Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Con đường hoán cải đích thực

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

CON ĐƯỜNG HOÁN CẢI ĐÍCH THỰC (CN III MC-C)

 

Trong sứ điệp Mùa Chay 2019, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô viết: “Trong Mùa Chay của mình, một lần nữa chúng ta lại muốn cùng đi trên một con đường, để mang đến cho thế giới niềm hy vọng của Chúa Ki-tô rằng, “nó sẽ được giải thoát , không còn phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, nhưng được cùng với con cái Thiên Chúa, chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8, 21). Chúng ta đừng để cho thời gian thuận tiện này trôi đi cách vô ích! Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa giúp sức để chúng ta biết chọn đi theo con đường hoán cải đích thực.” (Sứ điệp Mùa Chay 2019).

 

“Hoán cải” là thay đổi theo chiều hướng tốt. Hành động hoán cải nói lên một sự thay đổi đời sống: Bỏ một cung cách sống quen thuộc để nhận một cung cách sống mới tốt hơn; bỏ việc phục vụ mình một cách ích kỷ để phục vụ Thiên Chúa và phục vụ cộng đồng. Cuối cùng là bất cứ quyết định hoán cải hay đổi mới nào, dù làm theo cách nào, đều đưa con người tới gần hoặc kết hợp với sự sống của Thiên Chúa. Ý nghĩa cuối cùng của hoán cải hoàn toàn thuộc phạm vi tôn giáo; nó có nghĩa là thay đổi hướng đi, thay đổi con đường, bỏ đường tà trở lại đường chính, triệt để quay về với Thiên Chúa của Giao Ước Tình Yêu, và dấn bước vào một cuộc sống mới. Cựu Ước coi hoán cải không chỉ là thay đổi tâm trí, mà là cả con người; không chỉ trong ý nghĩ mà cả trong hành động. Bước sang Tân Ước (Mc 1, 14-15; Mt 4, 12-17; Lc 4, 14-15), hoán cải có 2 nghĩa: sám hối và canh tân (ăn năn hối hận, đổi mới, tin vào Tin Mừng) .

 

Ngoài chiều hướng luân lý (bỏ điều dữ làm điều lành), đặc biệt hoán cải còn có chiều hướng thần học. Chính chiều hướng thần học làm nền tảng cho chiều hướng luân lý. Một cách cơ bản, hoán cải không chỉ đơn thuần là sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót của mình; mà còn phải biết nhìn lại mình để hiểu cho đúng mình là ai trước mặt Thiên Chúa, để có thể quy hướng về Người. Trên thực tế, con người luôn có khuynh hướng đánh giá mình quá cao nên không thể công chính trước mặt Thiên Chúa và đối với anh chị em. Vậy khi Ðức Giê-su, tiếp theo sau Thánh Gio-an Tẩy Giả, kêu gọi hoán cải, Người muốn chúng ta làm gì? Dựa vào những ý nghĩa trên đây, thấy quả thực hoán cải có hai khía cạnh: Một đàng hướng về quá khứ để hối hận đau buồn vì những lầm lỗi đã phạm (sám hối), một đàng hướng về Thiên Chúa nơi Ðức Ki-tô là Ðấng đã đến, đang đến và sẽ đến để đổi mới bản thân (canh tân).

 

Câu chuyện “mấy người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết cách tàn nhẫn được một số người kể lại với Đức Ki-tô” (Bài Tin Mừng CN III/MC năm C: Lc 13, 1-9) đặt ra một vấn nạn: Tại sao họ lại kể câu chuyện đó và họ kể với mục đích gì? Chắc chắn cũng lại là một cách “thử” để xem phản ứng của Đức Giê-su. Họ cho rằng mấy người ấy chết như vậy là đáng, vì tội chống lại chính quyền bảo hộ Rô-ma nên mới bị Tổng trấn Phi-la-tô giết. Cũng giống như câu chuyện ném đá “người đàn bà ngoại tình” (Ga 8, 1-11). Nếu Đức Giê-su không đồng ý ném đá thì vi phạm Lề Luật (luật Mô-sê cho phép ném đá cho đến chết những người đàn bà ngoại tình). Đồng ý ném đá thì lại đi ngược với luật của đế chế Rô-ma đang cai trị Do Thái (mà người đại biểu là Tổng trấn Phi-la-tô). Đồng ý hay không đồng ý, đằng nào cũng kẹt; và nếu gặp phải tay mơ thì sập bẫy là cái chắc. Nhưng Đức Ki-tô thì khác xa, chỉ với một câu nói ngắn gọn (“Ai trong các người sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”), Người đã lấy “gậy ông đập lưng ông” khiến đám kinh sư Pha-ri-sêu “tiu nghỉu như mèo bị cắt tai” âm thầm lủi mất tăm. Chính điều này cho thấy Đức Giê-su muốn dạy một bài học “đã là con người thì ai cũng có tội, không nhiều thì ít, chẳng nặng cũng nhẹ”, và vì thế, Người mới nói với người đàn bà ngoại tình: “Chị hãy về đi, và đừng phạm tội nữa” (ngụ ý: Tôi cứu chị vì lòng thương xót, chớ không phải vì chị không có tội).

 

Tương tự như vậy, câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su đã thẳng thắn trả lời đám người Do Thái (“Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu.” – Lc 13, 2-3) với ngụ ý: Mấy người đó không phải chết vì tội lỗi hơn mọi người khác (nghĩa là cũng có tội), rồi Người nhấn mạnh: “nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13, 5). Người còn dẫn chứng thêm: “Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy." Rõ ràng là con người thì ai cũng có tội, chẳng ai là hoàn toàn tinh tuyền thánh thiện. Duy có một điều là con người có nhận ra được tội lỗi của mình và có biết ăn năn hối cải hay không, mà thôi.

 

Chính vì thế, nên sau khi phán dạy: “nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”, Đức Giê-su dùng một dụ ngôn cụ thể (“Cây vả không ra trái”) để dạy về việc sám hối. Vả là thứ cây rất dễ ra trái dù không được tưới bón đều đặn, vậy mà cây vả này được trồng trong vườn và được chăm bón cẩn thận, vẫn lì lợm không thèm ra trái, khiến ông chủ vườn phải phàn nàn và quyết định: “Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái mà không thấy! Hãy chặt nó đi, để làm gì cho hại đất!” Người làm vườn đã can thiệp, xin ông chủ để cho cây vả sống thêm một năm nữa, để anh ta cố gắng chăm bón cho nó, hy vọng nó sẽ sinh trái vào năm tới. Dụ ngôn đem cây vả ví với người tội lỗi: Cây vả được chăm bón cẩn thận mà không sinh trái, nào có khác gì con người được sống trong tình yêu thương chan chứa của Ông Chủ Trời mà vẫn “không nghe Lời Người”. Rõ ràng ông chủ vườn là Thiên Chúa Cha và người làm vườn đích thị là Người Con. Ấy cũng bởi vì Người Con “không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5, 32).

 

Quả thực là “Tôi cứu chị vì lòng thương xót chớ không phải vì chị không có tội. Vậy chị hãy về đi và đừng phạm tội nữa.” Đừng phạm tội nữa tức là phải biết sám hối và hoán cải, và nếu không biết sám hối và canh tân thì: Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 10; Lc 3, 9). Vấn đề đã rõ ràng: Hãy nhìn lại mình và sẵn sàng bước vào Mùa-Chay-Cuộc-Đời để ăn năn hối cải về những sai phạm mình đã vướng mắc. Đừng ảo tưởng mình hoàn toàn trong sạch, không tì vết và có thể đứng vững trước ba thù, bởi “ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10, 12). Tuy nhiên cũng đừng lo sợ thái quá để rồi rút cổ gục đầu trước những thử thách, vì “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.” (1Cr 10, 13). Tắt một lời, hãy sẵn sàng thực hành Lời Chúa: “Anh  em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4, 17).

 

Tóm lại, “Chúng ta đừng để cho thời gian thuận tiện này trôi đi cách vô ích! Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa giúp sức để chúng ta biết chọn đi theo con đường hoán cải đích thực. Chúng ta hãy để sự ích kỷ, để cái nhìn bị gắn chặt vào bản thân mình, lại đàng sau chúng ta, và hãy hướng về Đại Lễ Phục Sinh của Chúa Giê-su; những người anh chị em của chúng ta đang gặp cảnh khốn cùng nên trở thành những người thân cận của chúng ta, tức những người mà chúng ta chia sẻ với họ những kho tàng tinh thần và vật chất của mình. Và như thế, khi chúng ta đón nhận cuộc chiến thắng của Chúa Ki-tô trên tội lỗi và sự chết vào trong cuộc sống cụ thể của chúng ta, chúng ta cũng sẽ kéo được sức mạnh có sức biến đổi của Ngài xuống trên thế giới thụ tạo.” (Sứ điệp Mùa Chay 2019, Kết luận). Ước được như vậy.

 

Ôi! Lạy Chúa! Con biết rõ con là kẻ có tội, nhưng chẳng bao giờ con nhìn rõ được tội trạng của con. Chỉ có Chúa thấu suốt mọi sự và luôn sẵn sàng muốn hoà giải với con. Vâng “chính nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài”, con sẽ được hoà giải với Ngài, tự hoà giải chính mình và hoà giải với anh em của con. Cúi xin Chúa thương ban cho con “ơn nước mắt”, “ơn hoà giải”, để con biết “nhìn lại mình” mà sẵn sàng thống hối về tội lỗi con đã xúc phạm đến Chúa, đến anh em của con; đồng thời đổi mới con người của mình để xứng đáng là con cái của Chúa Cha và là bạn hữu (Ki-tô hữu) đích thực của Đức Giê su Ki-tô, Chúa chúng con. Ôi! “Lạy Chúa đoái thương nghe tiếng con phàn nàn. Con dốc lòng ăn năn, con sấp mình con xin hết lòng kêu van, xin Chúa thứ tha bao sai lầm tội lỗi. Con quyết lòng tự hối theo đường Chúa đi mà thôi….” (Tâm Bảo – “Giọt lệ thống hối” – TCCĐ).

 

JM Lam Thy ĐVD.