Sửa lại mà dùng
SỬA LẠI MÀ DÙNG
Tâm lý ứng dụng trong Hôn Nhân
Trần Mỹ Duyệt
Bạn hỏi tôi: “Có nên ly dị không? Nếu không may lấy phải anh chồng hoặc cô vợ cà chớn thì sao?”Với kinh nghiệm cá nhân cùng với những hiểu biết trong lãnh vực chuyên môn, câu trả lời là “không nên”. Tại sao? Xã hội hôm nay đã mặc nhiên cho phép ly dị, và ly dị được coi như một cái quyền. Nếu tôi nói “nên” ly dị nữa thì cũng chẳng thêm bớt gì cho hiện tượng hôn nhân ngày nay mà còn bị gán cho tội “vẽ đường cho hươu chạy”. Do đó, nói không nên ly dị là một câu trả lời mà tôi cho là hợp tình, hợp lý nhất.
Trước khi đi vào những phân tích của vấn đề, tôi muốn nhắc lại một câu truyện mà tôi cho là nền tảng cho triết lý sống của tôi, triết lý “sửa lại mà dùng” trong hôn nhân. Câu truyện được bắt đầu:
Hôm đó, chúng tôi đang ngồi nói chuyện linh tinh với nhau về đề tài hôn nhân gia đình, giáo dục, xã hội, một chị trong số các bạn của tôi đã phát biểu: “Tại sao lại phải bỏ đi người mà mình đã lấy làm chồng. Đó chẳng phải là tự mình đã chọn sao? Bây giờ nó hư thì “sửa đi mà dùng” chứ.” Rồi chị giải thích thêm: “Cả một thời gian theo đuổi, tìm hiểu, nhớ thương, giận hờn. Cả năm năm, mười năm, hai mươi năm, có khi hơn nữa sống với nhau mình biết rõ người ta như thế nào, cá tính, tập quán, và cả những suy nghĩ nữa bỗng dưng vì vài bất đồng hay bất hòa mà bỏ thì có phải là một quyết định trưởng thành và khôn ngoan không? Ca dao Việt Nam chẳng nói sao: “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.
Câu chuyện hôm đó đã đưa tôi đến một suy nghĩ thực tế mà theo tôi, nó cũng đúng trong ứng dụng tâm lý sống. Theo tâm lý đó, và cũng dựa vào khảo cứu, một người đã ly dị một lần thường có khuynh hướng ly dị những lần kế tiếp. Kết quả là cuộc sống người đó rất bất ổn, phần lớn dựa trên những phán đoán cảm tình, những suy nghĩ thiếu trưởng thành. Vui buồn lẫn lộn, sống đó mà cứ nuôi trong lòng ý tưởng, “hễ không hợp thì bỏ”. Nhưng thế nào mới hợp, thì chính người đó cũng không có câu trả lời. Tìm đâu ra được người lúc nào cũng phải hiểu, phải chiều, và phải như ý mình. Ngay bản thân của chúng ta rất nhiều lúc cũng tự cảm thấy không hài lòng với chính mình, như vậy đòi hỏi người chồng hoặc người vợ lúc nào cũng như ý mình là một đòi hỏi không thực tế và vô lý.
Trở lại lý thuyết “sửa để xài” ứng dụng trong đời sống hôn nhân nghe như khôi hài nhưng là một ý nghĩ thực tế và tích cực. Thí dụ, nếu chồng hoặc vợ có những hành động, lời nói, lối suy nghĩ không phù hợp với mình thì việc đầu tiên là chính ta phải đặt mình vào trường hợp vợ hoặc chồng mình để suy nghĩ, tìm hiểu trước khi kết luận hoặc phê phán. Làm như vậy sẽ giúp ta hiểu được vợ hoặc chồng, đồng thời không tự cho phép mình phán đoán, phê bình người phối ngẫu một cách vô tội vạ, vô căn cứ. Biết đâu hành động ấy, lời nói ấy chẳng phát xuất từ tấm lòng yêu thương mà người đó dành cho mình sao? Trong thực tế, chúng ta phải chấp nhận sự thật này là có quá nhiều lần mình trách móc, khó chịu hoặc giận dỗi vợ hay chồng, mà thực ra những việc không hài lòng ấy phát xuất từ chính ta chứ không vì những lỗi lầm của vợ hoặc chồng.
