Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nương bóng Mẹ

Tác giả: 
Đặng Phúc Minh

 

 

NƯƠNG BÓNG MẸ!

 

MƯỜI HAI NHÂN ĐỨC.

 

Tước hiệu của Mẹ Maria.

 

Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, cùng với biết bao tước hiệu khác nhau về Đức Mẹ đã được Giáo hội công nhận, và tín hữu khắp nơi tôn kính như: Đức Mẹ Sầu Bi, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.... Lại nữa, theo thời gian, từng địa danh, cùng những sự kiện in dấu yêu thương của Mẹ hiện ra, Đức Mẹ được tôn vinh với các tước hiệu khác nhau như:

 

Tại Việt Nam ta thấy có: Đức Mẹ La Vang (Quảng Trị), Đức Mẹ Tà Pao (Bình Thuận), Đức Mẹ Trà Kiệu (Đà Nẵng), Đức Mẹ Sao Biển (Đà Nẵng)…Trên thế giới nổi tiếng với: Đức Mẹ Fatima (Bồ Đào Nha), Đức Mẹ Lộ Đức (Pháp), Đức Mẹ  Guadalupe (México)…

 

Từ lòng yêu thương con cái vô bờ bến của Mẹ, chúng ta, cuộc đời mỗi người hẳn đã in dấu biết bao kỷ niệm êm đềm, hạnh phúc, khi cậy trông Mẹ, khi nương bóng Mẹ…được Mẹ ấp ủ, chở che…

 

Và quan trọng hơn, mỗi người, mỗi gia đình đã học được gì nơi cuộc đời của Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa nơi trần thế?

 

Đức Maria, gương sáng ba nhân đức đối thần, qua lời “Xin Vâng”.

 

Đức Maria, dù đã ấp ủ nguyện ước trọn đời đồng trinh, để một lòng, một dạ tôn thờ Thiên Chúa. Nhưng với một Đức Tin vững mạnh; Đức Cậy sắt son; Đức Mến nồng nàn, Đức Mẹ đã vâng theo thánh ý Thiên Chúa, khi sứ thần Gabriel “Truyền Tin” cho Mẹ:

 

Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa, và này đây, Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là con Đáng Tối Cao…Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 30-38)

 

Mẹ đã vâng phục “Thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần”.

 

Vậy, sống Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến nơi Mẹ Maria là đón nhận thánh ý Thiên Chúa, từng phút, từng giây trong cuộc đời của Mẹ.

 

Học gương sáng nơi Đức Mẹ, nhưng làm sao ta có thể biết được, việc nào là thánh ý của Thiên Chúa? Đây quả là vấn đề khó khăn!

 

Trong Hội dòng Đa Minh qua bài “Làm sao nhận biết ý Chúa” đã hướng dẫn chúng ta 5 bước để nhận ra thánh ý Thiên Chúa. Đó là: Cầu nguyện; đọc Kinh Thánh; lắng nghe Chúa; tìm kiếm sự khôn ngoan; và đối thoại. Chúng ta cần biết và tin tưởng, khi Chúa đã dạy chúng ta: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa gây hỗn loạn, nhưng là Thiên Chúa tạo sự bình an” (1Cr14:33).

 

Vậy, để thực hiện theo thánh ý Chúa, sau khi đã qua năm bước như nêu trên, chắc chắn ta có bình an trong tâm hồn…

 

Từ bài học“ Xin Vâng” nơi Mẹ Maria, ta thấy một gia đình không có đức tin vững mạnh, không cầu nguyên để nhận ra, và thực hiện thánh ý của Thiên Chúa, gia đình đó sẽ dễ đưa đến đổ bể tan nát. Một thí dụ cụ thể hôm nay, là gia đình ông chủ 1 tập đoàn cafe nổi tiếng tại VN, dù tài sản đã lên đến gần mười ngàn tỉ đồng, vẫn ly dị…

 

Đức Maria, gương sáng về bốn nhân đức trụ, và các nhân đức khiết tịnh, khó nghèo, tuân phục.

 

Như chúng ta đã biết, bốn nhân đức trụ còn gọi là bốn nhân đức căn bản trong đời sống người Kitô hữu. Dó là: Khôn ngoan, công bằng, can đảm, và tiết độ.

 

Nhân đức khôn ngoan giúp lý trí phân định và lựa chọn điều thiện đích thực.

 

Nhân đức công bằng là thói quen trả về cho Thiên Chúa, những gì thuộc về Ngài, và trả cho tha nhân những gì thuộc về họ. Đức công bằng đòi con người phải tôn trọng quyền lợi của người khác, không thiên vị và ngay thẳng trong ý nghĩ cũng như hành động.

 

Nhân đức can đảm giúp con người kiên trì và quyết tâm làm điều thiện, chống trả các cám dỗ, dù phải trải qua những thử thách,và ngay cả cái chết.

 

Nhân đức tiết độ giúp con người làm chủ những thú vui, giữ sự chừng mực trong việc sử dụng của cải trần thế, kiềm chế bản năng và những ham muốn thái quá” (Tự điển Công giáo HĐGMVN).

 

Qua cuộc đời của Mẹ Maria, trong gia đình thánh gia Nazareth cùng với Thánh Giuse, vị cha nuôi của Chúa Giêsu, đã thể hiện rõ bốn nhân đức trụ nêu trên, cùng ba nhân đức khiết tịnh, khó nghèo, tuân phục. Mẹ đã khôn ngoan, tuân phục, đón nhận, và xin vâng lệnh truyền của Chúa. Mẹ đã can đảm, tiết độ, khiết tịnh sống đời sống khó nghèo nơi Nazareth. Và Mẹ đã thật công bằng trả về Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài…

 

Mẹ Maria, gương sáng về sự hiền lành và khiêm nhường.

 

Đức Maria, dù là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Người vẫn một lòng tuân theo điều Chúa đã dạy:

 

Hãy học cùng ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29).

 

Hai nhân đức hiền lành, và khiêm nhường đã được Đức Mẹ, yêu mến, gìn giữ và thực hiện trong suốt cuộc đời của Mẹ.

 

Khi đón nhận tin vui mừng lớn lao là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ thưa với thiên sứ: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói…” ( Lc 1,38 ). Thật hiền lành và khiêm nhường biết bao!

 

Mẹ hiền lành và khiêm hạ khi đáp lời người chị họ Elisabét:

 

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

 thần khí tôi hớn hở vui mừng,

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tì hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

Biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn!...

                                   (Lc1, 46-49)

 

Bài kinh Magnificat là một bản trường ca về hai nhân đức hiền lành và khiêm nhường của Đức Trinh Nữ Maria.

 

Và tại tiệc cưới Cana, có Chúa Giêsu đi cùng. Khi tiệc cưới nửa chừng bị hết rượu. Mẹ chỉ nhắc nhẹ Chúa: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3). Và Mẹ nói với những người giúp việc: “Người bao gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga2.5). Mẹ không dùng quyền uy là Mẹ, để ra lệnh cho Chúa…

 

Phần Kết

 

Trong cuộc đời của Mẹ, lúc vui nhất là khi được sứ thần truyền tin: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc Lạ”. Mẹ khiêm cung cúi đầu vâng nhận. Và lúc Mẹ đau buồn nhất là lúc nhìn Chúa bị đóng đinh treo lên Thánh Giá cùng hai tên trộm cướp, Mẹ không một lời nguyền rủa, oán trách than van...Mẹ chính là nơi nương tựa của chúng con, qua mười hai nhân đức sáng ngời trong cuộc đời trần gian của Mẹ.,.

 

  Cursillista Inhaxio Đặng Phúc Minh