Để yêu thương và tôn trọng em
ĐỂ YÊU THƯƠNG VÀ TÔN TRỌNG EM
Hôn nhân là một giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ, với ý thức tự do và trách nhiệm, để sống yêu thương và giúp đỡ nhau trong tình nghĩa vợ chồng; để sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ. Đã gọi là Giao ước, tất nhiên phải có sự cam kết và lời hứa từ hai phía trong hôn nhân (“người nam” và “người nữ”). Chủ đề mục vụ tháng 10/2018 là “Để yêu thương và tôn trọng em”, đó là lời thề hứa trong lễ cưới, nguyên văn là: “Anh (em) nhận em làm vợ (chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng nhu lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em).” Xin cùng tìm hiểu:
I.- Tương kính như tân:
Gia đình là yếu tố quan trọng trong cuộc sống con người. Ai cũng mơ ước có một gia đình êm ấm, một gia đình hạnh phúc, một mái ấm tuyệt vời. Nhưng mơ ước là một chuyện, còn hiện thực là một chuyện khác. Chính vì thế việc xây dựng gia đình là một tiến trình biến ước mơ thành hiện thực.
Văn hóa Việt Nam có câu “phu thê tương kính như tân” (“vợ chồng kính trọng nhau như khách quý”). Vì sao lại có lời khuyên đó? Ấy cũng bởi vì trong cuộc sống hôn nhân, việc thân thiết với nhau cũng tạo ra vấn đề. Khi nhìn thấy khuyết điểm của nhau, người ta cảm thấy sự hứng khởi về nét đẹp, sự duyên dáng, hay tài năng không còn hấp dẫn mạnh mẽ như khi còn sống riêng. Chính vì quá thân thiết nên coi thường, từ đó vợ chồng đối xử với nhau thiếu tế nhị, rồi hiểu lầm và xung đột xảy ra. Để có thể thăng tiến mối quan hệ vợ chồng và giải trừ khuynh hướng coi thường lẫn nhau, cần nhớ lại kinh nghiệm tiếp khách của mình.
Nói chung, khi tiếp đón khách tới nhà, người ta thường dùng phép xã giao để đón tiếp. Phép xã giao đòi hỏi sự tế nhị trong giao tiếp nên thường mang tính khách sáo. Tuy nhiên thành ngữ “tương kính như tân” xuất phát từ thiện ý xây dựng hôn nhân gia đình, nên đòi hỏi một sự chân thực. Vì thế, mới coi sự kính trọng lẫn nhau như là sự kính trọng khách quý. Khi tiếp đón một vị khách quý, ai cũng chuẩn bị nhà cửa, phòng ốc, đồ dùng chu đáo; đồng thời bản thân phô bày một khuôn mặt tươi cười, nói năng dịu dàng, tế nhị, ân cần; thậm chí còn ngợi khen, chúc tụng hoặc an ủi, vỗ về. Nói chung là muốn làm cho người khách quý hài lòng, thoải mái trong những ngày trú ngụ tại nhà mình. Người làm những việc như vậy là vì mộ mến người khách; mặt khác cũng muốn người khách giữ lại trong lòng những hình ảnh đẹp về mình.
Kinh nghiệm về tiếp đãi khách quý như trên quả là một bài học để suy nghĩ về tương quan vợ chồng. Nếu trong đời sống hôn nhân, hai vợ chồng có thái độ hành vi kính trọng lẫn nhau như khách quý, thì chắc chắn họ sẽ tế nhị với nhau trong lời nói, việc làm và lối sống. Họ sẽ lắng nghe nhau để biết nhau mong muốn điều gì, rồi từ đó chăm sóc chu đáo. Họ sẽ không chỉ dừng lại ở vấn đề vật chất như cơm áo, nhà cửa, nhưng họ sẽ tiến về sự kết hợp tinh thần. Bởi vì họ muốn để lại trong lòng nhau những hình ảnh tuyệt vời.
Điều đó cho thấy: sự kính trọng lẫn nhau trong đời sống hôn nhân là một điều hết sức quan trọng, bởi vì đức tính này sẽ dẫn vợ chồng đến chỗ lắng nghe, cảm thông, hoà giải và nên một (“tâm đầu ý hợp” như được dựng nên từ “một xương một thịt”). Vì thế, vợ chồng đãi nhau như khách không có nghĩa là khách sáo, làm bộ xa lạ, kiểu cách với nhau. Ngược lại, quan điểm “tương kính như tân” muốn nhấn mạnh rằng nếu ai có lòng quý trọng và tận tình chăm sóc khách quý, thì người ấy hãy kính trọng và chăm sóc vợ (chồng) của mình trong tình nghĩa phu thê như vậy.
Tư tưởng vợ chồng đối đãi với nhau như khách quý (“tương kính như tân”) cũng đã hàm chứa trong lời thề hứa hôn phối: “Anh (em) nhận em làm vợ (chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng nhu lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em).” Lời thề hứa yêu thương và kính trọng nhau là lời kêu gọi hãy đối xử với nhau trân trọng trong cuộc sống hàng ngày cho đến suốt đời. Vì thế vợ chồng đãi nhau như khách không làm tách rời hai người hoặc làm cho họ trở nên kiểu cách như đóng kịch; ngược lại, họ biểu lộ tình yêu hôn nhân sâu xa trong mối liên hệ ý hợp tâm đầu. Đó là một hướng đi then chốt để xây dựng hôn nhân. Nói cách cụ thể, sự “tương kính như tân” chính là lời dạy vợ chồng hãy yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.
II.- Yêu thương và tôn trọng:
Yếu tố quan trọng hàng đầu trong hôn nhân chính là “phu phụ tương kính như tân”. Thánh Phao-lô đã diễn tả trung thực cách sống đạo vợ chồng như vậy: “Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình… Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.” (Ep 5, 21-33)
Có thể nói, tôn trọng và yêu thương quyết định sự sống còn trong hạnh phúc lứa đôi. Tôn trọng mà thiếu yêu thương thì tình yêu không thể mặn nồng. Thật vậy, để có sự tôn trọng nhau trong đời sống gia đình, cả hai người cần giữ một khoảng cách nào đó. Nhờ vậy, họ dễ tiết chế cảm xúc để giúp trau giồi phẩm hạnh bản thân và tôn trọng tính cách cá biệt của người kia. Chính việc tôn trọng nhau mà họ tránh những thái độ lấn lướt và lạm quyền gia trưởng hay mẫu hệ. Đây cũng là cách hai người thể hiện tính tự trọng, nhờ đó mà chuyện tình yêu ít bị tổn thương.
Trái lại, yêu thương mà thiếu tôn trọng, tình yêu sẽ không bền vững. Yêu thương nhau sẽ giúp hai người gắn kết và tiến đến việc xây dựng hạnh phúc lứa đôi, nhưng chính thái độ tôn trọng nhau mới giữ gìn và củng cố họ trong yêu thương bền vững. Chất keo kết dính tình yêu bền chặt là lòng tôn trọng. Khi thiếu lòng tôn trọng trong yêu thương, đôi bên sẽ xâm phạm quyền lợi của nhau và làm tổn thương đến nội tâm của mỗi người. Yêu thương mà thiếu tôn trọng thường do họ sống quá nhiều phần cảm tính và cảm xúc nhất thời. Điều này thường diễn ra trong những năm đầu yêu nhau; nhưng sau đó, nếu chấp nhận và vượt qua giai đoạn này bằng ý chí và tình yêu chân thực, cả hai sẽ đạt đến mức độ đồng cảm và thấu hiểu lản nhau ngõ hầu quyết tâm sống yêu thương bền vững tới cùng.
III.- Cần có lòng tự trọng:
Thực tế cuộc sống cho thấy, một người có lòng tự trọng sẽ biết tôn trọng người yêu và trân trọng tình yêu mà bản thân dành cho người kia. Họ sẵn sàng khắc phục những mặt yếu của mình để qui hướng về tình yêu lứa đôi, nghĩa là lấy tình yêu làm động cơ cho những nỗ lực không ngừng tạo lập những thế mạnh khả dĩ giúp tình yêu mãi mãi tăng trưởng. Thật vậy, những gì xưa kia giúp họ thành công trong đời sống kỷ luật cá nhân thì nay được họ hội nhập trong tình yêu đôi lứa. Có được như vậy, tình yêu mới thể hiện những tinh hoa độc đáo được kết tinh thành một khối duy nhất trong một tổng thể hoàn hảo nhờ sự bổ sung của tình yêu giới tính.
Để việc tôn trọng nhau đạt hiệu quả tốt, hai người nên biết tự trọng. Có tự trọng mới có thể tôn trọng. Cũng cần ghi nhận những mô hình sinh hoạt trong gia đình để thoáng nhìn về cách đánh giá lòng tôn trọng và yêu thương. Trước đây, mô hình sinh hoạt gia đình: chồng là trụ cột chính, đi làm lo việc kinh tế và vợ lo việc nội trợ trong gia đình. Với mô hình này có thể gây nên một sự thiếu tôn trọng đối với người vợ. Đôi khi bản thân người vợ cũng tự đánh mất quyền bình đẳng với người chồng, đặc biệt là trong việc đóng góp ý kiến nhằm xây dựng gia đình… Trong khi đó, ngày nay người ta kêu gọi quyền bình đẳng cho phụ nữ, họ lo việc xã hội nhiều hơn và giao việc coi sóc con cái cho dịch vụ. Người nữ cảm thấy tự tin hơn khi cùng chồng lo cho kinh tế trong gia đình. Điều này đã kéo theo việc bỏ mặc cho con cái; chúng mất đi sự chăm sóc tình thương của cha mẹ, vì thế tình cảm đôi bên trở nên lạnh nhạt.
