Hy Tế Thánh Thể
HY TẾ THÁNH THỂ
(CN XIX TN-B)
Tâm lý thông thường của con người là bất cứ một hiện tượng nào, một sự kiện nào xảy ra phải được trông thấy nhãn tiền (“thực mục sở thị”) mới tin là thật; còn nếu chỉ được nghe người khác kể lại hoặc do những bậc tôn sư giảng dạy, thì chưa tin. Đám đông người Do Thái khi nghe Đức Ki-tô rao giảng Tin Mừng là một minh họa:
Bài Tin Mừng hôm nay (CN XIX.TN-B – Ga 6, 41-51) trình thuật đám người Do Thái xầm xì bàn tán về Lời dạy của Đức Ki-tô: "Tôi là bánh từ trời xuống…”. Họ nói : "Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: "Tôi từ trời xuống?" Đối với đám người It-ra-en này, thật khó mà chấp nhận Đức Ki-tô là một ngôn sứ, nói gì đến chuyện công nhận Người là Con Thiên Chúa từ trời xuống. Đứng trên quan niệm nhân sinh, lý do khiến họ không chấp nhận cũng chưa hẳn là phi lý. Họ đã hiểu Thánh Kinh hoàn toàn theo nghĩa đen: Một người từ trời xuống có nghĩa là một người phải thật sự “bay từ trời xuống” như kiểu “mưa man-na” trong Cựu Ước, chớ không phải là do một người nữ sinh ra như bao người khác. Từ cách hiểu trần tục đó, họ không chấp nhận được con người từ trời xuống lại chẳng có vẻ “từ trời xuống” một chút nào.
Trong bài Tin Mừng, từ ngữ “từ trời xuống” được dùng nhiều lần: có từ được áp dụng vào Đức Giê-su, có từ được áp dụng vào bánh trường sinh. Người Do Thái và nói chung là loài người tin vào lời các ngôn sứ lưu truyền về hiện tượng “Người khiến man-na tựa hồ mưa đổ xuống, và ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ.” (Tv 78, 24), vì man-na thực sự là vật chất (“Man-na như hạt ngò và trông nó như nhựa hương” – Ds 11, 7). Nhưng khi Đức Ki-tô nói: “Tôi là bánh từ trời xuống” (Ga 6, 41) thì họ không thể tin nổi vì Đức Ki-tô là một con người bình thường như bao người khác, không phải và không thể là vật chất như man-na, đồng thời Người do bà Maria sinh ra chớ đâu có rơi từ trời xuống như man-na.
Con người kể cũng lạ, lúc nào cũng đòi được “thực mục sở thị” mới tin, nhưng đến khi được nghe thấy, trông thấy nhãn tiền thì lại chỉ hiểu theo những thành kiến, định kiến của loài người. Cũng vì sự non kém, bất toàn đó, nên Thiên Chúa phải mạc khải cho con người hiểu được những công trình kỳ diệu của Người. Mà muốn hiểu được những mạc khải, thì điều tiên quyết là phải có đức tin. Đám nguời Do Thái ngày xưa cũng như không ít con người ngày nay vì cứng lòng không tin, nên chỉ hiểu Lời Chúa theo nghĩa đen và nghe Lời Chúa bằng đôi tai nghễnh ngãng. Chính vì thế nên không lạ khi thấy họ cho rằng chỉ có đồ điên mới đại ngôn “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6, 51). Nhưng nếu họ hiểu rằng Lời Chúa phải lắng nghe bằng tâm linh chớ không thể nghe bằng hai lỗ tai của “cái vỏ bằng đất” là xác thịt nặng nề (“thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống.” (Kn 9, 15).
Với Lời Đức Ki-tô Thiên Chúa thì lại càng cần phải lắng nghe bằng nội tâm kết hợp với lời cầu nguyện xin ơn soi sáng, thì mới hy vọng hiểu được, vì Người luôn dùng dụ ngôn với “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời), thậm chí có nhiều lúc Người còn dùng sự tương phản trong cách nói ẩn dụ để nhấn mạnh ý chủ đạo (Vd: "Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng.” – Mt 10, 34-35; “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” – Lc 9, 60; “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.” – Lc 17, 33).
Trở lại bài Tin Mừng hôm nay, với đám người Do Thái thì quả là phi lý khi một con người bằng xương bằng thịt bình thường lại dám nói mình là bánh hằng sống từ trời xuống, rồi còn khẳng định “ai ăn thịt tôi và uống máu tôi sẽ được sống đời đời”; bởi đây là lần đầu họ nghe nói và cũng vì những sự kiện minh hoạ cho lời nói đó chưa xảy ra. Họ không tin cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, khi minh chứng hùng hồn đã thực sự xảy ra là chính Người nói câu nói kỳ dị ấy đích thị là Thiên Chúa từ trời xuống thế, chịu khổ hình thập giá và sống lại hiển vinh, đem lại sự sống vĩnh cửu cho những kẻ tin; thì sau đó trên hai ngàn năm cũng vẫn còn nhan nhản những kẻ cứng lòng, vẫn cho Lời nói ấy là chướng tai, là phi lý.
Ấy cũng chỉ vì họ cũng không hơn gì đám người Do Thái, chỉ hiểu Lời Chúa bằng nghĩa đen, nghĩa vật chất, không chịu loại suy để tìm đến chiều kích vũ trụ của Lời (“Truyền thống tư duy Ki-tô Giáo vốn khai triển yếu tố chủ chốt trong bản hòa tấu lời này. Như Thánh Bonaventura, chẳng hạn, người vốn theo truyền thống các Giáo Phụ Hy Lạp mà nhìn ra mọi khả thể sáng thế trong Logos, đã nói rằng “mọi tạo vật đều là lời Chúa, vì nó công bố Người”. Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” đã tổng hợp các dữ kiện ấy khi cho rằng “Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và duy trì mọi vật bằng chính lời của Người (Ga 1, 3), đã cho ta chứng cớ mãi mãi về chính Người ngay trong các thực tại tạo dựng.” – Tông huấn Lời Chúa “Verbum Domini”, số 7).
Tấm màn đã được vén lên (mạc khải), mọi sự đã rõ ràng: Để hiểu được Lời Chúa thì điều kiện tiên quyết là phải có đức tin. Vâng, “Phải bày tỏ ‘sự vâng phục của đức tin’ (x. Rm 16, 26; Rm 1, 5; 2Cr 10, 5-6) đối với Thiên Chúa mạc khải. Nhờ sự vâng phục đó, con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do ‘dâng lên Thiên Chúa mạc khải sự qui phục hoàn toàn của lý trí và ý chí’, đồng thời sẵn lòng chấp nhận mạc khải Ngài ban cho. Ðể được niềm tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài thúc đẩy và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và làm cho ‘mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý’. Và để việc hiểu biết mạc khải được sâu rộng thêm mãi, cũng chính Chúa Thánh Thần không ngừng kiện toàn đức tin qua các ơn của Ngài.” (Hiến chế Tín Lý về Mạc Khải “Dei Verbum”, số 5)
Quả thật đức tin đến từ điều nghe được mà điều nghe được đến từ Lời Chúa. Lời Chúa là Ngôi Lời mà Ngôi Lời đích thị là Thiên Chúa (“Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.” – 1Ga 1, 1-3; “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời chính là Thiên Chúa… Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” – Ga 1, 1.14). Rõ ràng Ngôi Lời đã từ trời xuống mặc lấy xác phàm để cứu độ nhân loại bằng chính thân thể Người bị bầm giập vì đòn roi, chết treo trên thập giá, còn bị lưỡi đòng của sự dữ đâm thâu trái tim khiến máu chảy ra đến giọt cuốí cùng. Thân xác ấy, dòng máu ấy há chẳng phải là nguồn ơn cứu độ đem lại sự sống vĩnh hằng cho những kẻ tin đó sao? Và như vậy, Lời dạy “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6, 51) đã là hiện thực 100%.
Liên tục 2 Chúa nhật XVIII và XIX, bài Tin Mừng đều được trích trong “Bài giảng tại hội đường Ca-phac-na-um” (Ga 6, 21-66) trình thuật về Bánh Hằng Sống Giê-su Ki-tô. Đó cũng chính là phép Thánh Thể được Ngôi Lời thiết lập vào bữa Tiệc Ly trước ngày khổ nạn, và cũng chính vì thế mới gọi là Bí tích Thánh Thể (dấu tích bí nhiệm ẩn tàng Lời Chúa). Bí tích nhiệm mầu này được tái hiện hàng ngày hàng giờ trên bàn thánh ở khắp năm châu bốn biển để nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mọi tín hữu. Nói về bí tích Thánh Thể cũng tức là nói về Hy tế Tạ Ơn mà đã nhiều lần được nghe, nhưng vẫn chưa hiểu rõ. Xin được bày tỏ:
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 1329-1330) đã giải thích về Bí tích Thánh Thể: Bí tích Thánh Thể được gọi là “Bữa Ăn của Chúa”, vì Hội Thánh tưởng niệm bữa Tiệc Ly Chúa cùng ăn với các môn đệ tối hôm trước ngày chịu nạn. Bữa ăn này cũng nói lên sự tiền dự vào “Bữa Tiệc Cưới Con Chiên” tại Giê-ru-sa-lem trên trời. Bí tích Thánh Thể được gọi là “Lễ Bẻ Bánh”, vì trong bữa Tiệc Ly (x.Mt 26, 26; 1Cr 11, 24), Chúa Giê-su dùng nghi thức của người Do Thái để chúc tụng Thiên Chúa và chia bánh như người chủ tiệc thường làm (x. Mt 14, 19; 15, 16; Mc 8, 6.19). Thánh Phao-lô gọi Bí tích Thánh Thể là “Đồng Bàn” (Synaxis), vì được cử hành trong cộng đoàn tín hữu là hình ảnh hữu hình của Hội Thánh (x. 1Cr 11, 17-34). Bí tích Thánh Thể được gọi là “Cuộc Tưởng Niệm” Chúa Giê-su chịu chết và sống lại; là “Hy Lễ Thánh”, vì hiện tại hóa hy lễ duy nhất của Chúa Cứu Thế và bao gồm lễ vật của Hội Thánh. Bí tích Thánh Thể còn được gọi là "hy tế thánh lễ", "hy lễ ca ngợi" (x. Dt 13,15; x. Tv 116, 13.17), “hy lễ thiêng liêng” (x. 1Pr 2,5), “hy lễ tinh tuyền” (x. Ml 1.11). Tắt một lời Bí tích Thánh Thể được coi là “Hy tế Thánh Thể”.
Từ ngữ “Hy tế Thánh Thể” diễn tả điều thiết yếu về ý nghĩa của Thánh Thể. Công Đồng Va-ti-ca-nô II trình bày: “Đang khi ăn Bữa Tiệc Ly, trong đêm Người bị nộp, Đấng Cứu độ chúng ta đã thiết lập hy tế Thánh Thể bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, hy tế thập giá trường tồn qua mọi thời đại, cho tới khi Người đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Hội Thánh, việc tưởng nhớ sự chết và sống lại của Người.” (Giáo lý HTCG, số 1323). Thánh Lễ trong tiếng La-tinh gọi là “sacrificium”, nghĩa là “hy tế”. Hy tế là một cái gì cao cả và quan trọng hơn là lễ vật. Ý nghĩa đúng và đầy đủ của Hy Tế là sự dâng hiến cho Thiên Chúa Tối Cao một sự vật đã được thánh hiến hay thánh hóa một cách trọng thể bởi một thừa tác viên của Hội Thánh được chỉ định hợp pháp và có thẩm quyền, để nhìn nhận và chứng thực quyền thống trị tuyệt đối của Thiên Chúa Toàn Năng trên mọi tạo vật. (nguồn: Đài Vatican)
Tóm lại, điều kỳ diệu chính là ở điểm không thể dùng trí khôn bất toàn của con người mà “suy sự Đức Chúa Trời”. Cũng chính điều con người cho là kỳ lạ không thể có, thí Thiên Chúa đã dùng cái bất toàn của loài người để mạc khải Lời chí thánh; nhờ vậy con người mới hiểu rõ chỉ có một bí tich Thánh Thể mà có rất nhiều cách gọi. “Bữa Ăn của Chúa”, “Lễ Bẻ Bánh”, “Hy Lễ Thánh”, "hy tế thánh lễ", "hy lễ ca ngợi", “hy lễ thiêng liêng” “hy lễ tinh tuyền” “Hy tế Thánh Thể” (ibid). Nhiều cách gọi, nhiều cách suy niệm, nhưng chỉ có một chân lý: Thiên Chúa ban chính Con Một xuống thế thực hiện công trình cứu độ nhân loại. Người Con ấy đã trở nên như một “Hy Lễ Thánh” làm của dưỡng nuôi cộng đồng tín hữu.
Chính vì thế, muốn được Lời Chúa dưỡng nuôi trên hành trình đức tin tiến về quê trời, không gì bằng chạy đến với MẸ CỦA LỜI, “vì Đức Maria hoàn toàn thấm nhuần Lời Chúa, nên ngài có khả năng trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể. Khi chiêm ngưỡng nơi Mẹ Thiên Chúa một cuộc đời hoàn toàn do Lời lên khuôn, ta hiểu được rằng cả ta nữa cũng được mời gọi bước vào mầu nhiệm đức tin, nhờ đó, Chúa Ki-tô tới cư ngụ trong đời ta. Thánh Am-brô-si-ô nhắc nhở ta rằng xét theo một phương diện nào đó, mọi tín hữu Ki-tô đều tượng thai và sinh hạ Lời Thiên Chúa: mặc dù chỉ có Mẹ Thiên Chúa là tượng thai bằng xương bằng thịt, còn chúng ta, Chúa Ki-tô là con cái của mọi người chúng ta trong đức tin. Như thế, điều xẩy ra cho Đức Maria cũng hàng ngày xẩy ra nơi mỗi người chúng ta, trong việc nghe Lời Chúa và trong việc cử hành các bí tích.” (Tông huấn “Verbum Domini”, số 20).
Ôi! Lạy Chúa Giê-su, xin ban Thần Khí gia tăng lòng tin cho chúng con để chúng con luôn tin vào Chúa, tin vào sự hiện diện của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể và để mỗi lần chúng con tham dự thánh lễ, mỗi lần chúng con rước Chúa vào lòng, là chúng con được nhận lãnh bánh trường sinh ban sự sống vĩnh hằng. Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ của Lời Hằng Sống, Mẹ Đức Tin, xin Mẹ cho chúng con được ở trong cung lòng của Mẹ, để chúng con được “nhờ Mẹ, đến với Chúa” và tin vào sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong Bí Tích Thánh Thể, bây giờ và mãi mãi. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết: