Mở hồn ra với Chúa
MỞ HỒN RA VỚI CHÚA (CN XX.TN-B)
Bài Tin Mừng hôm nay (CN XX.TN-B – Ga 6, 51-58) trình thuật tiếp “Diễn từ trong hội đường Ca-phac-na-um” của Đức Giê-su Ki-tô (Ga 6, 21-66). Nghe lời giảng, đám người Do Thái xầm xì với nhau: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói “Tôi từ trời xuống?” (Ga 6, 42). Tuy vậy, nhưng Đức Ki-tô vẫn tiếp tục bài giảng về Bánh Trường Sinh. Người khẳng định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”; khiến đám người Do Thái lại càng thắc mắc: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”
Cứ kể ra với trí khôn loài người thì điều Đức Ki-tô nói là thậm vô lý. Nếu nói rằng Man-na là bánh từ trời xuống do Thiên Chúa ban tặng thì còn có thể hiểu được, bởi thực sự Man-na từ trời đổ xuống như mưa trước mắt mọi người (Xh 16, 1-36). Tuy nhiên, giờ đây Đức Ki-tô lại nói chính Người là bánh hằng sống từ trời xuống, rồi còn khẳng định: “bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”; thì làm sao nghe lọt tai, nhất là loài người vẫn tự cho mình là “người” chứ không phải là “thú vật” mà có thể ăn thịt đồng loại. Cái động lực cơ bản khiến đám người Do Thái cho Lời dạy của Đức Ki-tô là vô lý, chính là lòng tin. Bởi họ không tin “ông Giê-su con bác thợ mộc Giu-se” là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, nên mới xầm xì: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”
Nếu họ hiểu và tin rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa thì vấn đề sẽ sáng tỏ ngay: Với quyền năng vô hạn của Thiên Chúa thì mọi điều “không thể” đều trở nên “có thể”. Dựng nên cả vũ trụ và con người còn được, thì sá gì một chuyện nhỏ nhặt đó. Không hẳn chỉ có đám người Do Thái thời đó cho Lời dạy của Đức Ki-tô là thậm vô lý, mà ngay ở cái thế kỷ XXI này cũng không thiếu những kẻ nghe xong liền chẹp mịêng: “Ôi dào! Chuyện không tưởng!” Họ cứ hiểu Lời dạy của Đấng Cứu Độ theo nghĩa đen và theo quy ước của loài người, bởi cho đến hiện nay đâu có một chứng tích nào cho thấy thật sự các Tông đồ tiên khởi và các tín hữu đã trực tiếp ăn thịt và uống máu của Đức Ki-tô.
Vấn đề đặt ra ở đây là họ không hiểu “nghĩa ẩn dụ” (ví ngầm) của Lời Chúa, như trong Tông huấn Lời Chúa “Verbum Domini” (số 37) đã dạy: “Về phương diện này, người ta có thể nhắc tới 2 câu thơ trung cổ diễn tả mối tương quan giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh: "Littera gesta docet, quid credas allegoria, Moralis quid agas, quo tendas anagogia" (Chữ đen nói tới việc làm; ẩn dụ nói về đức tin; luân lý nói tới hành động; loại suy nói về số phận ta)”
Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 116-118) giải thích rất rõ:
1. Nghĩa văn tự: Đây là nghĩa mà lời Thánh Kinh nêu lên và được khoa chú giải khám phá ra khi tuân theo những qui luật để giải nghĩa đúng. "Tất cả các nghĩa trong Thánh Kinh đều dựa vào nghĩa văn tự" (Thánh Tô-ma A-qui-nô. Tổng luận 1,1,10, 1.). (Giáo lý HTCG, số 116).
2. Nghĩa thiêng liêng : Nhờ sự thống nhất trong ý định của Thiên Chúa, không những bản văn Thánh Kinh, mà cả các thực tại và biến cố được bản văn đề cập đến, đều có thể là những tiên trưng:
a- Nghĩa ẩn dụ: Chúng ta có thể hiểu thấu đáo hơn các biến cố bằng cách nhận ra ý nghĩa của nó trong Đức Ki-tô. Ví dụ cuộc vượt qua Biển Đỏ là tiên trưng cuộc chiến thắng của Đức Ki-tô, do đó cũng là tiên trưng của phép Thánh Tẩy ( x. 1Cr 10,2).
b- Nghĩa luân lý: Các biến cố được Kinh Thánh thuật lại phải dẫn chúng ta đến một cách ăn ở chính trực. Các biến cố đó được viết ra "để răn dạy chúng ta" (1 Cr 10, 11) ( x. Dt 3-4, 11).
c- Nghĩa thần bí: Chúng ta có thể đọc thấy ý nghĩa vĩnh cửu của các thực tại và biến cố, khi chúng hướng chúng ta về Quê Trời. Ví dụ Hội Thánh dưới đất là dấu chỉ Giê-ru-sa-lem trên trời ( x. Kh 21,1-22,5) (Giáo lý HTCG, số 117).
Hai câu thơ thời trung cổ tóm tắt ý của bốn nghĩa như sau : “Nghĩa văn tự dạy về biến cố, Nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin, Nghĩa luân lý dạy điều phải làm, Nghĩa thần bí dạy điều phải vươn tới.” (Rotulus prigiecaris I : ed A WALZ : Angelium 6 (1929) Augustin de Dace).” (Giáo lý HTCG, số 118).
Đúng là Đức Ki-tô luôn dùng dụ ngôn trong khi giảng dạy. Người muốn cụ thể hoá ý nghĩa thiêng liêng thần bí ra bằng những hình ảnh sự vật trong thiên nhiên hay con người trong xã hội. Trước đó, Người đã dùng hình ảnh thực vật hay khoáng vật và nếu có dùng tới động vật thì chỉ là động vật cấp thấp như súc vật nuôi trong nhà hay động vật hoang dã. Lần này thì Người dùng tới động vật cao cấp là con người, và hơn thế nữa còn là Con Người siêu đẳng vì ngoài bản tính loài người còn có cả một bản tình siêu việt là bản tính Thiên Chúa nữa. Vì thế, phải hiểu Thịt và Máu Đức Giê-su là của ăn tâm linh bổ dưỡng linh hồn. Thức ăn tâm linh thì chủ yếu phải ăn bằng tâm linh, chớ không phải bằng thể xác. Điều quan trọng để được bổ dưỡng tâm linh là phải gặp gỡ được Đức Giê-su và nhận được sức mạnh từ nơi Người. Việc gặp gỡ Người ở đây cũng cần được hiểu là gặp gỡ bằng tâm linh chứ không phải bằng thể chất.
Nói đến gặp nhau thường thì người ta hay nói đến cái “duyên”, nghĩa là phải có một sự đồng cảm hay một sự cộng hưởng tư tưởng nào đó làm “duyên cớ” hội ngộ (Vd: Tư tưởng lớn gặp nhau). Tất nhiên ở đây không nói đến chuyện gặp nhau bằng thể xác kiểu như “Gặp nhau tay bắt mặt mừng” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Dầu và nước không thể hòa tan với nhau được, vì hóa tính của hai chất không giống nhau. Hai chất phải có những hóa tính căn bản giống nhau mới hòa tan với nhau được (Vd: muối hoặc đường có thể hòa tan trong nước).
Cũng vậy, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8), nên muốn gặp hay kết hiệp với Người thì chính mình cũng phải có tình yêu. Một người có tính ích kỷ, lãnh đạm với mọi người, hay có tính ganh tị, ghen ghét thì khó mà gặp được Chúa, dẫu họ có rước lễ hết ngày này qua tháng khác. Vâng, “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1Ga 4, 8); “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta… Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1Ga 4,12-16). Quả thật không tình yêu thì đừng nói đến chuyện gặp gỡ Thiên Chúa.
Hóa cho nên “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. Vì thế, anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa.” (Ep 5, 15-17). Muốn hiểu được ý Chúa thì phải làm sao gặp gỡ Chúa, mà muốn gặp gỡ Chúa thì phải “sống như người khôn ngoan”. Những tư tưởng trong Bài đọc 2 hôm nay (Ep 5, 15-20) đã nhắc nhở người tín hữu phải biết “sống khôn ngoan theo Thánh ý Chúa”, phải biết chăm lo đến đời sống thiêng liêng, phải biết nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng bằng phương cách cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, ca tụng ngợi khen Thiên Chúa, và nhất là phải biết dự Tiệc Thánh Thể, rước Mình và Máu Thánh Chúa.
Phải luôn luôn tâm niệm rằng việc ăn Mình và uống Máu Chúa hằng ngày không bao giờ là những hành động biểu diễn bên ngoài hoặc những việc làm vô thức theo thói quen hay vì sĩ diện. Ý Chúa dạy không phải và không thể là trực tiếp ăn Thịt và uống Máu Chúa, cũng như không phải và không thể là cứ vô tư ăn bánh và uống rượu đã truyền phép mà không biết dọn dẹp sạch sẽ ngôi đền Thánh Linh, sẵn sàng “Mở hồn ra với Chúa, mở tim ra với đời”. Thật vậy, việc “mở miệng ra ăn” Mình Thánh Chúa chỉ thực sự đem lại hiệu quả tốt đẹp, đem lại cuộc sống vĩnh cửu mai sau, khi linh hồn biết “mở ra đón Chúa” và trái tim biết “mở ra với anh em”. Lương thực siêu nhiên phải được ăn bằng hành động siêu nhiên là thế.
“Mở hồn ra với Chúa” ư? Kẻ viết bài này vẫn chưa quên câu chuyện Mẹ thánh Tê-rê-sa Calcutta khi được hỏi về “bí quyết nào giúp Mẹ có thể làm được những việc vĩ đại như vậy?” Mẹ đã trả lời: “bí quyết của tôi rất đơn giản: Tôi cầu nguyện”. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 2626-2643) dạy Cầu nguyện là: “chúc tụng và thờ lạy” (số 2626-2628), “khẩn cầu” (số 2629-2633), “chuyển cầu” (số 2634-2636), “tạ ơn” (số 2637-2638) và “ca ngợi” (số 2639-2643). Dựa theo định nghĩa ấy, Thomas H. Green, S.J. – tác giả cuốn “Opening to God” (Mở ra với Chúa) – dùng cách ghép những mẫu tự đầu của mỗi từ làm nên một tổng hợp cụ thể đặc biệt: “Cầu nguyện (prayer) là: Adoration (thờ lạy) + Contriction (ăn năn) + Thanksgiving (tạ ơn) + Supplication (cầu xin) => ACTS (hành động).”
Vâng, quả nhiên “cầu nguyện là hành động”, muốn cầu nguyện phải hành động, chính bởi vì: "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6, 7-8); và “Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em.” (Mc 11, 24); “Anh em hãy siêng năng cầu nguyện; hãy tỉnh thức mà cầu nguyện và tạ ơn.” (Cl 4, 2).
Nếu “cầu nguyện là “nâng tâm hồn và trí khôn lên cùng Thiên Chúa” (Giáo lý HTCG, số 2590) thì xin hãy “Mở hồn ra với Chúa”:
MỞ HỒN RA VỚI CHÚA
(OPENING OUR SOULTO GOD)
Mở hồn ra với Chúa
Mở tim ra với Đời
Đất trời muôn vạn thuở
Một Tình Yêu lên ngôi.
Nói tóm lại, “Trong mọi hoàn cành, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.” (Pl 4, 6-9). Ước được như vậy.
Ôi! Lạy Chúa! Con đã “ăn Mình, uống Máu Thánh Chúa” suốt bao nhiêu năm trường, nhưng dường như đời sống tâm linh của con chẳng tăng trưởng bao nhiêu. Xin cho con biết đặt lại vấn đề một cách nghiêm chỉnh: Thịt Máu Chúa là lương thực tâm linh, tại sao con ăn uống Máu Thịt ấy hằng ngày, hằng tuần, mà tâm linh con vẫn hèn yếu, bạc nhược? Xin ban Thần Khí soi sáng và dạy bảo con cách thức “ăn Mình, uống Máu Thánh Chúa” cho đúng với ý mà Chúa hằng mong muốn con thực hiện. Ôi! Lạy Chúa! “Tâm tư con hoan lạc được rước Mình Máu Thánh. Tâm tư con vinh hạnh được diện kiến Thánh Tâm. Biết nói chi cho cân tình Chúa thương muôn vàn. Biết đáp chi cho cân tình Chúa thương rộng ban.” (“Mình Máu Thánh” – Thu Lâm – TCCĐ). Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: