Cách thức phân định
CÁCH THỨC PHÂN ĐỊNH
Con người sống trên đời thường có rất nhiều vấn đề liên quan đến thể chất cũng như tâm linh, chẳng hạn như: phải hiểu rõ cương vị của bản thân trong gia đình (là chồng hay là vợ, là cha mẹ hay con cái, là anh chị hay là em…). Cũng rất cần thiết hiểu rõ vai trò của mình nơi cộng đồng, ngoài xã hội. Mỗi cương vị có cách ứng xử riêng, vì thế cần phải biết phân định để ứng xử cho đúng với cương vị của mình. Đó là lý do khiến Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ấn định chủ đề Phụng vụ tháng 6/2019 là: CÁCH THỨC PHÂN ĐỊNH.
I.- ĐÀO TẠO KHẢ NĂNG PHÂN ĐỊNH:
Đào tạo khả năng phân định luân lý trong đồng hành nơi gia đình hay ngoài xã hội là việc cần thiết; đó là chưa kể còn phải biết phân định thiêng liêng để sống xứng đáng với ơn gọi của mình. Trong quá trình rèn luyện khả năng phân định, có thể nói “tự đào tạo” là một bước đi cần thiết. Bởi vậy, trước tiên phải có khả năng phân định và những trải nghiệm thực tế mới có thể tự giúp mình và giúp người khác được.
Vấn đề tự đào tạo khả năng phân định đòi hỏi một cách bắt buộc nơi người giữ vai trò đồng hành, tức là người giúp cho người khác biết phân biệt đúng sai, tốt xấu. Còn đối với người thụ hưởng thì không bắt buộc. Tuy không bắt buộc, nhưng nếu có được khả năng này thì việc phân định sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn. Những người chưa có khả năng này vẫn có thể phân định thành công nhờ sự hướng dẫn, giúp đỡ của người khác có kinh nghiệm và kỹ năng. Đây cũng chính là lý do cốt yếu dẫn đến nhu cầu cần có những người đồng hành thiêng liêng vững vàng.
Tuy tự đào luyện là một bước căn bản của cả người hướng dẫn lẫn người thụ hướng, nhưng trong giới hạn của bài viết này, chỉ xin bàn đến việc đào tạo khả năng phân định căn bản chung cho mọi người, nghĩa là việc tự rèn luyện khả năng phân định của mỗi người nhắm tới mục đích là giúp chính bản thân mình trước. Có thể nói, về căn bản, để có được một khả năng tốt trong việc phân định, trước tiên cần lưu ý việc đào tạo nhân bản như là việc tạo một nền móng cần thiết cho mọi hoạt động khác. Đồng thời cũng phải chú trọng việc rèn luyện thiêng liêng, yếu tố quyết định và quan trọng nhất để có được khả năng phân định thần khí.
II.- CÁCH THỨC PHÂN ĐỊNH:
A- Rèn luyện nhân bản: Đạo Công Giáo có một quan điểm dứt khoát là “sống đạo giữa đời”. Nói cách cụ thể, Ki-tô giáo luôn mong muốn cho các tín hữu được nên thánh giữa cuộc đời trần thế. Muốn nên thánh, tất nhiên phải là một Ki-tô hữu tốt, mà một Ki-tô hữu tốt trước hết phải là một con người tốt trong xã hội, đó là một chân lý. Như vậy, để có thể trở nên một người vững vàng trên đường thiêng liêng và có thể nhận định đúng đắn, chắc chắn trong việc phân định, thì trước hết phải là con người có nhân bản tốt.
1. Nhận biết chính mình: Việc phân định trước tiên là khả năng nhìn thấy rõ những vấn đề trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, trong các yếu tố hình thành nên các biến cố; đặc biệt nhất là thấy rõ bản thân mình. Muốn đánh giá bản thân một cách chính xác và chân thực, cần phải biết rõ đâu là yếu tố quyết định bản chất và phẩm giá con người. Điều này đòi hỏi con người phải biết quy chiếu vào những giá trị chân thiện mỹ đích thực để thấy được chính mình. Tự biết mình là yếu tố rất quan trọng để con người đạt tới sự trưởng thành.
Muốn nhận biết chính mình, cần phải ra khỏi bản thân để có cái nhìn khách quan về “cái tôi” của minh. Thật vậy, “Chúng ta không thể khám phá ơn gọi đặc thù và riêng biệt mà Chúa đã nghĩ ra cho chúng ta, nếu chúng ta khép kín nơi mình, trong những thói quen và trong sự thụ động của người phí phạm cuộc đời trong cái vòng chật hẹp của cái tôi, đánh mất cơ hội mơ ước những điều cao cả và trở thành người nắm vai chính trong lịch sử duy nhất và đặc sắc mà Chúa muốn viết lên cùng với chúng ta.” (xc Sứ điệp “Ngày Thế Giới Ơn Gọi lần thứ 55”).
2. Luyện óc phán đoán: Khi đã nhận biết bản thân, cần thao luyện óc phán đoán để đánh giá đúng con người thật của mình, ngõ hầu phân định được những vấn đề cần thiết. Phán đoán là hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng, là cách thức liên hệ giữa các khái niệm, phản ánh mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng trong ý thức của con người. Phán đoán là sự phản ánh những thuộc tính, những mối liên hệ của sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan. Ngoài ra, phán đoán còn dựa trên những cơ sở, những dữ liệu đã có, để đưa ra những phán quyết, những nhận định theo chiều hướng tư duy trừu tượng; đồng thời có thể suy luận hay tiên đoán những trạng huống tiếp theo. Trong việc phân định thần khí, óc phán đoán rất cần thiết dựa trên những dấu chỉ cụ thể là các hiện tượng, các sự kiện hay vấn đề liên quan, để từ đó đọc được những dấu chỉ của thời đại, nhận định được điểm xuất phát từ nguyên ủy vấn đề. Để việc rèn luyện nhân bản đạt hiệu quả, cần phải rèn luyện óc phán đoán.
B- Rèn luyện tâm linh: Ơn phân định thần khí là một ơn do Chúa Thánh Thần thông ban. Như vậy, phân định thần khí là việc của đời sống thiêng liêng. Khi xác định đời sống nhân bản tốt là nền tảng nuôi dưỡng và phát triển khả năng phân định, thì giá trị của việc rèn luyện thiêng liêng là yếu tố quyết định khả năng phân định thần khí. Việc rèn luyện tâm linh bao gồm 2 lãnh vực chủ yếu: Đời sống nội tâm + Đời sống đức tin:
1. Đời sống nội tâm: Đời sống nội tâm đòi hỏi con người cần biết thinh lặng. Trong bối cảnh ồn ào và náo động của xã hội, thinh lặng là bầu khí thiêng liêng cần có để có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, đồng thời giúp bản thân biết lắng nghe Lời Chúa. Việc đào luyện thiêng liêng đòi hỏi mỗi người biết sống thinh lặng trong cuộc sống hằng ngày, trong cử hành phụng vụ và những thời gian đặc biệt như tĩnh tâm, linh thao…, nhờ đó con người nhận biết chính mình để khiêm tốn và học hỏi anh em.
Sự thinh lặng nội tâm là sự bình an của linh hồn, nghĩa là nỗ lực kiểm soát các đam mê, kiềm chế những dục vọng, lo âu, những kích động thái quá hay những suy sụp chán nản. Người giữ được thinh lặng nội tâm thường không phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh bên ngoài. Khi đã có được sự thinh lặng nội tâm, cần biết lắng nghe và xét mình. Biết lắng nghe là điều cần thiết để có thể có được những cơ sở cho sự phân định. Lắng nghe bao hàm cả 3 lãnh vực: * Lắng nghe Lời Chúa; * Lắng nghe tha nhân; * Lắng nghe nội tâm (nhìn lại mình để xét mình).
2. Đời sống Đức tin: Thông điệp “Ánh sáng Đức tin “Lumen Fidei” (số 21) khẳng định: “Chúng ta có thể hiểu sự mới mẻ mà đức tin dẫn chúng ta đến. Người tín hữu được biến đổi bởi Tình Yêu mà họ đã mở lòng ra đón nhận trong đức tin, và qua việc mở lòng ra đón nhận Tình Yêu mà đức tin ban cho họ, cuộc đời của họ rộng mở vượt ra ngoài chính mình… Trong đức tin, “cái tôi” của người tín hữu mở rộng để có chỗ cho Người Khác cư ngụ, để sống trong Người Khác, và cuộc sống của người ấy cũng mở rộng ra trong Tình Yêu. Ở đây có hoạt động của Chúa Thánh Thần. Người Ki-tô hữu có thể có đôi mắt của Chúa Giê-su, những tình cảm của Người, và tâm tình con thảo của Người, bởi vì người đó được thông phần vào Tình Yêu của Người, Tình Yêu ấy chính là Chúa Thánh Thần. Chính trong Tình Yêu này mà chúng ta, một cách nào đó, nhận được cái nhìn riêng của Chúa Giê-su.”
Chính là nhờ đức tin, con người tự cứu được mình, khi họ mở lòng mình ra đón nhận Tình Yêu vốn đi trước họ và biến đổi họ từ bên trong. Và đây là hành động đích thực của Chúa Thánh Thần: Ki-tô hữu có thể nhìn bằng con mắt của Chúa Giê-su và chia sẻ tâm trí của Người, chia sẻ Tình Yêu vốn là Thần Khí của Người. Cách sống này là kết quả của một quá trình thao luyện đời sống thiêng liêng và đức tin. Chính nó cũng là một yếu tố góp phần thúc đẩy đời sống đức tin mỗi ngày một vững vàng và sinh động hơn. Để sống đức tin một cách sống động, cần phải cố gắng nhìn mọi sự như Thiên Chúa nhìn, trong trật tự của Thiên Chúa. Nói cách cụ thể là để cho ánh sáng của đức tin chiếu sáng trên tất cả mọi hoạt động của bản thân.
C- Hiểu đúng vấn đề: Bình thường, vấn đề phân định thường bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau, tập trung vào 2 mặt chủ yếu: “Phân định luân lý” và “Phân định tâm linh”.
1. Phân định luân lý: Phân biệt điều tốt, điều xấu, dựa trên những nguyên tắc tổng quát của luân lý. Sự phân định này cũng quen được gọi là “phân định lương tâm”. Ấy cũng bởi vì “Với lương tâm, chúng ta nhận trách nhiệm về những hành vi đã thực hiện. Nếu con người làm điều xấu, phán đoán ngay chính của lương tâm làm chứng cho chân lý phổ quát của điều thiện và tố cáo việc lựa chọn sai trái. Lời kết án của lương tâm có thể dẫn con người đến hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi xác định lỗi lầm đã phạm, lương tâm nhắc nhở ta phải cầu xin ơn tha thứ, thực hành điều thiện và luôn trau giồi nhân đức nhờ ân sủng của Thiên Chúa trợ giúp…" (xc. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1777-1782).
2. Phân định tâm linh: Phân định tâm linh còn gọi là phân định thiêng liêng, phân định thần khí. Phân định tâm linh là sự lựa chọn giữa điều tốt và điều tốt hơn (hoàn hảo). Đây là sự lựa chọn mang tính cá biệt: tìm hiểu ý muốn của Thiên Chúa qua sự thúc đẩy trong tâm hồn; nhận ra cơn cám dỗ của ba thù (Ma quỷ – Thế gian – Xác thịt) để bác bỏ nó và tiếp tục bước trên hành trình tiến tới sự viên mãn của đời sống. Vì thế, muốn phân định điều gì thì đầu tiên người phân định cần phải hiểu đúng điều ấy, và hiểu đúng lý do tại sao muốn phân định điều ấy. Đồng thời phải nêu ra cho đúng, cho đủ, cho cặn kẽ và thật cụ thể lý do khiến bản thân muốn phân định. Điều này rất quan trọng vì nó giúp nhận ra có nên tiến hành việc phân định hay không.
D- Trau giồi kiến thức: Dù việc phân định thần khí nằm trong lãnh vực của đời sống thiêng liêng, nhưng việc trau giồi để có một vốn kiến thức nền tảng đầy đủ là việc không thể bỏ qua. Trong đời sống con người, các yếu tố vật chất, tinh thần và thiêng liêng tuy có thể phân biệt nhưng không thể tách rời. Tất cả đều có liên quan và tác động hỗ tương với nhau. Muốn có đời sống nhân bản tốt, thuần thục về thiêng liêng, cần phải biết luôn luôn trau giồi kiến thức.
1. Nắm vững kiến thức xã hội căn bản: Theo chương trình đào tạo văn hóa bình thường, học hết chương trình căn bản ở các lớp phổ thông là con người đã có được những kiến thức nền tảng khá phong phú trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Tuy có những kiến thức chẳng bao giờ dùng đến một cách chuyên biệt cho việc mưu sinh, nhưng thực tế nó thường xuyên trợ giúp trong việc nhận thức các kiến thức khác, hay nhận định các vấn đề khác. Có kiến thức nền tảng tốt là một điều kiện thiết yếu để có thể phán đoán chính xác khi phải phân định một vấn đề luân lý hoặc tâm linh.
2. Tìm hiểu Thánh Kinh và Thánh truyền: Cần có hiểu biết về việc chú giải để có thể hiểu các sách và các bản văn Thánh Kinh theo ý nghĩa nguyên thủy của nó. Việc học hỏi Thánh Kinh và Thánh truyền giúp cho người tín hữu những kinh nghiệm quý báu và một nền tảng vững vàng trong việc thực hành phân định đời sống thiêng liêng nói chung và việc phân định thần khí nói riêng. Thực tế không đến mức đòi hỏi mỗi người phải là nhà chuyên môn về thần học; nhưng tối thiểu, cần có nền tảng thần học căn bản để có đủ khả năng nhận thức những phát biểu tín lý trong đời sống Giáo hội, mà trong đó người giáo dân tiếp nhận. Hiểu biết những kinh nghiệm thiêng liêng khác nhau của Ki-tô Giáo và biết cởi mở đón tiếp những kinh nghiệm ngoài Ki-tô Giáo cũng giúp vượt qua được “cái tôi” và biết tôn trọng những kinh nghiệm đa dạng của nhân loại về Thiên Chúa.
E- Cầu nguyện và sống: Để có thể sống một đời sống đức tin thì trước hết phải biết “Cầu nguyện”. Yếu tố quan trọng nhất trong việc đào tạo thiêng liêng là cầu nguyện. Cầu nguyện là dấu chỉ sự sống trong đời sống thiêng liêng, bởi chính việc cầu nguyện nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng. Do đó, việc cầu nguyện – vốn là cách biểu lộ đặc biệt đức tin và đức cậy của người tín hữu – sẽ không bao giờ bị gián đoạn hoặc kết thúc nửa chừng. Chính việc cầu nguyện là phương thức sống đức tin một cách sống động.
1- Cầu nguyện: Muốn sống đời sống tâm linh (bao gồm cả đời sống nội tâm và đời sống đức tin), điều tiên quyết đặt ra là phải cầu nguyện, kiên trì cầu nguyện. Có 2 phương cách cầu nguyện:
a. Cầu nguyện chung: Cầu nguyện chung là hình thức thờ phượng chung với cộng đoàn, bao gồm Thánh lễ, các giờ kinh Phụng vụ và các giờ Cầu nguyện cùng với cộng đoàn. Cần tìm hiểu và thực hành cách chu đáo để hiểu rõ sự phong phú và cảm nghiệm được ý nghĩa của việc thực hành này, ngõ hầu cầu nguyện được đảm nhận như một bổn phận quan trọng trong sự hiểu biết và xác tín.
b. Cầu nguyện riêng: Việc cầu nguyện riêng của mỗi cá nhân là một thực hành thiêng liêng cần thiết cho đời sống đức tin để có được một tương quan sâu xa với Thiên Chúa. Các hình thức cầu nguyện cụ thể, thông dụng thường được biết đến như: Lectio Divina (Đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện), nguyện ngắm, hồi tâm, xét mình… Một điều cần lưu ý khi thực hành cầu nguyện riêng là không được bi quan và chán nản trước những khó khăn gặp phải khi cầu nguyện. Trong cầu nguyện cá nhân, đặc biệt là thinh lặng cầu nguyện và suy gẫm trong tâm trí, có nhiều sự chia trí lấn chiếm đầu óc và cản trở cầu nguyện; tất cả hãy dâng cho Chúa vì chỉ có Chúa Thánh Thần tác động mới cầu nguyện có hiệu quả.
2- Sống: Thiên Chúa tiếp tục giáng thế để cứu vớt nhân loại và cho con người được tham gia sứ mạng của Người. Thiên Chúa luôn kêu gọi sống với Người và đi theo Người trong một tương quan gần gũi, thân tình đặc biệt, trực tiếp phụng sự Thiên Chúa. Và nếu Thiên Chúa cho mọi người hiểu Người mời gọi hãy tận hiến cho Nước Chúa, thì người tín hữu không được sợ hãi! Thật là một hồng ân lớn lao khi được hoàn toàn và mãi mãi tận hiến cho Thiên Chúa và cho việc phục vụ anh chị em.
Trong ý nghĩa việc sống cho Thiên Chúa và cho anh chị em, Sứ điệp “Ngày Thế Giới Ơn Gọi lần thứ 55” khẳng định: “Ngày hôm nay, Chúa tiếp tục kêu gọi đi theo Ngài. Chúng ta không được chờ đợi cho đến lúc hoàn hảo mới quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa ”này con đây”, và cũng đừng kinh hãi vì những giới hạn và tội lỗi của chúng ta, nhưng đón nhận tiếng Chúa với tâm hồn rộng mở. Lắng nghe tiếng Chúa gọi, phân định sứ mạng riêng của chúng ta trong Giáo Hội và trong thế giới, và sau cùng sống ơn gọi ấy trong ”ngày hôm nay” mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Xin Mẹ Maria rất thánh, thiếu nữ bé nhỏ ở ngoài biên, Người đã lắng nghe, đón nhận và sống Lời Chúa nhập thể làm người, gìn giữ và luôn đồng hành với chúng ta trong hành trình của chúng ta.”
Kết luận:
Tóm lại, đời sống thiêng liêng thuộc về mỗi cá nhân. Ngoài Chúa ra, chẳng ai hiểu mình hơn chính mình. Vì vậy, việc tự đào tạo là cần thiết và tối quan trọng trong quá trình thao luyện thiêng liêng của mỗi người. Việc tự đào tạo khả năng phân định thần khí cũng mang những ý nghĩa đó. Tự mình đào luyện, con người sẽ thấy rõ được chính mình để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Và quan trọng hơn là thành công của việc tự đào luyện đem đến cho con người một khả năng bền vững, vì nó được uốn nắn phù hợp với từng cá nhân theo những đặc thù riêng biệt.
Để phân định thiêng liêng, cần phải có một tình yêu đặc biệt đối với Thiên Chúa và Mẹ Maria. Xin hãy hướng về Đức Mẹ Maria, Mẹ Hội Thánh và Mẹ của Đức Tin, và dâng lời cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp đỡ chúng con trong lãnh vực phân định! Cúi xin Mẹ mở tai chúng con để chúng con biết lắng nghe Lời Chúa và nhận ra giọng của Thiên Chúa cùng lời mời gọi của Người dành cho chúng con. Xin đánh thức trong lòng chúng con ước muốn đi theo bước chân của Ngôi Lời, ra đi từ vùng đất của chúng con và nhận được lời hứa của Người. Xin giúp chúng con để chúng con được tình yêu của Người chạm đến, và để chúng con có thể chạm vào Người trong đức tin. Xin giúp chúng con phó thác hoàn toàn cho Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa, cũng là con của Mẹ, và tin vào tình yêu của Người, đặc biệt là trong những lúc bị thử thách của thập giá, khi chúng con gặp khó khăn thử thách trong phân định thần khí. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết: