Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cảm nghiệm tâm linh

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

CẢM NGHIỆM TÂM LINH (CN XVII/TN-C)

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay (CN XVII/TN-C) mời gọi người Ki-tô hữu thông phần vào cảm nghiệm tâm linh khi cầu nguyện. Bài đọc 1 (St 18, 20-32) là một minh họa đầy đủ ý nghĩa nhất. Khi tội lỗi tràn ngập xứ Xơ-đôm, Ap-ra-ham đã khẩn thiết van nài Đức Chúa, cho đến khi có được lời Người hứa là không tiêu diệt thành Xơ-đôm nữa nếu như tìm được mười người công chính. Ap-ra-ham đã cảm nhận được tột đỉnh của lòng thương xót Chúa là tha thứ. Bài đọc 2 là thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-lô-sê (Cl 2, 12-14) trình thuật chính Chúa Giê-su đã chịu đóng đinh vào thập giá để cứu chuộc con người tội lỗi. Qua Phép Rửa, Chúa ban ơn thanh tẩy người tín hữu khỏi tội lỗi và làm cho họ trở nên những con người mới, những người con của Thiên Chúa, bạn của Đức Giê-su. Tới bài Tin Mừng, Đức Ki-tô dạy môn đệ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha.

 

Thường khi suy niệm bài Tin Mừng CN.XVII/TN-C (Lc 11, 1-12), đa số chỉ tập trung vào Lời Chúa Giê-su dạy cách thức cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Chuyện đó cũng dễ hiểu, bởi đó là Lời dạy của chính Con Một Thiên Chúa về điều răn trọng nhất: “Mến Chúa + yêu người” (“yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu người thân cận như chính mình” – Mt 22, 37); đồng thời đó cũng là điều răn chủ yếu, quan trọng nhất của Ki-tô Giáo. Tuy nhiên, nếu bao quát cả bài Tin Mừng, thì thấy sau Lời dạy cầu nguỵên bằng kinh Lạy Cha, Đức Giê-su lại kể câu chuyện “Người bạn quấy rầy” và kết thúc bằng Lời dạy “Cứ xin thì sẽ được”. Như vậy thì đoạn Tin Mừng này (cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha) có ý nghĩa như thế nào?

 

Trước hết thì phải tìm hiểu xem cầu nguyện là gì và vì sao Đức Giê-su lại dạy cầu nguỵên bằng kinh Lạy Cha? Theo sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (điều 2626-2643), thì “Cầu nguyện là nâng tâm hồn và trí khôn lên với Chúa”, Cầu nguyện là “Chúc tụng và thờ lạy + Khấn xin + Chuyển cầu + Tạ ơn + Ngợi khen”. Đó chính là phương cách hàng đầu giúp người tín hữu đến với Thiên Chúa, để nhờ đó Lời Người biến đổi cuộc đời của họ. Chính Đức Giê-su Ki-tô – Người là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật – mà cũng luôn luôn cầu nguyện, cầu nguyện đến độ đổ cả mồ-hôi-máu ra nơi vườn Ghết-sê-ma-ni (Lc 6, 12; 9, 18.28; 11, 1; 22, 32.41; 23, 34). Và chính Người cũng đã nhiều lần dậy các môn đệ cầu nguyện (Lc 6, 28; 18, 1; 21, 36; 22, 40).

 

Một cách khái quát, cầu nguyện là con người giao tiếp, giao hòa với thần linh (“cầu nguyện là nâng tâm hồn và trí khôn lên cùng Thiên  Chúa”). Khi đã nói đến giao tiếp, giao hoà, thì cầu nguyện không chỉ đơn thuần là “cách thế” này hay “phương thức” kia, mà phải là “tổng hơp tương giao sống động” của toàn thân người cầu nguyện với Thiên Chúa. Tiên vàn thì phải có Đức Tin + Đức Cậy + Đức Mến thực sự (phải thực lòng TIN tưởng, mới hết lòng MẾN yêu và  sẵn lòng CẬY trông). Cầu nguyện là “dốc bầu tâm sự”, là “thổ lộ tâm can”, nhưng cũng đồng thời là “chiêm ngắm, suy niệm”, là “thinh lặng lắng nghe”. Cầu nguyện là “khẩu tụng tâm suy” khi đọc kinh, là “hiệp thông, hoà giải” khi dâng lễ, là “năng nổ, nhiệt tình” khi hoạt động tông đồ bác ái, là “quên mình, hy sinh” khi phục vụ. Tắt một lời, cầu nguyện là sống “hết mình, hết sức” trong giao tiếp với Thiên Chúa và hoà giải với anh em.

 

Còn vì sao Đức Ki-tô lại dạy môn đệ cầu nguỵên bằng kinh Lạy Cha? Trước khi dạy cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, Đức Giê-su đã dạy: “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6, 6). Ấy cũng bởi vì: “bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi Người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.” (Ga 14, 13-14). Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, vâng lệnh Chúa Cha xuống thế thực thi sứ vụ cứu độ nhân loại, nên bất cứ việc gì Người thực hiện nơi trần thế đều vâng theo Thánh ý Chúa Cha. Cứ nghe Lời Đức Ki-tô cầu nguỵên nơi vườn Ghết-sê-ma-ni thì đủ rõ: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26, 39). Thậm chí trước khi chết treo trên thập giá, Người còn cầu nguyện cùng Chúa Cha để xin tha cho kẻ đã làm khốn mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 43)

 

Trong Thông điệp “Ánh sáng Đức tin – Lumen Fidei” (số 46), ĐTC Phan-xi-cô viết: “Trước hết là Kinh Nguyện của Chúa, kinh “Lạy Cha”. Trong kinh này các Ki-tô hữu học cách thông phần vào cảm nghiệm tâm linh của Đức Ki-tô và nhìn mọi sự bằng cặp mắt của Người. Từ Người, Đấng là Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Con Một Đức Chúa Cha, chúng ta biết Thiên Chúa và do đó có thể làm dấy lên trong những người khác ao ước đến gần Người.” Quả thế, khi cầu nguyện chính là lúc người tín hữu giao tiếp, giao hòa với Thiên Chúa, là trực tiếp thông phần vào cảm nghiệm tâm linh của chính Con Người đã dạy phương thức “cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha”, để có thể “nhìn mọi sự bằng cặp mắt của Người” (cũng tức là “được Đấng Toàn Năng cho nhìn linh thị, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần.” – Ds 24, 16), ngõ hầu “được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Pl 3, 10-11).

 

Nội dung kinh Lạy Cha bao hàm điều răn trọng nhất của Ki-tô Giáo là “Mến Chúa + Yêu người". Khi người tín hữu đã thật sự “yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” thì đương nhiên “có tin thật trong lòng mới xưng ra ngoài miệng” (Rm 10, 10) lời chúc tụng, ngợi khen “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Và nếu quả thật người tín hữu “yêu người thân cận như yêu chính mình” thì những lời khấn xin Thiên Chúa ban cho bản thân thế nào thì cũng cầu xin Người ban cho tha nhân (là “những người thân cận” của mình) như vậy. Xin lương thực hàng ngày cho mình, chẳng lẽ lại để cho anh em đói hay sao? Như thế thì có còn là yêu người như yêu chính bản thân mình (“ái nhân như ái thân”) nữa không? Xin “tha nợ cho chúng con” thì chúng con cũng phải “tha kẻ có nợ chúng con” mới là phải lẽ. Cuối cùng thì xin không chỉ cứu “một mình con” mà là cứu tất cả “chúng con” cho khỏi sự dữ.

 

Như vậy là đã rõ vì sao Đức Giê-su lại dạy môn đệ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha. Duy có một điều cần lưu ý là khi cầu nguyện, người Ki-tô hữu cần thực hiện việc cầu nguyện theo đúng nội dung Người Thầy Chí Thánh đã truyền dạy, chớ không chỉ là đọc thuộc lòng kinh Lạy Cha như cái máy, hoặc lải nhải tràng giang đại hải xin hết ơn này tới ơn khác ("Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin." (Mt 6, 7-8).

 

Và nhất là "khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh." (Mt 6, 5-6). Khi đã toàn tâm toàn ý “tâm sự với Chúa” thì những cử điệu bên ngoài – nếu có – cũng phải xuất phát từ trong thẳm sâu tâm hồn của tín hữu, chớ không phải là a dua, bắt chước người này, người khác (bặm môi, méo miệng, nhăn mặt, chau mày, sùi sụt … cho "ra vẻ"). Vậy thì phải làm sao?

 

Đức Giê-su đã dạy người tín hữu phải nói gì khi cầu nguyện, nhưng Người cũng chỉ cho thấy một phương thức cầu nguỵên đặc biệt là: "quấy rầy Thiên Chúa". Vâng, xin hãy cầu nguyện như “người bạn quấy rầy”. Lần giở lại từ đầu bài Tin Mừng, Đức Giê-su dạy cầu nguyện, mà ở đây là cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha. Tiếp liền đó, Người kể câu chuyện một người bạn đến xin bạn bánh vào nửa đêm. Từ chối, nhưng ngưới bạn ấy cứ lì ra đó, chắc chắn cuối cùng cũng phải cho bạn bánh. Sau câu chuyện này, Đức Ki-tô khẳng định chắc nịch: ”Cứ xin thì sẽ được”.

 

Mấu chốt vấn đề chính là ở điểm này. Rõ ràng Người muốn dạy chúng ta cứ xin, xin mãi, xin đến độ “lì” ra đó, thì dù Chúa Cha không muốn cho chăng nữa, nhưng rồi Người cũng phải cho vì cái đức “lì” của chúng ta. Ấy là nói cho vui vậy, chớ Chúa Cha thương chúng ta như con cái, thì dù có tội lỗi thế nào mặc lòng, Người cũng vẫn thương. Người đã thương chúng ta như vậy, thì chẳng lẽ chúng ta xin mà Người lại không cho, chẳng lẽ khi chúng ta “xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho” (Lc 11, 12) hay sao? Ăn thua là người xin có thực sự tin rằng những điều họ xin sẽ được Thiên Chúa ban cho hay không, nhất là mục đích nhắm tới của việc xin đó (xin cho bản thân cũng như tha nhân sống Lời Chúa một cách chân thành).

 

Theo thường tình, mục đích nhắm tới của việc xin, chắc chắn phải là xin cho bản thân. Xin cho bản thân thì chẳng nói làm gì, vì bản thân vốn chỉ thích chọn cho mình phần tốt nhất, mà khi đã ao ước được phần tốt nhất, lẽ tự nhiên là sẽ “lì” được ngay. Nhưng ở đây, Đức Ki-tô kể câu chuyện “người bạn quấy rầy” không phải xin bánh cho bản thân anh ta, mà là xin cho một người bạn khác nữa. Thế thái nhân tình xưa cũng như nay, xin cho mình, cầu cho bản thân, thì khó khăn cách mấy, cực nhọc thế nào cũng chẳng ngại, nhưng xin cho người khác, dù cho người đó có là người thân cận ruột thịt của mình đi chăng nữa, thì cũng xin… hãy đợi đấy! Nói ra thì có vẻ chua chát, nhưng thực tình nếu có phải xin cho ai khác, thì cũng chỉ “được chăng hay chớ”, “cho cũng tốt mà không cho cũng chẳng sao, có thiệt hại gì đến mình đâu”! Có lẽ cũng chính vì thế, nên Đức Ki-tô mới khuyên dạy là cứ “lì” thì sẽ có kết quả.

 

Cuối cùng thì chắc ai cũng đồng ý là – thông qua dụ ngôn “Người bạn quấy rầy” – Chúa dạy chúng ta đức tính kiên trì và nhẫn nại (“cứ lì ra đó” – Lc 11, 8). Kiên trì và nhẫn nại như tổ phụ Ap-ra-ham xin cho thành Xơ-đôm (St 18, 20-32), như chính Người Thầy Chí Thánh đã vì tội lỗi loài người mà kiên nhẫn đến độ bị đánh đòn, tra tấn, bị treo trên thập tự, đến gần tắt thở, mà vẫn xin cùng Chúa Cha tha tội cho kẻ đóng đinh mình; kiên nhẫn đến độ đã tắt thở còn tiếp tục bị lưỡi đòng đâm thấu con tim. Kiên nhẫn ư? Từ Hán Việt “nhẫn” (忍) gồm 2 chữ: chữ “đao” (刀) ở trên và chữ “tâm” (心) ở dưới, ngụ ý: nhẫn nại là chịu đựng như bị dao đâm vào tim. Lì chịu đòn, chịu dao đâm vào tim – như xưa Đức Giê-su Thiên Chúa đã chịu vì tội lỗi loài người – để xin Chúa Cha “tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Ấy mới là người môn đệ đích thực của Đấng Cứu Thế, và chỉ có như vậy thì việc xin mới có kết quả, “Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11, 10).

 

Ôi! “Lạy Chúa! Mũi đòng nào đâm thấu con tim, đinh nhọn nào còn loang máu đào, sỉ nhục nào còn vương trên mắt. Lạy Chúa! Những buớc nào gục ngã đau thương, bao roi đòn hằn vết thê lương, đường tình đó Ngài dành cho con. Lạy Chúa! Xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa! Xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.” (Văn Chi – “Con đường Chúa đã đi”). Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.