Sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban
SẴN SÀNG YÊU THƯƠNG
ĐÓN NHẬN CON CÁI MÀ CHÚA SẼ BAN
Trải qua thời gian, thực tế lịch sử nhân loại đã cho thấy mối quan hệ hỗ tương giữa con cái và cha mẹ. Trong đó, những người con được sinh ra trong tình yêu đích thực của cha mẹ, được chăm sóc giáo dục và phát triển nhân cách lành mạnh. Đồng thời, chính những người con khỏe mạnh, khôn ngoan, hiếu thảo, thành đạt đã đem lại niềm vui, hạnh phúc và an bình cho các bậc cha mẹ.
Đối với Ki-tô giáo cũng không ngoại lệ, như hiến chế Mục vụ về Giáo Hội “Gaudum et Spes” (số 50) giải thích: “Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Con cái là ơn huệ cao quí nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ… Bổn phận truyền sinh và giáo dục phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng. Trong khi thi hành bổn phận ấy, họ biết rằng mình cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hóa và như trở thành những kẻ diễn đạt tình yêu của Ngài.”
Đó là lý do khiến Hội đồng Giám Mục Việt Nam chọn chủ để mục vụ cho tháng 11/2018 là: “SẴN SÀNG YÊU THƯƠNG ĐÓN NHẬN CON CÁI MÀ CHÚA SẼ BAN”. Xin cùng tìm hiểu:
I. CON CÁI LÀ MÓN QUÀ CAO QUÝ NHẤT CỦA HÔN NHÂN:
Thông điệp Sự Sống Con Người “Humanæ Vitæ” (số 9) đã khẳng định: “Hôn nhân là một tình yêu phong nhiêu, nghĩa là nó không hoàn toàn bị hạn chế trong sự kết hợp hôn nhân, mà còn hướng về kế tiếp, là gây dựng thêm sinh mạng mới. Hôn nhân và tình yêu đôi bạn, tự bản chất, hướng về sinh sản và giáo dục con cái. Mà thực ra, con cái là món quà quý nhất của hôn nhân và đem lại hạnh phúc lớn cho cha mẹ chúng.”
Vì tình yêu, vợ chồng tự nhiên hướng về việc sinh sản con cái. Con cái là hoa quả và thành tựu của tình yêu vợ chồng, hiện diện ngay trong việc vợ chồng hiến thân cho nhau. Những hành vi của đôi vợ chồng dùng để kết hợp với nhau trong tình thân mật trong sạch, ngõ hầu tạo thành và lưu truyền đời sống con người. Đó là những hành vi cao quí và chính đáng, là những hành vi hợp pháp. Trong thực tế, kinh nghiệm cho thấy không phải mỗi hành vi, mỗi giao kết của hôn nhân đều tạo ra được một mầm sống mới. Thiên Chúa khôn ngoan vô cùng đã thu xếp và thiết lập những định luật, những chu kỳ tự nhiên của mầm sống. Giáo hội vẫn nhắc nhở người tín hữu phải tuân hành các định luật tự nhiên và các lời giáo huấn của Giáo hội luôn luôn xác định rằng “Hành vi Hôn nhân” phải hướng về việc lưu truyền đời sống. Điều đó cho thấy con cái là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân.
Sinh con không chỉ là một sự kiện thuần túy sinh học, mà là một cuộc đầu tư, đảm nhận và biến đổi toàn thể con người. Kinh nghiệm này nảy sinh từ tình yêu, lớn lên và biểu lộ ra trong tình yêu, nên vừa có tính sinh học, vừa thuộc tình cảm và thiêng liêng. Bởi thế, đứa con có thể được sinh hạ một cách thực sự phù hợp với nhân tính “bởi tình yêu” và “trong tình yêu” qua hành vi vợ chồng. Vì là một hành vi nhân linh sâu xa gắn kết với toàn thể con người, gồm cả về mặt xã hội và tôn giáo, nên việc sinh một con người là cộng tác với tình yêu Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng. Chọn lựa này đưa đôi phối ngẫu vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa và vì thế đôi vợ chồng trở nên vừa là cộng tác viên, vừa là người phục vụ trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa Tình Yêu.
II. CON CÁI ĐEM LẠI HẠNH PHÚC CHO CHA MẸ:
Khi không có tình yêu đích thực, nhiều bậc cha mẹ đã bị cám dỗ cho rằng sự hiện hữu của đứa con không phải là một quà tặng, nhưng là một gánh nặng đem đến cho họ những vất vả, mệt nhọc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Họ cảm thấy bị ràng buộc và mất mát đủ thứ: từ thời gian, sức khỏe đến tiền bạc. Họ cho rằng đứa con đã lấy đi niềm vui và hạnh phúc của họ chứ không có gì để cho họ cả; thậm chí có người cón nghĩ rằng: thêm một con người sinh ra, quyền lợi của họ bị giảm đi một phần.
Trái lại với quan niệm đó, nếu nhìn sâu vào vấn đề sẽ thấy một người con sinh ra trong cuộc đời, không phải là một dữ kiện thống kê (gia tăng dân số), nhưng chính là món quà sự sống được trao tặng cho cha mẹ. Nói cách khác, đối với con người, sự sống luôn là một món quà cao quí nhất để mình được hiện hữu trong vũ trụ, giữa lòng thế giới. Hơn thế nữa, quà tặng tuyệt vời nhất của hôn nhân chính là một con người, một sự sống mới được sinh ra như kết quả tình yêu của cha mẹ. Chỉ trong tình yêu thì sự sống mới được đón nhận như một quà tặng và được phục vụ, tôn trọng như một con người chính hiệu.
Điều đó cho thấy hạnh phúc tùy theo quan điểm của mỗi người, nhưng hạnh phúc không đồng nghĩa với sự nhàn hạ, hưởng thụ và có nhiều lợi nhuận cũng như quyền lực; mà chỉ có những ai biết mở lòng ra để đón nhận người khác như một quà tặng, người đó mới được yêu thương và tôn trọng. Đó là bí quyết thể hiện tình yêu chân thành giữa vợ chồng với nhau, một tình yêu luôn nhận ra mỗi người con là một quà tặng vô giá làm tăng thêm hạnh phúc gia đình. Vượt qua mọi biến cố thăng trầm của cuộc sống với những thách đố gian khổ, họ luôn cảm nhận được hạnh phúc vô bờ khi biết mình được làm cha, làm mẹ. Vâng, ngay từ khi sự sống trở thành thai nơi tử cung người mẹ, thai nhi – người con – đã thắp sáng tình yêu của cha mẹ. Chính tình yêu và hạnh phúc này đã là nguồn lực phong phú, mạnh mẽ, giúp cha mẹ luôn sống trong niềm hy vọng để hoàn thành trách nhiệm của mình.
iiI. SẴN SÀNG YÊU THƯƠNG ĐÓN NHẬN CON CÁI MÀ CHÚA SẼ BAN:
Bổn phận truyền sinh và giáo dục phải được coi là sứ mệnh cao quý riêng biệt của vợ chồng. Tôn trọng, tuân phục Thiên Chúa, đồng tâm hiệp lực với nhau, họ sẽ tạo được cho mình một phán đoán ngay thẳng: biết xét đến lợi ích riêng của họ cũng như của con cái đã sinh hay tiên liệu sẽ có, biết nhận định về các hoàn cảnh vật chất hay tinh thần của thời đại và bậc sống; đồng thời biết nghĩ đến lợi ích của gia đình, của xã hội trần gian và của chính Giáo hội. Sự phán đoán ấy, sau cùng chính đôi vợ chồng phải chọn lựa lấy trước mặt Thiên Chúa.
