Đồng hành với các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn
ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH GẶP HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
Tông huấn về Gia Đình “Familiaris Consortio” (số 77-85) đã trình bày, phân tích những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, đề ra phương hướng mục vụ cần thiết cho từng trường hợp: “Cần phải quảng đại, thông minh, khôn khéo, theo gương vị Mục Tử nhân lành, khi dấn thân làm mục vụ cho các gia đình đang đối đầu với những khó khăn thật sự, thường ngoài ý muốn và do những đòi hỏi đủ loại.” Trong chiều hướng đó, Hội Đồng Giám Mục VN ấn định chủ đề mục vụ cho tháng 3/2019 là: ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH GẶP HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN. Xin dựa vào Tông huấn “Familiaris Consortio” để cùng tìm hiểu vấn đề:
I. Những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn:
Thư Mục vụ 2018 của HĐGMVN (số 2) đã phân biệt 3 trường hợp các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn: * Các gia đình di dân; * Những cặp hôn nhân khác đạo; * Những gia đình bị đổ vỡ. Đó cũng chính là 3 trường hợp cụ thể trong Tông huấn “Familiaris Consortio”: 1- Những gia đình trong hoàn cảnh đặc biệt; 2- Những gia đình hôn nhân hỗn hợp; 3- Những gia đình hôn nhân trái quy tắc:
1- Những gia đình trong hoàn cảnh đặc biệt: Tông huấn “Familiaris Consortio” (số 77) đã nêu ra 12 trường hợp gia đình trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, đó là:
*a- Những gia đình di dân tìm việc làm;
*b- Những gia đình có những người phải vắng nhà lâu ngày, như quân nhân, thủy thủ, tù nhân…;
*c- Những gia đình sống giữa đô thị mà thực tế lại sống bên lề;
*d- Những gia đình không nhà ở;
*e- Những gia đình chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ;
*g- Những gia đình có con tàn tật, hay nghiện ma tuý; có người nghiện rượu, bệnh tật…;
*h- Những gia đình bị kỳ thị vì chính trị hay vì những lẽ khác;
*i- Những gia đình bị xâu xé vì ý thức hệ;
*k- Những gia đình không thể dễ dàng tiếp xúc với giáo xứ;
*l- Những gia đình bị bạo hành hay ngược đãi vì đức tin;
*m- Những gia đình vị thành niên;
*n- Những gia đình có những người già cả, phải sống trong cô đơn, thiếu thốn những phương tiện sinh sống cần thiết nhất.
2- Những gia đình hôn nhân hỗn hợp: Có 2 trường hợp trong hoàn cảnh này (Tông huấn “Familiaris Consortio”, số 78):
a- Hỗn hợp giữa người Công giáo và người đã được rửa tội trong các hệ phái (Vd: Tin lành): Khó khăn của họ là: Bên Công giáo phải luôn ghi nhớ bổn phận phải sống và thể hiện đức tin Công giáo; từ đó, phải lo hết sức cho con cái được rửa tội và giáo dục trong nền tảng đức tin Ki-tô giáo. Cả hai phải để ý đến những khó khăn, để biết tôn trọng tự do tôn giáo của nhau. Họ còn phải phát huy tinh thần đại kết, khi hai vợ chồng đều trung thành dấn thân trong tôn giáo của mình. Phép rửa duy nhất của hai người và động năng ân sủng sẽ cung cấp cho đôi bạn nền tảng và động lực để giúp họ diễn tả được sự hiệp nhất trong lãnh vực các giá trị luân lý và tâm linh.
b- Hỗn hợp giữa người Công giáo và người chưa rửa tội: Có hai trường hợp:
b1- Người phối ngẫu không rửa tội, nhưng có tuyên xưng đức tin một tôn giáo: trong trường hợp này, những xác tín của người ấy phải được kính trọng.
b2- Người phối ngẫu không rửa tội, và cũng không tuyên xưng đức tin một tôn giáo nào: Đối với những cuộc hôn nhân này, là thách đố không nhỏ cho bên Công giáo: phải làm sao bảo vệ đức tin; bảo vệ việc tự do thể hiện đức tin; rửa tội, và giáo dục con cái theo đức tin Công giáo. Hơn thế nữa, phải biết sống chứng tá đích thực cho người bạn lương dân của mình.
3- Những gia đình hôn nhân trái qui tắc: Tông huấn “Familiaris Consortio” (số 79-84) đã phân tích những thay đổi nhanh chóng về văn hoá ngày nay, những chuyện trái qui tắc này đang lan tràn ngay cả giữa những người Công giáo. Với trường hợp này, Tông huấn (số 84) đã lưu ý tới những hoàn cảnh trái qui tắc: “Với một lòng tin tưởng mãnh liệt, Giáo Hội tin rằng: ngay cả những người đã lìa xa lệnh truyền của Chúa, và đang tiếp tục sống trong tình trạng ấy, cũng có thể nhận được ơn hoán cải và cứu rỗi nơi Thiên Chúa, nếu họ kiên trì trong kinh nguyện, thống hối và bác ái.” Đồng thời, Tông huấn (số 85) cũng lưu ý thêm về hoàn cảnh của “Những người không gia đình”: “Trong thế giới hiện nay, có một phần rất lớn nhân loại đang sống trong những điều kiện nghèo khổ cùng cực, sống chung lộn, thiếu nhà cửa, quan hệ với nhau chẳng bền vững và chẳng hợp pháp, thiếu hẳn văn hoá. Những hoàn cảnh ấy đã không cho phép họ nói tới chuyện gia đình. Có những người khác, vì những lý do khác nhau, đang sống đơn độc trên thế giới. Tuy nhiên "Tin Mừng về gia đình" cũng được gửi đến cho họ nữa.”
Có 5 trường hợp hôn nhân trái qui tắc:
a- Hôn nhân thử;
b- Những vụ chung sống không hôn nhân;
c- Những người Công giáo kết hôn chỉ có hôn phối dân sự;
d- Những người ly thân và những người ly dị không tái hôn;
e- Những người ly dị tái hôn.
II. Đồng hành với những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn:
1/ Phải đồng hành và nâng đỡ đối với những gia đình trong hoàn cảnh đặc biệt: Phải quảng đại, sáng suốt, khôn khéo, theo gương Chúa Giê-su, vị Mục tử nhân lành, để dấn thân làm mục vụ cho các gia đình đang đương đầu với những khó khăn thật sự, thường là ngoài ý muốn và do những đòi hỏi đủ loại.
- Cần chú ý đến những gia đình trong hoàn cảnh đặc biệt. Không chỉ trợ giúp, mà còn cần những hành động hiệu quả trên dư luận quần chúng, và nhất là trên cơ cấu văn hoá, kinh tế, luật pháp, nhằm loại bỏ tối đa những nguyên cớ sâu xa gây khó khăn cho họ.
- Với những gia đình di dân ở khắp nơi, phải tìm cho họ được một quê hương cụ thể trong Giáo hội (Giáo xứ, Giáo điểm…, nơi họ di cư tới). Đó là bổn phận thuộc bản chất của Giáo hội, vì Giáo hội là dấu chỉ “hiệp nhất trong đa dạng”. Họ cần được tận tình giúp đỡ về nghi lễ, văn hoá và ngôn ngữ.
- Đối với các gia đình bị xâu xé trên bình diện ý thức hệ: họ cần có được những tiếp xúc chân tình, kín đáo.
Trong tất cả những tình cảnh ấy, đừng bao giờ xao nhãng kinh nguyện là nguồn mạch ánh sáng và sức mạnh, đồng thời cũng là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng Ki-tô giáo. Nói cụ thể, để có thể hỗ trợ đắc lực những gia đình trong hoàn cảnh đặc biệt, cá nhân hay cộng đoàn đồng hành phải đặt lên hàng đầu vấn đề đọc kinh cầu nguyện xin ơn soi sáng của Thánh Thần – Đấng Toàn Năng Hằng Hữu luôn đồng hành với các gia đình.
2/ Phải đồng hành và nâng đỡ đối với những gia đình hôn nhân hỗn hợp: Cần phải có một sự lưu tâm mục vụ riêng dưới ánh sáng những định hướng và những qui tắc bao gồm trong các tài liệu mới nhất của Hội Thánh để áp dụng cụ thể trong những tình cảnh khác nhau, trước con số những cuộc hôn nhân giữa người Công giáo và người đã rửa tội trong các hệ phái khác (vd: Tin Lành, Chính Thống giáo…) ngày càng tăng. Phải để ý đến những khó khăn đặc biệt nằm trong các tương quan giữa vợ chồng về tất cả những gì liên hệ đến sự tôn trọng tự do tôn giáo:
- Khi chuẩn bị đồng hành với loại hôn nhân này, phải hết sức giúp họ hiểu thật rõ giáo lý Công giáo về các đặc tính và các đòi hỏi của hôn nhân, cũng như bảo đảm sẽ không có việc gây áp lực hay cản trở.
- Nhất là với sự nâng đỡ của cộng đoàn, phía Công giáo cần được củng cố, hiểu biết chín chắn hơn, để thực hành đức tin cách tốt đẹp hơn, ngõ hầu trở nên nhân chứng đáng tin cậy thực sự trong chính gia đình họ, qua đời sống và tình yêu tốt đẹp họ dành cho người bạn đời và cho con cái.
3/ Phải đồng hành và nâng đỡ đối với những gia đình hôn nhân trái qui tắc:
a- Hôn nhân thử: Tình trạng trái qui tắc đầu tiên thường được gọi là “hôn nhân thử” mà ngày nay nhiều người đang muốn biện minh bằng cách gán cho nó một vài giá trị nào đó. Thật là một điều không thể nào chấp nhận được. Giáo hội không thể chấp nhận loại kết hợp hôn nhân trái quy tắc (đi ngược lại với định hướng hôn nhân Công giáo), vì giữa hai người đã Thánh tẩy, chỉ có thể chấp nhận một hôn nhân bất khả phân ly.
b. Những vụ chung sống không hôn nhân: Cộng đoàn cần tìm hiểu rõ tình cảnh và các nguyên cớ dẫn đến từng trường hợp; phải để tâm, kín đáo và tôn trọng, tìm cách đến với những người đang chung sống không hôn nhân; kiên nhẫn khai sáng cho họ, đón nhận họ với tình bác ái, đem lại cho họ một chứng tá về gia đình Ki-tô hữu. Nói cách khác, cần làm tất cả những gì có thể giúp họ hợp thức hoá hôn nhân gia đình.
c. Những người Công giáo chỉ có hôn phối dân sự: Cần giúp họ nhận biết rằng: nhất thiết phải có sự đi đôi giữa sự chọn lựa đời sống với đức tin họ tuyên xưng. Cũng phải cố gắng làm tất cả những gì có thể, để đưa họ tới việc hợp thức hoá tình cảnh của họ. Cần đong đầy tình bác ái đậm đà đối với họ, ngõ hầu đưa họ về với cộng đoàn.
d. Những người ly thân và ly dị không tái hôn: Việc ly thân chỉ có thể được dùng như phương thuốc cuối cùng. Người phối ngẫu bị phân ly thường cô đơn và gặp nhiều khó khăn khác nữa, nhất là khi người ấy vô tội! Cộng đoàn Giáo hội cần nâng đỡ họ hơn bao giờ hết, phải quí mến, liên đới, cảm thông, giúp đỡ họ cụ thể, để họ có thể trung thành, ngay cả trong tình cảnh hết sức khó khăn. Cần giúp họ biết vun trồng sự tha thứ, và luôn sẵn sàng nối lại cuộc sống vợ chồng.
Trường hợp người phối ngẫu bị bó buộc phải chịu ly dị: khi họ không để mình bị lôi cuốn vào một cuộc kết hôn mới, nhưng vẫn ra sức chu toàn các bổn phận gia đình và các trách nhiệm Ki-tô hữu, thì chứng tá của họ về sự trung thành thật là cao đẹp đối với thế giới và Giáo hội hôm nay! Giáo hội cần giúp đỡ, khích lệ, ưu ái, và mời gọi họ tham dự các bí tích.
e. Những người ly dị tái hôn: Với tinh thần bác ái sâu rộng, toàn thể cộng đoàn tín hữu hãy giúp đỡ những người ly dị tái hôn, làm thế nào để họ không cảm thấy bị lên án và loại trừ khỏi Giáo hội. Vì đã được Thánh tẩy, không những họ có thể, mà còn có bổn phận dự phần vào đời sống Giáo hội. Cần mời gọi họ lắng nghe Lời Chúa, tham dự Thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, tham gia vào các công tác bác ái, vào các sáng kiến của Giáo hội để phụng sự công lý, giáo dục con cái trong đức tin, vun trồng tinh thần đền tội, và làm các việc đền tội, để ngày ngày nài xin ơn thánh Chúa.
Cộng đồng Giáo hội cần cầu nguyện cho họ, khích lệ họ, và tỏ ra là một người mẹ nhân từ, để nhờ đó, giữ họ trong đức tin, đức cậy và đức mến. Với một lòng tin tưởng mãnh liệt, Giáo hội tin rằng: ngay cả những người đã lìa xa lệnh truyền của Chúa, và đang tiếp tục sống trong tình trạng ấy, cũng có thể nhận được ơn hoán cải và cứu rỗi nơi Thiên Chúa, nếu họ kiên trì trong kinh nguyện, thống hối và bác ái.
4/ Đặc biệt phải đồng hành và nâng đỡ đối với những người “không gia đình”: Trong thế giới hiện nay có một số đông người thật bất hạnh vì không thể có liên hệ gì với gia đình đúng nghĩa. Đó là một phần rất lớn nhân loại đang sống trong những điều kiện nghèo khổ cùng cực, thiếu nhà cửa, thiếu hẳn văn hoá, quan hệ với nhau chẳng bền vững và hợp pháp. Ngoài ra, có những người khác, vì những lý do khác nhau, đang sống đơn độc trên thế giới. “Tin Mừng về gia đình” cũng rất cần được gởi đến cả cho họ nữa. Nói cách khác, cộng đoàn tín hữu cần phải thực sự đồng hành và nâng đỡ những người “Vô Gia Đình” (xc. “Vô Gia Đình – Sans Famille” của Hector Malot - Pháp).
KẾT LUẬN:
Tóm lại, tương lai của Giáo hội, của xã hội sẽ đến qua gia đình, vì thế nên tất cả mọi người thiện chí đều kiên quyết bảo vệ và thăng tiến các giá trị và các đòi hỏi của gia đình, nhất là của những gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Đó quả thật là nhiệm vụ trọng yếu và cấp bách, bởi vì: “Hội Thánh biết đâu là con đường sẽ đưa gia đình đạt tới chân tính sâu xa nhất của nó. Hội Thánh được dạy cho biết con đường này nơi trường học của Đức Ki-tô và lịch sử, được diễn giải dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần. Hội Thánh không áp đặt, nhưng cảm thấy mình bị đòi hỏi gắt gao phải biểu dương con đường ấy cho mọi người, không sợ hãi, nhưng với một lòng tin tưởng và hy vọng lớn lao, dù biết rằng “Tin Mừng” cũng bao gồm cả ngôn ngữ của thập giá. Chỉ có qua thập giá, gia đình mới có thể đạt được sự viên mãn của hữu thể và sự hoàn thiện của tình yêu.” (Tông huấn “Familiaris Consortio”, số 86).
Thư Chung HĐGMVN năm 2013 (số 7) nhắn nhủ: “Với những anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán, một đàng chúng ta vẫn phải nêu cao lý tưởng đời sống hôn nhân Công giáo, đàng khác phải đồng hành và nâng đỡ họ, thay vì bày tỏ thái độ lên án và loại trừ.” Ý thức được vấn đề, người Ki-tô hữu cần thể hiện trách nhiệm của mình đối với các gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Muốn hoàn thành tốt sứ vụ, phải cầu nguyện nài xin sự bảo trợ đích thực của Thánh gia Na-da-rét như Tông huấn “Familiaris Consortio” (số 86) nhắn nhủ: “Gia đình Na-da-ret sẽ không quên cứu giúp các gia đình Ki-tô hữu và cứu giúp cả mọi gia đình trên thế giới, để họ trung thành với các bổn phận hằng ngày của họ, để họ biết cách chịu đựng những âu lo và xáo trộn trong cuộc sống, để họ quảng đại mở lòng ra trước những nhu cầu của người khác, để họ vui vẻ hoàn tất chương trình Thiên Chúa đã định cho họ.”.
Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con cũng biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Thánh Gia Thất).
JM. Lam Thy ĐVD.