Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hiệp thông trọn vẹn

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

HIỆP THÔNG TRỌN VẸN

 

Chủ đề Mục vụ tháng 8/2019 là: “Hội nhập: Trở về để hiệp thông trọn vẹn”. Trong khi đó, Tông huấn Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici” (số 32) nói về sự hiệp thông trong việc truyền giáo là: “Sự hiệp thông và việc truyền giáo gắn liền với nhau, xâm nhập và quấn quít nhau và đã trở nên như nguồn mạch, và là hoa trái của việc truyền giáo. Hiệp thông là truyền giáo, và truyền giáo có mục đích thể hiện sự hiệp thông.” Như vậy thì phải hiểu vấn đề hội nhập như thế nào?

 

1- Khái niệm về hội nhập: Hội nhập là tham gia vào một cộng đồng để cùng hoạt động và phát triển với cộng đồng ấy (thường nói về quan hệ giữa các dân tộc, các quốc gia. Ví dụ: hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực…). Có nhiều kiểu hội nhập: Hội nhập văn hóa, hội nhập kinh tế, hội nhập tài chính, hội nhập quốc tế, hội nhập thương mại. Chủ thể hội nhập ở đây được xác định là một cá nhân hay một tập thể (cộng đồng) tiếp nhận một phần hay toàn bộ hệ thống giá trị đã có sẵn của một dân tộc nào đó (Wikipedia).

 

Với Ki-tô giáo, và nói chung là các tôn giáo, nói đến hội nhập là nói đến “hội nhập văn hóa”. Văn hoá của một dân tộc hiểu theo nghĩa căn bản nhất là toàn bộ những cái qua đó một dân tộc tự biểu hiện mình, tự nhận biết mình và giúp các dân tộc khác nhận biết mình. Như thế, văn hoá có thể được hiểu là toàn bộ những hoạt động sáng tạo và những giá trị của nhân dân một nước, một dân tộc về mặt sản xuất vật chất và tinh thần trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

 

Hội nhập văn hoá là hoà mình vào trong nền văn hoá hay đúng hơn là chấp nhận một hệ thống giá trị mới. Hội nhập văn hóa không chỉ là thích ứng bên ngoài, nhưng là biến đổi thâm sâu những giá trị văn hóa chân thực, bằng cách hội nhập vào, bám rễ vào những nền văn hóa khác nhau của nhân loại. Đó là một tiến trình sáng tạo, qua đó mỗi người hay mỗi cộng đoàn lớn lên trong căn tính văn hóa của mình. Ki-tô giáo coi hội nhập văn hóa có nghĩa là một Giáo hội đối thoại liên tục, khiêm tốn và yêu mến đối với những truyền thống sống động, những nền văn hóa, những tôn giáo, với tất cả những thực tại sống của dân tộc mà Giáo hội cắm rễ sâu xa ở đó, đồng thời vui vẻ đón nhận lấy lịch sử và đời sống của dân tộc đó làm của mình.

 

Văn hoá là thành quả của sự sống và hoạt động của con người, con người được uốn nắn trong phạm vi rộng rãi bởi nền văn hoá trong đó họ đang sống. Con người và nền văn hoá tác động hỗ tương với nhau. Vì con người và xã hội thay đổi, nền văn hoá cũng bị thay đổi theo. Vì văn hoá biến đổi nên con người và xã hội cũng biến đổi theo nó. Từ viễn ảnh này, việc Phúc-Âm-hoá và hội nhập văn hoá liên hệ với nhau cách tự nhiên và mật thiết.

 

Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu “Ecclesia In Asia” (số 21) đã khẳng định: “Trong quá trình gặp gỡ các nền văn hoá khác nhau của thế giới, Giáo hội không những truyền đạt các chân lý và những giá trị của mình và đổi mới các nền văn hoá từ bên trong, nhưng Giáo hội cũng tiếp thu từ các nền văn hoá khác nhau, những yếu tố tích cực có sẵn trong các nền văn hoá đó. Đó là con đường bắt buộc cho những nhà rao giảng Tin Mừng khi trình bày đức tin Ki-tô giáo và làm cho nó trở nên một thành phần di sản văn hoá của một dân tộc. Khi các nền văn hoá khác nhau được hoàn thiện và canh tân dưới ánh sáng của Tin Mừng, chúng có thể trở nên những diễn tả đích thực của đức tin Ki-tô giáo duy nhất. ‘Nhờ hội nhập văn hoá mà Giáo hội, về phần mình, đã trở nên một dấu chỉ dễ hiểu hơn về bản tính của mình, và trở nên một dụng cụ hữu hiệu hơn cho việc truyền giáo.’ Sự giao kết đó với các nền văn hoá đã luôn là thành phần cuộc hành trình của Giáo hội qua lịch sử. Nhưng ngày nay sự giao kết đó càng cấp bách cách đặc biệt trong cảnh huống đa-dân-tộc, đa-tôn-giáo, đa-văn-hoá tại Á Châu, nơi mà Ki-tô giáo vẫn còn bị coi là ngoại lai.”

 

2- Hội nhập để truyền giáo: Để diễn tả tiến trình hội nhập văn hoá, chính Đức Ki-tô đã kể dụ ngôn “Hạt giống tự mọc lên” (Mc 4, 26-29). Dụ ngôn cho thấy hội nhập văn hoá là một hành động nhiệm mầu giữa hạt giống (Tin Mừng) và đất (nền văn hoá). Đồng thời dụ ngôn cũng cho thấy vai trò của mỗi nhân tố trong tiến trình hội nhập văn hoá. Người loan báo chỉ đóng vai trò phụ thuộc so với vai trò của dân tộc, của nền văn hoá tiếp nhận sự hội nhập Tin Mừng. Vai trò chính yếu là vai trò của Tin Mừng. Hội nhập văn hoá là tiến trình Tin Mừng thấm nhập vào văn hoá để làm cho nền văn hoá đó sinh hoa kết trái.

 

Mầu nhiệm Tin Mừng hội nhập vào các nền văn hoá được ví như mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể và khổ nạn:

 

* Ngôi Lời nhập thể: Trong mầu nhiệm nhập thể, Ngôi Lời đã tự huỷ, trút bỏ vinh quang của một vị Thiên Chúa để mặc lấy thân phận một phàm nhân, cụ thể là Người sinh ra, lớn lên trong nền văn hoá Do Thái. Như vậy, trong tiến trình hội nhập văn hoá, Tin Mừng cũng trở thành một “Lời” cụ thể cho mỗi nền văn hoá của những người đón nhận Tin Mừng.

 

* Ngôi Lời chịu đóng đinh: Trong Đức Giê-su, người tín hữu không chỉ chiêm ngắm Ngôi Lời nhập thể mà còn là Ngôi Lời chịu đóng đinh nữa. Dụ ngôn “hạt giống tự mọc lên” phải được bổ túc bằng “hạt giống phải chết đi”: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết  đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”(Ga 12, 24). Hội nhập văn hoá được xây dựng trên nền tảng mầu nhiệm nhập thể, sự nhập thể cứu chuộc (chết đi để đem lại sự sống vĩnh cửu cho tín hữu).

 

3- Chủ thể hội nhập: Chủ thể hội nhập ở đây được xác định là một cá nhân hay một tập thể (cộng đồng Giáo hội) tiếp nhận một phần hay toàn bộ hệ thống giá trị đã có sẵn của một dân tộc nào đó. Ví dụ các thừa sai nước ngoài khi đến Việt Nam giảng đạo đã học tiếng nói của người Việt, ăn mặc như người Việt, trình bày giáo lý theo cách hiểu của người Việt. Như thế là họ hội nhập vào nền văn hoá Việt Nam. Do đó khi sống ở Việt Nam, họ đã tự do chọn lựa các giá trị tốt đẹp của nền văn hoá Việt Nam để làm giàu cho các giá trị có sẵn của mình. Hội nhập văn hoá bao gồm việc gặp gỡ và giao lưu giữa các nền văn hoá.

 

"Nhờ hội nhập văn hoá, về phần mình, Giáo hội sẽ trở thành một dấu chỉ dễ hiểu hơn giúp người ta hiểu bản chất của mình, đồng thời Giáo hội cũng trở thành một dụng cụ đắc lực hơn để thi hành sứ mạng.” (Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế “Redemptoris Missio”, số 52). Sự liên kết với các nền văn hoá luôn luôn là một phần trong cuộc hành trình của Giáo hội qua lịch sử. Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của việc đưa đức tin Ki-tô Giáo hội nhập vào các nền văn hoá. Ngoài tác nhân chính là Chúa Thánh Thần, chủ thể hội nhập chính là Giáo hội (cộng đồng Ki-tô hữu). Cộng đồng Giáo hội đã có sẵn một nền văn hoá riêng, nghĩa là có cả một hệ thống giá trị vật chất cũng như tinh thần được sáng tạo và tích luỹ qua dòng lịch sử. Giáo hội gặp gỡ và đối thoại với một nền văn hoá nào đó, "trong quá trình gặp gỡ các nền văn hoá khác nhau của thế giới, Giáo hội chẳng những truyền đạt các chân lý và giá trị của mình, cũng như đổi mới các nền văn hoá ấy từ bên trong, mà còn thu dụng nhiều yếu tố tích cực có sẵn từ các nền văn hoá khác nhau ấy." (Tông huấn “Ecclesia In Asia”, số 21). Đó là tác động hỗ tương giữa nền tảng văn hóa bản địa và sự hội nhập của Tin Mừng.

 

4- Hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội: Tông huấn Ki-tô Hữu Giáo Dân “Christi Fideles Laici” (số 18-20) đã khẳng định: “Sự hiệp thông này là chính mầu nhiệm Giáo hội như Công Đồng  nhắc lại, qua từ ngữ nổi tiếng của Thánh Cypriano: Giáo hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thành Thần….. Các hình ảnh Kinh Thánh được Công Đồng Va-ti-ca-nô II sử dụng nhằm giúp chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Giáo hội, đã làm nổi bật thực tại Giáo hội hiệp thông, trong chiều kích là sự hiệp thông của các Ki-tô hữu với Đức Ki-tô liên kết chặt chẽ với sự hiệp thông giữa các Ki-tô hữu với nhau. Các hình ảnh đó là: chuồng chiên, đàn chiên, cây nho, toà nhà thiêng liêng, đền thánh…”.

 

Hiệp thông, tự bản chất, đó là sự nối kết mật thiết các Ki-tô hữu với Thiên Chúa qua trung gian là Đức Giê-su Ki-tô và trong Chúa Thánh Thần. “Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần “hợp nhất toàn thể Giáo hội trong mối hiệp thông và thừa hành, ban phát các ơn phẩm trật và đặc sủng khác nhau” , như là linh hồn làm sống động những tổ chức trong Giáo hội và đổ dần vào lòng các tín hữu cũng một tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy chính Chúa Giê-su. Đôi khi Chúa Thánh Thần lại chuẩn bị một cách hữu hình cho hành động truyền giáo, cũng như không ngừng dùng những phương thế khác nhau để theo sát và hướng dẫn vậy.” (Sắc lệnh Truyền Giáo “Ad Gentes”, số 4).

 

 Vì thế nên có thể khẳng định: Giáo hội là một cộng đồng hiệp thông và truyền giáo. Chuá Thánh Thần kêu gọi và hiệp nhất Giáo hội và sai Giáo hội đi rao giảng Tin Mừng khắp trên mặt đất. Giáo hội biết sự hiệp thông là hồng ân Chúa ban cho các tín hữu, nó là sứ mệnh đối với mọi người. Như thế, Giáo hội cảm thấy mắc nợ đã nhận lãnh từ Chúa Thánh Thần, Đấng đã ban tràn đức ái của Chúa Cha trong lòng các kẻ tin tưởng, là sức mạnh nối kết bên trong và cũng là sức mạnh bành trướng bên ngoài. “Sứ mệnh của Giáo hội nằm ngay trong bản tính của mình như Chúa Ki-tô đã muốn: đó là sứ mệnh phải trở nên “dấu chỉ và phương thế làm cho toàn thể nhân loại được hợp nhất”. Sứ mệnh này có mục đích làm cho mọi người biết và sống sự hiệp thông “mới”; sự hiệp thông đi vào lịch sử thế giới nhờ Con Thiên Chúa làm người.” (Tông huấn “Christi Fideles Laici”, số 32).

 

Chính vì thế, tất cả mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội đều sống hiệp thông huynh đệ với nhau để cùng thực thi sứ vụ chung là “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15). Giáo hội không phải là một thực thể khép kín lại nơi chính mình, nhưng đúng hơn là thường xuyên mở ra cho công cuộc rao giảng Tin Mừng và đại kết đầy năng động, bởi vì Giáo hội được khai sinh nhằm mục đích loan truyền và làm chứng, hiện tại hoá và truyền bá mầu nhiệm hiệp thông là mầu nhiệm tạo thành Giáo hội: quy tụ mọi sự và mọi người trong Đức Ki-tô; là bí tích hợp nhất bền vững cho tất cả mọi người.

 

Thông điệp về đại kết “Ut Unum Sint” (số 4) giải thích: “Khi tới giờ chịu khổ nạn, Đức Giê-su đã cầu nguyện: “Xin cho tất cả nên một” (Ga 17, 21). Sự hợp nhất Chúa đã ban cho Giáo hội của Người và trong đó Người muốn tất cả được quy tụ lại, không phải là điều thứ yếu, nhưng giữ vị trí trọng tâm trong công trình của Người. Và sự hợp nhất ấy cũng không phải là một đặc tính phụ thuộc của cộng đoàn môn đệ của Người; trái lại, đó là thuộc bản chất của cộng đoàn ấy. Thiên Chúa muốn có Giáo hội bởi vì Người muốn có sự hợp nhất, và cũng bởi vì tình yêu sâu thẳm của Người được biểu lộ trong sự hợp nhất ấy. Quả thật, sự hợp nhất này được Chúa Thánh Thần ban tặng không chỉ là việc tập hợp các cá nhân bên cạnh nhau; nhưng là một sự hợp nhất được tạo nên bởi những liên hệ do việc tuyên xưng đức tin, việc lãnh nhận các bí tích và sự hiệp thông phẩm trật.”

 

Quả thực, sự đoàn kết thương yêu nhau chính là đặc trưng của đời sống hiệp thông trong Giáo hội. Như vậy, hiệp thông là sự liên kết chặt chẽ với nhau, lưu chuyển và chan hoà cùng một tính chất giữa các phần tử riêng lẻ trong một tổng thể duy nhất, sống động. Phạm trù hiệp thông rất rộng, khởi đi từ mầu nhiệm hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi (“Cầu chúc toàn thể anh chị em được tràn đầy ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, tình yêu của Thiên Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” – 2Cr 13, 13), sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với loài người, giữa thế giới hữu hình với thế giới vô hình, rồi đến sự hiệp thông giữa loài người với nhau, sự hiệp thông trong Giáo hội, trong mỗi gia đình Ki-tô hữu. Gọi đó là sự hiệp thông trọn vẹn chính là vì thế. 

 

Kết luận:

 

Tóm lại, muốn loan báo về Đức Giê-su và chia sẻ Tin Mừng như một quà tặng vô cùng quý giá cho đồng bào và anh em, người Ki-tô hữu cần phải hiểu người đang nghe mình là ai, nghĩa là đang thuộc về nền văn hoá nào. Một khi xác định được nền văn hoá của họ, với những khái niệm và giá trị khác với Ki-tô giáo, người Ki-tô hữu lại phải tìm cách đối thoại để giới thiệu nền văn hoá Ki-tô giáo bằng những loại hình ngôn ngữ thích hợp khiến họ có thể hiểu được, trước khi mở lòng đón nhận những giá trị khác biệt của mình. Quá trình hội nhập văn hoá này “là con đường bắt buộc các nhà truyền giáo phải đi qua khi giới thiệu đức tin Ki-tô giáo và biến nó thành một phần trong di sản văn hoá của một dân tộc.” (Tông huấn “Ecclesia In Asia”, số 21).

 

Tuy nhiên, việc tìm hiểu nền văn hoá và việc hội nhập văn hoá không phải là chuyện đơn giản, dễ dàng như thực tế đã chứng tỏ trong lịch sử truyền giáo. Chính vì thế mà người tín hữu được mời gọi để tham gia tích cực vào công trình này. Có một điều kỳ diệu gắn liền đức tin với công cuộc truyền giáo, đó là từ cái “tôi” riêng lẻ mở ra với cái “chúng ta” liên kết với nhau trong cùng một sứ vụ (“Đức tin không chỉ đơn thuần là một chọn  lựa cá nhân mà người tín hữu làm trong thâm tâm của mình, nó cũng không phải     một mối liên hệ hoàn toàn riêng tư giữa cái “tôi” của người tín hữu và Thiên Chúa là “Ngài”, giữa một chủ đề tự trị và Thiên Chúa. Tự bản chất, đức tin được mở ra cho cái “chúng ta” của Hội Thánh, nó luôn luôn xảy ra trong sự hiệp thông của Hội Thánh.” – Thông điệp Ánh sáng Đức tin “Lumen Fidei”, số 39). Và đó cũng chính là một phương thế hội nhập để hiệp thông trọn vẹn trong sứ vụ Loan Báo Tin Mừng.

 

JM. Lam Thy ĐVD.