Gia đình là nơi đồng hành đầu tiên
GIA ĐÌNH LÀ NƠI ĐỒNG HÀNH ĐẦU TIÊN
Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio” (số 3) giải thích về hôn nhân và gia đình: “Nhờ đức tin soi sáng, một lần nữa Hội Thánh biết được tất cả sự thật về điều thiện hảo quý giá là hôn nhân và gia đình, và về ý nghĩa sâu xa nhất của các thực tại ấy. Hội Thánh còn thấy được tính cách khẩn thiết phải rao giảng Phúc Âm, tức là Tin Mừng, cho tất cả mọi người, nhưng cách riêng là cho những ai được mời gọi sống đời hôn nhân và đang chuẩn bị bước vào đời sống đó, cho mọi đôi vợ chồng và cho tất cả những bậc cha mẹ trên thế giới. Hội Thánh xác tín sâu xa rằng, chỉ khi nào biết tiếp nhận Tin Mừng, người ta mới có thể chắc chắn thực hiện được trọn vẹn tất cả những gì mà con người đang hy vọng cách chính đáng nơi hôn nhân và gia đình.”
“Biết tiếp nhận Tin Mừng” tức là biết Đấng Cứu Độ Giê-su Ki-tô luôn đồng hành và sẵn sàng dạy bảo gia đình Ki-tô hữu đồng hành với Người. Đó là lý do Hội Đồng Giám Mục VN ấn định chủ đề Mục vụ tháng 01/2019: GIA ĐÌNH LÀ NƠI ĐỒNG HÀNH ĐẦU TIÊN. Xin cùng tìm hiểu:
1- Khái niệm Gia đình:
Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử ngay từ khi con người hiện diện trên trái đất và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Thực tế, gia đình có những ảnh hưởng và những tác động mạnh mẽ đến xã hội. Ngay từ thời nguyên thủy cho tới hiện nay, không phụ thuộc vào cách kiếm sống, gia đình luôn tồn tại và là nơi để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho các thành viên trong gia đình. Gia đình luôn bị ràng buộc bởi các quy định, các chuẩn mực giá trị, sự kiểm tra và sự tác động của xã hội.
Đó là về mặt xã hội. Về tôn giáo, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (số 11) đã giải thích về gia đình: “Nhờ sức thiêng của bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng Ki-tô giáo biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Ki-tô và Giáo Hội (x. Eph 5, 32); họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái; cũng vì đó, họ được những ơn riêng cho đấng bậc mình trong Dân Chúa. Từ sự kết hợp ấy phát sinh ra gia đình, nơi các công dân mới của xã hội loài người được sinh ra, và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Thánh Tẩy, họ trở nên con cái Thiên Chúa, hầu Dân Chúa tồn tại mãi trong dòng lịch sử.”
2- Gia đình là xã hội thu nhỏ:
Đối với xã hội học, gia đình thuộc về phạm trù cộng đồng xã hội. Vì vậy, có thể xem xét gia đình như một nhóm xã hội nhỏ, đồng thời như một thiết chế xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xã hội hóa con người. Gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, một nhóm xã hội nhỏ mà các thành viên của nó gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ con nuôi, bởi tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức với nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của mỗi thành viên cũng như để thực hiện tính tất yếu của xã hội về tái sản xuất con người.
Gia đình và xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau. Gia đình là tổ ấm của mỗi cá nhân, là cầu nối giữa cá nhân và xã hội, là nơi trung chuyển mọi thông tin từ cá nhân đến xã hội và ngược lại. Với tính cách là “tế bào xã hội”, gia đình có tác động to lớn đến phát triển của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Do đó, cả thế giới được coi là một đại gia đình trong mối tương giao liên đới với nhau, nên mới có câu “tứ hải giai huynh đệ” (bốn bể là anh em). Tự bản chất, mối tương quan liên hợp được xây dựng trên nền tảng tình yêu, vì thế nó sẽ có 2 mặt tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, tình yêu sẽ đem lại ấm no, hòa bình, hạnh phúc. Tuy nhiên, với xã hội, thì khi mối tương quan không đặt trên nền tảng tình yêu, sẽ xảy ra chiến tranh, khủng bố, huynh đệ tương tàn; với Giáo hội thì cũng đã có những cuộc đại ly giáo, những Giáo hội ly khai. Cũng chính vì thế, nên vẫn thật cần thiết đặt lại vấn đề tương quan giữa gia đình với cộng đồng xã hội, để từ đó các gia đình Ki-tô hữu ý thức được nhiệm vụ căn bản là góp phần xây dựng và phát triển xã hội, Giáo hội.
Khi nói gia đình là Giáo hội tại gia, là xã hội thu nhỏ, thì đã mặc nhiên công nhận “xã hội tính” của gia đình. Một gia đình không thể chỉ đóng kín trong những sinh hoạt riêng tư, nhưng là mở rộng mối quan hệ với những gia đình chung quanh, để kính trọng yêu thương nhau, trao đổi học hỏi và quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, chung tay đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển văn minh tình thương. Chỉ nói mặt vật chất không thôi, thì cũng đã thấy rõ không một cá nhân nào có thể sống đơn lẻ; cũng vậy, không một gia đình nào có thể tự cung tự cấp hết tất cả mọi nhu cầu của cuộc sống. Ấy là chưa kể về mặt tinh thần thì quan hệ hỗ tương giữa các cá nhân, các gia đình đã như một nhu cầu tất yếu bất khả thay thế. Ca dao tục ngữ Việt Nam luôn nhắc nhở: “hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”, “bán anh em xa mua láng giềng gần”; rộng ra hơn nữa thì có “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống những chung một giàn” hoặc “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Vấn đề này đã được Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 2207) giải thích rõ ràng: “Gia đình là tế bào căn bản của đời sống xã hội, là xã hội tự nhiên, nơi đó, người nam và người nữ được mời gọi tận hiến cho nhau trong tình yêu và trong việc thông truyền sự sống. Quyền bính, sự ổn định và đời sống tương giao nơi gia đình là nền tảng cho tự do, an ninh và tình huynh đệ của xã hội. Gia đình là cộng đoàn, nơi đó từ thời thơ ấu, con người được học biết tôn trọng những giá trị luân lý, tôn thờ Thiên Chúa và biết sử dụng tự do. Đời sống gia đình chuẩn bị cho đời sống xã hội.”
Trong gia đình, vị trí con người (nhân vị) được xác định thông qua quan hệ hỗ tương giữa các thành phần. Cũng vậy, nhân vị con người phải được xây dựng trên mối tương quan cộng đồng. Về điểm này, trong xã hội, mỗi gia đình cần phải biết mở rộng cửa nhà mình, và hơn nữa, mở rộng lòng mình trước những nhu cầu của anh chị em trong xã hội, hoặc còn đi đến chỗ dấn thân cụ thể để bảo đảm cho mỗi gia đình có được nơi ăn chốn ở cần thiết như một môi trường tự nhiên để bảo vệ và làm cho gia đình được phát triển. Và trên tất cả, “Trong gia đình, nhân vị không phải chỉ được sinh ra và dần dần nhờ giáo dục được dẫn vào trong cộng đồng nhân loại, nhưng nhờ tái sinh của bí tích Thánh Tẩy và nhờ giáo dục đức tin, ngôi vị ấy cũng được dẫn vào trong gia đình của Thiên Chúa là Hội Thánh. Gia đình nhân loại, bị phân hoá vì tội lỗi, được phục hồi trong sự hợp nhất của nó nhờ quyền năng cứu chuộc do cái chết của Đức Ki-tô. Nhờ tham dự vào hiệu năng cứu độ của biến cố ấy, hôn nhân Ki-tô Giáo trở thành môi trường tự nhiên để cho nhân vị được hội nhập vào trong đại gia đình Hội Thánh.” – Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio”, số 15).
3- Gia đình là Hội Thánh tại gia:
Hội Thánh thường được hiểu là cộng đoàn những kẻ tin vào Đức Giê-su Ki-tô là Ngôi Lời và là Con Một Thiên Chúa đã được gửi đến trần gian để thể hiện Thiên Chúa là Tình Yêu và đưa con người vào mối hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa và với nhau. Vì thế, Hội Thánh được hiểu là cộng đoàn hiệp thông, xuất phát từ mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ðồng thời, Hội Thánh còn được hiểu là Cộng Ðoàn Dân Chúa, có một lịch sử riêng bắt nguồn từ lịch sử Ít-ra-en là dân riêng của Thiên Chúa thời Cựu Ước trải dài suốt lịch sử nhân loại. Hội Thánh ấy có một đời sống riêng biệt và đặc thù là đời sống Tin Cậy Mến được thể hiện trong việc cử hành phụng vụ và Bí tích cùng với việc phục vụ trong đức ái. Hội Thánh ấy có sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng Cứu Ðộ, là dấu chỉ và công cụ của Nước Trời.
Còn thế nào là Hội Thánh Tại Gia? Hội Thánh Tại Gia là Hội Thánh thu nhỏ về mặt số lượng, về thời gian và không gian hoạt động của các thành viên; nhưng không thu nhỏ hay giảm thiểu về bản chất và sứ mạng. Thật vậy, Hội Thánh có đời sống thế nào thì Gia đình Ki-tô hữu có đời sống như vậy; Hội Thánh có sứ mạng gì thì Gia đình Ki-tô hữu cũng có sứ mạng ấy. Ngoài ra, Gia đình Ki-tô hữu là trường học Ðức Tin đầu tiên, là môi trường sống các Bí tích và thực hành các nhân đức Ki-tô Giáo. (”Gia đình tín hữu là nơi con cái tiếp nhận nền móng đức tin. Vì vậy, gia đình được gọi rất đúng là “Hội Thánh thu nhỏ" hay "Hội Thánh tại gia", cộng đồng ân sủng và cầu nguyện, trường học phát triển các đức tính tự nhiên và đức mến Ki-tô giáo.” – Giáo lý HTCG, số 1666).
Vai trò trọng yếu của gia đình đã được minh nhiên như Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 1656) giải thích: “Thời đại hiện nay, con người đang sống trong một thế giới xa lạ và đôi khi thù nghịch với đức tin. Gia đình tín hữu có vai trò quan trọng nhất, vì là những ngọn đuốc đức tin sống động và chiếu sáng. Trong gia đình như một Hội Thánh nhỏ, cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, cũng như cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con và đặc biệt chăm sóc đến ơn gọi linh thánh.”
Gia đình là nơi thể hiện đặc biệt chức tư tế cộng đồng của người cha, người mẹ, con cái và mọi phần tử trong gia đình, nhờ lãnh nhận các bí tích, nhờ kinh nguyện, tạ ơn và chứng từ đời sống thánh thiện, hy sinh và đức ái hữu hiệu. Gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Ki-tô giáo, đồng thời là một trường học phát triển tính cách con người (nhân tính) trong xã hội. Chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và vui thích, học biết tình bác ái huynh đệ, sự quảng đại tha thứ, sự phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống. Tất cả đều nói lên Gia đình Ki-tô hữu là Hội Thánh Tại Gia.
4- Gia đình là nơi đồng hành đầu tiên:
Vì tình yêu, vợ chồng tự nhiên hướng về việc sinh sản con cái. Con cái là hoa quả và thành tựu của tình yêu vợ chồng, hiện diện ngay trong việc vợ chồng hiến thân cho nhau. Những hành vi của đôi vợ chồng dùng để kết hợp với nhau trong tình thân mật trong sạch, ngõ hầu tạo thành và lưu truyền đời sống con người. Đó là những hành vi cao quí và chính đáng, là những hành vi hợp pháp. Trong thực tế, kinh nghiệm cho thấy không phải mỗi hành vi, mỗi giao kết của hôn nhân đều tạo ra được một mầm sống mới. Thiên Chúa khôn ngoan vô cùng đã thu xếp và thiết lập những định luật, những chu kỳ tự nhiên của mầm sống. Giáo hội vẫn nhắc nhở người tín hữu phải tuân hành các định luật tự nhiên và các lời giáo huấn của Giáo hội luôn luôn xác định rằng “Hành vi Hôn nhân” phải hướng về việc lưu truyền đời sống. Điều đó cho thấy con cái là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân.
Sinh con không chỉ là một sự kiện thuần túy sinh học, mà là một cuộc đầu tư, đảm nhận và biến đổi toàn thể con người. Kinh nghiệm này nảy sinh từ tình yêu, lớn lên và biểu lộ ra trong tình yêu, nên vừa có tính sinh học, vừa thuộc tình cảm và thiêng liêng. Bởi thế, đứa con có thể được sinh hạ một cách thực sự phù hợp với nhân tính “bởi tình yêu” và “trong tình yêu” qua hành vi vợ chồng. Vì là một hành vi nhân linh sâu xa gắn kết với toàn thể con người, gồm cả về mặt xã hội và tôn giáo, nên việc sinh một con người là cộng tác với tình yêu Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng. Chọn lựa này đưa đôi phối ngẫu vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa và vì thế đôi vợ chồng trở nên vừa là cộng tác viên, vừa là người phục vụ trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa Tình Yêu.
Gia đình, nơi các công dân mới của xã hội loài người được sinh ra, và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Thánh Tẩy, họ trở nên con cái Thiên Chúa, hầu Dân Chúa tồn tại mãi trong dòng lịch sử. Một con người sinh ra nơi gia đình là một nhân tố đầu tiên hội nhập và đồng hành với cha mẹ. Nói cách cụ thể, khi một con người được sinh ra chính là lúc con người ấy trở nên một người đồng hành với gia đình. Chính nghĩa cử cao đẹp của sự đồng hành có khả năng gây hứng khởi, phát sinh động lực, gia tăng sáng tạo, năng động và giúp con người có đủ nghị lực vượt khó. Vì thế đồng hành là một trong những hình thức hỗ trợ đắc lực nhất giúp mỗi người có thể kiện toàn bản thân và hoàn thành cuộc sống. Điều khẳng định tất nhiên chỉ có thể là: GIA ĐÌNH LÀ NƠI ĐỒNG HÀNH ĐẦU TIÊN.
Kết luận:
Tóm lại, “Được Thiên Chúa thiết định ngay từ hồi sáng thế, hôn nhân và gia đình tự bản chất đã nhất thiết phải được hoàn tất trong Chúa Ki-tô và cần có ân sủng của Ngài để được chữa lành khỏi vết thương tội lỗi và được đưa về "tình trạng nguyên thuỷ", nghĩa là nhận biết trọn vẹn và thực hiện đầy đủ ý định của Thiên Chúa.” (Tông huấn Gia Đinh “Familiaris Consortio”, số 3). Ý định của Thiên Chúa khi dựng nên loài người và đặt vào trong cái nôi là gia đình chính là mong muốn con người cộng tác với Người trong công trình sáng tạo. Quả thật “Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Người.” (Thánh Au-gus-ti-nô). Như vậy, Thiên Chúa rất cần được con người đồng hành trong chương trình cứu độ nhân loại, mà gia đình là nơi đồng hành đầu tiên. Vì thế, bổn phận các bậc cha mẹ là làm sao cho con cái trở nên những người đồng hành với mình trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Ước được như vậy.
Ôi! Lạy Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo hội, Mẹ của mỗi người chúng con, chúng con xin phó thác cho Mẹ sự sống của chúng con. Xin cho chúng con được ơn đón nhận Tin Mừng sự sống như một hồng ân, cho chúng con niềm vui cử hành hồng ân ấy với lòng biết ơn trong suốt cuộc đời chúng con. Đồng thời, xin Mẹ cầu bầu cùng Đức Ki-tô Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ, ban cho chúng con lòng can đảm làm chứng cho Tin Mừng sự sống cách bền bỉ và tích cực, để được cùng đồng hành với tất cả mọi người thiện chí, xây dựng nền văn minh chân lý và tình yêu, ngõ hầu chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đến muôn đời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: