Gặp Gỡ Đấng Giàu Lòng Thương Xót
GẶP GỠ ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT
(CN II/PS-C – CN LÒNG THƯƠNG XÓT)
Khi Đức Ki-tô phục sinh ra khỏi mồ, Người không còn bị giới hạn trong không gian và thời gian. Vì thế, Người có mặt trên mọi nẻo đường ở khắp mọi nơi trong cuộc sống trần thế. Đọc Tin Mừng Phục Sinh sẽ thấy rõ Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau: Ngườì xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người; Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới; Người xuất hiện ở làng Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem một quãng đường dài; Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp. Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syria, nơi Phao-lô lùng bắt người theo đạo. Thời gian không làm chậm bước chân Người. Không gian khép kín không ngăn được bước chân Người.
Bài Tin Mừng hôm nay (CN II.PS-B – Ga 20, 19-31) trình thuật Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra với các Tông đồ. Trước đó, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mac-đa-la và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ, thấy mộ trống thì hoảng sợ, nhưng được thiên thần hiện ra báo cho biết Đức Giê-su đã sống lại (Ga 20, 11-18). Các bà vội vàng về báo cho các môn đệ khác, thì mọi người vẫn không tin. Chỉ đến khi Chúa hiện ra với các ông vào chiều ngày thứ nhất trong tuần (Ga 20, 19-25), các ông mới chịu tin. Riêng với Tô-ma thì vì không có mặt hôm ấy, nên khi các môn đệ kể lại cho ông biết Chúa đã phục sinh và hiện ra với họ, Tô-ma cũng không tin và đòi phải được xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Thầy, thì ông mới tin. Mãi tới “Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Tới lúc đó, Tô-ma mới thực sự tin và kêu lên: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" (Ga 20, 26-28).
Tâm lý chung của con người chuyện gì cũng đòi phải được “thực mục sở thị” (chứng kiến tận mắt) hoặc phải có chứng cớ xác thực, mới chịu tin. Không những thế, mà nhiều khi được thực mục sở thị, cũng vẫn còn có kẻ “không tin vào mắt mình”, mà lại đi tin vào những truyền thuyết hoang đường, những ma mị quỷ quái. Các Tông đồ (kể cả Tô-ma) cũng không ngoại lệ, các ông mới chỉ “nghe” thì chưa tin mà còn phải được “thấy”, được “đụng vào” vật chứng mới tin. Và cũng chính cái tâm lý chỉ tin khi được “thực mục sở thị” đã đẻ ra tâm trạng hoài nghi. Thật thế, chỉ vì được trông thấy nhãn tiền Thầy mình đã chết khổ nhục trên thập giá, đã được chính tay mình liệm xác Thầy và táng trong hang đá, thì làm sao tin được Thầy mình đã sống lại? Và vì thế nên khi thấy Thầy hiện ra thì “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 37). Ấy là chưa kể lúc Thầy còn sống và ở liền bên không rời một bước, vậy mà khi trông thấy nhãn tiền Thầy đi trên mặt biển đã vội hô hoán lên là “ma đấy!” (Mt 14, 26).
Nói về niềm tin của con người thì rất đa dạng: Có những người dễ tin thì cũng có những người khó tin, có những người tin một cách sáng suốt thì cũng không ít những kẻ tin một cách mù quáng, có những người trông thấy nhãn tiền mà vẫn “không tin vào mắt mình” thì cũng có những kẻ chẳng cần biết ất giáp gì cũng cứ “nhắm mắt mà tin”. Dễ tin thì cũng dễ mất lòng tin (dễ tin trong trường hợp này thì cũng dễ tin trong trường hợp khác, thậm chí có những lúc các trường hợp đó trái ngược nhau cũng vẫn OK tuốt luốt, nên lúc gặp thử thách rất dễ bị chao đảo, đánh mất niềm tin). Ấy là chưa nói đến những trường hợp tin theo thói quen, theo truyền thống, tin hùa theo đám đông (a dua, a tòng), tin theo mê tín dị đoan. Những kẻ khó tin thì thường đòi hỏi đầy đủ chứng cớ mới tin và khi có đầy đủ chứng cớ rồi thì niềm tin trở nên kiên định (kiểu như Tông đồ Tô-ma thủa xưa). Tuy nhiên cũng không thiếu những kẻ khó tin, mà vì quá cực đoan nên rất dễ sa vào chủ thuyết hoài nghi (chẳng tin vào bất cứ chuyện gì cho dù đó có là sự thực hiển nhiên). Chính vì thế, Đức Tin là một yếu tố quan trọng hàng đầu đối với mọi tôn giáo. Riêng đối với Ki-tô Giáo thì đức tin là cơ sở vững chắc tuỵêt đối để đạt được cứu cánh Nước Trời.
Tâm lý con người kể cũng lạ, cứ đòi “thấy” nhãn tiền mới tin, nhưng nhiều khi được “thấy” tận mắt cũng vẫn bán tín bán nghi. Vì thế Đức Ki-tô mới day: "Phúc thay những người không thấy mà tin!" (Ga 20, 29). Quả thực “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11, 1). Tuy nhiên, nếu chỉ tin trên môi miệng mà trong lòng thì trống rỗng, cũng chưa thể kể được là tin, mà phải là “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ.” (Rm 10, 9-10). Thánh Gia-cô-bê Tông đồ còn xác quyết mạnh hơn: “Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi… Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2, 24.26). Vì thế, hai khía cạnh đó (tin thật trong lòng + tuyên xưng ngoài miệng) phải được xem là “tuy hai mà một”, bởi “lòng có đầy miệng mới nói ra” (Mt 12, 35). Thật vậy, lòng còn hoài nghi mà miệng leo lẻo nói tin tưởng, hoặc giả trong lòng tuy có tin, nhưng bề ngoài thì sợ nọ sợ kia, sợ bóng sợ vía, cứ “câm miệng hến”, thì cũng kể như không.
Trong Tông thư tự sắc Năm Đức Tin “Porta Fidei” (số 15), ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI đã dạy: “Đức Tin là bạn đồng hành trong cuộc sống giúp nhận thức với một cái nhìn luôn mới mẻ về những kỳ công mà Thiên Chúa thực hiện nơi chúng ta. Ðức tin nhằm đón nhận những dấu chỉ thời đại trong hiện tại của lịch sử, và thúc đẩy mỗi người chúng ta trở thành dấu chỉ sinh động về sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh trong thế giới. Ðiều mà thế giới ngày nay đặc biệt cần đến, đó là chứng tá đáng tin cậy của những người được Lời Chúa soi sáng trong tâm trí, có khả năng mở tâm trí của bao nhiêu người mong ước Thiên Chúa và sự sống chân thực, sự sống không tàn lụi.” Như vậy vấn đề đặt ra cho người Ki-tô hữu ngày hôm nay là phải biết xoay cái nhìn ra khỏi cái tôi thành kiến bảo thủ, mà đổi mới cách nhìn vào những công trình kỳ diệu Thiên Chúa tạo dựng trong vũ trụ và nhất là nơi mỗi cá thể con người, để từ đó nhận chân được “những dấu chỉ thời đại trong hiện tại của lịch sử”, sẵn sàng làm chứng nhân cho Tin Mừng Cứu Độ (“trở thành dấu chỉ sinh động về sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh trong thế giới” – Tông thư “Porta Fidei”, số 15).
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng lưu ý về nền tảng Đức Tin trong phong trào Đại Kết: “Chúng ta là những người được thừa hưởng đức tin, đức mến và đức cậy của bao nhiêu người, với sức mạnh dịu dàng của Tin Mừng, họ đã có can đảm lật ngược hướng đi của lịch sử, thứ lịch sử đã làm cho chúng ta nghi kỵ nhau và trở nên xa lạ đối với nhau và hỗ trợ cái vòng quỉ quái liên tục phân hóa. Nhờ Chúa Thánh Linh, Đấng soi sáng và hướng dẫn phong trào đại kết, hướng đi đã thay đổi và một con đường vừa mới mẻ và cổ kính, đã được vạch ra một cách không thể xóa nhòa: đó là con đường hiệp thông hòa giải, tiến về sự biểu lộ rõ ràng tình huynh đệ đã liên kết các tín hữu Ki-tô ...
... Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận tầm quan trọng đặc biệt của công việc mà Ủy ban Đức Tin và hiến chế của Hội đồng Đại Kết thực hiện và muốn tiếp tục góp phần vào công việc này qua sự tham gia của các thần học gia có trình độ cao. Nghiên cứu của Ủy ban Đức tin và Hiến chế để đạt tới một quan niệm chung về Giáo Hội và công việc phân định của Ủy ban về những vấn đề luân lý đạo đức có liên hệ tới những điểm nòng cốt trong thách đố đại kết.” (xc. Diễn văn của ĐTC Phan-xi-cô ngày 21/6/2018 tai Học Viện Đại Kết Bossey ở Genève, Thụy Sĩ).
Tóm lại, mọi Ki-tô hữu “Hãy xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần.” (Gđ 1, 20). Mà muốn cầu nguyện cho có hiệu quả thì không gì bằng chạy đến cùng Mẹ Maria – Người được tuyên xưng là "người có phúc" vì Mẹ “đã tin" (Lc 1, 45), là mẫu gương trung thực tuyệt đối của Đức Tin – để từ đó “nhờ Mẹ, đến với Chúa”. Vâng, chính nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, mà mọi lời cầu xin khấn nguyện của tín hữu sẽ được chuyển tới Người Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ – Đấng Giàu Lòng Thương Xót Phục Sinh vinh hiển – Người sẽ đến với mọi người bằng lời chúc “Bình an cho anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20, 21-22). Chỉ đến khi đó, đức tin của người Ki-tô hữu mới thực sự vững mạnh, như xưa các Tông đồ cùng với Mẹ Đức Tin đã cầu nguyện trong ngày Lễ Ngũ Tuần và được Thiên Chúa ban Thần Khí dư đầy.
Ôi! “Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, hằng năm Chúa dùng ngọn lửa phục sinh để khơi lại niềm tin trong lòng dân thánh, cúi xin Chúa tăng ân sủng để chúng con hiểu rằng: Chính Chúa Ki-tô đã thanh tẩy chúng con bằng phép rửa, đã tái sinh chúng con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời. Amen." (Lời nguyện nhập lễ CN II PS-C).
JM.Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: