Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Gài bẫy Đức Ki-tô

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

GÀI BẪY ĐỨC KI-TÔ (CN V MC-C)

 

Bài Tin Mừng hôm nay (CN V/MC-C – Ga 8, 1-11) trình thuật câu chuyện đám kinh sư và Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ hỏi Đức Giê-su nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Đó là một cách gài bẫy để có chứng cớ xử án Người  (“Còn các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình” – Mt 26, 59). Họ nghĩ rằng với câu hỏi của họ, trả lời cách nào thì Đức Giê-su cũng dính trấu. Trả lời là cứ ném đá người phụ nữ thì phạm luật Rô-ma (It-ra-en đang bị đế quốc Rô-ma đô hộ, chỉ những người đại diện cho luật pháp Rô-ma – như tổng trấn Phi-la-tô, chẳng hạn – mới được quyền kết án tử hình). Còn nếu tha, thì lại phạm luật truyền thống của It-ra-en (“Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử.” – Lv 20, 10; “Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với môt người đàn bà có chồng, thì cả hai sẽ phải chết: người đàn ông đã nằm với người đàn bà, va cả người đàn bà.” – Đnl 22, 22). Chỉ cần Đức Ki-tô trả lời là họ “xử” Người ngay.

 

Cái bẫy đã giương lên chỉ chờ cơ hội sập, nhưng con mồi là Đức Giê-su lại không trả lời ngay, mà Người “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” (Ga 8, 6). Hành động ấy của Đức Ki-tô càng khiến nhóm Pha-ri-sêu tin chắc họ sẽ thắng (vì họ cho rằng Người lâm thế cờ “bí”, nên mới lúng túng, phải viết loăng quăng trên đất để tìm cớ hoãn binh), nên họ càng dồn dập hỏi tiếp. Vì trong sách Tin Mừng không ghi rõ những lời Đức Ki-tô viết trên đất, nên cũng có nhiều người cố suy đoán xem Người viết những gì. Thực ra, Người cũng chẳng để tâm đến việc viết gì, bởi tác dụng cũng chẳng tới đâu. Nó sẽ mau chóng bị xoá đi trên đất (và thậm chí ngay cả trong tâm hồn những kẻ đọc được Lời Người viết trên đất) mà thôi. Hành động viết trên đất chỉ là cố ý kéo dài thời gian cho đám kinh sư càng nuôi ảo tưởng chiến thắng và đến khi chiến bại mới thật thấm thía. Cho đến khi thời gian nóng ruột của đám kinh sư vừa độ chín, thì Đức Ki-tô mới “ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." (Ga 8, 8). Ấy thế là... cái bẫy sập và thay vì con mồi mắc bẫy thì chính người gài bẫy lại mắc kẹt. Gậy ông lại đập ngay vào lưng ông, khiến cho “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi” (Ga 8, 9). Cảnh tượng y hệt đám "mèo bị cắt tai", chỉ còn nước "tam thập lục kế, đào vi thượng sách" (36 kế, chạy trốn là hay nhất).

 

Chỉ với một câu nói ngắn gọn, Đức Giê-su đã cứu người đàn bà ngoại tình thoát khỏi án tử khủng khiếp (ném đá cho đến chết). Một vấn nạn được đặt ra: "Như vậy thì phải chăng Đức Ki-tô đã cho rằng người đàn bà này không có tội, và như thế Người đã chống lại Lề Luật của Thiên Chúa (Luật Mô-sê vẫn được coi là Luật Thiên Chúa)?" Thực ra, nếu chi căn cứ vào vế trước của câu nói trên ("Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!") thì có thể nghĩ là Đức Ki-tô cho rằng chị ta không có tội nên Người mới không lên án. Nhưng ngay sau đó, Đức Giê-su lại khuyên người phụ nữ: "Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!" Rõ ràng Đức Giê-su vẫn coi chị ta là người có tội, nhưng vì lòng thương xót, Người đã cứu chị, đồng thời còn là dịp cảnh tỉnh đám người Pha-ri-sêu chỉ chuyên đi kết án người mà không biết xét tật mình.

 

Đối với Lề luật, cũng đã nhiều lần Đức Giê-su dạy các môn đệ: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Mt 5, 18). Còn đối với bọn kinh sư, luật sĩ, Pha-ri-sêu, thì Người lên án trực tiếp; chớ không hề đụng tới Lề Luật (“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.” – Mt 23, 23). Điều đó cho thấy, Đức Ki-tô không hề chống lại, mà rất tôn trọng Lề Luật. Duy chỉ có điều Người muốn mọi người – nhất là đám kinh sư và Pha-ri-sêu – hiểu rằng “điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật”. Áp dụng Luật mà thiếu một trong ba điều đó thì chưa thể coi là hiểu biết và tôn trọng Luật. 2 bài học đắt giá cho người Ki-tô hữu khi suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, đó là:

 

1- Tội lỗi: Ngay từ khi Nguyên tổ loài người sa ngã, thì loài người đã bị tội lỗi thống trị. Là con người thì ai cũng có tội, không nặng thì nhẹ, chẳng nhiều thì ít. Vâng, “Vì  một người duy nhất, mà tội  lỗi xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.” (Rm 5, 12). Vì thế, muốn được cứu khỏi chết vì tội lỗi, thì phải biết ăn năn hối cải tìm đến với Thần Khí ban sự sống (“Như có lời đã chép: con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng  là thần khí ban sự sống.” – 1Cr 15, 45). “Người duy nhất đã sa ngã” là “A-đam đầu tiên”, là Nguyên tổ loài người; còn “A-đam cuối cùng” – “A-đam Mới” – không ai khác hơn là chính Đức Giê-su Ki-tô.

 

2- Xét đoán: Tâm lý chung của con người thường chỉ thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới” rồi làm như người đạo đức nói với anh  em: "Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn" mà cố tình quên đi cái xà trong con mắt mình. Đức Giê-su đã phải thốt lênHỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.(Mt 7, 3-5). Quả thật người ta chỉ thích phê bình chớ không muốn tự phê  bình. Xét đoán người thì rất giỏi nhưng chẳng hề muốn tự phê bình, xét tật mình. Và vì thế, "Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.” (Mt 7, 1-2).

 

Tóm lại, là con người, ai cũng có những sai lầm thiếu sót, chẳng có ai hoàn toàn tốt, nhưng cũng chẳng có ai hoàn toàn xấu. Như vậy thì tại sao lại cứ cố tình “tốt phô ra, xấu xa đậy lại”? Con người với nhau có thể ém, có thể che giấu tội lỗi của mình, nhưng như thế cũng không có nghĩa là che giấu nổi Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi điều thầm kín nhất (Mt 6, 1-6.16-18). Chúa đã bị đóng đinh vì tội lỗi của chúng ta, xin đừng tiếp tục đóng đinh Người nữa, mà hãy bóc trần con người của mình ra, can đảm nhìn thẳng vào đó, rồi mạnh dạn vác thập giá mình đi theo Chúa và cuối cùng hãy tự đóng đinh mình vào thập giá với lời van nài thống thiết: “xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài”, nhiên hậu sẽ “để được sống với Ngài vinh quang” (Văn Chi – “Con đường Chúa đã đi” – TCCĐ).

 

Vâng, không lo sợ thài quá vì tội lỗi đã mắc phạm với Thiên Chùa và với anh em, cũng dứt khoát không bao giờ cho rằng mình sạch tội để chỉ đi xét đoán anh em; mà hãy nhìn lại mình để thực lòng canh tân và sám hối, đồng thời sống Đạo một cách kiên trì mặc lấy Đức Vua Tình Yêu trong đức Mến. Ấy cũng bởi vì “Trên hết mọi đức tính, anh  em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (Cl 3, 14). Ôi! “Lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại, Ðức Giê-su Ki-tô đã hiến thân chịu khổ hình; xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết noi gương Người tận tình yêu thương mọi anh em. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ CN.V/MC).

 

JM. Lam Thy ĐVD.