Hôn nhân bước vào hành trình mới
HÔN NHÂN BƯỚC VÀO HÀNH TRÌNH MỚI:
++++++++++++++++++7
TRONG TÌNH YÊU SINH NHIỀU HƯƠNG THƠM, HOA TRÁI HẠNH PHÚC (Ga 15, 9-12)
Yêu và được người mình yêu đáp trả có thể xem một ước mơ thành hiện thực. Để có ước mơ thành hiện thực này đã phải trải qua cả một quá trình đẩy thử thách.
Nhưng không dừng ở đó…
Từ ngỏ lời yêu- vốn là lời theo người người khó nói nhất (thử hỏi chú rể…) rồi được đáp lại bằng con tim, hai người Nam - Nữ tiếp tục hành trình thanh luyện- thử thách (bởi chẳng có người tử tế hay con gái nhà lành nào vừa nhận lời đáp yêu là dọn ngay về nhà người ta ở), đến lúc không thể sống thiếu nhau, lại có người ngỏ lời ‘xin cưới’… Khi được người mình yêu đáp lời đồng ý về chung sống, làm nên một Gia đình mới, lại tiếp ước mơ biến thành hiện thực.
Như thế, nhìn tổng quát, từ yêu đến khi đồng ý về chung sống với nhau, ít nhất trải qua hai hành trình đầy gian khó, thử thách, kiên tâm… Với con nhà lành- gia đình gia giáo (nhất là con gái), lại dễ thương, lại không dễ dàng trong tình cảm, rất nghiêm túc trong chuyện tình cảm thì những quá trình thử thách này xem ra càng cam go, kể cả không ít lần trực diện lo lắng, mất ăn mất ngủ…
Hôn nhân được coi bước khởi đầu tuyệt vời cho của hành trình mới, hành trình hai người Nam-Nữ yêu nhau giờ trở nên Vợ- Chồng đi bên nhau trọn đường dương thế… thì xem ra hành trình thanh luyện- thử thách Tình yêu trước Hôn nhân chẳng là gì hết dẫu rất cần thiết để góp phần thiết định Tình yêu có sự trưởng thành.
Nghĩa là từ đây hai người không còn là hai nữa. Trong Giao ước Hôn nhân, nhất là Hôn nhân Bí tích, nhờ ơn Chúa và trước mặt Chúa với Hội thánh họ đã nên một xương một thịt.
‘Nhà mình’ hay ‘mình ơi’ câu goi thân thương giữa vợ chồng phần nào phát tỏa cái ‘nên một xương một thịt’ ấy: Người chồng- người vợ giờ không còn ngoài ta nữa mà là chính thân mình, là máu thịt mình. Và sự nên một xương một thịt trọn vẹn rõ nhất nơi con cái…
Ý tưởng trong Tình yêu vợ chồng nên một xương một thịt nhiệm màu như Chúa Giêsu và Giáo hội lần nữa được Thánh Phaolô nhấn mạnh qua bài đọc II (mà chú rể vừa công bố): Cũng như thế người chồng phải yêu vợ như chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả thế có ai ghét thân xác mình bao giờ… Thánh nhân nhấn mạnh người chồng yêu vợ bằng Tình yêu Chúa Giêsu Kitô yêu Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh… (x.Ep 5, 25tt).
Trong Tình yêu Vợ chồng nhờ bí tích đã nên một màu nhiệm, điểu có vẻ ‘nói riêng’ cho Chồng hay Vợ cũng là nói cho cả người bên kia. Câu nói trên Thánh Phaolô có vẻ nhắn nhủ cho chồng cũng có nghĩa nói Vợ yêu Chồng cùng như thế, Yêu trong Tình yêu Chúa yêu, yêu như Chúa yêu.
Bước vào Hôn nhân ta không còn sống cho riêng mình nữa mà là bước vào hành trình khai mở sống cho người khác, cho nhau, cho cha mẹ hai bên, quan viên hai họ;… đặc biệt cho sự sống mới chào sinh qua con cái. Tương lại của cha mẹ bây giờ là hướng về con cái. Tương lai tốt xấu, vinh nhục hệ tại cha mẹ biết quan tâm Giáo dục con cái, nhất là giáo dục Đức tin... Và Giáo dục tốt nhất, hiệu quả nhất chính là gương sáng Đạo đức- sống trách nhiệm trong thủy chung yêu thương của cha mẹ.
Trong hành trình mới khi nên vợ nên chồng ấy đầy cam go, thử thách… chắc chắn nếu không có Tình yêu, không biết nuôi dưỡng- vun chăm Tình yêu thì thất bại sớm. Hôn nhân coi chừng là thảm họa…
Vì thế Vợ Chồng phải luôn ở trong Tình yêu, không phải thứ tình yêu thế gian mau qua, hay thay đổi mà là Tình yêu của Chúa, yêu như Chúa yêu.
Đấy cũng là điều Chúa Giêsu nói nơi bài Tin Mừng vừa công bố. Ngài tha thiết mời gọi: ‘Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người’
Xin lưu ý Lời Chúa Giêsu: Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người’.
Điều này nói nên điều gì ?
Tình yêu vợ chồng trong Tình yêu của Chúa- yêu như Chúa yêu không phải mớ lý thuyết suông, không dừng ở đầu môi chóp lưỡi, tức đòi ta không ngừng nỗ lực- ý chí thể hiện cụ thể, bằng những hy sinh cụ thể. Trong Tình yêu hy sinh trở thành hương thơm sinh hoa trái hạnh phúc.
Quả thực, Tình yêu một thực tại thiêng liêng, ta không bao giờ định nghĩa được Tình yêu, không bao giờ yêu cho đủ. Dù không hiểu, không thể định mức song Tình yêu lại là một thực tại rất cụ thể, rất sống động điều mà quý ông- bà- anh- chị- em, đôi bạn tân hôn hôm nay đã đang và vẫn tiếp tục cảm nhận hương thơm của nó, hoa trái của nó trong thường nhật đời sống gia đình.
Có một điều chắc chắn, ta có thể cảm biết được Tình yêu thật hay giả, nhiều hay ít qua hy sinh. Không có chuyện yêu tại tâm mà không cần biểu lộ cụ thể qua lời nói và hành động cụ thể. Đức tin không có việc làm là Đức tin chết- thánh Giacôbê Tông đồ đã nói thế. Chính Chúa Giêsu xác quyết: Không phải ai thưa Lạy Chúa, Lạy Chúa mà vào Nước Trời, chỉ những ai nghe và thực hiện Lời Chúa.
Nhân danh yêu tại tâm- hay ngon ngọt trên môi miệng mà không có việc làm hy sinh biểu lộ thì cũng dạng ba xạo...
Hy sinh được coi là thước đo con tim.
Thật kỳ diệu, hy sinh trong Tình yêu không còn đau khổ, hơn nữa còn thúc đẩy ta muốn hy sinh thêm nữa, hạnh phúc vì được hy sinh cho người mình yêu. Thánh Augustinô có kinh nghiệm sâu sắc: ở đâu có yêu thương ở đấy chẳng còn lao nhọc, mà giả có lao nhọc, thì lao nhọc cũng biến thành yêu thương.
Trong Đức tin, hy sinh trong Yêu thương nhờ Chúa Giêsu, kết hợp với Thập giá Chúa Giêsu - Kitô thì hy sinh thập giá ấy thành Thánh giá Cứu độ, thành Tin Mừng Cứu độ khởi đi từ gia đình, đến với người khác, đặc biệt anh chị em Lương dân.
Ở góc độ khác…
Vâng, yêu và được yêu là ước mơ của mọi người, và chẳng ai muốn hai người nam- nữ yêu nhau mà không được ở bên nhau, còn thấp thỏm xa nhau. Chưa được ở bên nhau, âu cũng là bất hạnh. Ở bên nhau mà không hôn nhân, thì cũng chưa có gì bảo đảm tình yêu bền vững, dễ đến những bi kịch lớn hơn.
Tình yêu chân chính tất sẽ đưa đến hôn nhân. Tình yêu hôn nhân có giá trị, đảm bảo bền vững vì được Thiên Chúa chúc phúc, thiết định bằng sợi dây hôn phối- Giao ước hôn nhân một vợ một chồng, thủy chung trọn đời. Rõ ràng Hôn nhân cho thấy tình yêu nam- nữ có sự trưởng thành, phản ánh Thiên Chúa Tình yêu. Và chỉ trong tầm cao này họ mới xứng trao hiến trọn vẹn, nên một như ý Chúa mong muốn, xứng đáng trở thành người cộng tác với Chúa trong việc khai mở sự sống mới qua sinh con cái.
Có thể nói bài Tin mừng vừa nghe cho ta chìa khóa của đời sống Kitô hữu, nền tảng để xây dựng một Gia đình an vui- hạnh phúc: ở lại trong Tình yêu Chúa Giêsu, nên giống Chúa Giêsu. Nên giống Chúa Giêsu phải biết bỏ mình, biết sống cho người khác, khởi đi từ gia đình.
Hồng y Joseph Ratzinger- nguyên Đức Thánh Cha Bênêddictô XVI nói: ‘tình yêu hôn nhân chỉ thực sự phong phú và lớn lên khi mỗi người sẵn sàng quên đi chính mình, sẵn sàng bước ra khỏi mình và trao mình cho người mình yêu”
Đôi Tân hôn rất thân mến
Ơn gọi của các bạn là Nên thánh trong bậc sống gia đình, giữa thực tại trần thế. Các bạn nên thánh, thực thi ý Chúa qua chu toàn bổn phận làm chồng, làm vợ, làm cha làm mẹ trong yêu thương. Sống thế là các bạn đang sống trong Tình yêu Chúa, đang cộng tác với Ơn Thánh, nhờ vậy mỗi gia đình Công giáo khám phá được ý nghĩa đích thực của hôn nhân, tìm được niềm vui, hạnh phúc, và như thế các bạn đang tích cực tham gia sứ vụ Rao giảng Tin Mừng bằng đời chứng nhân Tin mừng. Đặc biệt trong năm Niềm Vui Gia Đình.
Minh họa: (bản kê tội)
‘Xin lỗi’ trong Tình yêu, nhất là trong Tình yêu vợ chồng không hẳn mình có lỗi nhưng để cho thấy mình còn trân trọng yêu thương người khác. ‘Xin lỗi’ được Đức Thánh Cha Phanxicô coi là một trong ba ‘chìa khóa vàng’ để xây dựng Gia đình Hạnh phúc (hai chìa khóa vàng kia là lời ‘cám ơn’ và ‘làm ơn’…)
Và xin gia đình nhớ lời Mẹ thánh Têrêxa Calcutta : Hãy trao nhau nụ cười trong gia đình: chồng hãy mỉm cười với vợ, vợ hãy mỉm cười với chồng… (không ai nghèo đến độ không cho người khác nụ cười; không ai giầu đến độ mà không cần nụ cười. Điều này càng cần thiết trong đời sống vợ chồng…)
Năm Niềm Vui Gia đình, Gia đình hãy là Dấu chỉ Lòng thương xót của Chúa, nhất là Năm Thánh các Thánh Tử đạo Việt Nam thay mặt gia đình Giáo xứ tôi cầu chúc hai bạn sống được điều mà cha mẹ hai bên đã kỳ vọng khi đặt tên cho hai bạn, nhất là khi hai cái tên đẹp đứng bên nhau: Thành - Hảo. Cầu chúc hai Bạn luôn quan tâm vun chăm hình thành nên những thành quả tốt đẹp như hảo.
Và nếu ghép thêm tên phụ nữa ‘Tất Thành- Như Hảo’ dường có dấp dáng câu tục ngữ đầy ý nghĩa, mang tính quy luật (tương tự ‘cây nào quả đấy’, ‘ở đức mặc sức mà ăn’) Khi ta có Thành Tâm tất nhiên sẽ gặp kết quả tốt đẹp Như Hảo.
Và Thành quả tốt đẹp đích thực- Như hảo chỉ có trong Tình yêu Chúa, Yêu như Chúa yêu.
Muốn để cho Tình yêu Chúa hiện diện nơi gia đình mình, xin lưu tâm đến Giờ kinh tối gia đình, đến lần chuỗi Mân côi. Qua chuỗi Mân côi, cùng với Đức Mẹ chúng ta dễ đến Chúa hơn.
Một gia đình biết để cho Chúa và Mẹ Maria hiện diện, gia đình ấy sẽ chan hòa hạnh phúc, Tất Thành- Như Hảo
Đấy cũng là điều gia đình giáo xứ, hai họ cầu chúc các bạn. Amen.
Lm. Đaminh Hương Quất