Liên tục quấy rầy
LIÊN TỤC QUẤY RẦY (CN XXIX/TN-C)
Nói chung, các tôn giáo đều coi cầu nguyện là yếu tố quan trọng hàng đầu. Riêng với Ki-tô giáo thì coi cầu nguyện như hơi thở của đời sống người tín hữu, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công Giáo, chính là thể hiện niềm tin, phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay (CN.XXIX/TN-C – Lc 18, 1-8), thông qua dụ ngôn “vị thẩm phán bất lương và bà góa nghèo”, Đức Giê-su một lần nữa nhắc lại tầm quan trọng của việc cầu nguyện, đồng thời Người truyền dạy hãy kiên trì, trung thành khi cầu nguyện
Trước đây, Đức Ki-tô đã kể dụ ngôn “Người bạn quấy rầy” (Lc 11, 1-13) nói về một người bạn đến xin bạn bánh vào nửa đêm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Người lại kể một dụ ngôn về “quấy rầy”. Chuyện lần này không phải là bạn bè ngang vai phải lứa quấy rầy nhau, mà là chuyện một bà goá quấy rầy một ông quan toà. Quan hệ hai bên là quan hệ giai cấp, giữa một bên là giai cấp thống trị và bên kia là giai cấp bị trị. Không có chuyện bạn bè nể tình nhau, và đối tượng bị quấy rầy lại là kẻ “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (Lc 8, 2). Vậy mà cuối cùng cũng đành thua cái đức “lì” của bà goá.
Trong xã hội Do Thái thời đó, các bà goá thường bị xã hội đối xử bất công, bị ức hiếp, bóc lột tàn tệ. Bà góa chạy đến với quan toà, vì nghĩ rằng quan toà là những người chuyên xử án công minh và sẵn sàng bênh vực những kẻ cô thế, cô thân. Nhờ niềm tin ấy, bà hy vọng sẽ đạt được ước nguyện, vì thế, bà kiên trì đến cầu xin người mà bà tin sẽ cứu giúp mình. Bà đã thành công nhờ đã hết lòng tin tưởng vào quan toà và liên lỉ “quấy rầy”. Mấu chốt vấn đề chính ở điểm này: Với một quan phụ mẫu bất lương như thế, nhưng nhờ lòng tin và nhất là sự bền lòng liên tục “quấy rầy” của bà goá, việc bà kêu xin rốt lại cũng được giải quyết. Ngụ ý trong dụ ngôn này đã nổi bật: "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” (Lc 18, 6-7).
Cả hai dụ ngôn (“Người bạn quấy rầy” và “Quan toà bất chính và bà goá quấy rầy”) đều ngụ ý răn dạy: "Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho." (Mt 7, 7-8). Quả thật, khi xin ai một điều gì thì phải biết nhìn lại mình xem có thực sự là thiếu thốn, nghèo đói hay không và nhất là có thực sự tin tưởng vào người mà mình muốn cầu xin hay không. Một cách cụ thể khi cất tiếng cầu xin Thiên Chúa thì không những cần phải có đức tin vững mạnh, mà đồng thời còn phải biết nhìn lại con người tội lỗi, bất toàn của mình, mà cầu xin ơn tha thứ trước khi xin những ơn khác. Ấy là chưa kể khi cầu xin thì không chỉ cầu xin cho bản thân mà còn phải biết cầu cả cho những “người thân cận” trong khắp tứ phương thiên hạ.
Nói cầu xin Thiên Chúa tức là nói đến cầu nguỵên. Thật vậy, phải hết lòng tin tưởng vào Đấng Công Chính mới liên lỉ cầu nguỵên. Dạy môn đệ phương cách kiên trì cầu nguyện, nhưng đến câu kết thúc, Đức Giê-su lại nói: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8). Thật chua xót khi Người nói câu này lại là Người hiện diện trên mặt đất với mục đích thắp sáng lại niềm tin đã bị lu mờ của nhân loại. Con Người ấy, từ cuộc sống vật chất đạm bạc nơi một làng quê hẻo lánh, đến cuộc sống tinh thần vô vàn phong phú bởi những Lời giảng dạy, những câu chuyện kể, những việc làm, thậm chí đến hy sinh cả tính mạng, chỉ nhằm mục đích củng cố lại niềm tin cho loài người để tiến tới mục đích tối hậu là cứu độ nhân loại cho khỏi sự chết đời đời. Con Người kỳ vĩ ấy chính là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, đã đến thực thi sứ mệnh như vậy đó, nhưng những người được gặp, được tiếp xúc, được dạy dỗ… đã đón tiếp như thế nào, để đến độ Người phải thốt lên câu nói chua xót như vậy? Và quả nhiên đó là một lời tiên tri, bởi cho đến ngày hôm nay, số người được nghe lời chân lý vẫn chỉ là một thiểu số khiêm nhường so với con số người chưa được nghe rao giảng. Ngay trong số những người đã được nghe, được biết Tin Mừng cứu độ, thì chẳng hiểu những người thực lòng tin tưởng có được là bao nhiêu phần trăm?
Rõ ràng, Đức Giê-su Ki-tô đã dùng những hình ảnh thật quen thuộc, thật gần gũi và rất hiện thực trong cuộc sống đời thường để dạy dỗ các tín hữu, nên mới nói đến sự quấy rầy khi cầu xin để đạt hiệu quả. Thiên Chúa không phải là người bị quấy rầy trong dụ ngôn “người bạn quấy rầy”, lại càng không phải là nhân vật quan toà bị quấy rầy trong dụ ngôn “quan toà bất chính và bà goá quấy rầy”. Tấm lòng Người Cha Nhân Hậu luôn rộng mở đối với con cái, chưa cần nghe lời cầu xin thì Người đã sẵn lòng minh xét, ban phát ân huệ. Thật vậy, “Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa” (Hc 35, 14).
Duy chỉ có một điều là con cái tội lỗi, bất toàn, có thực lòng ăn năn, thực lòng tin, thực lòng cầu xin hay không, mà thôi. Lời dạy “kiên trì quấy rầy” của Người là muốn các tín hữu kiên trung trong đức tin và liên lỉ trong việc “nâng tâm hồn và trí khôn lên với Thiên Chúa” (cầu nguỵên). Bởi cuộc sống trần thế có muôn vàn khó khăn, thử thách lòng tin của con người, nên phải vững vàng trong đức tin trước đã, nhiên hậu mới nói đến kiên trì cầu nguyện. Và như thế thì còn lo gì “Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” (Lc 18, 7), chẳng lẽ con cái lâm cảnh khốn cùng đến cầu xin mà Người Cha Nhân Hậu lại ngoảnh mặt làm ngơ không ban những của tốt lành sao? (Lc 11, 13).
Bài học về “kiên nhẫn cầu xin” đã sáng tỏ, nhưng còn vấn đề tại sao Giáo hội lại để bài Tin Mừng này vào Chúa nhật Truyền Giáo? Cũng đã có những ý kiến cho rằng không lẽ Truyền Giáo lại là đi cầu xin những người “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (Lc 8, 2) sao? Mới nghe qua vấn nạn này thì thấy có lý, nhưng suy nghĩ cho thấu đáo thì sẽ thấy ngụ ý trong dụ ngôn hôm nay mới thực sự là vấn đề cốt tuỷ của Truyền Giáo. Truyền giáo ư ? Chắc cũng không cần phải định nghĩa lại việc truyền giáo, vì nó là sứ vụ duy nhất, nhất quán của Giáo hội, của mỗi Ki-tô hữu (“Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là biểu lộ hoặc bày tỏ ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần thế và trong lịch sử thế trần, chính trong lịch sử này mà Thiên Chúa hoàn thành lịch sử cứu rỗi một cách rõ rệt nhờ việc truyền giáo.” – Sắc lệnh “Truyền Giáo”, số 9)
Sứ vụ chỈ có một, nhưng thể hiện ra bằng việc làm, bằng hành động thì muôn màu muôn vẻ, không nhất thiết phải cứ thế này hay thế khác. Hoạt động truyền giáo không chỉ giới hạn trong việc "giảng đạo" (như trước đây ở Việt Nam vẫn có quan niệm như vậy, và do đó mà cho rằng chỉ có các linh mục, tu sĩ, các vị thừa sai... mới được giảng đạo, còn giáo dân thì chỉ việc nghe và chấp hành). Công việc truyền giáo cũng ví như các cành nho (Ki-tô hữu) hút nhựa từ thân cây nho (Đức Giê-su Ki-tô) và có bổn phận phải trổ sinh hoa trái. Chính vị sứ giả truyền giáo vĩ đại Giê-su Ki-tô cũng nhiều lần răn dạy môn đệ: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15, 5), "Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 13-14). Là cành nho mà không trổ sinh hoa trái, là muối mà nhạt nhẽo, là ành sáng mà lu mờ (như “đèn để trong thùng”), thì liệu công việc có đạt hiệu quả không?
Với nhãn quan truyền giáo đó, nhìn lại dụ ngôn “Quan toà bất chính và bà goá quấy rầy” sẽ thấy nổi bật 2 điểm: Kiên trì cầu nguyện và khiêm nhường chịu lụy. Cầu nguyện là nâng tâm hồn và trí khôn lên với Thiên Chúa (“tâm hồn” chính là tấm lòng “mến Chúa yêu người”, còn “trí khôn” là phải xét xem mình sẽ xin những gì, những điều xin ấy có lợi cho riêng mình đã đành, nhưng có mưu ích cho người khác hay lại làm hại người khác (“ích kỷ hại nhân”)? Ngoài ra, nếu đời sống tâm linh của người truyền giáo được cắm rễ sâu trong hoạt động cầu nguyện hy sinh (khiêm nhường chịu luỵ), thì mọi việc làm đều có giá trị truyền giáo, đều có khả năng làm cho người khác nhận biết Chúa và đem lại rất nhiều lợi ích cho các linh hồn. Nhờ thế, nhìn thấy gương cầu nguyện, gương hy sinh của những người truyền giáo, người ta sẽ được động viên, được cảm hoá.
Cứ nhìn lại gương các Tông đồ trong Giáo hội tiên khởi thì đủ rõ. Trước ngày lễ Ngũ Tuần, hoạt động truyền giáo của các ngài vẫn chưa thật sự thăng hoa. Sau khi Chúa về Trời, “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.” (Cv 1, 14), và đến ngày Lễ Ngũ Tuần thì Chúa Thánh Thần hiện xuống và kết quả là các ngài đã trở thành những nhà Truyền Giáo kiệt xuất. Các ngài không chỉ trở nên những người loan báo Tin Mừng Cứu Độ bằng phong cách rao giảng tuyệt vời, mà còn bằng cuộc sống khiêm nhường chịu luỵ đến độ hy sinh cả tính mạng mình làm chứng nhân anh hùng cho Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh.
Trên cánh đồng Truyền Giáo toàn cầu, các Tông đồ tiên khởi đã minh chứng rõ ràng đức tính căn bản của truyền giáo là kiên trì cầu nguỵên và khiêm nhường nhẫn nhục. Cách riêng, trải dài theo lịch sử Giáo hội Việt Nam, các giáo sĩ và giáo dân trong vai trò rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, đã gặp không ít những đối tượng cỡ như viên quan toà “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”. Nếu các ngài không kiên trì nhẫn nhục, thì liệu có được cánh đồng màu mỡ như ngày nay không? Nếu các ngài không liên lỉ cầu nguyện và hy sinh thì có được kết quả 130.000 anh hùng tử vì đạo với 117 vị được tuyên phong hiển thánh hay không?
Tóm lại, tính chất “duy nhất, thánh thiện và tông truyền” của Giáo hội Công Giáo đã có được vì noi gương truyền thống các Tông đồ tiên khởi (TÔNG TRUYỀN) sống hịêp thông (DUY NHẤT) trong tôn chỉ cầu nguyện (THÁNH THIỆN), nên có thể khẳng định Giáo hội là “một-cộng-đồng-hiệp-thông-và-truyền-giáo”, vì “Sự hiệp thông và việc truyền giáo gắn liền với nhau, xâm nhập và quấn quít nhau và đã trở nên như nguồn mạch, và là hoa trái của việc truyền giáo. Hiệp thông là truyền giáo, và truyền giáo có mục đích thể hiện sự hiệp thông. Chính một Chúa Thánh Thần kêu gọi và hiệp nhất Giáo Hội và sai Giáo Hội đi rao giảng Phúc âm "khắp trên mặt đất" (Acts. 1, 8).” (Tông Huấn “Ki-tô hữu Giáo dân” – Ch. III, số 32).
Ôi! Lạy Chúa Ki-tô! Xin cho con trưởng thành trong việc cầu nguyện. Xin đừng để đời sống tâm linh của con bị xói mòn, kém phát triển vì cách cầu nguyện ấu trĩ và nhất là đầy ích kỷ của con. Xin dạy con biết cầu nguyện, biết sống khiêm nhường nhẫn nhục trước mọi nghịch cảnh như những thử thách trui rèn cho sứ vụ Truyền Giáo mà Chúa đã trao cho con khi con được nhận lãnh Bí tích Thánh Tẩy (tham dự vào 3 chức vụ của Chúa: “ngôn sứ, tư tế, vương giả”). Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa ban Thần Khí Tình Yêu cho con để con không chỉ cầu nguỵên cho riêng mình, mà là cầu cho cả những “người thân cận” của con trên khắp năm châu bốn biển, như xưa Chúa đã dạy con cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: