Các bước lộ trình đồng hành
CÁC BƯỚC CỦA LỘ TRÌNH ĐỒNG HÀNH
Hội đồng Giám Mục Việt Nam ấn định chủ đề Mục vụ tháng 4/2019 là: CÁC BƯỚC CỦA LỘ TRÌNH ĐỒNG HÀNH. Suy niệm cuộc đồng hành của 2 môn đệ trên đường Em-mau (Lc 24, 13-35; Mc 16, 12-13) có thể hiểu đồng hành là việc gặp gỡ đối thoại thân thiện giữa hai người trong mối tương quan ngôi vị, để cùng giúp nhau đạt tới ước nguyện làm con cái Thiên Chúa, sự hoàn thiện đức tin Ki-tô giáo. Như vậy cuộc đồng hành ấy phát triển tiệm tiến theo thời gian thông qua việc “lắng nghe, phân định, và đặc biệt là cùng nhau cầu nguyện rồi thực hành trong đời sống”. Đó là 3 bước căn bản của lộ trình đồng hành:
I. LẮNG NGHE:
Bình thường con người ta ở đời khi gặp những điều sung sướng, hạnh phúc, thì hay cởi mở nỗi lòng, thậm chí khoe khoang về những gì mình có được. Tuy nhiên, khi gặp phải những trở ngại bất thường hoặc hoàn cảnh khó khăn, thường sống khép kin, che giấu. Vì thế, vị đồng hành cần tìm hiểu và lắng nghe người thụ hưởng đang cùng đồng hành với mình trên lộ trình trần thế. Lắng nghe ở đây bao hàm sự hiểu biết, đón nhận và giúp người thụ hướng khám phá ra con người thật của họ, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong họ, và kế hoạch của Người dành cho họ.
1- Nội dung lắng nghe: Bước đầu phải giúp người thụ hướng khám phá ra đâu là khát vọng sâu xa của họ, xuyên qua những biểu hiện mà vị đồng hành có thể thấy được. Nhờ việc lắng nghe, cùng với sự chân thành bộc lộ của người thụ hướng, vị đồng hành có thể giúp cho đương sự nhận ra con người thật của họ, khát vọng thâm sâu của họ thông qua những biến cố và tình trạng thật của cuộc sống: có thể đó là những kinh nghiệm đổ vỡ, thất bại, tội lỗi, khủng hoảng, những xu hướng của bản thân, những cơn cám dỗ thường xuyên phải đối mặt, kinh nghiệm chiến đấu thiêng liêng, kinh nghiệm cầu nguyện, kinh nghiệm gặp gỡ Chúa.
2- Nghệ thuật lắng nghe: Lắng nghe đích thực là một trong những kỹ năng giao tiếp. Biết chú trọng lắng nghe một cách tích cực là một thái độ đồng cảm, không xét đoán, không phản đối và không tìm cách giải quyết vấn đề ngay lập tức. Lắng nghe là phải tiến hành cách tiệm tiến theo thời gian. Chính thái độ này tạo cho người thụ hưởng cảm giác mình được tôn trọng, được đón nhận, được an toàn; từ đó họ có thể dễ dàng bộc lộ tâm trạng mình, can đảm nhìn thẳng vào những gì sâu thẳm nhất, những khuynh hướng tốt cũng như xấu, những thành công và thất bại.
Lắng nghe nhưng không quyết định dùm người khác. Thiên Chúa mời gọi người đồng hành thiêng liêng vào mối dây liên hệ này, không phải để ước đoán điều người thụ hướng cần, nhưng đúng hơn là lắng nghe Thiên Chúa cho biết nhu cầu thực của họ. Thái độ cởi mở và khiêm tốn của người đồng hành thiêng liêng còn bộc lộ một điều rất căn bản: Thiên Chúa luôn hiện diện và hướng dẫn từng con cái của Người. Nói cách khác, nếu cần phải có những quyết định thì phải tôn trong chủ quyền của người thụ hưởng, họ sẽ quyết định theo lập trường của họ.
3- Chiều kích của việc lắng nghe: Xét theo khía cạnh tâm lý, có những yếu tố không thể thiếu trong quá trình lắng nghe: Đó là việc “biết mình biết người – tri kỷ tri bỉ” (biết mình biết người, trăm trận trăm thắng – “tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng” – Tôn Tử Binh pháp); trân trọng và đón nhận sự khác biệt của người khác, và phải có khả năng lắng nghe lẫn nhau. Nhờ lắng nghe, người đồng hành mới có thể xoay cái nhìn ra khỏi cái ”tôi” của mình, để khám phá và nhận thấy Thiên Chúa nơi khuôn mặt của người thụ hưởng. Nên lưu ý một nguyên tắc rất căn bản trong việc đồng hành là phải khởi đi từ hoàn cảnh sống, từ kinh nghiệm cụ thể và riêng tư của người thụ hưởng đối với Thiên Chúa. Không thể bắt người khác bước đi trong đôi giày quá lớn hoặc quá nhỏ của mình; mà ngược lại, phải giúp họ bước đi bằng chính đôi giày của họ, và người đồng hành cũng phải bước đi bên họ bằng đôi giày của họ nữa.
Việc thoát ra khỏi bản thân mình như thế không phải là việc làm dễ dàng, mà nó đòi hỏi phải biết quên mình, phải biết “trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 9, 16-19.22-23), biết “hiến mình vì anh em” (1Cr 11, 17-34). Đó là những khía cạnh tâm lý của việc lắng nghe. Còn một chiều kích khác vượt trên cả khía cạnh tâm lý nữa, đó là chiều kích thiêng liêng. Trong việc đồng hành thiêng liêng, hai người lắng nghe nhau thôi chưa đủ, cả người đồng hành và người thụ hưởng còn phải cùng lắng nghe Lời Chúa nữa. Việc lắng nghe này là một thái độ quy phục đức tin trong tình yêu và hy vọng. Tin rằng Thiên Chúa đang dẫn mình đi trên một nẻo đường riêng biệt, bởi vì Người là Cha nhân lành, người tín hữu đặt tất cả niềm hy vọng vào Thiên Chúa và lấy tình yêu của mình mà đáp trả tình thương xót của Người.
Nói cách cụ thể, lắng nghe người khác trong việc đồng hành thiêng liêng là cùng với họ đi vào hành trình đức tin, phía trước vẫn là chân trời vô định mời gọi con người khám phá, và việc lắng nghe là sự quy phục vô điều kiện đối với Thiên Chúa, là hiến dâng những gì thâm sâu nhất của mình cho Đấng Toàn Năng. Đó chính là hành vi tin tưởng một cách tuyệt đối không do dự. Lắng nghe trong đức tin với niềm hy vọng lắng nghe bằng lòng mến. Chính việc lắng nghe, việc “ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15, 9) này mà người thụ hướng có thể trổ sinh hoa trái là tìm ra được con đường Thiên Chúa dành riêng cho mình, con đường độc đáo, cá vị, ngang qua kinh nghiệm hay sự hướng dẫn của vị đồng hành. Đồng thời, cũng nhờ việc lắng nghe này mà những cảm nghĩ, lo lắng… của người thụ hưởng sẽ được bày tỏ qua việc chia sẻ với người đồng hành.
II. PHÂN ĐỊNH:
Bước thứ hai trong lộ trình đồng hành là tìm hiểu xem đương sự ở vào trường hợp nào trong các hoàn cảnh khó khăn. Đó là việc phân định:
1- Khái niệm về phân định: “Phân định” là: phân chia và xác định một cách rõ ràng, cụ thể (vd: đường biên giới được phân định rõ ràng). Còn hành vi của “phân định” là: nhận thấy bằng mắt hoặc bằng một giác quan nào khác, nhận thức bằng trí tuệ; nhờ đó, nhận ra sự khác biệt, tách biệt nhau của các sự kiện. Như vậy, có thể hiểu việc phân định thường bao gồm hành vi nhận thức và hành vi phân biệt hoặc phán đoán. Cũng vậy, trong việc phân định thiêng liêng, cả việc nhận thức và phán đoán đều quan trọng. Về mặt lý thuyết, có thể phân làm hai loại : phân định cá nhân và phân định cộng đoàn. Nhưng dù là loại phân định nào, mục tiêu cuối cùng cũng là đạt tới một tình yêu sáng suốt, dẫn tới sự tự do đích thực.
2- Tại sao phải phân định?: Để trả lời cho câu hỏi này, xin khởi đi từ một góc cạnh khác theo Kinh Thánh: Thế nào là sự thánh thiện? Ngoài những giải đáp mang tính thần học tu đức, không thể bỏ qua yếu tố Kinh Thánh quan trọng này: thánh thiện là thoát ra khỏi tình trạng hỗn mang, là biết phân biệt thiện với ác, tốt với xấu…; tắt một lời, đó là phải biết phân định. Như vậy, nhờ phân định mới hiểu được ý nghĩa sâu xa các hành động của Thiên Chúa trong việc sáng tạo: lúc khởi đầu thế giới còn là một mớ hỗn mang, Thiên Chúa liền phân biệt ánh sáng và bóng tối, nước và đất liền…, và sự phân biệt cuối cùng hết sức quan trọng: phân biệt thụ tạo và Đấng Tạo Hoá (xc. Sáng Thế ký chương 1 và 2). Người tín hữu muốn hiểu rõ bậc sống của mình, đồng thời kiên trì trong lộ trình tiến về Quê Trời vĩnh cửu, tất nhiên phải hiểu rõ và thực hành cụ thể việc phân định.
3- Tiêu chuẩn để phân định: Để có được sự phân định chính xác, chủ thể phân định cần có những tiêu chuẩn là những phẩm tính cụ thể:
a- Phẩm tính thứ nhất là người phân định phải có ý muốn làm theo thánh ý Thiên Chúa. Điều này cho thấy người phân định phải có một đức tin sống động, khát khao tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống.
b- Phẩm tính thứ hai là phải khiêm tốn, biết hạ mình để tiếp nhận ý Chúa qua những người Chúa sai đến giúp mình. Đồng thời phải có lòng bác ái đối với cá nhân hoặc cộng đoàn đồng hành với mình, không lên án hoặc bắt ép người khác làm theo ý mình; mà phải biết tôn trọng các ý kiến của họ.
c- Phẩm tính thứ ba là sự can đảm. Sau khi cầu nguyện và cởi mở tâm hồn để được hướng dẫn, người phân định phải can đảm lựa chọn và hành động khi cảm thấy chắc chắn rằng mình nên hành động thế này, lúc này và tại đây, và tin rằng hành động như thế là điều duy nhất chính đáng.
III. CẦU NGUYỆN VÀ THỰC HÀNH:
Khi 2 môn đệ trên đường Em-mau được hội kiến Đức Giê-su Phục Sinh, hai ông trở về Giê-ru-sa-lem cầu nguyện với các môn đệ. Sau đó, Đức Giê-su lại hiện ra và trao phó sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các ông. Như vậy, vị đồng hành thiêng liêng cần phải xác tín rằng mình chỉ là khí cụ trong tay Thiên Chúa, chính Người mới là vị đồng hành đích thực. Xác tín này sẽ giúp vị đồng hành không bao giờ cậy dựa vào sức riêng, vào tài khéo của mình khi lắng nghe người thụ hướng; nhưng phải biết lắng nghe Thánh Thần nói với mình; và xác tín rằng chính Thánh Thần cũng nói với người thụ hưởng nữa. Công việc đồng hành chỉ thực sự có kết quả tốt đẹp khi người đồng hành (kể cả người thụ hưởng) biết cậy dựa vào Thần Khi của Thiên Chúa, đó là Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, đó chính là biết cầu nguyện cùng Đức Thánh Linh và thực hành cụ thể trong đời sống.
Nói về cầu nguyện, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (số 2557-2647) giải thích: Cầu nguyện là hồng ân của Thiên Chúa. Cầu nguyện là giao ước: Khi cầu nguyện, người Ki-tô hữu sống tương quan giao ước với Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Cầu nguyện là hiệp thông: Trong Giao Ước Mới, khi cầu nguyện, người tín hữu sống tương quan sinh động của con cái Thiên Chúa với Người Cha nhân lành vô cùng của mình, với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô và với Chúa Thánh Thần. Sống đời cầu nguyện là luôn hiện diện trước tôn nhan Thiên Chúa Chí Thánh và hiệp thông với Người. Sự hiệp thông đời sống này lúc nào cũng có thể thực hiện được, vì chính nhờ bí tích Thánh Tẩy chúng ta đã được nên một với Đức Ki-tô (x. Rm 6, 5). Lời cầu nguyện mang đặc tính Ki-tô giáo khi được hiệp thông với lời nguyện của Chúa Ki-tô và được triển khai trong Hội Thánh là Thân Thể Người. Cầu nguyện có cùng kích thước như tình yêu Chúa Ki-tô (Ep 3, 18-21).
Như thế, cầu nguyện được gắn liền với lịch sử loài người, và là tương quan giữa con người với Thiên Chúa trong các biến cố lịch sử. Truyền thống linh đạo của Hội Thánh xem biểu tượng của cầu nguyện như một cuộc chiến đức tin và chiến thắng dành cho người kiên trì cầu nguyện (x. St 32, 25-31; Lc 18, 1-8). Thiên Chúa không ngừng kêu gọi mỗi người đến gặp Người cách huyền nhiệm trong cầu nguyện. Suốt dòng lịch sử cứu độ, cầu nguyện là Lời Thiên Chúa và con người mời gọi nhau. Chúa Thánh Thần là Đấng dạy dỗ và nhắc lại cho Hội Thánh tất cả những gì Đức Giê-su đã nói, chính Người dạy Hội Thánh cầu nguyện bằng cách khơi lên những cách diễn tả mới cho các hình thức kinh nguyện quen thuộc: chúc tụng, khẩn cầu, chuyển cầu, tạ ơn và ca ngợi. Chuyển cầu là cầu xin cho người khác. Lời cầu nguyện của Ki-tô hữu không có biên giới: cầu nguyện cho bản thân, cho mọi người, kể cả kẻ thù.
- hi cầu nguyện, người tín hữu không những chỉ xin ơn, mà đến cùng Thiên Chúa như con thảo để tỏ lòng biết ơn Cha Nhân Lành vì muôn hồng ân Người đã ban; đồng thời vui hưởng tình yêu của Chúa Ba Ngôi dành cho bản thân và cùng với Đức Mẹ, các Thánh cũng như các tín hữu khác chia sẻ tình yêu ấy. Thực ra xin ơn không cần thiết bằng đạt được sự hiệp thông này, vì một khi sống hiệp thông như thế, cộng đồng tín hữu sẽ được tất cả những gì tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa hứa ban.
Chúa Giê-su, Ðấng Trung Gian duy nhất, là con đường người tín hữu phải theo khi cầu nguyện. Ðức Maria là Mẹ Người và Mẹ các tín hữu. Mẹ là “người chỉ đường” và là “dấu chỉ” về Chúa Giê-su. Giáo hội đã khai triển việc cầu nguyện với Mẹ Thiên Chúa bằng cách tập trung suy niệm các mầu nhiệm cuộc đời Đức Ki-tô, vì Mẹ đã cộng tác đặc biệt vào các hoạt động của Chúa Thánh Thần. Lắng nghe tiếng Chúa gọi, phân định sứ mạng riêng của người Ki-tô hữu trong Giáo hội và trong thế giới, cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần, và cuối cùng sống ơn gọi ấy trong lộ trình đồng hành với Thiên Chúa và với anh em.
KẾT LUẬN:
Tóm lại, dù hình thức và chức năng của việc đồng hành thiêng liêng có thay đổi theo dòng thời gian, nhưng nền tảng cũng chỉ là một, đó là chương trình quan phòng của Thiên Chúa muốn cho Hội Thánh trở thành công cụ để Người ban ơn cứu độ cho con người. Vì thế, nếu kết thúc cuộc đồng hành thiêng liêng mà không dẫn đến một hành động cụ thể nào, có thể coi là cuộc gặp gỡ ấy đã thất bại, đó mới chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi. Bất cứ cuộc gặp gỡ nào cũng phải để lại dư âm trong tâm hồn và thể hiện ra bằng hành động cụ thể. Ông Da-kêu gặp gỡ Chúa, ông đã biến đổi (Lc 19, 1-10); người phụ nữ Sa-ma-ri gặp gỡ Chúa, chị đã biến đổi (Ga 7, 30). Tất cả các môn đệ được Chúa đón nhận và giáo dục đều đã biến đổi. Ấy cũng bởi vì “Sự đồng hành thiêng liêng chân chính luôn luôn bắt đầu và phát triển trong lãnh vực phục vụ sứ mạng truyền giáo” (Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng “Evangelii Gaudium”, số 173).
Ý thức vấn đề, người Ki-tô hữu cần noi gương Thánh Tông đồ dân ngoại Phao-lô trong mối quan hệ giữa thánh nhân với Ti-mô-thê và Ti-tô. Đó là một điển hình về sự đồng hành và đào luyện trong hoạt động tông đồ (sứ vụ truyền giáo). Khi giao cho họ nhiệm vụ ở lại tại mỗi thành phố để “hoàn thành công việc tổ chức” (Tt 1, 5; 1Tm 1, 3-5), Thánh Phao-lô đã cung cấp cho họ những qui tắc cho đời sống cá nhân và hoạt động mục vụ của họ. Cách làm này rõ ràng khác hẳn mọi kiểu đồng hành can thiệp hay tự thể hiện độc lập. Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: