới đọc thoáng qua dụ ngôn này thì thấy có vẻ không ổn, vì người gieo giống ở đây chỉ việc gieo và gặt, còn hạt giống có mọc lên và trổ sinh hoa trái hay không thì… không cần biết. Hạt giống hoàn toàn “tự lực cánh sinh”, tự phát triển! Một vấn nạn nảy sinh: Thế ngộ lỡ hạt giống được gieo xuống vệ đường, trên sỏi đá, vào bụi gai như dụ ngôn “Người gieo giống” (Mc 4, 3-8) thì sao? Quả là khó trả lời cho vấn nạn này. Có thể thực tế, với hạt lúa thật được gieo vào những vị trí như trên thì sẽ không thể tự phát triển được. Tuy nhiên, cũng trên thực tế, không có người gieo giống nào lại đi gieo vào những nơi như vậy; đồng thời nếu là nhà nông thực sự thì cũng chẳng ai đi gieo hạt giống xuống ruộng rồi thì bỏ mặc nó tự sinh trưởng, không thèm chăm nom bón phân tưới nước; chỉ chờ tới ngày thu hoạch rồi cứ ung dung mang liềm hái ra gặt.

 

Vấn đề đặt ra ở đây là Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn dạy dỗ môn đệ. Người lấy việc gieo giống ví ngầm (ẩn dụ) với một vấn đề siêu linh là Nước Thiên Chúa, nếu chịu khó suy niệm, thì vấn đề sẽ sáng tỏ ngay. Đã gọi là hạt giống (thứ nhất đây lại là hạt giống Đức Tin) tất nhiên phải là những hạt đã được chọn lọc và có thể được gieo trong nhiều môi trường khác nhau, nếu gặp được vùng đất màu mỡ thì khỏi nói, nhưng nếu gặp phải những môi trường khắc nghiệt như nêu trên (“bên vệ đường”, “trên sỏi đá”, “trong bụi gai”… – Mc 4, 3-8), thì phải hiểu và tin rằng chính những hạt giống ấy chết đi sẽ trở nên phân bón tuyệt hảo cho môi trường thêm màu mỡ giúp cho những hạt giống mới sẽ tự phát triển, trổ sinh hoa trái một cách phi thường.

 

Người gieo giống duy nhất chỉ có thể là Đức Giê-su Ki-tô và những hạt giống tiên khởi đã được gieo xuống vùng đất có đủ cả những yếu tố như trong dụ ngôn “Người gieo giống”. Với 12 hạt giống đầu tiên tuy được chọn lọc nhưng cũng vẫn còn 1 hạt hư hỏng. Số còn lại đã thật sự trở nên đồng hình đồng dạng với Người Gieo Giống, cũng phải sống trong một môi trường khắc nghiệt và đã “chết đi” để trở nên phân bón xúc tác tuỵêt hảo cho môi trường, đồng thời “sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Môi trường đó chính là cánh đồng Truyền Giáo. Xin đơn cử ngay trên cánh đồng Truyền Giáo Việt Nam cách đây 5 thế kỷ. Suốt một quá trình gieo giống ba trăm năm đã có tới 130.000 hạt giống “chết đi” (bị giết hại). Bị giết hại nhưng không bị huỷ hoại vì chính những hạt giống ấy lại làm cho cánh đồng Việt Nam thêm màu mỡ và trổ sinh biết bao nhiêu hạt giống tốt lành khác, để cánh đồng Truyền Giáo Việt Nam phát triển đầy hoa trái như ngày nay.

 

Cánh đồng Truyền Giáo của Giáo hội toàn cầu cũng vậy, đã từ một vùng đất nhỏ (It-ra-en) và chỉ với 12 hạt giống đầu tiên (11 Tông đồ gồm các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. – Cv 1, 13; cộng với Ma-thi-a đã được chọn thay thế Giu-đa It-ca-ri-ốt – Cv 1, 23-26; tổng cộng 12 người) mà đã phát triển khắp năm châu bốn biển với hàng tỷ hạt như ngày nay. Cả 2 dụ ngôn “Hạt giống tự mọc lên” và “Hạt cải” tuy có vẻ trái ngược với tự nhiên và xã hội loài người (chẳng có nhà nông nào gieo giống mà chẳng cần biết lúa mọc và sinh hoa kết trái ra sao, chuyện chim làm tổ dưới cành lá cây cải là chuỵên quá hiếm hoi, ít có trên thực tế). Tuy nhiên, những chi tiết đi ngược lại với thường tình thế sự lại làm nổi bật chân lý: Sự phát triển của Nước Trời tuy rất cần con người đóng góp sức lực, nhưng thành quả chủ yếu lại do quyền năng vô hạn của Thiên Chúa. Thực tại Giáo hội đã là một minh chứng hùng hồn cho lập luận này.

 

Nước Trời – Vương quốc Tình Yêu và Chân Lý – luôn tăng trưởng cả về lượng lẫn về chất. Không một thế lực nào có thể ngăn chặn được, kể cả quyền lực tử thần cũng không làm gì nổi. Ấy cũng bởi vì chính Thiên Chúa thực hiện công trình xây dựng Nước Trời vô cùng vĩ đại và cao sang đó. Tuy vậy, Thiên Chúa Tình Yêu lại muốn dành phần vinh dự cho con cái của Người được đóng góp sức mình vào công trình dựng xây Vương quốc ấy ("Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài" – Thánh Au-gus-ti-nô). Sắc lệnh Truyền Giáo “Ad Gentes” (số 23) cũng dạy:

 

“Dù mọi môn đệ Chúa Ki-tô đều có bổn phận góp phần vào công cuộc gieo vãi đức tin, nhưng Chúa Ki-tô luôn gọi những kẻ chính Người muốn, trong số các môn đệ mình, để họ ở với Người và để Người sai đi giảng dạy muôn dân… Vì thế, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng tùy ý ban phát các đoàn sủng để mưu lợi ích chung, Chúa Ki-tô khơi dậy ơn kêu gọi truyền giáo trong tâm hồn từng cá nhân, đồng thời thúc đẩy trong Giáo hội có những tổ chức đảm nhận như một bổn phận riêng nhiệm vụ truyền bá Phúc Âm của toàn thể Giáo hội… Do đó, những người có năng khiếu bẩm sinh thích ứng, đủ khả năng tinh thần và trí tuệ, sẵn sàng lãnh nhận công cuộc truyền giáo, đều được kể là có ơn gọi đặc biệt, dù họ là người địa phương hay ngoại quốc, là linh mục, tu sĩ hay giáo dân. Được quyền bính hợp pháp sai đi, do đức tin và đức vâng phục, họ ra đi đến với những người xa Chúa Ki-tô; họ được tách riêng ra để chu toàn công việc mà họ được chọn để thi hành như là những thừa tác viên của Phúc Âm, ‘để việc phụng hiến dân ngoại làm lễ vật được chấp nhận và được thánh hóa trong Chúa Thánh Thần’ (Rm 15, 16).”

 

Ôi! Lạy Chúa! Kể từ khi con được nhận lãnh phép Thánh Tẩy, con đã được Chúa chọn làm hạt giống gieo trên cánh đồng Truyền Giáo của Giáo hội toàn cầu, cách riêng là Giáo hội Việt Nam. Con tự biết con không thể tự mọc lên và trổ sinh hoa trái được, nếu không được Thần Khí Chúa soi sáng, dạy dỗ và thêm sức mạnh. Cúi xin Chúa ban Thánh Linh, để con thực sự trở thành phân bón cho cánh đồng Truyền Giáo, cho con đủ dũng khí chấp nhận “cùng chết với Đức Ki-tô” để con được “cùng sống lại với Người”, ngõ hầu đóng góp sức mọn vào sự phát triển của Nước Trời mai sau. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.