Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tổ Ấm Tình Yêu

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

TỔ ẤM TÌNH YÊU

 

 

Tôi vẫn còn nhớ bài hát “Tìm về tổ ấm” (nhạc tiền chiến) mở đầu bằng 2 câu: “Tung cánh chim tìm về tổ ấm, Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm…”. Gia đình là một tổ ấm đúng với ý nghĩa đích thực của nó. Với 72 năm trong cuộc sống thăng trầm nơi trần thế, tôi cũng đã trải qua kinh nghiệm bản thân về việc sống xa gia đình, nhưng nhất là được nghe kể, được mục kích những hoàn cảnh éo le, bi đát của những kẻ mà Victor Hugo đã đặt tên cho một tác phẩm của ông: “Vô gia đình” (Sans famille). Quả thật vô gia đình là một đại bất hạnh của người đời.

 

 

Cái cơ cấu đầu tiên và căn bản của xã hội loài người là gia đình. Gia đình Nguyên tổ là một minh hoạ sống động (“Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” – St 1, 27-28). Vì Tình Yêu, Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ và con người, nên gia đình Nguyên Tổ là nguyên mẫu biểu tượng Tổ ấm Tình yêu đầu tiên của nhân loại (“chính Tình yêu của Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất" – Tông huấn Gia Đình, số 14). Gia đình Nguyên tổ bắt đầu từ 2 ngôi vị (Adam và Eva) sống trong cái nôi Tình Yêu đã “sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất”. Và từ mối tương quan giữa 2 ngôi vị ban đầu, "toàn bộ những tương quan liên vị được đặt nên – những tương quan về tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình con thảo, tình anh em – qua những tương quan ấy, mỗi ngôi vị được dẫn đưa vào trong "gia đình nhân loại" và "gia đình Thiên Chúa" là Hội Thánh" (T/H Gia Đình, số 15).

 

 

Tuy con người có sa ngã, phải rời khòi vườn Địa đàng để vật lộn với cuộc mưu sinh trên trái đất, nhưng gia đình mãi mãi tồn tại, dù sự tồn tại ấy không còn được như nguyên mẫu ban đầu. Nói cách khác, vì được tự do, con người đã sa ngã, xa lìa Thiên Chúa, nên bị tội lỗi thồng trị và không ít những Tổ ấm Tình yêu biến thành Tổ cú, tổ rắn chứa đầy tội ác. Cũng chính vì thế, để khôi phục lại Tổ ấm Tình Yêu, cũng như để giúp con người chiến thắng được tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa đã ban chính Con Một xuống thế làm người cứu độ nhân loại và cũng đặt vào trong một Tổ ấm còn hơn cả Tổ ấm đầu tiên của nhân loại, đó chính là Thánh Gia Thất. Và cũng từ đó, Tổ ấm Gia đình Ki-tô Giáo được khôi phục và hoàn bị.

 

 

Tiếng “gia đình” luôn hàm chứa một ý nghĩa thiêng liêng cao quý, một bầu khí nồng ấm, ăm ắp tình yêu thương. Với “gia đình Ki-tô giáo” thì còn hơn thế nữa, vì “gia đình còn là chiếc nôi của sự sống và tình yêu” (Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, số 209). Trong “Thư gởi người Công Giáo Trung Hoa” – 5/2007 (số 15), ĐGH Biển Đức XVI viết: “Vì tương lai nhân loại phải thông qua gia đình, tôi nghĩ rằng điều cấp thiết là anh chị em tín hữu phải đề cao các giá trị gia đình và bảo vệ những nhu cầu của gia đình. Anh chị em giáo dân, những người mà đức tin đã cho phép họ nhận biết ý định tuyệt vời của Thiên Chúa đối với gia đình, có thêm một lý do để đảm nhận sứ vụ cụ thể và bức bách này: gia đình thực tế là nơi thông thường những người trẻ đạt tới sự trưởng thành cá nhân và xã hội. Gia đình cũng chính là người gìn giữ di sản của nhân loại, vì thông qua gia đình, sự sống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Qua lời dạy trên, chúng ta thấy nổi bật lên vai trò và sứ vụ của gia đình:

 

 

1- GIA ĐÌNH – MỘT TỔ ẤM TÌNH YÊU: : Ngay từ nguyên thuỷ, con người đầu tiên được dựng nên vì Tình Yêu. Nếu chỉ có một con người duy nhất thì Tình yêu đó không trọn vẹn, cũng không nảy nở và phát triển được. Vì thế Thiên Chúa đã dựng nên thêm một người nữ từ xương và thịt của người nam. Chưa hết, khi thể hiện tình yêu bằng cách cho đi và nhận lại giữa 2 người, thì điều tất yếu là trổ sinh hoa trái. Sự trổ sinh hoa trái đó chính là kết quả của Lời phán dạy: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (St 1, 28). Vì thế, con người không thể sống mà không có tình yêu. Cuộc sống con người sẽ mất hết ý nghĩa nếu không nhận biết về tình yêu, không có kinh nghiệm về tình yêu, để từ đó nhận lấy kinh nghiệm ấy làm của mình và tích cực dự phần vào đó. Khởi nguyên của gia đình xuất phát từ tình yêu, phát triển vì tinh yêu, nên có thể khẳng định một cách chắc chắn: Gia đình là tổ ấm tình yêu, không có tình yêu thì gia đình không thể tồn tại. Cũng bởi vì:  "Không có tình yêu, gia đình không phải là một cộng đồng các ngôi vị, thì cũng thế, không tình yêu, gia đình không thể sống, lớn lên và tự hoàn thiện xét như một cộng đồng các ngôi vị. Điều tôi (ĐTC Gioan-Phaolô II) đã viết trong Thông điệp "Đấng cứu chuộc con người" được áp dụng độc đáo và ưu tiên trước hết nơi gia đình"  (T/H Gia Đình, số 18).

 

 

2- GIA ĐÌNH – MỘT CƠ CẤU XÃ HỘI : Kể từ khi rời khỏi vườn Địa đàng, Gia đình nguyên thuỷ là cái mốc đầu tiên hình thành xã hội loài người. Sau đó, Adam và Eva thứ hai (là Thánh Giu-se và Đức Maria) đã đón nhận Trưởng Tử Thiên Cung và hạ sinh nơi một miền quê hẻo lánh và nghèo nàn, ngay giữa lòng xã hội. Vì thế, Đạo Công Giáo là đạo nhập thế. Một cách nôm na, chủ đích của Ki-tô Giáo là đi vào đời, vì gia đình vị thủ lãnh tối cao sống ở giữa đời. Hoá cho nên có thể xác quyết: Không có gia đình thì không có xã hội và tất nhiên không có xã hội thì Giáo Hội cũng không thể tồn tại. Quả thực vai trò của gia đình đối với xã hội là rất quan trọng. Nói đến vai trò xã hội của gia đình, người ta thường chỉ nghĩ đến việc truyền sinh và giáo dục, bởi đó là hai công việc mang hình thức đầu tiên không thể thay thế được. Ngoài 2 công việc căn bản đó, gia đình – dù biệt lập hay kết thành hiệp hội – đều có thể và phải dấn thân cho nhiều công cuộc phục vụ xã hội, cách riêng là trong mọi trường hợp, lo cho những người nghèo, lo cho những người trong những hoàn cảnh mà các tổ chức từ thiện  và cứu tế công cộng không thể quán xuyến hết được.

 

 

Sự đóng góp xã hội của gia đình là một bổn phận tất yếu. Về điểm này, thiết tưởng cần phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng thưong người. Một cách cụ thể, đơn giản chỉ là mở rộng cửa nhà mình, mở rộng lòng mình trước những nhu cầu của người anh em. Hơn thế nữa, còn đi đến chỗ dấn thân cụ thể để bảo đảm cho mỗi gia đình có được nơi ăn chốn ở cần thiết. Với gia đình Ki-tô hữu, xin hãy lắng nghe lời khuyến dụ của thánh Gio-an Tẩy giả "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." (Lc 3,10) để từ đó, theo chân Đức Ki-tô và với lòng bác ái của Người ("Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu" – Mc 9, 41), tiếp sức những anh chị em đang gặp cảnh khó khăn, thiếu thốn: Gia đình Ki-tô hữu cùng lúc có 2 bổn phận phải chu toàn: Bổn phận công dân nước trần thế và bổn phận công dân Nước Trời. Thi hành trọn hảo cả 2 bổn phận ấy mới xứng đáng là môn đệ của Thầy Chí Thánh, xứng đáng là thần tử của vị Vua Công Chính đã từng đóng thuế cho chính quyền trần thế và phán dạy: "Của Xê-da trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa".

 

 

3- GIA ĐÌNH – MỘT GIÁO HỘI CƠ BẢN: Tông huấn Gia Đình (số 15) còn dạy: "Gia đình nhân loại, bị phân hoá vì tội lỗi, được phục hồi trong sự hợp nhất của nó nhờ quyền năng cứu chuộc do cái chết của Đức Ki-tô. Nhờ tham dự vào hiệu năng cứu độ của biến cố ấy, hôn nhân Ki-tô Giáo trở thành môi trường tự nhiên để cho nhân vị được hội nhập vào trong đại gia đình Hội Thánh". Xuất phát từ Thiên Chúa Ba Ngôi, một cuộc hôn nhân được thiết lập giữa Trưởng Tử Thiên Chúa là hôn phu Giê-su với hiền thê Giáo Hội, sinh sản đàn con đông đúc là các tín hữu. Đó chính là Đại Gia Đình Ki-tô Giáo. Đại Gia Đình đó được hình thành và phát triển chính là nhờ những gia đình Ki-tô hữu và vì thế, gia đình Ki-tô hữu được coi là Giáo Hội cơ bản, là Hội Thánh tại gia ("Thánh Thần được đổ tràn xuống trong việc cử hành các bí tích chính là nguồn mạch sống động và lương thực vô tận cho sự hiệp thông siêu nhiên, nối kết các tín hữu với Đức Ki-tô và quy tụ họ lại với nhau trong sự hợp nhất của Hội Thánh Thiên Chúa. Gia đình Ki-tô hữu là một mạc khải, là một thực hiện đặc biệt mối hiệp thông trong Hội Thánh. Vì thế, gia đình Ki-tô hữu có thể và phải được gọi là "Hội Thánh tại gia" (T/H. Gia Đình, số 21).

 

 

Cũng trong “Thư gởi người CG Trung Hoa” nêu trên (số 15), ĐGH Biển Đức XVI viết: “… lợi ích của xã hội và của chính Giáo Hội gắn liền sâu xa với lợi ích của gia đình”. Chính vì xuất phát từ một cuộc hôn nhân là hình ảnh của giao ước tình yêu, nối kết Đức Ki-tô với Hội Thánh, đồng thời vì dự phần vào giao ước ấy, gia đình Ki-tô hữu là nơi minh chứng sống động nhất sự hiện diện của Đấng Cứu Thế trong thế giới và bản chất đích thực của Hội Thánh, qua tình yêu của vợ chồng, qua sự sinh sản con cái, qua sự hợp nhất và trung tín của gia đình, cũng như qua sự hợp tác thân ái giữa mọi thành phần trong gia đình. "Sau khi đã xác định nền tảng cho phép các gia đình Ki-tô hữu tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh như thế, việc quan trọng bây giờ là đưa ra ánh sáng  những gì bao gồm trong sự tham dự ấy, theo ba sự quy chiếu, mà thật ra chỉ là một, tức là quy chiều vào Đức Giê-su Ki-tô, trong tư cách là ngôn sứ, là tư tế và là vua bằng cách trình bày gia đình Ki-tô hữu như là : 1- Cộng đồng tin và rao giảng Tin Mừng. 2- Cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa. 3- Cộng đồng phục vụ con người" (TH. Gia Đình, số 50).

 

 

 4- GIA ĐÌNH – MỘT TRƯỜNG DẠY ĐỨC TIN: Vì là cái nôi, là tổ ấm tình yêu, nên gia đình là một trường dạy Đức Tin hơn bất cứ một môi trường nào khác. Thật vậy, với tình yêu thì luôn luôn và mãi mãi có "cho đi" và "nhận lại". Điều đó đã nói lên trong gia đình có một yếu tố căn bản là sự trao đổi có tính cách giáo duc giữa cha me và con cái, làm cho mỗi người đều có thể cho đi và nhận lại. Nguyên lý bất di bất dịch trong giáo dục là tin yêu. Có yêu học trò thì người thầy mới tin cẩn mả trao cho họ những kiến thức của mình (dạy) ; cũng vậy, có yêu thầy thì học trò mới tin vào những điều thầy truyền thụ (học). Gia đình là nơi thể hiện rõ nét nhất tính giáo dục, với gia đình Ki-tô Giáo thì gia đình chính là trường dạy đức tin vậy. Nghe nói đến vấn đề giáo dục đức tin, nhiều người cho rằng họ không thể đảm nhận được và vì thế, họ phó mặc cho các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên nơi những lớp giáo lý.

 

 

Thực ra, việc giáo dục không chỉ là cho đi, mà còn có cả sự nhận lại. Một cách cụ thể, cha mẹ giáo dục con cái không chỉ là những lý thuyết cao siêu, xa vời, mà là bằng chính cuộc sống tin yêu trong gia đình. Qua tình yêu, sự kính trọng, sự vâng lời, sự hoà thụân, con cái sẽ mang lại sự đóng góp thiết thực không thể thay thế được của chúng cho việc xây dựng một gia đình thật sự nhân bản và Ki-tô Giáo. Khi cho đi tình yêu cùng với những kiến thức căn bản về đời sống con người giữa thiên nhiên và với Thiên Chúa, chắc chắn các bậc cha mẹ sẽ nhận về hồng ân từ nơi con cái họ ("Điều đó sẽ dễ dàng hơn cho chúng nếu các bậc cha mẹ thực hành nghiêm chỉnh quyền bính của họ như một tác vụ thật sự hay đúng hơn như một việc phục vụ nhắm tới lợi ích nhân bản và Kitô Giáo của con cái, và đặc biệt hơn, như một việc phục vụ nhằm làm cho con cái đạt được một sự tự do thật sự có trách nhiệm, và nếu chính các cha mẹ cũng luôn giữ một ý thức bén nhạy về hồng ân mà họ không ngừng nhận được từ nơi con cái họ" – T/H Gia Đình, số 21). Chính vì thế, tất cả mọi thành phần trong gia đình đều có trách nhiệm liên tục xây dựng sự hiệp thông giữa các ngôi vị, bằng cách biến gia đình thành một "trường học đào tạo cho nhân tính được hoàn hảo và phong phú hơn" (TH. Gia Đình, số 21). Nói cách khác, "Thừa tác vụ rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý của Hội-thánh-tại-gia phải luôn luôn kết hợp mật thiết và hoà nhịp một cách có ý thức với tất cả những công việc khác, nhằm phục vụ cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, và dạy giáo lý đang có và đang hoạt động trong cộng đồng Hội Thánh, ở giáo phận hoặc ở giáo xứ" (TH. Gia Đình, số 53)

 

 

Để tạm kết luận cho bài viết về một đề tài vô cùng phong phú và hiện thực, xin mượn lời dạy của ĐTC Biển Đức XVI trong Tông thư “Năm Thánh Linh Mục” (trích bản tin AsiaNews 31.08): "Đức Thánh Cha nói rằng trong  "Năm Thánh Linh Mục" nầy, chúng ta phải cầu nguyện sao cho “nhờ lời cầu thay nguyện giúp của Thánh Cha Sở Ars, các gia đình Ki-tô giáo có thể trở thành những giáo hội nhỏ,và mọi ơn goị là đặc sủng,do Chúa Thánh Linh ban tặng, có thể được chào đón và qúy trọng”. Nhằm nêu bật tầm quan trọng của giáo dục gia đình trong việc khuyến khích ơn gọi đời sống tận hiến, Đức Biển-Đức XVI đã đưa ra gương đời sống Thánh Nữ Mô-ni-ca, thân mẫu Thánh Au-gus-ti-nô, mẫu gương và quan thầy các bà mẹ Công giáo. Đức Thánh Cha nhấn mạnh : lịch sử Ki-tô giáo “được ghi dấu bởi vô số gương sáng các bậc cha mẹ thánh thiện và các gia đình Ki-tô giáo đích thực”, như là hai Thánh Ba-si-li-ô và Gregoire Naziansus (thế kỷ thứ 4) đến từ gia đình những vị thánh hoặc như hai vợ chồng Luigi Beltrame Quattrocchi và Maria Corsini, sống vào cuối thế kỷ XIX cho đến giữa thế kỷ XX; cả hai được ĐGH Gioan-Phaolô II tôn phong Chân Phước vào tháng 10.2001".

 

 

Nhân ngày mừng kính Thánh Gia Thất, cầu chúc toàn thể gia đình Ki-tô hữu hướng về mẫu gương Thánh Gia đẻ cầu nguyện + noi gương + học hỏi, sao cho mỗi gia đình, mọi gia đình đều được ơn thánh trở nên một "gia đình Ki-tô giáo đích thực". Ước được như vậy. Amen.

 

 

JM. Lam Thy ĐVD.

 

***********************************************