Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sự vâng phục đức tin

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

SỰ VÂNG PHỤC ĐỨC TIN              

(THÁNH GIU-SE BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA)

 

Khi thánh Giu-se nghe lời sứ thần truyền tin, Ngài đã “làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1, 24). Điều Ngài đã làm là một “sự vâng phục đức tin” rõ rệt nhất, đúng như sự giải thích của Tông huấn Người Chăm Sóc Đấng Cứu Thế ‘Redemptoris Custos” (số 4): “Người ta có thể nói rằng điều Thánh Giu-se làm đã liên kết Người một cách đặc biệt với đức tin của Mẹ Maria. Người đã tin nhận như là chân lý đến từ Thiên Chúa chính điều mà Mẹ Maria đã đón nhận vào lúc truyền tin. Công đồng dạy rằng: “Vâng phục của đức tin là phải đáp trả lại Thiên Chúa khi Người mạc khải chính mình. Nhờ sự vâng phục của đức tin, con người tự do tận hiến cho Thiên Chúa, phó thác hoàn toàn trí khôn và ý chí cho Thiên Chúa, Đấng mạc khải, và “sẵn lòng tin nhận điều Thiên Chúa mạc khải cho mình”. Giáo huấn này nói lên chính yếu tính của đức tin, hoàn toàn có thể áp dụng cho Giu-se, người làng Na-da-rét.”

 

Hành động “vâng phục đức tin” của Thánh Giu-se chính là sự cộng tác vào công trình của Đấng Cứu Độ. Nói cách cụ thể, ngài chính là cộng tác viên đắc lực của Thiên Chúa. "Cộng tác" hay "hợp tác" đều cùng có nghĩa là: "cùng góp sức hoàn thành một công việc nhằm một mục đích chung, nhưng có thể không cùng chung một trách nhiệm". Nói đến cộng tác là nói đến sự tin tưởng lẫn nhau, và chỉ có tin mới sẵn sàng hợp tác làm ăn. Đó là đối với con người với sự bất toàn cố hữu, nhưng đối với Thiên Chúa thì sao? Tất nhiên ai cũng nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Người đã tạo dựng vũ trụ và con người, thì đâu còn sự gì Người không thể làm được ("Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được." – Mt 19, 23). Vậy mà Thánh Au-gus-ti-nô lại nói: "Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài." Mới thoạt nghe thì thấy có vẻ không ổn, nhưng suy nghĩ cho kỹ sẽ thấy lời dạy của Thánh nhân thật chí lý.

 

Thật thế, khi dựng nên loài người, Thiên Chúa đã ban cho sự tự do tuỵêt đối, và cũng vì được tự do như vậy, nên con người mới sa ngã và bị tội lỗi thống trị. Không muốn để loài người chìm ngập trong đau khổ, nên vì tình yêu, Thiên Chúa lại sai chính Con Một xuống thế, chịu chết trên thập giá để cứu độ nhân loại. Cứ nhìn thẳng vào Đức Giê-su Thiên Chúa sẽ thấy trong các phép lạ Chúa làm, Người đều cần sự cộng tác của con người: Ở tiệc cưới Cana, Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta đã “múc nước đổ đầy các chum” (Ga 2, 7); trong phép lạ về bánh, Người chỉ làm cho bánh hóa nhiều khi “có 5 chiếc bánh và 2 con cá” (Mc 6, 35-43); khi chữa mắt cho người mù, Người chỉ thoa bùn vào mắt anh, còn phần anh phải đi rửa ở hồ Si-lô-ê mới được sáng mắt (Ga 9, 1-7); rồi trong những lần chữa bệnh cho mọi người, Đức Ki-tô luôn nói: Đức tin của con đã chữa lành con”.

 

Vấn đề sẽ hoàn toàn sáng tỏ khi tự đặt câu hỏi: Những kẻ trực tiếp lên án, bắt trói, đánh đòn, đóng đinh Đức Giê-su Thiên Chúa... mà không biết ăn năn hối cải (tức là những kẻ dứt khoát không cộng tác với Thiên Chúa), thì liệu có được hưởng phần rỗi hay không? Câu trả lời tất nhiên là không. Chỉ có những kẻ tin vào Người, sẵn sàng nghe Lời Người – kể cả những kẻ "chối chúa phản thầy" biết ăn năn hối cải – tức là biết cộng tác với Người trong chương trình cứu độ, mới được hưởng phần rỗi mà thôi.

 

Trong Giao Ước Mới, khi thực hiện chương trình giải thoát loài người khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa đã mời gọi con người cộng tác với Người. Có rất nhiều cộng tác viên ở giai đoạn đầu, nhưng nổi bật hơn cả là 3 nhân vật trọng tâm: Đức Maria, Thánh Giu-se và Thánh Gio-an Tẩy Giả. Về Đức Maria và Thánh Gio-an Tẩy Giả thì các sách Tin Mừng đều có những trình thuật khá chi tiết, nhưng riêng với Thánh Giu-se thì quá sơ lược, sơ lược đến độ có thể nói ngài chỉ như một bóng mờ trong chương trình cứu độ nhân loại được thực hiện qua Đức Ki-tô. Vậy mà tại sao Giáo hội lại tôn phong ngài là bậc Thánh Cả (đứng đầu các thánh)? Vấn đề đặt ra chính ở điểm này.

 

Trước hết, phải nói Thánh Giu-se đã sống trọn hảo 3 lời khuyên Phúc Âm: Khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Có thể nói cuộc đời và sự nghiệp của Thánh Giu-se không có gì đặc sắc, cao trọng trước con mắt người đời. Tuy là dòng dõi vua Đa-vít, nhưng Thánh nhân chỉ là một bác thợ mộc bình thường nơi làng quê nghèo khó Na-da-rét, ngày ngày cặm cụi với nghề thợ mộc đơn sơ để kiếm miếng cơm manh áo nuôi thân và phụ giúp Mẹ Maria dưỡng nuôi Đấng Cứu Thế. Trong hoàn cảnh nghèo nàn như vậy mà phải đón nhận và dưỡng nuôi một ”Người vốn giàu sang phú quý” (2Cr 8, 9) là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, thì quả là không dễ dàng gì, nếu không có một nhân đức ”khó nghèo” thực sự trong tâm hồn. Thánh Giu-se đã triệt để sống tinh thần nghèo khó, bởi chính Đấng ”giàu sang phú quý” ấy cũng ”đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh  em trở nên giàu có” (2Cr 8, 9) và khi Đấng ấy trưởng thành đã có lần phải thốt lên: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Nghèo đến độ không có cả chỗ tựa đầu thì đủ hiểu Con Thiên Chúa giàu sang vinh hiển đã chấp nhận "mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế" để đem Nước Trời về cho "những ai có tinh thần nghèo khó” (Tám Mối Phúc) vậy.

 

Về đức khiết tịnh thì chỉ có nơi những người “không biết đến việc vợ chồng” vì “không có khả năng”, vì “bị hoạn” hoặc tự nguyện sống “vì Nước Trời” (đi tu) như lời dạy của Đức Ki-tô: “Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời.” (Mt 19, 12). Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay lại giới thiệu về Thánh Giu-se là người đã thành hôn với bà Maria ("Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: Bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se." – Mt 1, 18); vậy thì phải hiểu như thế nào? Luật hôn nhân của Do Thái xưa quy định trai gái trưởng thành thì phải đính hôn và kể từ khi đính hôn đã được coi là thành vợ chồng (vì thế mới dùng chữ “thành hôn” như câu trích trên), nhưng chưa sống chung, mà còn phải chờ ngày đằng trai chính thức đón đằng gái về (Việt Nam gọi là “rước dâu”) mới thực sự sống chung trong một gia đình. Thánh Giu-se và Đức Maria đã khấn nguyện sống khiết tịnh nhưng vẫn tuân giữ Lề Luật thành hôn với nhau và như thế các ngài đã không phải là tu sĩ nhưng vẫn sống khiết tịnh "vì Nước Trời" vậy. Và cũng vì thế nên khi biết được Đức Maria có thai, Thánh nhân “không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1, 19).

 

Cũng theo lẽ thường tình, gặp những trường hợp như vậy thì chắc chắn người chồng sẽ làm ầm ĩ, rồi tố giác ra làng xã để xử (chiếu theo luật Mô-sê có thể bị ném đá cho đến chết), ấy là chưa kể ở thời đại ngày nay, anh chồng còn “tự xử án vợ” bằng cách thượng cẳng chân hạ cẳng tay hoặc “xin tí huyết” nữa. Nhưng Thánh Giu-se đã không làm thế, vì Người “là người công chính” (Mt 1, 19), lẽ tất nhiên chỉ còn một cách âm thầm bỏ đi là thượng sách. Ngay ở giai đoạn gay go nhất ấy, thì Thiên Chúa đã can thiệp. Khi được thiên sứ truyền tin “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1, 20), Thánh Giu-se đã vâng phục một cách tuyệt đối, không một lời băn khoăn thắc mắc, than vãn âu lo, hoặc khéo léo chối từ. Và như thế, lại thêm một điểm son chói lọi: Thánh nhân đã có một đức tin cực kỳ vững chắc. Chỉ có tuyệt đối tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, thì trong hoàn cảnh éo le như vậy mới có thể vâng phục được.

 

Quả thực, Thánh Giu-se là một con người rất đơn sơ giản dị, khiêm nhường, ít nói, nhưng lại là một người rất yêu mến, tin tưởng và phó thác cả cuộc đời vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Sự đơn sơ giản dị được bày tỏ qua việc lắng nghe và thực thi Thánh ý của Thiên Chúa, cho dù Lời Người mời gọi Thánh nhân chỉ qua một giấc mơ. Ngài không thắc mắc, than vãn hoặc đưa ra ý kiến riêng, cũng chẳng chần chờ, mà mau mắn xin vâng và thực hiện theo thánh ý của Thiên Chúa. Tấm lòng đơn sơ, giản dị, khiêm cung của Thánh nhân thể hiện thật cụ thể trong suốt cuộc đời trần thế, thông qua việc ngài chu toàn bổn phận của người chồng, người cha trong gia đình nơi mái ấm Na-da-rét, chu toàn giới luật của tiền nhân, là một công dân gương mẫu đối với xã hội, sống chan hòa yêu thương với mọi người. Tin Mừng đã minh chứng điều đó qua việc ngài giữ đúng tập tục truyền thống (luật Mô-sê) và luật pháp xã hội (kê khai nhân khẩu) trước và sau ngày Hài Nhi Giê-su giáng thế, qua việc ngài cùng với mọi người trẩy hội đền thờ hằng năm.

 

Sự tận tụy, vâng phục tuyệt đối Thánh ý của Thiên Chúa, qua việc cùng với Mẹ Maria dưỡng nuôi Đấng Cứu Thế, để "Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta." (Lc 2, 52), chứng tỏ Thánh Giu-se là một tấm gương tuỵêt hảo về đức công chính, như lời nhận xét của người đương thời ("Ông Giu-se, chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo." – Mt 1, 19) và càng toả sáng đến muôn đời hậu thế. Không những thế, sự âm thầm cộng tác với dưỡng tử Giê-su Ki-tô trong hành trình thi hành sứ vụ Thiên Chúa Ngôi Cha trao phó, đã chứng minh Thánh Giu-se chu toàn sứ mệnh từ Ơn Gọi làm con cái Thiên Chúa thông qua việc tham dự vào 3 chức vụ “Tư tế – Ngôn sứ – Vương giả” của Đấng Cứu Độ trần gian. Hoá cho nên, người tín hữu không lạ khi thấy trong muôn vàn vị thánh – ngoại trừ Mẹ Maria được Thiên Chúa ân thưởng và tôn phong cách riêng trong vai trò làm Mẹ Thiên Chúa – Giáo hội đã chiêm ngưỡng và tôn phong Thánh Giu-se là Thánh Cả trên hết các thánh, đặt Ngài là Đấng bảo trợ Giáo hội, gia đình và mỗi con người, nhất là các bậc gia trưởng trong gia đình.

 

Người Ki-tô hữu ngày hôm nay không những học tập và thực hành triệt để tấm gương mẫu mực sống ba lời khuyên của Phúc Âm nơi Thánh Cả Giu-se, mà trên hết hãy cầu xin cho được ơn đức tin trọn hảo như Thánh Cả, để cùng với toàn thể Giáo hội cộng tác với Đức Giê-su Thiên Chúa trong chương trình cứu độ nhân loại. Ôi! Lạy Chúa, Chúa đã giao phó Ðức Giê-su cho thánh cả Giu-se và thánh nhân đã trung thành gìn giữ trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho Giáo Hội luôn luôn cộng tác với Ðức Giê-su để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở, muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Thánh Giu-se, Bạn Trăm Năm Đức Maria).

 

JM. Lam Thy ĐVD.