Hãy để sự ích kỷ lại đằng sau
HÃY ĐỂ SỰ ÍCH KỶ LẠI ĐẰNG SAU
(CN IV MC-C)
Đoạn văn mở đầu bài Tin Mừng hôm nay (CN IV/MC-C – Lc 15, 1-3.11-32) có nêu nhận định của đám người Pha-ri-sêu và các kinh sư về Đức Giê-su Ki-tô: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Biết quá rõ về đám người này chỉ chuyên đi “nhìn người” để săm soi, xét nét, rồi kết án nọ kia, nên Đức Giê-su liền kể cho nghe 3 dụ ngôn liền: “Con chiên bị mất”, “Đồng bạc bị đánh mất”, “Người cha nhân hậu”. Thông qua 3 dụ ngôn, Đức Ki-tô nhấn mạnh đến hiệu quả của việc sám hối. Ở 2 dụ ngôn trước, Người kết luận: “Tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”.
Đến dụ ngôn thứ 3 (“Người cha nhân hậu” – Lc 15, 11-32) thì Người diễn tả một cách rõ ràng về hành động ăn năn sám hối của người con hoang đàng: “Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chay ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa.” (Lc 15, 20-21). Và chính nhờ vậy mà anh được người cha vui mừng đón tiếp rất nồng hậu ("Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay đã sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.” – Lc 15 22-24”).
Một đứa con hoang đàng tội lỗi biết ăn năn hối cải trở về với gia đình hoặc một con chiên lạc mất mà tìm lại được, mở tịêc mời bà con lối xóm đến chung vui thì còn có thể hiểu được; nhưng đến như mất một đồng quan tiền mà tìm lại được cũng mời hàng xóm tới chung vui thì… kỳ quá! Thực tế có thể không có chuyện đó, nhưng đây là một dụ ngôn nên những hành động biểu hiện bên ngoài chỉ là một cách diễn tả ngụ ý bên trong. Và ẩn ý trong cả ba dụ ngôn đó chính là: “giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15, 10). Con chiên hay đồng bạc chỉ là một hình ảnh ẩn dụ về một người lầm lạc, sa vòng tội lỗi (như người con hoang đàng). Và mục đích chính của dụ ngôn nhắm tới chính là biểu hiện tấm lòng bao dung độ lượng đầy tính nhân đạo của chủ nhân đồng tiền, người chủ của đàn chiên hay người cha nhân hậu của đứa con hoang đàng.
Nói đến tội lỗi là nói đến bản chất con người. Là con người thì không ai là không có những thiếu sót, lỗi lầm, “nhân vô thập toàn” là điều hiển nhiên. Vấn đề đặt ra là bản thân có nhìn ra được những sai lầm tội lỗi hay không, và khi đã nhận ra những thiếu sót lầm lỗi, thì có biết ăn năn hối cải hay không. Nho giáo ngày xưa có đề ra một phương cách để nhìn lại bản thân, tự kiểm điểm. Đó là “diện bích” (đối diện với bức vách – nhìn vách), một phương cách rất hay, cũng giống như nhìn vào gương để thấy rõ được diện mạo của minh, thì nhìn vào tấm vách trống trơn sẽ thấy rõ được chân tướng của mình.
Khi “nhìn lại mình” như vậy, sẽ xảy ra 2 trường hợp: hoặc chủ quan hoặc khách quan. Nếu quá chủ quan sẽ rơi vào 2 thái độ: có người chỉ thấy toàn những tội lỗi khuyết tật, và cũng có người chỉ thấy toàn những điều tốt đẹp mà mình có được; và đó chính là 2 thái độ cực đoan: một bên là mặc cảm tự ti quá mức và một bên là tự kiêu ngạo mạn cũng… quá đà! Tuy nhiên, không tính đến 2 thái độ cực đoan ấy, thì nói chung, khi “nhìn lại mình” con người thấy rõ được sự thật, được chân tướng của mình. Sự thật ấy có thể bị che phủ bởi những yếu tố chủ quan như tự ái, tự kiêu, tự mãn, định kiến, mặc cảm; hoặc những yếu tố khách quan như dư luận, hoàn cảnh, môi trường sống.
Ôi chao! Chỉ là nhìn lại mình mà cũng có lúc thế này, lúc thế khác; có lúc đưa cái tôi lên tận mây xanh, thì cũng có lúc nhấn cái tôi xuống tận bùn đen. Vì thế, thái độ cần có khi nhìn lại mình là phải chân thành, khiêm tốn và can đảm mới có thể nhận ra sự thật về chính mình. Và khi đã nhận ra sự thật về mình, thì lại cũng rất cần phải chân thành, khiêm tốn và can đảm bày tỏ sự ăn năn hối tiếc về những sai lầm, tội lỗi đã vấp phạm. Hãy nhìn vào tấm gương hai người con trong dụ ngôn thú ba (Lc 15, 11-32) để rút ra bài học cho bản thân. Không học đòi thói ăn chơi phung phí, để “nước đến chân mới nhảy” như người con thứ hai; cũng không nên như người anh cả đố kỵ, ghen tương, rồi khép chặt cửa lòng khi gặp người anh em cùng khốn.
Xét đến cùng, cuộc sống của con người tuyệt nhiên không phải hoàn toàn do những sự việc phát sinh của cuộc sống quyết định; mà là do thái độ cùng với tâm tình và cung cách nhìn sự việc (quan điểm) của chính con người quyết định. Vâng, chỉ có nhìn lại mình, sẵn sàng “xé lòng” ra mà sám hối, ăn năn về những sai lầm, những vấp phạm của minh, đồng thời mở rộng trái tim ra với Thiên Chúa và với anh em (mến Chúa yêu người); nhiên hậu mới có thể trở về cùng Thiên Chúa và được Người mở rộng vòng tay ân tình ra đón nhận. Nói cách khác, khi người tín hữu “xé lòng” ra mà ăn năn sám hối thì cũng ví như bản thân đã chết đi vì tội lỗi, để được sống lại trong vinh quang Phục Sinh của Đức Ki-tô (“Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô thì chúng ta cũng sẽ được cùng sống lại với Người” – Rm 6, 8; “Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?” – Rm 11, 15).
Sám hối để trở về cùng Người Cha Nhân Lành cũng tức là thể hiện tinh thần hoà giải với Thiên Chúa và với anh em. Muốn đạt được hiệu quả tốt thì phải biết đổi mới tận gốc rễ con người của minh, mà muốn đổi mới thì phải biết nhìn lại mình để thấy được những sai lầm tội lỗi và quyết tâm thống hối. Cũng bởi vì “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6), nên chỉ còn một cách là hãy biến tất cả những ước muốn hoà giải, những tâm tình sám hối thành hành động cụ thể để thông qua Đức Ki-tô – nhờ Người, với Người và trong Người – mà trở về cùng Cha trên trời. Và cũng chỉ có duy nhất một con đường là hãy đến với Đức Ki-tô, gặp gỡ Người, sẽ được Người trang bị cho đầy đủ hành trang để trở về cùng Chúa Cha nhân lành, hằng hữu.
Tóm lại, thông qua dụ ngôn, người Ki-tô hữu cần phải biết nhìn lại mình mà hoán cải (sám hối) để hòa giải với Thiên Chúa và với anh em, như mong ước của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong sứ điệp Mùa Chay 2019: “Chúng ta hãy để sự ích kỷ, để cái nhìn bị gắn chặt vào bản thân mình, lại đàng sau chúng ta, và hãy hướng về Đại Lễ Phục Sinh của Chúa Giê-su; những người anh chị em của chúng ta đang gặp cảnh khốn cùng nên trở thành những người thân cận của chúng ta, tức những người mà chúng ta chia sẻ với họ những kho tàng tinh thần và vật chất của mình. Và như thế, khi chúng ta đón nhận cuộc chiến thắng của Chúa Ki-tô trên tội lỗi và sự chết vào trong cuộc sống cụ thể của chúng ta, chúng ta cũng sẽ kéo được sức mạnh có sức biến đổi của Ngài xuống trên thế giới thụ tạo.” Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: