Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Từ lâu tôi biết câu thời gian là thuốc tiên 

Tác giả: 
Người Giồng Trôm

 

 

Từ lâu tôi biết câu thời gian là thuốc tiên ...

 

          Như mọi người đều biết và đã biết : 3 tháng 12 năm 2018, tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn tạ từ mọi người để khép lại sứ vụ giám mục của Đức Cha.

 

          Dù muốn dù không nhưng tuổi tác, sức khỏe, tâm trí đã ngăn ngặn tất cả để rồi phải buông xuôi, phải để lại cho dù lòng rất muốn.

 

          10 năm trôi qua, xem ra thật chậm nhưng thật nhanh !

 

          Nhìn lại ngày tháng này năm này của 10 năm trước và nhìn lại ngày này tháng này năm nay, ta không thể nào không nhận thấy những biến động của Xã Hội và của Giáo Hội nữa.

 

          Trong cái đỉnh vinh quang của con người, dù là ai bất cứ đều không tránh khỏi những sai lầm và thiếu sót trong thân phận làm người : "Và tôi cũng không có xấu hổ để nói ra những lời xin lỗi của tôi ở đây về những việc phải làm mà tôi chẳng làm hoặc là chẳng nên, về những việc không được làm mà tôi lại làm. Tôi tin rằng anh chị em đủ quảng đại để quên đi tất cả những điều đó và cùng bắt tay với Đức Tân Tổng Giám Mục Giuse ...Tôi xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi.

 

          ... Giai đoạn sắp tới đây của tôi. Trước hết, Đức Giáo Hoàng nhắc về sự ăn năn đền tội. Vì anh chị em biết, tuổi cao thì lỗi lầm càng nặng. Phương chi tôi đã dâng mình phục vụ với chức thầy cả cũng đã 51 năm. Nếu cộng lại những lỗi lầm thì biết lấy gì mà viết ra cho đủ. Cho nên thời gian sắp tới, xin Chúa đưa vào trong tâm trạng đó và vì vậy cũng là thời gian cầu nguyện và vì vậy cũng là thời gian sống khiêm tốn. Và, Đức Giáo Hoàng cũng khuyên là ngồi lại, suy gẫm và đọc sách và giúp chút chút về mục vụ. Con đường mở ra cho tôi trong 1 năm, 3 năm, bao nhiêu năm tôi không biết. Tôi cũng là một con người yếu đuối và tôi tha thiết xin anh chị em cầu nguyện ..."

 

          Qua những tâm tình thật sâu lắng của Đức Tổng Phêrô, ta thấy Ngài may mắn để bộc bạch thân phận yếu đuối và mỏng giòn của con người. Và, qua những lời này cũng là lời thức tỉnh cho mỗi người chúng ta để rồi trong bất cứ hoàn cảnh nào mà Chúa trao gởi cho mỗi người chúng ta, chúng ta hãy nghĩ đến ngày cùng tận hay ngày buộc lòng phải rời khỏi ngai tòa theo cách nhìn thế gian của Đức Tổng Phêrô.

 

          Rồi cũng phải ra đi, rồi cũng phải buông xuống tất cả những gì mà ta cầm nắm trong 60, 70 năm hay 82 năm cuộc đời như Đức Tổng. Có một chuyện quan trọng mà hầu như nhiều người trong chúng ta có khi giả quên hay cố quên rằng ta phải sống hết lòng mình, hết sức mình, hết tâm mình với Chúa và anh chị em đồng loại. Và, điều này, khi và chỉ khi đối diện với Chúa và lương tâm của mỗi người ta mới lượng giá được mà thôi.

 

          Thời gian có lẽ là phương thuốc tiên cũng là lời đáp trả cho mọi người về con người và về phận người. Nhất là chả có ai lột da để sống đời được chứ chả phải như rắn kia cứ lột lớp này còn lớp khác nhưng rồi rắn cũng phải chết.

 

          Chính vì lẽ đó, ta cũng hãy cố gắng để sống và sống sao cho không thẹn với lòng mình và nhất là có được sự bình an trong tâm hồn.

 

          Đức Tổng Giám Mục Phêrô, Đức Hồng Y Gioan Baotixita hay đi xa hơn một chút nữa qua Rôma là Đức Giáo Hoàng Benedict, ta bắt gặp những "khách hành hương" đã nép bóng đời mình vào chỗ nghỉ dưỡng để chờ ngày diện đối diện với Thiên Chúa của mình.

 

          Có những người đã đi "xe dù" như Đức Cố Giuse Vũ Duy Thống, Phaolô Bùi Văn Đọc thì rồi cuối cùng cũng phải diện đối diện trước Nhan Thánh Chúa mà thôi.

 

          Dù trong đấng bậc nào, sứ vụ nào, hoàn cảnh nào ... ta cũng chỉ buộc và tra vấn lòng mình cũng như trả lời trước mặt Chúa rằng : Anh có thương Thầy không ? (như lời tra vấn của Thầy với Phêrô - tông đồ trưởng). Và như ta thấy Phêrô hậm hực lắm vì Thầy hỏi đến 3 lần để 3 lần Phêrô trả lời : Dạ thưa Thầy ! Thầy biết con thương Thầy mà !

 

          Vâng ! Phêrô đã thương và thương đến tận cùng cũng như sống tận cùng bằng cách chết như Thầy nhưng xin được treo ngược vì không xứng đáng như Thầy.

 

          Phần mỗi người chúng ta, một ngày nào đó nếu không dám nói là sống thọ như cụ Hồng Y Mẫn, cụ Phêrô Nhơn thì chúng ta cũng phải dừng "cuộc chơi" và ta cũng phải trả lời với Chúa khi Chúa tra vấn ta như Phêrô. Chuyện quan trọng mà ta vẫn phải trả lời, vẫn sống, vẫn đáp trả mỗi ngày, mỗi giây, mỗi phút trong cuộc đời đó là : "Thưa Thầy ! Thầy biết con thương Thầy mà ! Hỏi hoài ! Bực à nha !"

 

          Và, quan trọng hơn cả là hãy sống chứ đừng nói cái tình thương đó ngay trong giây phút hiện tại và ngay trong bàn cơm, trong gia đình, trong họ hàng thân tộc và trong họ đạo của mỗi người chúng ta.

 

          Xin cho mỗi người chúng ta ý thức được thời gian mãi mãi là liều thuốc tiên và tình yêu thương anh chị em đồng loại là viên thuốc mà ngày mỗi ngày mình uống và sống với đời và với người trong những ngày tháng chờ ra trình diện trước Tòa Chúa.