Trong cách thế hành động, vợ chồng Ki-tô hữu hãy ý thức là mình không thể làm theo sở thích, nhưng phải luôn luôn tuân theo tiếng nói của một lương tâm ngay thẳng được khuôn đúc theo lề luật của Thiên Chúa; đồng thời hãy vâng phục giáo huấn của Giáo hội, vì Giáo hội có thẩm quyền giải thích luật Chúa dưới ánh sáng Tin Mừng. Tình yêu hôn nhân là tình yêu duy nhất mang khía cạnh tính dục. Giáo hội chấp nhận và dậy rằng khía cạnh tình dục sẽ đạt đầy đủ giá trị nhân bản và luân lý nếu nó được hội nhập theo một cam kết tình yêu. Nó là một sự dâng hiến hỗ tương mà đôi vợ chồng ban tặng cho nhau. Nói là hội nhập, vì tình yêu vợ chồng luôn hàm chứa tình dục giới tính. Nếu chỉ là tình dục suông thì tất nhiên không phải là tình yêu hôn nhân.
Tình yêu vợ chồng là một quyết định chung của vợ chồng để xây dựng một gia đình, để cùng nhau đương đầu với những khó khăn có thể xuất hiện trên đường đời. Cưới là sẵn sàng đón nhận một bạn đời. Tình yêu vợ chồng là một ý muốn làm tốt cho bạn mình, làm vừa lòng bạn mình. Nói khác đi, đó là ý muốn chia vui, sẻ buồn, sống với, sống cùng, chấp nhận bạn đời như một quà tặng trọn hảo. Tình yêu vợ chồng không chèn ép, lấn át, không làm phiền lòng, cũng không dạy luân lý; nhưng là tiếp tay, hỗ trợ, lắng nghe, nâng đỡ. Để làm được những điều trên, đôi phối ngẫu cần phải vận dụng đến thông minh của lý trí và sức mạnh của ý chí. Mà nét độc đáo nhất là chữ nhẫn, chữ tha thứ, chữ nhịn nhục, và cả vâng lời làm theo ý bạn nữa.
Có một câu diễn tả tình yêu hôn nhân rất phổ biến, đó là “một mái nhà tranh hai trái tim vàng”. Hai trái tim vàng là hai trái tim cùng nhịp đập tôn trọng nhau và tìm hiểu, khám phá nhau thêm mỗi ngày, để thấy những sâu thẳm của con tim bạn mình, mà tôn trọng và quý mến hơn, hầu yêu thương hơn. Làm vợ làm chồng với nhau không phải là ngừng lại một chỗ, một thời, một nơi, nhưng là cùng nhau tiến về tương lai, tìm ra đường đi nước bước cho cuộc sống chung. Cưới nhau là tay đan tay trong tình yêu để tìm hiểu nhau mỗi ngày cùng xây dựng, cùng phục vụ và bổ khuyết cho nhau. Tình yêu vợ chồng không phải là hướng về những hối tiếc quá khứ, nhưng là một tình yêu tích cực mở ra tương lai. Mà cái tương lai vui mừng nhất là sinh con. Sinh con là tiếp nối đời sống, là sống một “kinh nghiệm làm người”. Vui mừng nhưng bận rộn hơn nhiều, khó khăn hơn nhiều. Tuy vậy, qua việc sinh con và dạy con, tình yêu hôn nhân đã biến vợ chồng thành những người tiếp tay với tình yêu tạo dựng của Thiên Chúa.
Chiêm ngắm từng người thân trong gia đình bằng đôi mắt của Thiên Chúa và nhận ra Đức Ki-tô nơi họ là một kinh nghiệm tâm linh sâu xa. Điều này đòi hỏi người tín hữu quý trọng phẩm giá của họ. Người ta chỉ có thể hiện diện trọn vẹn với một người nếu biết hiến thân trọn vẹn và quên đi mọi chuyện xảy ra xung quanh. Như thế người được yêu thương là người xứng đáng được quan tâm đầy đủ. Đức Giê-su là mẫu gương về điều này, bởi vì khi bất cứ người nào đến nói chuyện với Người, Người đều chăm chú nhìn và chạnh lòng thương (Mc 10, 21). Không ai cảm thấy bị quên lãng khi hiện diện cùng Đức Ki-tô, vì những lời nói và cử chỉ của Người thể hiện trong câu hỏi này: “Bạn muốn tôi làm gì cho bạn?” (Mc 10, 51). Đây là kinh nghiệm trong đời sống hằng ngày của gia đình, trong đó nhắc nhở rằng mỗi người sống bên nhau đều xứng đáng được mình lưu tâm cách tận tình, bởì họ có phẩm giá vô hạn vì là đối tượng của tình yêu vô biên của Chúa Cha. Từ đó sẽ nảy sinh sự dịu dàng có thể khơi lên trong lòng người khác niềm vui cảm thấy mình được yêu thương và tôn trọng.
Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, gia đình không chỉ đón nhận sự sống bằng cách sinh sản trong phạm vi gia đình, nhưng còn mở ra, đi ra khỏi chính mình để quan tâm tới những thiện ích trao ban cho người khác, đồng thời chăm sóc họ và tìm kiếm hạnh phúc cho họ. Sự cởi mở này được thể hiện đặc biệt nơi lòng hiếu khách, như Lời Chúa khơi gợi và khích lệ: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương “Amoris Laetitia”, số 316). Một khi gia đình rộng mở đón tiếp và đi đến gặp gỡ những tha nhân, nhất là người nghèo và người bị bỏ rơi, thì đó là biểu hiệu, chứng từ và là sự tham dự vào thiên chức làm mẹ của Hội Thánh. Bác ái xã hội, một phản ảnh về Thiên Chúa Ba Ngôi, trong thực tế là điều hiệp nhất ý nghĩa thiêng liêng của gia đình và sứ mạng ra khỏi chính mình, vì nó làm cho lời rao giảng tiên khởi hiện diện với tất cả những đòi hỏi mang tính cộng đồng. Gia đình sống linh đạo đặc thù của mình nhờ cùng lúc vừa là một Hội Thánh tại gia, vừa là một tế bào sống động để biến đổi thế giới.
KẾT LUẬN:
Tóm lại, “tự bản tính, hôn nhân phải hướng về lợi ích tinh thần và thể xác của đôi bạn và bổn phận sinh dưỡng và giáo dục con cái” (Giáo luật, số 1055). Hội Thánh đã dạy sinh sản phải có trách nhiệm, nghĩa là khi sinh con, cha mẹ phải lo lắng chăm sóc, dưỡng dục để chúng sống xứng đáng phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa. Do đó, đôi bạn cần suy xét thận trọng về sức khỏe, kinh tế, giáo dục… để có quyết định đúng đắn về việc điều hòa sinh sản. Muốn được vậy, đôi bạn phải có những yếu tố:
* Lương tâm ngay thẳng, chân chính;
* Tinh thần trách nhiệm cao;
* Tuân giữ giáo huấn của Hội Thánh về việc điều hòa sinh sản.
Là bậc làm cha mẹ, người Ki-tô hữu hãy học hỏi theo giáo huấn của Giáo hội để cho lương tâm của mình được hướng dẫn theo đường ngay nẻo chính. Nhất là hãy thường xuyên cầu nguyện với Chúa, và siêng năng lãnh các bí tích để nhờ đó học biết yêu thương bằng tình yêu chân thành và quảng đại theo gương Chúa Ki-tô là Đấng hằng luôn đầy lòng thương xót đối với mọi người chúng ta. Ước được như vậy.
Ôi! Lạy Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của mỗi người chúng con, chúng con xin phó thác cho Mẹ sự sống của chúng con. Xin cho chúng con được ơn đón nhận Tin Mừng sự sống như một hồng ân, cho chúng con niềm vui cử hành hồng ân ấy với lòng biết ơn trong suốt cuộc đời chúng con. Đồng thời, xin Mẹ cầu bầu cùng Đức Ki-tô Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ ban cho chúng con lòng can đảm làm chứng cho Tin Mừng sự sống cách bền bỉ và tích cực, để cùng với tất cả mọi người thiện chí, xây dựng nền văn minh chân lý và tình yêu, ngõ hầu chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đến muôn đời. Amen.