Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tôi yêu những gì đến tự nhiên

 

 

Chuyện Phiếm CN 4 Phục Sinh năm C 12/5/2019

 

“Tôi yêu những gì đến tự nhiên”
“Những câu nói thành thật
“Và yêu ngày nắng (như sương tan trong nắng mai)
“Tôi yêu mặc jeans và áo trắng
“Giấc ngủ không mộng mị
“Và tôi cũng yêu em.

(Đức Huy – Và Tôi Cũng Yêu Em)

 

(Ga 10: 27-30)

 

Bắt đầu bài phiếm hôm nay, thường thì tôi vẫn trích lên một bài ca mang nội-dung cũng tựa hồ như thế. Nhưng, nếu phải bắt đầu chuyện phiếm kỳ này, bằng một truyện kể thì tôi sẽ mượn lời của ai đó, mà kể rằng:

 

“Có người đàn bà nghèo khổ nọ bế đứa trẻ đi ăn xin, một lần bà ta đi ngang qua một cái hang. Bỗng nghe văng vẳng bên tai: "Ngươi có thể vào trong và lấy bất cứ thứ gì mình muốn, nhưng đừng quên cái chính và hãy nhớ một điều: sau khi ngươi trở ra thì cửa hang sẽ đóng lại vĩnh viễn, tuy vậy hãy lợi dụng cơ hội hiếm có này và nhớ đừng quên cái chính".


Nghe lời bà ta đi vào trong hang. Bà bị lóa mắt bởi vô số những thứ quý giá: vàng bạc, châu báu, kim cương. Bà ta đặt đứa con xuống và bắt đầu nhặt mọi thứ có thể và nhét hết vào mọi nơi trên người. Bên tai văng vẳng lời nhắc nhở: "Ngươi chỉ có 8 phút thôi và đừng quên cái chính!"


Sau khi đã nhét đầy người vàng bạc châu báu cũng là lúc hết giờ. Bà ta vội vã rời khỏi hang, cũng là lúc cửa hang đóng sập lại. Chợt bà ta sực nhớ đến đứa trẻ còn ở trong hang. Bà ta vứt tất cả vàng bạc châu báu đã lấy được và lăn ra khóc lóc vật vã. Nhưng chẳng ích gì vì cửa hang đã vĩnh viễn đóng lại…”

 

Truyện kể thì như thế. Nhưng lời bàn của người kể, lại sẽ như sau những bàn rằng:


“Trong cuộc đời của ta lại cũng có khoảng 80 năm để sống ở đời và từ trong sâu thẳm đáy lòng luôn có một âm thanh nhắc nhở chúng ta:  "ĐỪNG QUÊN CÁI CHÍNH"


Nhiều khi con người vì ham kiếm thật nhiều tiền, nhiều khi ăn chơi vô độ, hoặc chạy theo danh vọng, sắc đẹp mà quên đi cái chính của cuộc đời: 


ĐÓ LÀ CHĂM CHÚT CHO GIA ĐÌNH CHO NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU LÀ CHA MẸ, CON CÁI, VỢ CHỒNG.... là giá trị của đạo đức làm người. Nhoáng cái đã hết 80 năm. Đến khi sắp nhắm mắt mới nhận ra mình đã quên đi cái chính thì ôi thôi đã muộn.... !!! (Truyện kể và lời bàn do Sưu tầm từng tầm nguyên)

 

Tầm gì thì tầm. Tầm nguyên hay tầm thường, vẫn là những ý-tưởng vẫn được bàn đi bàn lại rất nhiều, từ tựa câu hát tiếp ở bên dưới:

 

“Tôi yêu xem một cuốn truyện hay
Tiếng chim hót đầu ngày
Và yêu biển vắng
Tôi yêu ly cà phê buổi sáng
Con đường ngập lá vàng

Tôi yêu hương vị Tết ngày xưa
Mái tranh dưới hàng dừa
Và yêu trẻ thơ
Bữa cơm canh cà và điếu thuốc
Giấc ngủ không mộng mị
Và tôi cũng yêu em

Và tôi cũng yêu em
Và tôi cũng yêu em
Yêu em rộn ràng
Yêu em nồng nàn

Tôi yêu đi bộ dưới hàng cây
Đấu vui với bạn bè
Và ly rượu ngon
Tôi yêu trong nhà nhiều cây lá
Tôi yêu những người già

Tôi yêu những gì đến tự nhiên
Những câu nói thành thật
Và yêu ngày nắng (như sương tan trong nắng mai)
Tôi yêu mặc jeans và áo trắng
Giấc ngủ không mộng mị
Và tôi cũng yêu em

Và tôi cũng yêu em
Và tôi cũng yêu em
Yêu em rộn ràng
Yêu em nồng nàn
Yêu em chứa chan” (Đức Huy – bđd)

 

Yêu gì thì vẫn thế. Vẫn là “yêu quần jeans và áo trắng”, rồi lại hát “và tôi vẫn yêu Em” nghĩa là cứ yêu dài dài, hết mọi thứ, giống như có lần bần đạo bầy tôi đây tự đặt tên cho mình là “người viết thích đủ thứ” cứ lữ thứ đường dài, dù chông gai, ai oán, rất tơi bời.

 

Thôi thì, hôm nay, có ai oán tơi bời hay sao đó, vẫn cứ xin bạn và xin tôi, cho bần đạo phiếm đôi chút gọi là “chuyện ta bà thế sự tình đời rất lôi thôi, mà thôi.

 

Vậy thì ta bắt đầu bằng một tình tự rất “phiếm” ở nhà Đạo, có câu hỏi/đáp những bảo rằng:

 

“Thưa Cha, con có người bạn cứ nói với con là chị ấy đọc sách thấy người khai quật khám phá ra rằng: ở Israel nhiều sự việc xảy ra rất đúng thật như các đấng bậc chú giải Tin Mừng từng xác quyết. Vậy câu hỏi của con hôm nay là: những điều như thế có thật hay không, xin cha cho biết con cảm ơn Cha nhiều.”  

 

Và câu trả lời của đấng bậc vị vọng tại Sydney, vẫn như sau:

 

“Đây là câu hỏi rất chí lý. Phần đông chúng ta cứ thế chấp-nhận sự đã rồi mà không cần vấn-nạn bản-văn ta sử-dụng hôm nay có là nền-tảng của niềm tin soi dọi từ bản gốc nay không; càng khó khăn hơn, khi bản gốc không còn xuất hiện thế thế-gian này. Nói theo cách tự nhiên, ta sẽ nói: giả như ta không có bản gốc nắm trong tay, thì chắc hẳn là ta không thể nắm vững rằng nó xứng hợp tuyệt diệu với gốc nguồn của văn-bản. Nhưng, đây lại là trường hợp xảy đến đối với nhưng gì được viết trong các ấn-bản kỳ-cựu nhất.

 

Trường hợp của Tân Ước, ta có lý-chứng rạch-ròi vững mạnh hơn là những gì được thấy ở các ấn-phẩm xưa cũ.

 

Khi bản văn nào đó được viết cách nay đến cả ngàn năm, thì thiên hạ cứ là sao đi chép lại rất nhiều lần và lại sao chép bằng tay nữa mới lại khó. Đúng y như rằng, hễ cứ sao chép văn bản nào bằng tay thì đương nhiên sẽ xảy ra chuyện sai quấy nảy ra khi có sự việc sao chép như thế. Chí ít, là việc sao chép lại được thực-hiện ở nơi chốn rất khác biệt về địa lý. Và hơn nữa, về thời gian, ta được biết là văn-bản gốc có ngày tháng gần với tháng ngày bản gốc được viết ra. Đây là trường-hợp xảy đến với Tân Ước, quả nhiên rất rõ ràng.

