Phân định để làm gì ?
PHÂN ĐỊNH ĐỂ LÀM GÌ?
Trong bài viết CÁC BƯỚC CỦA LỘ TRÌNH ĐỒNG HÀNH, kẻ viết bài này đã phân tích 3 bước căn bản: Lắng nghe – Phân định – Cầu nguyện và thực hành. Chủ đề Phụng vụ tháng 5/2019 tập trung vào việc tìm ra mục đích của việc “Phân định” (PHÂN ĐỊNH ĐỂ LÀM GÌ?). Việc phân định thường bao gồm hành vi nhận thức và hành vi phân biệt hoặc phán đoán. Đó là nói về mặt ý nghĩa, còn nội dung việc phân định thường bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau, tập trung vào 2 mặt chủ yếu :
* Phân định luân lý: Phân biệt điều tốt, điều xấu, dựa trên những nguyên tắc tổng quát của luân lý. Sự phân định này cũng quen được gọi là “phân định của lương tâm” (x. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1777-1782).
* Phân định tâm linh (còn gọi là phân định Thần khí): Sự lựa chọn giữa điều tốt và điều tốt hơn (hoàn hảo), và mang tính cá biệt: tìm hiểu ý muốn của Thiên Chúa qua sự thúc đẩy trong tâm hồn; nhận ra cơn cám dỗ để bác bỏ nó và tiếp tục bước trên hành trình tiến tới sự viên mãn của đời sống.
Cũng vì đây là nói cụ thể về mục đích của việc “Phân định”, nên xin tập trung vào một chủ đề cụ thể, đó là chủ đề “Phân định Ơn gọi” như Sứ điệp Ngày Thế Giới Ơn Gọi lần thứ 55 (2018) đã phân tích.
I. BA BƯỚC CĂN BẢN CỦA ƠN GỌI:
Sứ điệp Ngày Thế Giới Ơn Gọi lần thứ 55 cũng đề cập tới 3 bước căn bản là: Lắng nghe – Phân định – Sống, nhằm “đào sâu vấn đề làm sao để, nơi trung tâm đời sống chúng ta, có ơn gọi vui mừng mà Thiên Chúa gửi đến chúng ta và làm sao để điều này ”là dự phóng của Thiên Chúa cho con người nam nữ thuộc mọi thời đại.” (Thượng Hội Đồng Gian Mục khóa XV – “Người trẻ, đức tin và phân định ơn gọi”, Dẫn Nhập).
1- Lắng nghe: Cần có thái độ chăm chú lắng nghe Lời Chúa và chú ý đến cả những chi tiết của cuộc sống thường nhật, học cách đọc các biến cố với con mắt đức tin; đồng thời giữ thái độ cởi mở đối với những bất ngờ của Thánh Linh. Tắt nột lời, không “lúng túng trong cái vòng chật hẹp của cái tôi” khi lắng nghe Lời Chúa. Quả thật “Chúng ta không thể khám phá ơn gọi đặc thù và riêng biệt mà Chúa đã nghĩ ra cho chúng ta, nếu chúng ta khép kín nơi mình, trong những thói quen và trong sự thụ động của người phí phạm cuộc đời trong cái vòng chật hẹp của cái tôi, đánh mất cơ hội mơ ước những điều cao cả và trở thành người nắm vai chính trong lịch sử duy nhất và đặc sắc mà Chúa muốn viết lên cùng với chúng ta.” (Sứ điệp “Ngày Thế Giới Ơn Gọi lần thứ 55”).
2- Phân định: Khi đọc đoạn sách Ngôn Sứ Isaia trong Hội đường Nazareth, Chúa Giê-su đã phân định nội dung sứ mạng Người được trao phó và trình bày cho những người đang chờ đợi Đấng Thiên Sai: ”Thần Khí Chúa ngự trên tôi; vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt; trả tự do cho người bị áp bức, công bố một Năm Hồng ân của Chúa.” (Lc 4, 18-19). Cũng vậy, mỗi Ki-tô hữu có thể khám phá ơn gọi của mình qua sự phân định thiêng liêng, một tiến trình trong sự đối thoại với Chúa và lắng nghe tiếng Thánh Linh; từ đó đi tới những chọn lựa cơ bản, bắt đầu từ sự chọn lựa bậc sống. (THĐGM XV, “Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”, Chương II, số 2).
3- Sống: Đặc tính hiện thực hóa thời gian (tất cả cho ”Ngày hôm nay”) được Chúa Giê-su công bố nhằm bảo đảm rằng Thiên Chúa tiếp tục ”xuống” để cứu vớt nhân loại và cho con người được tham gia sứ mạng của Người. Chúa còn kêu gọi sống với Người và đi theo Người trong một tương quan gần gũi thân tình đặc biệt, trực tiếp phụng sự Thiên Chúa. Và nếu Chúa cho mọi người hiểu Người mời gọi hãy tận hiến cho Nước Chúa, thì người tín hữu không được sợ hãi! Thật là một hồng ân lớn lao khi được hoàn toàn và mãi mãi tận hiến cho Thiên Chúa và cho việc phục vụ anh chị em.
“Ngày hôm nay, Chúa tiếp tục kêu gọi đi theo Ngài. Chúng ta không được chờ đợi cho đến lúc hoàn hảo mới quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa ”này con đây”, và cũng đừng kinh hãi vì những giới hạn và tội lỗi của chúng ta, nhưng đón nhận tiếng Chúa với tâm hồn rộng mở”. Lắng nghe tiếng Chúa gọi, phân định sứ mạng riêng của chúng ta trong Giáo Hội và trong thế giới, và sau cùng sống ơn gọi ấy trong ”ngày hôm nay” mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Xin Mẹ Maria rất thánh, thiếu nữ bé nhỏ ở ngoài biên, Người đã lắng nghe, đón nhận và sống Lời Chúa nhập thể làm người, gìn giữ và luôn đồng hành với chúng ta trong hành trình của chúng ta.” (Sứ điệp Ngày Thế Giới Ơn Gọi lần thứ 55, Phần Kết luận).
II. THẾ NÀO LÀ PHÂN ĐỊNH?
“Phân định” là: phân chia và xác định một cách rõ ràng, cụ thể (vd: đường biên giới được phân định rõ ràng). Còn hành vi của “phân định” là: nhận thấy bằng mắt hoặc bằng một giác quan nào khác, nhận thức bằng trí tuệ; nhờ đó, nhận ra sự khác biệt, tách biệt nhau của các sự kiện. Có thể hiểu việc phân định thường bao gồm hành vi nhận thức và hành vi phân biệt hoặc phán đoán. Cũng vậy, trong việc phân định thiêng liêng, cả việc nhận thức và phán đoán đều quan trọng. Về mặt lý thuyết, có thể phân làm hai loại: phân định cá nhân và phân định cộng đoàn. Nhưng dù là loại phân định nào, mục tiêu cuối cùng cũng là đạt tới một tình yêu sáng suốt, dẫn tới sự tự do đích thực.
Đưa ra quyết định và hướng dẫn các hành động của mình trong các hoàn cảnh bất trắc và trước các sức mạnh nội tâm trái ngược nhau, chính là chỗ để thực thi sự phân định. Thực vậy, phân định là đọc các dấu chỉ thời đại; ngõ hầu nhận ra sự hiện diện và hành động của Thánh Thần trong lịch sử, cách riêng trong đời sống mỗi con người. Phân định là điều cần thiết để bộc lộ ý nghĩa của các dấu chỉ và đưa ra quyết định. Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng “Evangelii Gaudium” (số 51) đã khẳng định: “Chúng ta cần phân biệt rõ cái gì có thể là kết quả của Nước Thiên Chúa với cái gì đi ngược lại kế hoạch của Thiên Chúa. Điều này không những bao gồm việc nhận ra và phân biệt các loại thần khí, nhưng cũng bao gồm việc chọn lấy các tác động của thần lành và từ chối các tác động của thần dữ. Tôi mặc nhiên nhìn nhận các phân tích khác nhau mà các văn kiện khác của huấn quyền Hội Thánh đã cống hiến, cũng như các văn kiện mà các Hội đồng Giám mục cấp vùng và cấp quốc gia đã đề nghị.”
Rõ ràng phân định chính là “nhận ra”, “giải thích”, “chọn lựa” những dấu chỉ được Thiên Chúa mạc khải trong đời sống. Một cách khái quát, phân định là “phán đoán” về phẩm chất của sự vật, “phân biệt và tách rời” điều tốt và điều xấu, điều lợi và điều hại, điều chính và điều phụ. Sự phân định xảy ra khá thường xuyên trong đời sống hằng ngày nhưng đặc biệt là trong những hoàn cảnh quan trọng của cá nhân hoặc cộng đồng, khi phải chọn lựa, quyết định một hướng đi lâu dài. Phải xác định một điều: Khả năng phân định là một ân sủng Thiên Chúa ban cho con người. Thực vậy, một hình thức thực thi phân định là đọc các dấu chỉ thời đại; chính điều này sẽ dẫn tới việc nhận ra sự hiện diện và hành động của Thánh Thần trong lịch sử.
III. MỤC ĐÍCH CỦA PHÂN ĐỊNH (PHÂN ĐịNH ĐỂ LÀM GÌ?)
Con người sống trên đời thường mong muốn phân biệt được điều tốt và điều xấu, điều có lợi và điều có hại. Sự phân định xảy ra khá thường xuyên trong đời sống hằng ngày, nhưng đặc biệt là trong những hoàn cảnh quan trọng của cá nhân hoặc cộng đồng, khi phải chọn lựa, quyết định một hướng đi lâu dài. Riêng đối với Ki-tô hữu cũng không ngoại lệ, mỗi tín hữu đều nhận ra một đòi hỏi, một bổn phận cấp thiết, đó là phải tìm hiểu, phân đỊnh và sống theo thánh ý Thiên Chúa.
Có 2 hình thức phân định cơ bản là: “Phân định luân lý” nhằm phân biệt điều tốt ra khỏi điều xấu trong đời sống xã hội; “Phân định thiêng liêng” (Phân định tâm linh – Phân định thần khí) nhằm mục đích nhận ra các ơn gọi thiêng liêng, phân biệt với cơn cám dỗ của ba thù để bác bỏ nó và tiếp tục bước trên hành trình tiến tới sự viên mãn của đời sống nội tâm. Sự nối kết giữa các ý nghĩa khác nhau của những hình thức này khá hiển nhiên, một nối kết không bao giờ có thể hoàn toàn tách rời nhau được.
1- Khái niệm về phân định:
Phân định luân lý bàn về mục tiêu của cuộc sống và cách để đạt được mục tiêu đó. Nói cụ thể, mục tiêu hay mục đích của luân lý là xác định xem con người nên sống như thế nào. Mặt khác, luật luân lý tự nhiên là một quy tắc của lý trí tìm kiếm sự tốt lành. Quan điểm về luân lý của Hội Thánh Công Giáo cho thấy: “Con người tham dự vào sự khôn ngoan và sự tốt lành của Đấng Tạo Hóa. Luật tự nhiên diễn tả cảm thức luân lý nguyên thủy, nhờ đó con người dùng lý trí mà phân định điều gì là tốt và điều gì là xấu, điều gì là chân lý và điều gì là dối trá. Lý trí con người ra lệnh hành động cách ngay thẳng và tránh phạm tội… Luật tự nhiên có nền tảng là tâm tình khao khát và quy phục Thiên Chúa. Ngoài ra luật ấy cũng có nền tảng là cảm thức về tha nhân bình đẳng với mình.” (Giáo lý HTCG, số 1954-1955). Ngoài luật luân lý (luật tự nhiên) còn có luật tâm linh (Công Giáo gọi là “luật yêu thương, luật ân sủng, luật tự do” – Giáo lý HTCG số 1978-1986). Xin phân tích cụ thể vào việc phân định Ơn Gọi:
2- Phân định những ơn gọi căn bản:
a. Ơn gọi làm người: “Ơn gọi làm người” là Ơn gọi đầu tiên và là nền tảng của mọi ơn gọi. Từ hư vô con người trở thành hiện hữu do ý muốn của Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa nghĩ đến con người trước khi tạo thành vũ trụ. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người, cho con người sống và hiện hữu (Hiến chế về Mục vụ “Gaudium et Spes”, số 9). Phân định “Ơn gọi làm người” nhằm mục đích khám phá ra được nguồn gốc, căn tính, ý nghĩa của đời sống con người. Cuộc sống con người tự nó đã là một huyền nhiệm, huyền nhiệm vì con người được tạo dựng trong ý định của Thiên Chúa: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” (St 12, 1). Như vậy, con người không tồn tại do ý định của bản thân mình, mà là do ý muốn của Thiên Chúa.
b. Ơn gọi làm Ki-tô hữu: Từ sự hiện hữu đơn thuần nhân tính, con người được mời gọi bước vào sự hiện hữu thần linh, do công trình tái tạo của Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô: “Vì được dìm mình vào trong cái chết của Người, chúng ta cũng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6, 4). Qua phép Rửa Tội, người Ki-tô hữu được tái sinh trong Chúa Ki-tô, từ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới, cùng vác thập giá, cùng chết để rồi cùng sống lại và được hưởng vinh quang với Người. Ý định cứu chuộc này đã được Thiên Chúa hoạch định từ trước vô cùng (“Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Chúa Ki-tô Giê-su” – 2Tm 1, 9). Phân định ơn gọi Ki-tô hữu nhằm mục đích đáp ứng được các khía cạnh thiêng liêng của một cam kết dấn thân làm chứng nhân cho Tin Mừng trong sứ mệnh phục vụ Chúa và các linh hồn.
c. Ơn gọi sống đời thánh hiến: Sự phân định Ơn gọi sống đời thánh hiến nhằm mục đích nhận thức và phán đoán theo Tin Mừng, là sự định hướng giúp con người tìm ra lối sống căn bản có kết cấu chặt chẽ nhất, vào những thời điểm nhất định, phù hợp với những mục tiêu đã dự tính. Khi Thiên Chúa thánh hiến thì Người dự liệu một cứu cánh, mà cứu cánh này đồng thời cũng là một con đường: đó là người được thánh hiến phó thác hoàn toàn cho sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.
Nói cách cụ thể, khi nguười tín hữu tận hiến đời mình cho Thiên Chúa chính là lúc đón nhận “Đời sống tận hiến qua việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, là một lối sống bền vững, nhờ đó các tín hữu theo sát Đức Ki-tô, dưới tác động của Thánh Linh, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa như Đấng đáng mến yêu tột bậc, ngõ hầu một khi đã hiến thân, với một danh nghĩa mới và đặc biệt, cho việc tôn vinh Thiên Chúa, cho việc kiến thiết Giáo Hội và cho phần rỗi thế giới, họ nhắm tới Đức Ái hoàn thiện trong việc phục vụ Nước Chúa, và trở thành dấu chỉ rực rỡ trong Giáo Hội tiên báo vinh quang trên trời.” (Giáo Luật, số 573).
3- Phân định để làm gì?
Phân định rất cần thiết khi con người đang tìm kiếm ơn gọi cho mình trong cuộc đời. Thường thì ơn gọi lúc đầu không được rõ ràng cụ thể, nhưng dần dần do tìm hiểu và học hỏi, con người sẽ hiểu được nó. Phân định trong trường hợp này, không nên hiểu như là một nỗ lực cá nhân nhằm mục đích hiểu rõ hơn về bản thân mình; mà cần phải ý thức vấn đề: Ơn gọi là một lời mời gọi đến từ Thiên Chúa, và phân định trong bối cảnh này chủ yếu là do chính bản thân người phân định mở lòng trước Đấng Gọi Mời. Vì thế, “Cần phải thinh lặng cầu nguyện để nghe tiếng Chúa vang lên trong tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa gõ cửa cõi lòng chúng ta như Ngài đã làm với Maria; Chúa mong muốn thiết lập tình bạn với chúng ta qua cầu nguyện, trò chuyện với chúng ta qua Sách Thánh, để ban cho chúng ta lòng thương xót trong Bí Tích Hòa Giải, và cùng ở với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể.” (Sứ điệp của Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2018).
Như vậy, phân định những mặt tốt xấu của đời sống luân lý, những điều căn bản của đời sống tâm linh, đều nhắm tới mục đích giúp bản thân thực hành, sống phù hợp với sứ mạng riêng của người Ki-tô hữu trong Giáo hội và trong thế giới. Nói cụ thể, với người tín hữu, “Sứ mạng Ki-tô là cho hiện tại. Và mỗi người trong chúng ta được kêu gọi sống đời giáo dân trong hôn nhân, đời sống linh mục hay tu sĩ trong ơn gọi đời sống thánh hiến, để trở thành chứng nhân của Chúa trong lúc này và bây giờ.” (Sđ Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2018).
KẾT LUẬN:
Xét đến cùng, đời sống thiêng liêng thuộc về mỗi cá nhân. Ngoài Chúa ra, chẳng ai hiểu mình hơn chính mình. Do vậy việc tự đào tạo là cần thiết và tối quan trọng trong quá trình thao luyện thiêng liêng của mỗi người. Việc tự đào tạo khả năng phân định cũng mang những ý nghĩa đó. Tự mình thao luyện, con người sẽ thấy rõ được chính mình để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Và quan trọng hơn là thành công của việc tự đào tạo đem đến cho con người một khả năng bền vững, vì nó được uốn nắn phù hợp với từng cá nhân theo những đặc thù riêng biệt. Việc phân định là một việc trọng yếu trong tiến trình phân định thiêng liêng; vì vậy, cần có sự huấn luyện chu đáo, đầy đủ để có được kết quả tốt.
Tóm lại, Thiên Chúa luôn mong muốn và kêu gọi con cái đi theo Người. Người Ki-tô hữu đừng lo lắng và sợ hãi vì những giới hạn và tội lỗi của mình, nhưng đón nhận Lời Chúa với tâm hồn rộng mở. Nói cách khác, cần phải quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng hành động phó thác “này con đây”. Vâng, “Lắng nghe tiếng Chúa gọi, phân định sứ mạng riêng của chúng ta trong Giáo Hội và trong thế giới, và sau cùng sống ơn gọi ấy trong ”ngày hôm nay” mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Xin Mẹ Maria rất thánh, thiếu nữ bé nhỏ ở ngoài biên, Người đã lắng nghe, đón nhận và sống Lời Chúa nhập thể làm người, gìn giữ và luôn đồng hành với chúng ta trong hành trình của chúng ta.” (Sứ điệp “Ngày Thế Giới Về Ơn Gọi” lần thứ 55). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: