Cuộc trao đổi diệu kỳ
CUỘC TRAO ĐỔI DIỆU KỲ (THÁNH MARIA MẸ THIÊN CHÚA)
Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 526) đã viết về lễ Giáng Sinh: “Mầu nhiệm Giáng Sinh được thực hiện nơi chúng ta khi Đức Ki-tô "thành hình" nơi chúng ta (Gl 4, l9). Việc Giáng Sinh của Chúa Giê-su là mầu nhiệm của việc "trao đổi kỳ diệu" này: Ôi việc trao đổi diệu kỳ! Đấng sáng tạo loài người, đã đoái thương sinh làm con một Trinh Nữ, đảm nhận một xác thể và một linh hồn, và đã ban cho chúng ta thiên tính của Người khi làm người mà không cần đến sự can thiệp của con người! (Tiền xướng tuần bát nhật Giáng Sinh).“ Quả thực là một “trao đổi diệu kỳ”: Thiên Chúa xuống thế trong “một xác thể và một linh hồn” của người phàm “mà không cần đến sự can thiệp của con người”, với mục đích là ban cho con người có được “thiên tính” của Người.
Thường khi sinh con, các bậc cha mẹ phải đặt tên cho con. Có nhiều trường hợp người con chỉ mới được tượng thai trong lòng mẹ, thì cha mẹ đã lo chọn cho người con một cái tên hợp với ý nguyện của họ. Tục lệ dân Do Thái ngày xưa cũng vậy, nhưng còn thêm một điểm, nếu người con ấy là con trai đầu lòng thì phải đem con đến đền thờ chịu lễ cắt bì. Đức Giê-su vâng lệnh Thiên Chúa Cha xuống thế làm người trần thế như mọi người, Người đã “sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật.” (Gl 4, 4-5). Và vì thế nên Đức Mẹ và Thánh Giu-se đều giữ đúng luật, sau khi sinh Con, đến ngày thứ 8 liền dâng Con vào đền thờ để chịu lễ cắt bì. Còn tên của Người Con cao trọng đó cũng được đặt đúng như lời sứ thần truyền: Giê-su.
Các dân tộc Đông phương đều tin rằng những người con được sinh ra, được nuôi nấng dạy dỗ cho nên người đều nhờ “Phúc đức tại mẫu” (Phúc đức tại nơi người mẹ). Cũng vì thế nên ngay từ ngàn xưa, khi mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, Dân Chúa vẫn chú tâm đến Người Mẹ đã tượng thai và hạ sinh Con-Thiên-Chúa-làm-người và không ngớt chiêm ngưỡng khuôn mặt phúc hậu no đầy ân sủng của Đức Mẹ nơi máng cỏ Bê-lem. Có thể nói, Mùa Giáng Sinh cũng là mùa lễ Ðức Mẹ. Tuy vậy, vẫn có những ngụy thuyết (ở thế kỷ III, IV, V…) cho rằng tôn vinh Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa là xúc phạm tới Đấng Tối Cao. Họ lý luận: Thiên Chúa dựng nên (tức là sinh ra) loài người, thì không thể có việc loài người lại sinh ra Thiên Chúa được. Nói Thiên Chúa được sinh ra từ một người đàn bà trần thế, chẳng hóa ra coi Thiên Chúa còn thua kém loài người sao?
Cụ thể như vào những thập niên đầu thế kỷ V (năm 427-429), linh mục Nestorio – phát ngôn viên của Đức Giám mục Constantinopoli – khi khẳng định rằng “Đức Maria chỉ là mẹ của một người, bởi vì Thiên Chúa không thể sinh ra từ một người đàn bà được”, thì lập tức các Ki-tô hữu đã coi đó là gương mù, gương xấu và mạnh mẽ phản đối ngay trước mặt Đức Giám Mục. Tuy nhiên, linh mục Nestorio đã không thay đổi tư tưởng của mình, và vì thế, Giáo hội đã phải triệu tập Công Đồng Chung Ê-phê-sô. Công Đồng khai mạc ngày 24/6/431 và đã tuyên tín: “Tuyệt thông cho những ai không tuyên xưng rằng Đấng Emmanuel thực sự là Thiên Chúa, và bởi thế, Đức Trinh Nữ là Mẹ của Thiên Chúa (Theotokos) vì Mẹ đã hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thành nhục thể theo xác thịt.” (xc. DS 252, hay “The Christian Faith” trang 149).
Cứ kể ra mới nghe lập luận của phe chống đối thì thấy cũng có lý (Thiên Chúa sinh ra loài người thì làm sao loài người lại sinh ra Thiên Chúa được). Tuy nhiên, đó mới chỉ là “tư tưởng của loài người, không phải tư tưởng của Thiên Chúa” (Mt 16, 23). Thật thế, "Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được." (Mt 19, 26). Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, nhưng khi vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người thì rất cần phải là một con người cụ thể bằng xương bằng thịt, được sinh ra và nuôi dưỡng như một người phàm, bởi loài người cứ thích được “thực mục sở thị” (trông thấy nhãn tiền) thì mới tin. Và vì thế, khi được sinh ra bởi Đức Maria, thì Đức Giê-su Thiên Chúa là người phàm như bao người khác. Một cách cụ thể, trong Đức Giê-su, thiên tính (bản tính Thiên Chúa) và nhân tính (bản tính loài người) kết hợp bất khả phân ly trong một ngôi vị duy nhất, như Công Đồng Nicea đã khẳng định: “Chúa Ki-tô là Thiên Chúa thật và là người thật, Người có cùng một bản thể như Thiên Chúa Cha.”
Điều đó đã liên tục được công bố bởi các Công Đồng Chung (Công Đồng Chung Ê-phê-sô năm 431; Công Đồng Chalcedonia năm 451 và Constantinople II năm 553; Công Đồng Constantinople III năm 680-681). Ngoài ra, còn có những giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng về Mẹ Thiên Chúa như Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI, đã ra thông điệp “Mediator Dei” để mừng kỷ niệm 1500 năm Công Đồng Ê-phê-sô và công bố lễ Mẹ Thiên Chúa mừng trong toàn thể Giáo hôi vào ngày 11 tháng 10. Đức GH Pi-ô XII, trong một thông điệp, đã tuyên bố Năm Thánh Mẫu vào năm 1954 và chủ trương rằng tước hiệu Mẹ Thiên Chúa là nguồn gốc tất cả mọi ân sủng và đặc sủng của Mẹ Maria. Sau cùng, Công Đồng Va-ti-ca-nô II trong Hiến Chế “Lumen gentium – Tín Lý Về Giáo Hội” đã dành cả chương VIII để nói về Mẹ Thiên Chúa. Và trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (“Sacrosanctum Concilium”), các Nghị Phụ trong Công Đồng đã chuyển lễ Mẹ Thiên Chúa sang ngày đầu năm (01/01).
Như vậy là đã quá rõ ràng: Đức Mẹ được hồng ân tượng thai và sinh hạ Con-Thiên-Chúa-làm-người đã được tiền định từ trước vô cùng. Vậy thì còn tước hiệu nào xứng hợp hơn để nói về Ðức Maria trong lịch sử Cứu Độ bằng tước hiệu Mẹ Thiên Chúa? Từ xác tín Đức Mẹ đã tượng thai và hạ sinh Đức Giê-su Thiên Chúa, ĐTC Biển Đức XVI còn đi xa hơn khi khẳng định các Ki-tô hữu cũng được vinh dự tượng thai và hạ sinh Ngôi Lời Nhập Thể (“Vì Đức Maria hoàn toàn thấm nhuần Lời Chúa, nên ngài có khả năng trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể. Khi chiêm ngưỡng nơi Mẹ Thiên Chúa một cuộc đời hoàn toàn do Lời lên khuôn, ta hiểu được rằng cả ta nữa cũng được mời gọi bước vào mầu nhiệm đức tin, nhờ đó, Chúa Ki-tô tới cư ngụ trong đời ta. Thánh Am-brô-si-ô nhắc nhở ta rằng xét theo một phương diện nào đó, mọi tín hữu Ki-tô đều tượng thai và sinh hạ Lời Thiên Chúa: mặc dù chỉ có Mẹ Thiên Chúa là tượng thai bằng xương bằng thịt, còn chúng ta, Chúa Ki-tô là con cái của mọi người chúng ta trong đức tin. Như thế, điều xẩy ra cho Đức Maria cũng hàng ngày xẩy ra nơi mỗi người chúng ta, trong việc nghe Lời Chúa và trong việc cử hành các bí tích.” – Tông huấn Lời Chúa “Verbum Domini”, số 20).
Ngoài ra, dựa trên mầu nhiệm Ngôi Lời giáng thế đem bình an cho nhân loại, các Đức Giáo Hoàng cũng liên tiếp ban hành những Thông điệp cầu cho thế giới một nền hòa bình vĩnh cửu. Nối tiếp truyền thống tốt đẹp đó, năm 1967 Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng "Công Lý và Hòa Bình", và từ năm 1968, lập ra ngày "Hoà Bình Thế Giới" cử hành vào ngày 01/01 hàng năm. Như vậy là ngày 01/01 hàng năm là ngày tổng hợp 4 ý niệm cao trọng: Lễ Cắt Bì và Lễ Đặt Tên Con Thiên Chúa làm người + Lễ Mẹ Thiên Chúa + Ngày Thế giới hòa bình. Tất cả lại một lần nữa minh nhiên thành ngữ “Phúc đức tai Mẫu” (mà kẻ viết bài này chỉ muốn viết “Phúc đức tại Thánh Mẫu Maria”).
Tóm lại, ngày đầu năm – ngày sum họp gia đình – trong bầu khí nồng ấm của mùa Xuân, hãy “hướng về Đức Trinh Nữ Maria, người mà – như Công Đồng Va-ti-ca-nô II nhắc nhở chúng ta – là “mẫu mực của Giáo hội trong giới luật của đức tin, lòng nhân hậu, và hiệp nhất hoàn hảo với Đức Ki-tô” (Hiến chế Tín lý về Giáo hội “Lumen Gentium”, số 63). Đó chính “Là người con gái của Israel, Đức Maria đã trả lời bằng đức tin trước tiếng gọi của Thiên Chúa và trở thành Mẹ của Con Một Người. Mẹ dạy chúng ta sống một đời sống đức tin bằng sự vâng phục của Mẹ trước ý định của Thiên Chúa và sự tận tâm trung kiên của mình với Chúa Giê-su và công việc của Người.” (Bài Giáo huấn ngày thứ Tư 23/10/2013 của ĐTC Phan-xi-cô).
Hướng về Đức Trinh Nữ Maria trong tâm tình sống 4 ý niệm cao trọng: Lễ Cắt Bì và Lễ Đặt Tên Con Thiên Chúa làm người + Lễ Mẹ Thiên Chúa + Ngày Thế giới hòa bình, người Ki-tô hữu không chỉ gói gọn trong gia đình của mình, mà là mở ra với anh em trên khắp năm châu bốn biển, bởi vì “Đây chính là một tin tốt lành đòi hỏi mỗi người bước về phía trước, thực thi lòng thương xót vô hạn, lắng nghe những đau khổ cũng như hy vọng của người khác, kể cả những người ở xa tôi, và bước đi trên con đường đầy đòi hỏi của tình yêu, một tình yêu biết trao ban và tiêu tốn chính mình một cách tự do cho lợi ích của anh chị em chúng ta.” (ĐTC Phan-xi-cô – Sứ điệp “Ngày Thế giới hòa bình” 2013, số 10).
“Chúng ta hãy lấy cảm hứng từ những lời của Thánh Gio-an Phao-lô II: “Nếu ‘giấc mơ’ về một thế giới hòa bình được chia sẻ bởi tất cả mọi người, nếu sự đóng góp của những người tị nạn và những người nhập cư được đánh giá một cách đúng đắn, thì nhân loại có thể ngày càng trở thành một gia đình phổ quát và trái đất của chúng ta quả thực là một ‘ngôi nhà chung’ thực sự. Trong suốt lịch sử, nhiều người đã tin vào ‘giấc mơ’ này. Và những thành tựu của họ là một bằng chứng cho thấy rằng điều đó không chỉ là một sự ảo tưởng.” (Sứ điệp “Ngày Thế giới hòa bình” 2018, số 6).
Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng, ngày Ðức Trinh Nữ Maria sinh hạ Ðấng Cứu Thế, Chúa đã tặng ban cho nhân loại, kho tàng ơn cứu độ muôn đời. Xin cho chúng con được nhờ lời Ðức Mẹ nguyện giúp cầu thay, vì chính nhờ Ðức Mẹ chúng con mới được nhận lãnh nguồn sức sống vĩnh cửu là Ðức Giê-su Ki-tô, Con Chúa, Chúa chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ THÁNH MARIA MẸ THIÊN CHÚA”)
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: