Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vui mừng đón Tết Hồng Ân

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

VUI MỪNG ĐÓN TẾT HỒNG ÂN

 

†  TẾT HỒNG ÂN SỐNG TRỌN NIỀM TIN CẬY MẾN

†  XUÂN THÁNH THIỆN KIÊN TRÌ SỐNG ĐỨC THANH BẦN

 

 

+  THÁNH HÓA GIA ĐÌNH – MỪNG VUI BA NGÀY TẾT

+ VUI CÙNG GIÁO XỨ – TRỌN HƯỞNG CẢ MÙA XUÂN

 

            Lại một năm nữa (năm Mậu Tuất – 2018) sắp qua và một năm mới (năm Kỷ Hợi – 2019) sắp tới. Thêm một cái Tết chồng lên mái đầu bạc trắng với những lo toan xếp đặt “lên xe hoa” về với Đức Hôn Phu Giê-su Ki-tô. Cố gắng định thần chia sẻ Lời Chúa trong Đêm Giao Thừa. Nói về Lễ Giao Thừa đón Tết Nguyên Đán, cũng đã có một số bài chia sẻ cho rằng Giao Thừa là Năm Cũ giao lại những cái thừa cho Năm Mới. Thực ra không phải vậy, chữ “thừa” không phải là thừa thãi, dư thừa (theo nghĩa thuần Việt), mà phải hiểu theo nghĩa Hán Việt (“thừa” là nhận, như thừa hưởng, thừa nhận, kế thừa). Theo từ nguyên thì giao thừa ( ) chỉ có nghĩa là “trao nhận”. Vâng, một lúc nào đó có một biến chuyển, cái cũ lui vào dĩ vãng, “giao” ( ) lại cho cái mới “thừa”  ( ) kế, thế là có “giao thừa”. Còn đêm Giao Thừa đón Tết là một thời điểm đã được định trước của một chu kỳ thời gian theo âm lịch (trung bình 360 ngày, không kể năm nhuận). Rõ hơn, đó là giờ Tý (từ 23 giờ tới 01 giờ sáng) trong đêm cuối cùng của một năm (năm cũ chuyển sang năm mới), là lúc tiễn cũ đón mới (“tống cựu nghinh tân”:   迊    ).

 

Ngày cuối năm được gọi là “trừ nhật” ( ), còn “trừ tịch” ( ) là đêm cuối năm. Đó là thời điểm “năm cũ” lui vào dĩ vãng, “năm mới” bắt đầu ( theo nghĩa “trừ”: thay đổi, hoán đổi). Còn một thuyết khác (căn cứ vào nghĩa “trừ: bỏ đi, diệt, dẹp”) cho rằng Trừ Tịch là đêm trừ khử tà ma, xua đuổi cái xấu, để cầu điều tốt đẹp, phuớc lộc cho năm mới. Truyền thống dân tộc Việt Nam – và nói chung, các dân tộc Á Đông – rất coi trọng giờ phút năm cũ bước sang năm mới trong gia đình, bởi quan niệm đó là giờ phút thiêng liêng nhất để 2 vị thần Hành Khiển – một vị bảo trợ năm cũ, một vị bảo trợ năm mới – bàn giao công việc cho nhau. Cụ thể là vị thần trông coi gia đình chấm dứt nhiệm kỳ một năm, bàn giao trách nhiệm ấy cho vị thần kế nhiệm. Người trước trao, người sau nhận, Năm Cũ trao Năm Mới nhận; vì thế mới gọi là Giao Thừa.

 

Lễ Giao Thừa thường được tổ chức rất trọng thể để mọi người trong gia đình tề tựu đông đủ, trang hoàng nhà cửa, chưng hoa lá, bày lễ vật (cỗ bàn, bánh trái) dâng cúng tổ tiên, khẩn cầu các đấng thần linh ban phước lộc, cầu xin ông bà, tổ tiên phù hộ một năm mới tốt đẹp, gia đình hạnh phúc. Ngày nay dấu ấn để lại không chỉ trong đêm Trừ Tịch âm lịch, mà còn cả trong việc giao ban giữa cũ và mới trong ngành công tác cùng làm việc với nhau và thường tổ chức vào cuối năm dương lịch. Dù âm lịch hay dương lịch thì tháng ngày vẫn trôi theo đúng quy luật vận hành của tạo hoá. Vì thế, lễ Giao Thừa đón Tết Nguyên Đán chính là thời điểm để mọi người suy gẫm làm sao cho cuộc sống tốt đẹp và có ý nghĩa hơn, để từ đó chúc cho nhau mọi điều tốt đẹp, may mắn và hạnh phúc nhất.

 

Với Ki-tô hữu – cách riêng, với Ki-tô hữu Việt Nam – thì từ trước vô cùng cho đến thiên thu vạn đại, chỉ có một vị thần duy nhất quan phòng vũ trụ và nhân sinh, là Thiên Chúa, là Alpha và Omega (khởi nguyên và tận cùng). Vào đêm trừ tịch hàng năm, mọi người tất bật chuẩn bị (hoa quả, bánh trái...) cho giờ phút Giao Thừa thiêng liêng đón mừng năm mới. Thế thì tại sao lại không chuẩn bị tâm hồn để đón vị Cứu Chúa đến với chúng ta trong Năm Mới, như Lời Chúa trong Thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su. Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.” (Bài đọc 2 – Lễ Giao Thừa – Tx 5, 16-22).

 

Vâng, trong bầu khí thiêng liêng và ấm cúng của giờ phút Giao Thừa hàng năm, xin hãy thinh lặng suy niệm về những hồi ức dĩ vãng đã có một Đấng Thiên Sai đến “trao” cho con người sứ vụ “tư tế, ngôn sứ, vương giả”. Cho đến hiện tại và mãi mãi, Đấng ấy vẫn tiếp tục “trao”, ăn thua là chúng ta có chịu “nhận” hay không và “nhận” như thế nào mà thôi. Vâng, xin hãy tiễn những cái cũ (“tống cựu”) bằng cách sám hối, quyết tâm từ bỏ những sai lỗi; đồng thời sẵn sàng “nhận” cái mới và thực thi bằng tỉnh thức, bằng hành động, bằng cả cuộc sống của bản thân, để chuẩn bị đón cái mới (“nghinh tân”) – đón “Đấng đã đến và sẽ đến”: ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ, Chúa chúng ta quang lâm – trong giờ phút Giao Thừa trọng đại của ngày cánh chung.

 

Ấy cũng bởi vì ngày cánh chung là một thời điểm đã được định sẵn từ trước vô cùng, nhưng lại đến một cách bất ngờ như kẻ trộm đột nhập, bởi “ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời, hay ngay cả Người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (Mt 24, 36-44). Chỉ có như vậy mới thực sự nói lên đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của giờ phút Giao Thừa giữa năm cũ và năm mới, và nhất là giờ phút Giao Thừa giữa cuộc sống trần thế hữu hạn bước sang cuộc sống trường tồn vĩnh cửu mai sau. Như vậy, người Ki-tô hữu ngoài việc chuẩn bị vật chất để tổ chức lễ Giao Thừa, còn cần phải tập trung hơn vào lãnh vực tâm linh.

 

Tóm lại, tống tiễn những điều xấu, khu trừ ma quỷ tội lỗi, chính là công việc “sám hối”, để đón tiếp những điều tốt đẹp chính là “canh tân” vậy. Mùa Xuân Mới đã cận kề, Nguồn Sống Mới (Nước Trời) là Mùa Xuân Vĩnh Cửu cũng gần đến, như Lời Hằng Sống đã dạy: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3, 2). Để đón Nguồn Sống Mới ấy, người Ki-tô hữu hãy sám hối và canh tân để chuẩn bị cho một Lễ Giao Thừa duy nhất là ngày cánh chung, là ngày mà "mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia.” (Mt 21, 29-31). Ước được như vậy.

 

Ôi! “Lạy Chúa là Cha nhân ái! Chúng con tin tưởng Chúa nhận lời chúng con đang hân hoan cầu xin. Năm mới đang về trên quê hương đất nước chúng con, cúi xin Chúa hằng thi ân giáng phúc gia tăng nơi chúng con lòng nhiệt thành phụng sự Chúa và hăng say phục vụ anh chị em chúng con trong cuộc đời trần thế này, để mai sau được hưởng mùa xuân vĩnh cửu trên Nước Trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen. ” (Lời nguyện Tín hữu lễ Giao Thừa).

 

BA NGÀY TẾT NÊN LÀM GÌ?

 

* Mừng Xuân Kỷ Hợi – Ăn Bánh Chưng Xanh

* Đón Tết Hồng Ân – Ăn Bánh Hằng Sống

 

Năm hết Tết đến, với mỗi một quốc gia trên thế giới lại có những phong tục đón Tết cổ truyền khác nhau, đối với những quốc gia Châu Âu thì năm mới được tính theo dương lich, nhưng với các quốc gia Châu Á thì đón năm mới theo âm lịch hoặc theo lịch cổ truyền riêng của dân tộc mình.

 

Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết âm lịch, Tết cổ truyền là một dịp lễ quan trọng nhất trong năm đối với người Việt Nam nói riêng và của một số quốc gia Châu Á nói chung. Có thể nói Tết Nguyên Đán là lễ hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất và nhộn nhịp nhất của dân tộc ta. Với mỗi người Việt Nam, Tết là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau những điều tốt đẹp và tưởng nhớ công ơn ông bà, tổ tiên. Chính vì ý nghĩa sâu xa đó, Tết đã trở nên thiêng liêng, gắn bó trong tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam.

 

Người Việt Nam và nói chung các dân tộc Á Đông thường mừng Xuân đón Tết trong 3 ngày đầu năm. Kể từ ngày hạt giống Phúc Âm được gieo trên quê hương, người Ki-tô hữu Việt Nam đón mừng Năm Mới với Tin Mừng Cứu Độ hòa trộn trong truyền thống Tết dân tộc rất đặc sắc:

 

1- Lễ Tân niên (mồng một Tết): Cầu bình an cho Năm Mới. (St 1, 14-18; Pl 4, 4-8; Mt 6, 25-34): Lễ Tân Niên được cử hành vào sáng Mồng Một Tết. Lịch Phụng vụ của Giáo hội toàn cầu ấn định ngày đầu năm dương lịch (01/01) là “Ngày Thế Giới Hoà Bình”. Cũng vậy, Giáo hội Việt Nam ấn định ngày đầu năm âm lịch (Mồng Một tháng Giêng) là ngày cầu bình an cho Năm Mới.

 

Khi Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ theo hình ảnh Người, Người đã dùng chính Tình Yêu của Người để kết dính 2 ông bà Nguyên tổ lại với nhau nên “một xương một thịt” để “sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất”. Như vậy, ngay từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã muốn cho con cái của mình sống trong yêu thương, trong an bình hạnh phúc. Không những thế, khi con người xa lìa Thiên Chúa, chìm đắm trong tội lỗi, thì Người lại ban chính Con Một xuống thế làm người cứu độ nhân loại và ngay trong đêm Con Người giáng thế, thì đã có lời chúc từ trời cao “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

 

Sứ vụ cao trọng của Con Thiên Chúa làm người là làm cho “Đất với Trời se chữ đồng” trong Tình Yêu. Sự ích kỷ, ghen ghét, đố kỵ, thù hằn đã làm cho con người chìm ngập trong tội lỗi nhuốc nhơ, trong sự chết đen tối, nên Đức Giê-su Thiên Chúa phải chịu khổ hình để tẩy xoá tội lỗi, chịu chết trên thập giá để tiêu diệt sư chết và Người sống lại hiển vinh đem lại sự sống vĩnh cửu cho loài người. Cũng chính Người Con luôn mời gọi “Hãy đến cùng tôi, mọi người sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Nghỉ ngơi bồi dưỡng trong sự sống vĩnh cửu thì chẳng phải đó là an bình hạnh phúc hay sao? Vâng, chính vì loài người không ưng thuận đón nhận sự cứu độ, không muốn được nghỉ ngơi bồi dưỡng trong yêu thương, không thích an bình, nên mới thành cớ sự.

 

Đúng như vậy, Thiên Chúa – thông qua Ngôi Lời nhập thể – luôn thương yêu con cái, kể cả những đứa con ngỗ nghịch, bất hiếu nhất, và Người ban (một cách nhưng không, không đòi hỏi đáp trả) rất nhiều hồng ân xuống cho loài người, mà điển hình hơn cả là ơn an bình. Sống và hoạt động trong Tình Yêu Thiên Chúa, nên Hiền thê của Đấng Cứu Độ là Giáo hội luôn quan tâm đến vấn đề hoà bình của thế giới cũng là lẽ đương nhiên. Chỉ có hoà bình mới thực sự đem lại đời sống ấm no hạnh phúc cho con người. Chính vì thế, nên “Vị Tôi tớ Chúa Phao-lô VI, người có trí tuệ và tầm nhìn xa, người đã đặt ra Ngày Thế giới Hòa bình (năm 1976), đã dạy rằng: “Trước hết phải trang bị cho Hòa bình những loại vũ khí mới, khác với những thứ dùng để giết hại và hủy diệt con người. Phải trang bị trước tiên bằng vũ khí đạo đức, đem lại sức mạnh và uy tín cho công pháp quốc tế, bắt đầu bằng việc tuân giữ các hiệp ước.” (Sứ điệp “Ngày Hoà bình Thế giới năm 2011” của ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI, số 15).

 

Ngày đầu năm – ngày cầu bình an cho Năm Mới – ngày Thế giới hoà binh – cũng là ngày mở ra một chặng đường mới, hướng tới một “Trời mới đất mới” mà Thiên Chúa – thông qua Ngôi Lời Nhập Thể – đã thương ban. Chính vì thế, “Qua cuộc sống mới mà Đức Ki-tô ban cho, chúng ta có thể nhận ra người khác là anh chị em của mình, bất chấp mọi khác biệt về ngôn ngữ, quốc tịch, và văn hóa. Tóm lại, qua việc chia sẻ trong cùng một bánh và cùng một chén, chúng ta đi đến nhận thức rằng chúng ta là “gia đình của Thiên Chúa” và rằng cùng nhau chúng ta có thể đưa ra cống hiến có hiệu quả để xây dựng một thế giới trên cơ sở các giá trị công lý, tự do và hòa bình.” (Sứ điệp “Ngày Hoà bình Thế giới năm 2005” của Thánh GH Gio-an Phao-lô II, số 1). Như vậy, cầu bình an cho Năm Mới không chỉ là cầu cho bản thân, mà là cầu cho gia đình, cầu cho đồng bào cùng chung tổ quốc, cầu cho hết mọi người trên khắp địa cầu. Tắt một lời, đó chính là cầu cho hoà bình thế giới vậy.

 

2-  Mồng 2 Tết: Kính nhớ Tổ tiên và Ông Bà Cha Mẹ. (Hc 44, 1.10-15; Ep 6, 1-4.18-23; Mt 15, 1-6): Ngược lại với quan niệm, suy nghĩ của dân Do Thái, đặc biệt là các Luật sĩ, Kinh sư Pha-ri-sêu về vấn đề báo hiếu, Chúa Giê-su luôn đề cao việc hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, các bậc có công sinh thành, dưỡng dục con cháu. Ấy cũng bởi vì trong 10 giới răn của Thiên Chúa răn dạy loài người thông qua ngôn sứ Mô-sê, thì có 3 điều “mến Chúa” và 7 điều “yêu người”; mà đứng đầu trong 7 điều “yêu người” là giới răn thứ tư: “Thảo kính cha mẹ”.

 

Ngay từ Cựu Ước, giới răn “thảo kính cha mẹ” đã được nhiều ngôn sứ nhắc đến (Hc 3, 3-14; Xh 29, 12…), sang đến Tân Ước cũng vậy (Ep 6, 1-9), đặc biệt là chính Đức Giê-su đã phê phán tính cách của các kinh sư luật sĩ Pha-ri-sêu chỉ câu nệ truyền thống mà coi thường giới răn của Thiên Chúa. Người nói thẳng: "Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! Còn các ông, các ông lại bảo: "Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là ‘co-ban’ (nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa), và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!" (Mc 7, 9-13).

 

Truyền thống dân tộc Việt Nam rất coi trọng chữ hiếu đối với các bậc sinh thành dưỡng dục (“Công cha như núi Thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” – ca dao VN), nên đã dành cả tháng 7 âm lich làm tháng “báo hiếu” (trong đó lễ Vu Lan là trọng tâm được tổ chức trọng thể vào ngày Rằm – 15/7 âl). Với Ki-tô Giáo thì dành cả tháng 11 dl để cầu cho các đấng tiền nhân (trong đó tất nhiên là có tổ tiên, ông bà, cha mẹ) đã khuất bóng. Từ truyền thống cao đẹp đó, Giáo hội Việt Nam trước thềm Năm Mới đã dành ngày Mùng 2 Tết để “Kính nhớ Tổ tiên và Ông Bà Cha Mẹ”. Ghi nhớ công ơn các ngài, học theo gương sống của các ngài, đồng thời với mầu nhiệm hiệp thông xuyên suốt qua 3 Giáo hội (Lữ hành, Thanh luyện, Khải hoàn), cầu nguyện cho các ngài, để từ đó nhờ các ngài chuyển cầu cùng Thiên Chúa ban cho con cháu thêm nhiều hồng ân trong Năm Mới. Thiết tưởng nghĩa cử báo hiếu đó không còn gì có thể so sánh nổi.

 

 

3-  Mồng 3 Tết: Thánh hoá công ăn việc làm. (St 2, 4b-9.15; Cv 20, 32-35; Mt 25, 14-30): Nhiều người thường quan niệm công ăn việc làm là do con người tự phát để mưu cầu sự sống còn, bởi “Có làm thì mới có ăn, Không dưng ai dễ đem phần đến cho” (ca dao VN). Làm ăn thành công hay thất bại là do tự bản thân, như vậy thì cần gì phải được thánh hóa. Mới thoạt nghe thì tưởng chừng có lý, nhưng suy cho cùng thì đó lại là một thuyết ngụy biện trong biện chứng pháp vô thần. Thực thế, nếu anh không tin con người đồng thời có 2 đời sống hoà quyện vào nhau, kết dính với nhau là thể xác và tâm linh, thì anh có quyền nghĩ như vậy; nhưng nếu anh tin thì anh sẽ thấy rằng sự hiện hữu của con người anh trên mặt đất không phải từ hư không mà có, mà do một bàn tay Sáng Tạo vô hình đã dựng nên anh. Đó chính là Thiên Chúa, Người đã tạo dựng con người giống hình ảnh của Người và đặt con người trong vườn Ê-đen, rồi dạy con người trồng trọt, nghĩa là dạy con người lao động. Thiên Chúa muốn con người ngoài việc lao động để tự nuôi sống bản thân, còn chung tay góp sức và trí tuệ để làm cho vũ trụ mà Chúa dựng xây ngày càng tốt đẹp, ngày càng phong phú.

 

Suy niệm bài Tin Mừng ngày Mồng 3 Tết “Dụ ngôn những yến bạc” (Mt 25, 14-30) thì đủ rõ: Ông chủ trao cho mỗi người một số vốn (“người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người”) để con người tự lao động kiếm lời. Đa phần đều làm cho số vốn tăng gấp đôi, và được ông chủ ban thưởng “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”; nhưng cũng có kẻ cho ông chủ là “người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi”, không chịu làm ăn sinh lợi, cũng chẳng biết “gửi vào ngân hàng”, nên cuối cùng đã bị “quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng”. Phải chăng những kẻ đó chính là những kẻ chỉ muốn “há miệng chờ sung rụng” chủ trương nguỵ biện thuyết như nêu trên?

 

Tóm lại, lao động phải mệt nhọc, lao động đòi hỏi phải cố gắng, phấn đấu, hy sinh; nhưng trên hết – lao động còn là phương cách thăng hoa cuộc sống trần thế nhằm “cộng tác với công trình sáng tạo của Thiên Chúa” nữa. Ấy cũng bởi vì "Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Người." (Thánh Au-gus-ti-nô). Tổng kết lại những điều đã chia sẻ, kẻ viết bài này lại càng thấy câu châm ngôn “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” (Mưu tính sự việc là ở nơi con người, nhưng thành công hay không là do Ông Trời) là rất đúng.

 

Mừng đón Chúa Xuân là bước vào một chặng đường mới với một hy vọng mới là sẽ đạt được phần thưởng hưởng niềm vui trong “Trời mới đất mới”. Muốn được vậy, hãy sẵn sàng hành động trong tâm tình sám hối để canh tân cuộc sống, đổi mới chính con người của mình. Đồng thời phải “tận nhân lực” trong hành động “Vâng lời Thầy, con xin dốc một lòng làm theo Lời Thầy dạy”. Chỉ có như thế mới hy vọng “tri Thiên mệnh” (“Tận nhân lực nhi tri thiên mệnh”: Làm hết sức mình sẽ hiểu được mệnh Trời – Nho Giáo) là được chính Ông Chủ Trời (Thiên Chúa) dang rộng vòng tay, ân cần phán dạy: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”.

 

Khi viết tới đây, kẻ viết bài này bị lôi cuốn bởi lời chúc Tết âm lịch của vị Cha chung vào dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất (16/02/2018). Theo Vatican 13/02/2018 (MAS) – Vào ngày 11/02, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô gửi lời chúc Tết Âm lịch đến hết mọi người mừng ngày này vào ngày 16/02. Lời chúc của Ngài diễn ra sau khi đọc Kinh Truyền Tin tại Quảng Trường Thánh Phê-rô. Xin cùng hiệp ý với vị Cha chung chúc mừng Năm Mới:

 

“Tại vùng Viễn Đông và một số nơi trên thế giới, hàng triệu anh chị em nam nữ sẽ mừng Năm Mới Âm Lịch vào ngày 16/02. Tôi gửi lời chúc nồng nhiệt nhất của tôi đến hết mọi gia đình, với niềm hy vọng là mọi người sẽ sống ngày Tết này trong tình liên đới, huynh đệ và lòng khao khát lớn lao hơn cho điều thiện hảo, góp phần tạo nên một xã hội mà trong đó mọi người được đón nhận, bảo vệ, thăng tiến, và tháp nhập. Tôi mời gọi cầu nguyện cho ơn hoà bình, những kho tàng quí giá được theo đuổi bằng lòng thương cảm, tầm nhìn xa, và lòng can đảm. Tôi đồng hành và chúc lành cho hết mọi người.”

 

Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.