Từ đó, có thể nhận ra việc mọi thành viên trong gia đình được tôn trọng và yêu thương không hệ tại họ là ai và làm việc gì, nhưng tùy thuộc vào thái độ sống chân thành với nhau. Chính thái độ này xóa tan mọi khoảng cách giúp mọi thành viên sống gần nhau hơn. Bởi đó, dù chấp nhận cách thức sinh hoạt nào, mọi thành viên cần tuân thủ những qui ước chung. Đó là cách thể hiện lòng tôn trọng và yêu thương nhau. Tôn trọng và yêu thương là đôi cánh giúp tình yêu bay cao và bay xa. Cả hai điều kiện này là yêu sách trong một tình yêu mặn nồng và bền vững.
Làm sao cho đôi cánh tình yêu có thể vỗ nhịp nhàng để cả hai cùng nhìn về một hướng. Hướng nhìn của đôi bạn là tình yêu Thiên Chúa. Có thể nói, khi cả hai tâm hồn qui hướng về Chúa, họ hạn chế được thói vị kỷ làm hại tình yêu của nhau. Họ dễ dàng bỏ qua những tư lợi trước mắt hầu vươn cao trong tình yêu quên mình vì hạnh phúc lứa đôi. Đồng thời, họ đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng giúp họ vươn cao trong tình yêu, như lời Người hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến ngày tận thế” (Mt 28, 20). Quả thật, chính sự hiện diện này giúp họ thăng hoa trong đời sống.
Nói như thế, không có nghĩa là cả hai người thoái thác trách nhiệm xây dựng hạnh phúc lứa đôi vì Chúa “bao trọn gói”. Thiên Chúa không tước đoạt tự do của con người để toàn quyền hành động; trái lại, Người muốn con người tự do và sáng tạo hoàn toàn trong tình yêu. Cũng vì biết con người bất lực trong việc thủ đắc tình yêu đích thực, nên Người đã ban ơn soi sáng giúp họ nhận ra vấn đề của mình và đặt để những cơ hội thuận lợi giúp tình yêu vươn cao. Chính khi họ tự do và tự nguyện bước theo đường lối Chúa thì ơn ích của Bí tích Hôn nhân mang lại sẽ giúp tình yêu vỗ cánh bay cao và bay xa.
Kết luận:
Tóm lại, khi một đôi vợ chồng Công giáo đầy lòng kính trọng, thương yêu và chung thủy với nhau, người ấy sẽ nghĩ ngay tới tình yêu vô biên và lòng trung thành tuyệt đối của Thiên Chúa. Lời thề hứa hôn nhân Công giáo khi cử hành hôn lễ “thương yêu và tôn trọng nhau mọi ngày cho đến suốt đời” không chỉ muốn nói đến thời gian sống của đôi vợ chồng trong cuộc sống đời này, nghĩa là hôn ước của họ chỉ chấm dứt khi một trong hai người qua đời. Lời hứa hôn nhân Công giáo ấy còn mang một chiều kích thâm sâu hơn: Hôn nhân Công giáo được xây dựng trên nền móng chắc chắn là Thiên Chúa Tình Yêu, nên luôn bền vững, hoàn toàn không có bất cứ nguyên nhân ngoại tại nào có thể xóa bỏ hay làm lung lay được, ngoại trừ sự chết. Cũng như sự chết, tình yêu tự bản chất là một thực tại mang tính cách dứt khoát và thực tiễn.
Những ai được mời gọi sống đời hôn nhân, họ luôn ý thức lòng tôn trọng và yêu thương là những chất liệu gắn kết và đem lại hạnh phúc trong gia đình. Quả thật, không thể tôn trọng mà thiếu yêu thương hay ngược lại, yêu thương mà thiếu tôn trọng. Tôn trọng mà thiếu yêu thương, tình yêu sẽ không mặn nồng và yêu thương lại thiếu tôn trong, tình yêu sẽ không bền vững. Cả hai cùng sánh bước và trở thành cặp đôi hoàn hảo tôn trọng nhau trong cuộc sống với lòng tự trọng sâu xa, để từ đó họ trở thành những thành viên gương mẫu trong đại gia đình Giáo hội.
Ôi! Lạy Chúa! Qua bí tích Hôn phối, Chúa đã kết hợp hai người nam và nữ thành một gia đình duy nhất và bền vững, một cộng đoàn của sự sống và tình yêu. Cúi xin Chúa giúp chúng con, là những người đang được Chúa mời gọi bước vào cuộc sống hôn nhân và gia đình, biết luôn cố gắng thực thi thánh ý Chúa bằng cách từ bỏ ý riêng cùng với những đam mê, tính hư, tật xấu, để hợp tác với Chúa và với người bạn đời trong việc xây dựng gia đình ngày càng triển nở hơn trong tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: