Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Giá trị đích thực của hôn nhân

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA HÔN NHÂN 

 (CN XXVII/TN-B)

 

Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXVII/TN-B – Mc 10, 2-16) trình thuật về bọn Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?" Mới thoạt nghe câu hỏi, thấy có vẻ như họ muốn học hỏi về hôn nhân theo quan điểm của Đức Giê-su. Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ sẽ thấy với lòng dạ đố kỵ ghen ghét, bọn kinh sư luật sĩ Pha-ri-sêu không có ý muốn tốt đẹp gì, mà chỉ là hỏi thử Đức Giê-su để gài bẫy Người mà thôi! Biết quá rõ về lòng dạ của họ, Đức Ki-tô đã hỏi ngược lại xem họ có biết gì về luật lệ Do Thái ("Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?") để từ đó Người lên àn bọn kinh sư và giải thich về Lề Luật.

 

Câu hỏi của nhóm Pha-ri-sêu đã là khởi điểm để Đức Giê-su dẫn giải, ngõ hầu đưa người thắc mắc trở về với ý nghĩa đích thực của hôn nhân. Quả thực việc họ thử thách Chúa lại biến thành cơ hội để Người xác định lại bản chất hôn nhân và phục hồi phẩm giá cho người phụ nữ. Đức Ki-tô không trả lời nhóm Pha-ri-sêu ngay, nhưng Người áp dụng một phương thức rất khôn ngoan là đi từng bước một. Trước hết, Người muốn biết quan điểm của họ về việc ly dị. Nói đến Lề Luật thì phải nói đến Thiên Chúa và ông Mô-sê. Thiên Chúa là Đấng đặt ra Lề Luật. Ông Mô-sê chỉ là người nhận lãnh trách nhiệm thi hành Luật lệ. để hướng dẫn dân chúng.

 

Câu trả lời của bọn Pha-ri-sêu căn cứ trên Đệ nhị luật (chương 24, số 1-4). Vì thế khi được Đức Giê-su hỏi về việc rẫy vợ, ông Mô-sê đã truyền dạy họ điều gì; họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ”. Câu trả lời rõ ràng cho thấy ông Mô-sê đã cho phép ly dị, chứ không phải Thiên Chúa cho phép! Tiếp lời, Đức Ki-tô đã giải thích lý do tại sao ông Mô-sê đã cho phép: “Là vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông”. Rồi Người đưa họ về với bản chất đích thực của hôn nhân mà Thiên Chúa đã ấn định: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ… Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” (St 1, 27; 2, 23-25).

 

Đức Giê-su kết luận: “Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Như thế, bản chất và luật hôn nhân không phải do ông Mô-sê ấn định, nhưng chính Thiên Chúa là Đấng đã thiết lập hôn nhân và luật bất khả phân ly của hôn nhân. Hôm nay, trước mặt nhóm Pha-ri-sêu, Chúa Giê-su kêu gọi họ hãy trả lại chỗ đứng đích thực cho hôn nhân. Hôn nhân và luật hôn nhân không phải là một truyền thống như ông Mô-sê đã chiều lòng dân Do Thái mà cho phép họ viết tờ ly dị. Nhưng hôn nhân “từ lúc khởi đầu công trình tạo dựng” đã được Thiên Chúa thiết lập khi Người làm nên người nam và người nữ, rồi phối hợp họ với nhau thành một xương một thịt, bất khả phân ly.

 

Tìm về nguyên ủy vấn đề, sẽ thấy đôi tân hôn đầu tiên là A-đam và E-và phạm tội bất trung, khiến gia đình nhân loại bị phân hóa. Tuy nhiên, vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót, gia đình nhân loại được phục hồi trong sự hiệp nhất nhờ quyền năng cứu chuộc do cái chết và sự sống lại của Đức Ki-tô. Trong gia đình, các ngôi vị được sinh ra và dần dần nhờ giáo dục được dẫn vào trong cộng đồng nhân loại. Từ đó, nhờ tái sinh qua phép rửa và nhờ sự giáo dục đức tin, ngôi vị ấy cũng được dẫn vào trong gia đình của Thiên Chúa là Hội Thánh. Hôn nhân và gia đình Ki-tô giáo xây nên Hội Thánh, cũng giống như những ngôi vị xây nên gia đình nhân loại (xã hội). Nhờ được tham dự vào hiệu năng cứu độ của biến cố Đức Ki-tô xuống thế làm người (Ngôi Lời Nhập Thể), hôn nhân Ki-tô giáo trở thành môi trường tự nhiên để cho nhân vị được hội nhập vào trong đại gia đình Hội Thánh.

 

Cũng chẳng khác gia đình đầu tiên của nhân loại được Thiên Chúa dựng nên và trao phó sứ mạng “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất” (St 1, 28); với hôn nhân cũng vậy, ngay từ đầu sứ mạng phát triển đã được trao cho người nam và người nữ để sinh sản thêm nhiều. Quả thực “Tình yêu đôi bạn tỏ cho ta thấy bản chất đích thực và sự cao quý của nó, khi ta nhìn xem trong nguồn mạch cao siêu của nó là Thiên Chúa: Người là tình yêu và Người là Cha, bởi Người, mọi phụ hệ trên trời dưới đất được tôn xưng… Hôn nhân là một tình yêu phong nhiêu, nghĩa là nó không hoàn toàn bị hạn chế trong sự kết hợp hôn nhân, mà còn hướng về kế tiếp, là gây dựng thêm sinh mạng mới. "Hôn nhân và tình yêu đôi bạn, tự bản chất, hướng về sinh sản và giáo dục con cái. Mà thực ra, con cái là món quà quý nhất của hôn nhân và đem lại hạnh phúc lớn cho cha mẹ chúng." (Thông điệp Sự Sống Con Người “Humanæ Vitæ”, số 8-9)

 

Cuối cùng, nơi gia đình, đã phát xuất từ bí tích hôn phối, Hội Thánh còn tìm được cái nôi và môi trường giúp cho Hội Thánh có thể hoàn tất việc hội nhập vào các thế hệ loài người, cũng như ngược lại, các thế hệ loài người được hội nhập vào Hội Thánh. Kể từ đó, hôn nhân là hiệp thông và cộng tác với Thiên Chúa. Phần cuối của Tin Mừng trình thuật  Đức Giê-su “bực mình” vì hành động của các môn đệ (không cho trẻ em đến với Đức Giê-su), mới thoạt nghe tưởng như chằng liên can gì tới vấn đề diễn giảng của Đức Giê-su. Tuy nhiên, chính hành động “người ta dẫn trẻ em đến với Chúa để Người đặt tay trên chúng” lại là kết quả của vấn đề Chúa triển khai: Trẻ con chính là kết quả của hôn nhân, nên "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.” (Mc 10, 14)

 

Tóm lại, Tình yêu Vợ Chồng bao gồm một toàn thể tính, trong đó có đủ mọi yếu tố cấu tạo nên ngôi vị. Tình yêu ấy nhắm đến một sự hiệp nhất sâu xa về ngôi vị, một sự hiệp nhất, vượt qua sự kết hợp thành một thân xác, đưa đến chỗ chỉ còn một trái tim, một linh hồn. Tình yêu ấy đòi hỏi sự bất khả phân ly và sự trung thành trong việc trao hiến cho nhau một cách dứt khoát, mở ngõ cho việc sinh sản. Tắt một lời, đó chính là những đặc tính thông thường của mọi tình yêu vợ chồng nhưng với một ý nghĩa mới mẻ, một ý nghĩa không những thanh luyện và củng cố đặc tính ấy, mà còn nâng chúng lên tầm cao đến độ biến chúng trở thành lời diễn tả những giá trị đích thực của Ki-tô giáo. Hôn nhân trở thành bí tích chính là vì thế.

 

Vượt trên mọi thực tại căn bản khác, cũng vì gia đình là cung thánh của sự sống, nên hôn nhân là môi trường trong đó con người có thể sống cho chính mình bằng cách tự hiến vô vị lợi. Một con người chào đời (Ga 6, 21) là một dấu chỉ vượt qua. Như thế, Bí tích Hôn Phối là một phần thuộc thực tại cứu độ bao la của Thiên Chúa dành cho loài người qua sự tử nạn và phục sinh của Ðức Ki-tô, Con yêu dấu của Người. Ý thức vấn đề, người Ki-tô hữu cần thiết phải sống trọn vẹn ân sủng Bi tích Hôn phối. Để hoàn tất sứ vụ, các gia đình Ki-tô giáo cần ý thức về sự tự hiến phải được bảo đảm và đổi mới không ngừng. Và nhất là đừng quên học hỏi và cầu nguyện sống sao cho xứng đáng là bản sao trung thực nhất mẫu gương Gia đình Thánh Na-da-ret. Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.