Nhưng nếu người vợ hoặc chồng có khuyết điểm nào đó thì chúng ta phải làm gì? Cần phải biết phân biệt con người và cử chỉ hoặc thái độ của người ấy. Con người của chồng hay vợ là con người toàn diện mà mình đã chọn, đã lấy, chỉ có cử chỉ, thái độ là cái mà chúng ta cần phải phân biệt và chấp nhận. Thí dụ, chồng là người hướng nội, ưa trầm tĩnh và suy tư, nhưng nếu gần đây anh hay cáu gắt, khó chịu, thì cái cáu gắt và khó chịu ấy không phải là chồng mình, và đó là cái mà người vợ phải tìm hiểu. Biết đâu vì mình đã tạo nên lý do cáu gắt và khó chịu ấy, hoặc biết đâu chồng hay vợ có những chuyện buồn và khó lòng chia sẻ. Trong trường hợp ấy, và hầu như trong nhiều trường hợp tương tự, chúng ta phải sửa lại, phải tìm cách sửa sai để không rơi vào một kết luận rất mơ hồ và dễ gây đổ vỡ hạnh phúc, đó là: “Người hiền thì hay cộc!” Tâm tính hiền và cử chỉ cộc cằn không liên quan gì với nhau.
Nhưng câu hỏi quan trọng có thể được nêu lên là nếu những khác biệt, những sai sót quá không thể thay thế được, không thể sửa sai được liệu có cần phải tiếp tục cuộc hôn nhân nữa hay không?
Không. Nhưng cái không đó phải có đủ những lý do chính đáng và khách quan. Nó không dựa vào những cảm xúc hoặc lỗi lầm chủ quan của cả hai người trong cuộc. Thánh Kinh đã ghi rõ: “Từ đầu đã không xẩy ra như vậy. Nhưng do sự cứng lòng mà Maisen đã cho phép làm tờ ly dị” (Mt 19:8).
Cái cứng lòng đó hiển nhiên là sự cứng lòng không muốn thay đổi quan niệm và lối sống. Sự cứng lòng này không liên quan gì đến tâm tính hướng nội, hướng ngoại của một người. Tâm lý gọi là “những khác biệt không thể hàn gắn” - irreconcilabledifferences.
Tiếp đến là những cứng lòng có chủ ý: Gồm gian dối khi bước vào hôn nhân, lường gạt thể xác, tinh thần, và tài chánh của nạn nhân, dấu giếm những khuyết điểm thể lý, tâm lý, tinh thần dẫn đến một hôn nhân què cụt, cưỡng bức, hoặc lầm lỡ cho nạn nhân là chồng hay vợ.
Trong đời sống hôn nhân, và qua những kinh nghiệm thường ngày con số những người bước vào hôn nhân với những thứ “cứng lòng” trên chắc không nhiều. Nhưng có thể là do cả hai cái tôi được thể hiện qua lối sống đã tạo nên những nguyên nhân đưa đến đổ vỡ. Hoặc do sự thiếu hiểu biết, thông cảm và chia sẻ. Trong những nguyên nhân ấy còn có tâm lý nhàm chán, tâm lý buông xuôi và bỏ cuộc, tâm lý “cỏ nhà hàng xóm xanh hơn cỏ nhà mình”. Những thứ này đều có thể sửa được vì nó không phải là con người của chồng hoặc vợ, nhưng là những thái độ sống, lối sống biểu hiện cần được chấp nhận, uốn nắn và sửa đổi.
Con người của mỗi người bao gồm toàn bộ thể lý, tâm lý, tâm linh, nhưng thái độ là những lối diễn tả của mỗi người. Nó có thể bị ảnh hưởng bởi gia đình, giáo dục, và hoàn cảnh xã hội. Nó có thể đôi khi không được như ý ta, không hài lòng ta. Vậy nên phải sửa để dùng.
Sửa đi mà dùng. Đồ dùng trong nhà, xe cộ, máy móc hư thì sửa để dùng, người chồng, người vợ nếu làm mất lòng ta thì sửa cho họ, sửa cả cho mình. Mua một chiết xe, mua một ngôi nhà còn khó huống hồ “mua” được người chồng hoặc người vợ mà mình đã sống với họ cả chục năm, hầu như cả đời ngu gì mà bỏ.