 

Cộng thêm vào với điều này, là khi phần dịch-thuật có từ thời nền văn-minh in ấn chỉ mới chớm nếu đem so các bản văn hiện có viết bằng ngôn-ngữ gốc. Trường hợp của Tân Ước, các văn-bản đều viết bằng tiếng Hy Lạp lại cộng thêm vào với các bản viết tay dịch sang La-ngữ hoặc tiếng Syria cổ và cốp-tích rồi từ các ngôn-ngữ này các vị lại dịch sang tiếng Armênia, Gô-tích, Goer-gia, Êthiôpia, vv…

 

Như thế vẫn chưa hết. Ở trường hợp Tân Ước, dù ta không có bản viết tay nào như thế nhưng vẫn có nhiều câu trích hoặc văn-bản rút từ Tân Ước, chí ít là các lời bình về Kinh Sách, các bài giảng thuyết, các thánh thư cùng bản nghị-luận này/khác của giáo-phụ được tái-bản rồi đem vào Tân Ước. Khi so các bài viết này với nhau, ta vẫn có thể thiết-lập một cách chính-xác các bản gốc như thường.

 

Nếu nhìn vào các văn-bản cổ xưa, ta thấy Giáo hội mình được chúc phúc biết chừng nào, chẳng hạn trong các cuốn ký-lục về Đế quốc La Mã được viết vào niên-biểu 116 sau Công nguyên, hiện trong 6 cuốn đầu nay chỉ còn giữ lại có một cuốn được sao chép vào năm 850 sau Công nguyên. Từ các cuốn 11 đến â, lại chỉ có bản viết tay có thời biểu ghi lại từ thế-kỷ thứ 11 , trong khi đó các cuốn 7 đến 10 bị mất hoàn toàn.

 

Trong cuốn “Chiến tranh Do-thái-giáo” của Josephus viết bằng tiếng Aram hoặc tiếng Do-thái vào năm 75 sau Công nguyên, lại cũng chỉ có 9 văn bản viết tay bằng tiếng Hy Lạp còn tồn-tại đấnh dấu thời-gian từ thế kỷ thứ 10, 11 và 12 cộng thêm bản dịch ra La ngữ từ thế kỷ thứ 4 mà thôi.

 

Đem so sánh, ta có hơn 5,000 bản Tân Ước tiếng Hy Lạp viết tay mà thôi. Bản văn sớm nhất trong số này được viết trên giấy “cổ bản” là từ giống cây sậy sống ở đồng bằng sông Nile ở Ai Cập mà thôi. Bản văn đáng kể nhất là “Chester Beaty Biblical Papyri (tức cổ bản kinh thánh Chester Beaty) có nguồn gốc trở về từ đầu thế kỷ thứ 3 được khám-phá qua khai quật vào năm 1930, thôi. Các bản này bao gồm các phần vụn vặt từ 4 Tin Mừng, Tông Đồ Công vụ, thư thánh Phaolô và sách Khải Huyền. Hơn nữa, lại cũng có các cổ bản bằng giấy bổn khác có thời-biểu tính từ đầu thế kỷ thứ 3 nữa.

 

Bản vụn viết tay trên cổ bản sớm-sủa hơn cả, thấy có 5 câu trích từ chương 18 Tin Mừng thánh Gioan có niên-biểu từ năm 100 đến năm 150 sau Công nguyên, xét theo văn-phong của cổ-bản. Xem thế thì, chính bản văn Tin Mừng có thể được viết vào cuối thế kỷ thứ nhất ở Êphêsô thuộc Tiểu Á là bản-văn xưa nhất ở Ai-cập, tức cũ/xưa hơn cả chính Tân Ước.

 

Xét con số các bản viết tay hiện còn tồn-tại từ các văn-bản khác thời xưa cũ, xuất hiện ngay sau Tân Ước là tập thơ “Illiad” của thi sĩ Homer, trong đó gồm có 650 bản viết tay và một số gồm những câu vụn vặt. Công-trình này thực-hiện trước sau năm 800 trước Công nguyên và các bản viết tay có từ thế kỷ thứ 2 và 3 sau Công nguyên, tức một thời gian khá lâu sau khi bản gốc được viết.

 

Thành thử, hẳn là ta có nền tảng vững chắc để nắm rõ bản gốc Tân Ước.” (X. Lm John Flader, Research vindicates Gospels, The Catholic Weekly 20/01/2019 tr.17)

 

Xem xét thời-gian và tính-chất nền-tảng của văn bản Tân Ước, ta mới nắm chắc được nền-tảng nhiều sự việc. Và có thế, ta càng xác quyết được ý-nghĩa của nhiều thứ khác, trong dân gian. Những thứ và những sự như xác-quyết về đời người, dù chỉ một nửa về sau, như câu truyện kể được liệt kê ở bên dưới.

 

            “Truyện, là truyện nửa đời về sau, như thế này:

 

Nửa đời về sau, hãy học được cách trầm tĩnh.

Có đôi khi bị người khác hiểu lầm, đừng tranh luận.Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện đúng sai khó có thể nói rõ ràng, thậm chí căn bản là không có hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai..

 

Nửa đời về sau, hãy học cách cúi mình.

Bạn bất đồng ý kiến với với con cái, nói chuyện mâu thuẫn với bạn bè, những điều này cũng không sao cả. Lúc này bạn cũng có thể về lau nhà... Trong lúc lao động, bạn sẽ nhận ra tâm trạng và suy nghĩ của mình dần lắng xuống.


Nửa đời về sau, hãy đừng cảm thấy hối hận.

Cuộc đời là một con đường dài với vô số ngã rẽ, và ta luôn phải lựa chọn không ngừng.. Không có cơ hội nào lặp lại, lựa chọn rồi thì đừng hối hận, có khi do Duyên, do Nghiệp đã thôi thúc khiến mình đã chọn lựa và gắn bó với những gì đã chọn.


Nửa đời về sau, hãy giữ gìn sự đơn thuần.

Suy nghĩ quá nhiều, ngược lại càng làm cuộc sống thêm phức tạp, “đơn thuần” thật ra chính là một ân huệ mà trời cao ban cho chúng ta. Cảm nhận mùi thơm của đồ ăn, nhận ra niềm vui của vận động, cùng bạn bè nói chuyện không đâu...

 

Nửa đời về sau, hãy trở nên bình thản.

Con người đến độ tuổi nào đó, tự nhiên không còn thích những gì ồn ào náo nhiệt, tâm thái bình thản giúp cho cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ.Mặc kệ là đời sống vật chất dư dả hay bần cùng, chỉ cần nội tâm bình thản, chính là sống một cuộc đời hạnh phúc.


Nửa đời về sau, đôi lúc hãy ngờ nghệch một chút.

Có những chuyện, cần hờ hững thì hờ hững, điều gì không làm rõ được thì không cần làm rõ, người nào cần lướt qua thì cứ lướt qua. Nếu như chỉ biết nhớ không biết quên, chỉ biết tính toán mà không biết cho qua, chỉ biết khôn khéo mà lại không biết vụng về… sẽ chỉ làm cuộc sống của chúng ta luôn nặng nề, phiền não.


Nửa đời về sau, hãy thỉnh thoảng buông xả bản thân.

Mỗi ngày ăn trái cây rau quả, thực phẩm lành mạnh, đừng cố thỏa mãn những thèm muốn ăn uống, vì thân thể phì nhiêu trong tuổi xế chiều thì nặng nhọc biết bao nhiều..  Tuy nhiên, cũng không nên gò ép bản thân mình quá, hãy thưởng thức mọi huong vị của cuộc sống trong sự chừng mực sẽ thấy tâm hồn và thể xác thanh tao hơn…


Nửa đời về sau, hãy thường xuyên chúc phúc người khác.

Chúng ta đối đãi với người khác thế nào, họ cũng sẽ đối đãi với ta như vậy. Cho nên, hãy thường xuyên khen ngợi bạn bè, con cháu của mình, thậm chí cả người xa lạ cũng đừng tiếc một lời chúc phúc ! Khi bạn làm cho người khác vui vẻ, bạn sẽ nhận ra rằng mình còn được dâng lên trong lòng dào dạt những niềm vui... (Từ Tâm)

  

Xem thế thì, dù là “nửa đời về sau” hoặc “nửa đời người khi trước” cũng vẫn là và sẽ là toàn bộ cuộc đời của con người, trong đó có tôi, có bạn và mọi người trong cõi thế. Xem như thế, cuộc không chỉ mỗi thế mà còn hơn thế nữa. Hơn, cả nửa trước lẫn nửa sau một cuộc đời. Chỉ thế thôi.

 

 

Trần Ngọc Mười Hai

Và những nửa cuộc đời

hoặc nguyên cả một đời người

không còn gì để tiếc nuối.