Thánh Thần Là Bảo Chứng
THÁNH THẦN LÀ BẢO CHỨNG (CN XV.TN-B )
Thông thường khi một người lãnh đạo sai nhân viên đi công tác có tính tập thể, thì tập trung nhân viên thành một tốp hoặc một nhóm người, chớ không bao giờ để đi riêng lẻ một hay hai người. Cùng với quyết định ấy, sẽ kèm theo chương trình hành động, phân công phân nhiệm; thậm chí còn lo chu tất cả tiền xe cộ, tiền ăn uống, nơi nghỉ ngơi… Bài Tin Mừng hôm nay (CN XV/TN-B – Mc 6, 7-13) trình thuật việc Đức Giê-su sai 12 Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, có nhiều điểm thật lạ lùng: Đó là “không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng, không được mặc hai áo.” Thêm một điểm lạ nữa là “vào nhà nào thì cứ ở lại nhà đó cho đến lúc ra đi. Nếu ở đó họ không đón tiếp thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ." Ngoài ra, Đức Giê-su không sai tất cả đi thành một nhóm, cũng không sai đi riêng lẻ từng người, mà là “từng hai người một”. Sự kiện này có ý nghĩa gì?
Nếu tập trung tất cả thành một đoàn thì đi được rất ít nơi, số người tiếp xúc bị hạn chế; không những thế, các môn đệ đi chung với nhau dễ bị chia bè phái, phe nhóm (câu chuyện 2 người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an là một ví dụ: Hai ông “xin được ngồi bên tả và bên hữu Đức Giê-su khi Người được vinh quang” đã làm “mười môn đệ kia đâm ra tức tối” (Mt 20, 20-28); thậm chí còn có thể tranh nhau làm lãnh đạo vì không có Thầy cùng đi (“Các môn đệ hỏi Đức Ki-tô xem ai là người lớn nhất trong các môn đệ” – Mt 18, 1-5; Mc 9, 33-37; Lc 9, 40-50). Còn nếu đi riêng lẻ từng người thì chắc chắn các môn đệ sẽ đi được nhiều nơi hơn, tiếp xúc được nhiều người hơn, nhưng hiệu quả sẽ kém hơn, vì đi một mình thì khi gặp khó khăn – chẳng hạn khi bị người khác từ chối không tiếp, hoặc phản bác một vấn đề nào đó – các ông sẽ không biết bàn hỏi với ai, không được ai khích lệ, nên sẽ dễ nản lòng và bỏ cuộc.
Khi sai đi “từng hai người một”, Đức Giê-su muốn các Tông đồ hợp tác và liên đới trách nhiệm với nhau, khích lệ và bàn hỏi nhau khi gặp khó khăn, nhất là biểu lộ tình yêu thương nhau như một dấu chỉ đặc trưng của môn đệ Người (“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này là anh em có lòng yêu thương nhau.” – Ga 13, 35). Dấu chỉ này là một chứng từ hết sức sống động và lôi cuốn tha nhân. Lời rao giảng luôn đi đôi với hành động và nhất là được biểu lộ rõ ràng trong sinh hoạt đời thường, sẽ mang tính thuyết phục rất cao.
Xét theo tâm lý chung, khi phải rời xa nơi cư trú một thời gian dài – dù là đi công tác, đi du lịch, hay chuyển đổi chỗ ở – con người thường tỏ ra lưu luyến, bịn rịn khung cảnh, nhân vật, sự sinh hoạt nơi chốn cũ, và cũng chính vì tâm trạng ấy, nên nhiều khi cuộc đi xa bị đình chỉ hoặc gặp trở ngại không thực hiện được nữa. Đó là về mặt tinh thần. Ngoài ra, khi ra đi thì ai cũng phải chuẩn bị cho mình những nhu cầu cần thiết (áo quần, tiền bạc, lương thực…); nhưng Đức Giê-su lại “chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.” (Mc 6, 8-9). Chỉ mới nghe qua đã thấy là mâu thuẫn, vì như thế thì làm sao mà thi hành sứ vụ? Tục ngữ Việt Nam có câu “Có thực mới vực được Đạo”, vậy mà ở đây không có “thực” (có ăn) thì làm sao mà “vực được Đạo” (thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng)?
Không những chỉ dạy các môn đệ không lưu ý đến vấn đề ăn mặc, tiền bạc, Đức Ki-tô còn khuyên ai muốn đi theo Người thì phải dứt bỏ cả người thân ruột thịt, kể cả mạng sống mình nữa ("Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” – Lc 14, 26-27; “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” – Lc 9, 23). Nếu chỉ hiểu theo nghĩa đen thì sẽ thấy Lời dạy này của Đức Giê-su mâu thuẫn với Lời dạy về “Điều răn quan trọng nhất”, đó là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi… Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào điều răn ấy.” (Mt 23, 37-40).
Nếu “Dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa” thì sao gọi là “yêu người thân cận như yêu chính mình” được? Vấn đề là phải hiểu theo nghĩa bóng (nghĩa ẩn dụ): “Dứt bỏ” không có nghĩa là tuyệt tình tuyệt nghĩa, mà chỉ là sẵn sàng rời xa cha mẹ, anh em, họ hàng, không lưu luyến, bịn rịn, để lên đường theo Chúa thi hành sứ vụ Người trao. Và nếu hoàn tất được sứ mạng thì “Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa mà lại không được gấp bội ở đòi này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Lc 18, 29-30). Vâng, “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12, 25). Lời chí thánh thật rõ ràng: Nếu yêu chiều xác thịt trần thế, buông theo những dục vọng thấp hèn, sẽ mất tất cả. Còn nếu sẵn sàng coi thường tất cả, xa lánh mọi cám dỗ, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho lý tưởng đi theo Thầy chí thánh, thì sẽ tìm lại “được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.
Chung quy, Đức Ki-tô chỉ muốn những ai đi theo Người không nên lưu luyến những gì thuộc về thế gian, về xác thịt nặng nề, bởi “thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống” (Kn 9, 15). Rõ ràng Lời dạy của Người không có gì là mâu thuẫn, khó hiểu cả. Đến như những người xa lạ gặp trên đường đời, Người còn dạy phải coi họ như những người thân cận mà sẵn sàng giúp đỡ (câu chuyện “Người Sa-ma-ri nhân lành” – Lc 10, 29-37), huống hồ là những bậc sinh thành ra mình (cha mẹ), những người có quan hệ huyết thống ruột thịt với mình (anh em), những người cùng “một xương một thịt” (vợ con) với mình. Dứt bỏ hay từ bỏ là đối với những cám dỗ, những mời mọc hấp dẫn của tính xác thịt trần gian, của ma quỷ và sự dữ chúng đem đến mà thôi.
Chưa hết đâu, sẵn sàng từ bỏ tất cả để đi theo Người Thầy Chí Thánh mới chỉ là điều kiện tiên quyết, nhưng tiếp theo còn phải biết can đảm đối diện với những thử thách nghiệt ngã, vì “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10, 18). Trở ngại lớn nhất đối với việc đi theo Đức Giê-su chính là cái quyết tâm từ bỏ tất cả mọi sự, rồi còn phải vác thập giá mình (những hy sinh, mất mát, đau khổ...) mà đi theo Người. Cũng không phải chỉ một lần này, mà rất nhiều lần Đức Ki-tô kêu gọi mọi người muốn đi theo Người thì phải từ bỏ tất cả (kể cả chính bản thân mình), từ bỏ một cách dứt khoát (“Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” – Mt 16, 24). Dứt khoát từ bỏ mọi sự đã là một trở lực khó lòng vượt qua; vậy mà còn phải vác thập giá mình nữa thì quả thật vượt quá sức con người, không dễ gì thực hiện nổi.
Và cũng vì thế nên không thiếu những trường hợp tuyên bố rất hùng hồn sẵn sàng từ bỏ tất cả (như trong đêm Vọng Phục Sinh 3 lần được hỏi ”Có từ bỏ ma quỷ không? Có từ bỏ mọi việc của ma quỷ không? Có từ bỏ mọi sự sang trọng của ma quỷ không?” thì cả 3 lần đều hô lớn một cách rất trịnh trọng “Thưa, từ bỏ”); nhưng lúc đối diện với thực tế thì lại quên đi một cách rất ư là... vô tư! Chính vì thế, muốn có được quyết tâm từ bỏ trần tục và đủ dũng khí chấp nhận thử thách, thì cũng chớ ỷ vào sức mình, mà phải biết cầu nguyện, cậy nhờ sự soi sáng, hướng dẫn và nhất là thêm sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Ấy cũng bởi vì ”Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.” (Ep 1, 14).
Tóm lại, khi sai môn đệ đi rao giảng, Đức Ki-tô muốn các Tông đồ phải có một thái độ dứt khoát, không bị ràng buộc bởi những nhu cầu không cần thiết, không lệ thuộc vào những ảnh hưởng ngoại tại (tác động từ bên ngoài), để có thể từ bỏ chúng bất kỳ lúc nào, trong bất kỳ trường hợp nào mà sứ mạng và lương tâm đòi buộc. Người Ki-tô hữu ngày hôm nay khi được tham dự vào 3 chức vụ Tư tế - Ngôn sứ - Vương giả của Đức Giê-su, thì cũng có nghĩa là được sai đi loan báo Tin Mừng. Đó chính là sứ vụ Phúc Âm hóa, mà muốn thi hành sứ vụ cách tốt đẹp thì phải biết Tân Phúc-Âm-hóa như Thư Chung 2013 của Hội đồng Giám mục Việt Nam giải thích:
“Tân Phúc-Âm-hoá” không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.” (Dt 13, 8), nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả”. Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giê-su Ki-tô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hoá, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.”
Như vậy “Tân Phúc-Âm-hoá” phải là đổi mới phương cách rao giảng Tin Mừng. Cũng đã có phản biện: “Lời hướng dẫn của HĐGMVN chỉ dành riêng cho giáo sĩ và giáo lý viên, còn đại đa số Giáo dân chỉ là tầng lớp bình dân, đâu có thể đứng trên bục giảng để rao giảng Lời Chúa, như vậy thì làm sao mà “đổi mới phương pháp, đổi mới cách diễn tà”. Mới thoạt nghe thì thấy có vẻ như vậy, nhưng nếu hiểu công cuộc loan báo Tin Mừng không chỉ là “đứng trên bục giảng”, mà quan trọng hơn cả phải là rao giảng bằng phương cách sống, bằng cả đời sống chứng tá. Ấy cũng bởi vì “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân.” (Thông điệp Loan báo Tin Mừng Evangelii Nuntiandi”, số 41). Vậy thì “đổi mới phương pháp, đổi mới cách diễn tả” tức là đổi mới phương cách sống sao cho luôn thích nghi với thời đại, mà vẫn “đem được Lời Chúa đến cho mọi người, ở mọi nơi, trong mọi lúc”.
Tóm lại, muốn rao giảng Tin Mừng bằng đời sống chứng tá thì đừng bao giờ quên: “Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta” (Ep 1, 14)”. Xin hãy cầu nguyện: Lạy Chúa! Cúi xin Chúa ban Thánh Thần thêm sức mạnh cho con để con có đủ can đảm “không lưu luyến CÁI VỎ BẰNG ĐẤT” (Kn 9, 15) là cái thân xác nặng nề của con với biết bao cám dỗ mê đắm của trần thế. Con không dám cao vọng làm một phát ngôn viên rao giảng Lời Chúa, mà chỉ cầu xin cho con sống một cuộc sống khiêm tốn trong yêu thương để làm chứng nhân cho Tin Mừng Cứu Độ. Ôi! Lạy Chúa! Xin cho con sống những điều con tin và sẵn sàng chia sẻ cho anh em những điều con sống. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết: