Óc cục bộ, phe nhóm
ÓC CỤC BỘ, PHE NHÓM
(CN XXVI/TN-B)
Con người sống trên đời thường có khuynh hướng sống khép kín, cục bộ, phe nhóm và độc quyền. Đó là khuynh hướng đã ăn sâu vào lối sống của nhiều cá nhân cũng như nhiều tập thể. Bài đọc 1 hôm nay (CN XXVI.TN-B – Ds 11, 25-49) trình thuật câu chuyện xảy ra trong thời Cựu Ước: Khi dân Do Thái mới xuất hành khỏi Ai-cập, “ĐỨC CHÚA ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Mô-sê.” Người lấy Thần Khí từ ông Mô-sê và cho đậu trên 70 kỳ mục. Trong số đó, có hai người ở lại trong trại không đến Lều, một người tên là En-đát, một người tên là Mê-đát, cũng được Thần Khí đến ngự trên đầu, các ông liền phát ngôn trong trại. Thấy vậy, một thanh niên tới báo tin cho ông Mô-sê. Chứng kiến sự việc, ông Giô-suê con ông Nun, từng theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Mô-sê: "Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!" Nhưng ông Mô-sê trả lời: "Anh ghen dùm tôi à? Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!"
Đến thời Tân Ước, khuynh hướng phe nhóm lại biểu lộ nơi các môn đệ Đức Giê-su (cụ thể là thánh Gio-an). Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXVI.TN-B – Mc 9, 38-43.45.47-48) trình thuật: Trên con đường loan báo Tin Mừng, các môn đệ thấy có những người không thuộc nhóm của mình lại nhân danh Thầy mà làm được những phép lạ như trừ quỉ, chữa bệnh… Các ông quan niệm chỉ những ai ở trong nhóm 12 như mình mới được quyền làm việc đó. Nếu có ai khác làm được điều ấy, thì ngay lập tức các ông cảm thấy bực bội vì đặc quyền của mình bị xâm phạm và tìm mọi cách ra tay ngăn cản, đồng thời báo cáo với Thầy: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." (Mc 9, 38). Điều đó khiến Đức Giê-su không hài lòng và dạy bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta." (Mc 9, 39-40).
Đối với người ngoài nhóm, không thuộc "phe ta", mà như thế thì còn có thể hiểu đuợc; nhưng đến như cùng trong một nhóm với nhau, mà cũng tức tối, ấy mới là có vấn đề. Vẫn còn đó câu chuyện 2 người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến xin được một người ngồi bên tả, một người ngồi bên hữu Đức Giê-su khi Người được vinh quang. Hành động đó khiến cho "Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó" (Mt 20, 20-24). Trước tình hình không được đẹp ấy của cả 2 phe (một bên thì muốn làm lớn, một bên thì tức tối, ghen tị), khiến Đức Giê-su phải gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."(Mt 20, 25-28).
Sở dĩ có chuyện phe nhóm cũng chỉ vì lòng đố kỵ, ghen ghét phát sinh, "Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. " (Gc 3, 16). Mà cũng chẳng cần phải chờ đến Tân Ước mới có chuyện ấy (Mt 20, 15; Mc 15, 10; Cv 5, 17; 1Cr 5, 3; 2Cr 12, 20 ... ), ngay từ thời Cựu Ước cũng không thiếu chuyện ghen tương đố kỵ: Ngoài câu chuyện Giô-suê ghen tức khiến ngôn sứ Mô-sê phải nói thẳng: "Anh ghen dùm tôi à? Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!" (Ds 11, 26-29); còn biết bao chuyện đố kỵ khác (St 30, 2; Xh 20,5; Sm 18, 1-9; Cn 26, 26; Hc 40, 4; Is 11, 13...). Thật đúng là "Ai công hầu, ai khanh tướng, cuộc trần ai, ai dễ kém ai! – Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gâp thời thế, thế thời phải thế!” (Câu chuyện đối đáp giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm, cuối đời hậu Lê + Chúa Trịnh, đầu đời Tây Sơn). Ôi chao! Đời mà! Đời là thế! (C’est la vie! That’s life!).
Sự đố kỵ, ghen ghét biểu lộ tính ích kỷ, mà tính ích kỷ tạo nên óc bè phái. Rõ ràng óc bè phái bộc lộ khi con người sống với nhau thiếu tình thương yêu, và từ đó đi đến chỗ thù hằn, chém giết lẫn nhau cũng chẳng bao xa. Chiến tranh, khủng bố xảy ra vì óc bè phái, lòng đố kỵ, tính ích kỷ, là điều tất yếu. Với tôn giáo thì cũng đã có những cuộc chiến tranh tôn giáo xảy ra giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, thậm chỉ giữa hệ phái này với hệ phái khác trong cùng một tôn giáo (hệ phái nào cũng cho mình là đúng và muốn hành xử như một thứ độc quyền về đức tin), chẳng khác nào cảnh "huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt" vì thiếu vắng tình thương. Nếu không thế, thì ca dao VN đã chẳng có câu: "Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Vì thế, nên ngay sau chuyện các môn đệ tức tối vì có kẻ không cùng "phe ta" mà dám nhân danh Thầy làm được phép lạ trừ quỷ, chữa bệnh; Đức Giê-su liền giảng dạy về đề tài "Bác ái đối với môn đệ" và "Đừng làm cớ cho người khác và cho mình sa ngã" (Mc 9, 40-48). Cũng vậy, ngay sau chuyện 2 người con ông Dê-bê-đê đòi làm lớn, Đức Giê-su cũng giảng dạy đề tài "Ai làm lớn phải phục vụ" (Mt 20, 24-28).
Chung quy, Đức Giê-su dư biết lòng dạ con người thường "trâu cột ghét trâu ăn", "lươn ngắn lại chê trạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm" (ca dao, tục ngữ VN)... Vì thế, Người mới dạy "Đừng làm cớ cho người khác và cho mình sa ngã", hoặc "Ai làm lớn phải phục vụ", mọi người phải sống với nhau trong tình tương thân tương ái, yêu thương nhau như yêu chính bản thân mình, tất cả phải coi đức Mến là nhân đức hàng đầu ("Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến" – 1Cr 13, 13). Khoan thử nói tới lãnh vực thần linh siêu hình; chỉ cần nhìn vào đời sống con người nơi xã hội trần thế cũng đã thấy nổi bật một chân lý "có yêu thì mới tin và càng tin thì càng yêu gấp bội". Rõ ràng đức tin phải đi đôi với đức mến hoặc dẫn tới đức mến mới là đức tin đích thực. Đến như tin vào Chúa, thực hành Lời Chúa mà thiếu đức mến (tức là thực hành vì bổn phận, theo luật, thực hành cách miễn cưỡng, chiếu lệ) thì cũng vô dụng ("Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” – 1Cr 13, 3).
Trong Tông thư Cánh Cửa Đức Tin “Porta Fidei” (số 14), ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI cũng dạy: “Ðức tin không có đức mến thì không mang lại thành quả và đức mến không có đức tin thì sẽ là một tình cảm luôn tùy thuộc sự nghi ngờ. Ðức tin và đức mến cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình.” Từ đó, ĐTC kêu gọi cộng đồng tín hữu: “Năm Ðức Tin cũng sẽ là cơ hội thuận tiện để tăng cường chứng tá bác ái.” Đức tin và đức mến là 2 nhân đức quấn quít lấy nhau, vừa là tiền đề vừa là kết quả của nhau như lời dạy của Thánh Phao-lô: “Trong Đức Ki-tô Giê-su, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái.” (Gl 5, 6); “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể các thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Ðức Ki-tô.” (Ep 3, 17-19). Chính vì thế, vào ngày chung thẩm, Thiên Chúa chỉ căn cứ trên những "chứng tá bác ái" mà con người có thực hiện được hay không nơi cuộc sống trần thế, để từ đó thẩm định công tội (xc Mt 25, 31-46).
Vâng, có Mến yêu thì mới Tin và có thực sự Tin thì mới Cậy nhờ giúp đỡ. Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa ban cho con một đức Mến hoàn hảo như Chúa đã từng dạy con ("Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu anh em như yêu chính mình"). Con biết rằng chỉ khi nào con sống Lời Chúa một cách chân thật, chỉ khi nào con thực hành Lời Chúa bằng cả tâm trí và hành động trong cuộc sống rẫy đầy những đố kỵ, ghen ghét, bè phái, cục bộ, con mới đúng là môn đệ, là bạn hữu đích thực của Chúa (Ki-tô hữu), để được cùng với Chúa xứng đáng là con cái của Chúa Cha toàn năng hằng hữu. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: