Tiên tri Giona, con cá và con đường phải đi
TIÊN TRI GIONA, CON CÁ VÀ….CON ĐƯỜNG PHẢI ĐI
ThuyLinh’2019
Có những việc không ai hiểu, những biến cố không thể giải thích và những chuyện xảy ra ngoài sự hiểu biết giới hạn ở con người. Những diễn biến này hầu cô đọng giải thích một điểm duy nhất: Có Chúa. Chính Chúa làm những việc lạ lùng ấy!
Những sự kiện gần nhất như sóng thần ở Indonesia năm 2004 và 2018, chết hơn 2000 người mỗi đợt, động đất ở Haiti 2010 theo báo chí thống kê khoảng 160,000 người mất mạng. Sóng thần ở Nhật năm 2017 theo thống kê mất khoảng 19,000 người và 2,500 người mất tích, và còn rất nhiều sự kiện khác đây đó xảy ra mỗi ngày. Những việc này không những nói lên rằng: Thân phận con ngừơi không nằm trong sự định đoạt của chính mình, mình có thể làm chủ được tiền của vật chất, nhưng điều quan trọng là con người không làm chủ được số phận mình. Nhưng nó còn nói lên một điểm quan trọng hơn: Sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự tàn phá của thiên tai, sự tiêu diệt của cả nhân loại lớn lao như thế thì Thiên Chúa, đấng làm cho các sự ấy xảy ra còn lớn mạnh đến chừng nào?
Đôi khi tôi ú ớ suy tư một mình: Chúa ơi, sao Chúa nỡ lòng nào để các sự ấy xảy ra? Chúa không còn thương yêu con ngừơi Chúa dựng nên nữa hay sao?
Rồi cũng trong thâm tâm tôi tìm lời giải thích, phải có, phải để những việc ấy xảy ra thì con người mới chấp nhận mình nhỏ bé trước mặt Chúa. Chúa không tạo sự dữ nhưng Chúa không can thịệp nếu sự dữ đang xảy ra nếu điều đó chưa phải là lúc Chúa muốn. Khi Chúa muốn, mọi việc sẽ theo tuần tự của nó. Chúa muốn dùng mạng sống ngừơi này cứu vớt người kia, và có khi dùng người nọ làm bài học cho ngừơi nào đó. Có khi dùng sự đau khổ chết chóc của một hai ngừơi mà mang sự cứu rỗi cho một dân tộc, một đất nước. Nếu dân Do Thái xưa không bị lưu đày Babilon, không ròng rã đi trong sa mạc, không bị giết hại con đầu lòng, thì họ sẽ không khao khát Chúa và sự cứu độ của Chúa không đến với dân ngoại là chúng ta hôm nay. Nói cách khác, nhờ bởi sự bất tuân của dân Do Thái, dân Chúa chọn làm dân riêng của Ngài sa ngã, phạm lỗi và thống hối, chúng ta mới được hưởng nhờ ơn Chúa ban và biết Chúa.
Nhưng, con đường nào là con đường ta phải đi?
- Con đường chông gai: Tiên tri Giona hiểu và biết ý định Chúa, ông được Chúa giao nhiệm vụ giảng lời Chúa cho dân thành Ninive, nhưng ông đã bất tuân đi tàu ngược hướng qua Tacsit để hầu khỏi phải thi hành việc Chúa giao phó. Ông trốn Chúa, không muốn làm việc Chúa muốn ông làm. (Chuyện trong Kinh Thánh chúng ta đã nghe).
- Sứ vụ con cá: Con cá dưới biển cũng là một trong những công cụ của Chúa giao phó. Nhưng nhiệm vụ của nó là nuốt tiên tri Giona vào bụng từ biển Tacsit bơi ba ngày ba đêm với sức con cá lớn và khạc nhổ tiên tri Giona ra trên bờ Ninive.
- Sứ vụ người làm chứng (người đi cùng tàu với tiên tri Giona): Những người này không biết Chúa là ai và cũng không biết tiên tri Giona là ai và ông cần phải làm gì. Con đường họ đi không giống như Giona. Họ có mục đích đến của họ. Nhưng điểm mốc cuộc đời của họ, họ đã nhận ra “Có Chúa” ngay lúc mang sống của họ bị đe doạ bởi thiên tai, chết chóc. Mạng sống của mọi người không còn nằm trong bàn tay con người, họ đã gián tiếp “giúp” Giona bằng cách ném tiên tri Giona xuống biển, và biển đã bình yên qua cơn sóng gió.
Có những con đường lạ kỳ, con đường đi cùng nhiều người và con đường chỉ đi một mình. Có con đường đi trên hoa lá êm chân và những con người gập ghềnh sỏi đá. Có con đường có hố sâu, rắn rít và có những con đường chim muôn hoa thơm. Có con đường bước bằng chân và có con đường bò bằng bụng. Có con đường leo dây và có con đường từng nấc thang. Có con đường khom lưng, chụm chân, tối om như đi trong hang động và có con đường giang rộng hai chân bước sải như leo núi đá. Có con đường phải đi cùng ai và có con đường không thể có ai đi cùng.
Đường đi nào cũng phải có nghệ thuật riêng của nó.
Và phải có động lực để con người bước đi.
Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn cho con đường mình đi, nhưng để đi hết con đường được giao phó đôi khi không phải là con đường ta chọn. Có rất nhiều lần chúng ta đã đi “đừơng người làm chứng”. Thấy có cái gì đó rung động, cảm nghiệm, nhưng rồi lại thôi. Sóng đã yên, biển đã lặng và người bạn đồng hành “Giona” chết hay sống dưới lòng biển chúng ta không cần quan tâm và không nhớ đến họ trong cuộc đời mình nửa. Cảm giác sợ hãi và cố nắm lấy Chúa chỉ lúc sóng gió …giờ là lúc bình yên chúng ta đã trở về cuộc sống hời hợt tiếp, và cứ thế.
Sự vụ con cá đôi khi không đơn giản. Có ai nghĩ rằng con cá cũng làm sứ vụ của người công chính, tác động và góp phần làm nên những việc cao cả khác? Điều này chỉ có Chúa, Chúa làm được. Một nhánh hoa, một con ong, con kiến, hay con cá cũng là dụng cụ của Chúa dùng, hà cớ gì đôi khi chúng ta tự trách thân trách phận mình vô dụng với cuộc đời, không hửu ích, không ý nghĩa. Chẳng phải chúng ta đang tự so mình không bằng con cá hay sao? Trong suy nghĩ này, con thấy có con, đôi khi con buồn tủi nhiều vì thấy mình thua kém, thừa thải không mang lại hữu ích gì cho ai. Học chậm hiểu it, đôi chỉ chẳng ai biết mình là ai với người bên cạnh. Chỉ âm thầm làm những gì khuất mắt bên sau, ngậm bồ hòn như con cá ngậm tiên tri Giona 3 ngày, mà không phải 3 ngày mới khạc nhổ ra mà ngập mãi cả đời
Sự vụ của Tiên Tri: “Chúa sai con trên cuộc đời sóng gió chông gai, qua muôn nẻo đừờng tay Chúa an bài”. Bài hát này con vẫn hát, nhưng nếu Chúa sai con đi loan báo tin mừng cho người bên cạnh, bằng cách nào đó, con cũng là Giona thứ 2 sẽ trốn chạy Chúa nếu con thấy con đường đó cực khổ và trở ngại. Tiên Tri Giona là hiện thân của biết bao con ngừơi hôm nay, có con. Hiểu khả năng Chúa cho, biết Chúa muốn đi đâu và làm gì, nhưng lo ngại và sợ hãi, sợ đủ thứ, và lúc nào cũng nghĩ mình “né” Chúa được. Nếu tiên tri Giona không bị con cá nuốt vào bụng ba ngày và khạc nhổ ra bên bờ biển Ninive, ông sẽ không nhận ra ơn Chúa, và hơn nữa thành Ninive không nhận ra ơn Chúa qua miệng Giona. Nếu ông bị ném xuống biển và chết, cuộc sống sẽ buồn tẻ biết bao, con cá không mang sứ vụ gì ích lợi, bạn đồng hành của ông trên tàu cũng không nhận ra ơn Chúa và thành Ninive không biết đi về đâu.
Những điểm trên cũng như nói đến sự hùng vĩ của thiên tai xảy ra, chúng ta cứ trầm trồ: Sao sóng thần lớn thế? sao động đất mạnh ghê quá? Vân vân…mà chúng ta quên nói đến: Sao Chúa của tôi hùng dũng, sức mạnh đến dường ấy mà tại sao phải gìn giữ tôi, con người nhỏ bé vô dụng trước mặt Chúa là tại sao? Và cứ sau mỗi biến cố nào đó, ít nhất sẽ có ba con đường Chúa chọn cho người Chúa yêu thương. Các sự kiện ấy sẽ được kết tụ hầu đem lợi ích cho ngừơi Chúa tuyển chọn, cho dù chúng ta có từ chối đi con đừơng nào đi nữa, nếu Chúa muốn, dĩ nhiên sẽ có những hoàn cảnh khác tiếp nối nhau, dẫn dắt hay quay ngược hướng để “khạc ngược” chúng ta trở lại chỗ chúng ta cần phải đi. Sóng gió, chết chóc, tù đày hay thả xuống biển. Mắt con người chỉ biết đến như thế là hết. Với đức Tin, uy quyền của Chúa còn tác động không ngừng mà con người không hề hay biết. Con đường ấy là con ngừơi một mình, con đường của đức Tin như Giona 3 ngày 3 đêm trong bụng cá và sứ vụ rao giảng ở Ninive sau đó. Chỉ có mỗi mình ông cảm nghiệm. Còn những người của thành Ninive hay bạn đồng hành của ông, họ đi con đường nhiều người và sự cảm nghiệm sẽ không giống nhau. Sự cảm nghiệm sẽ không ai giống ai như Chúa chọn cho mỗi người theo mỗi bước đường đi riêng của họ.
Lạy Chúa, xin cho con biết chọn con đường Chúa dành riêng cho con mỗi ngày. Đặc biệt là trong mùa chay này. Con đường chắc hẳn con chẳng muốn đi. Nhưng chính là con đường hạnh phúc.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: