Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bên nấm mồ lặng câm...

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

Thánh Lễ Cầu Hồn nơi Đất Thánh (02.11.19)

 

BÊN NẤM MỒ LẶNG CÂM…

GIẬT MÌNH THÂN PHẬN MONG MANH !

(Lc 23, 33. 39-43)

 

Đầu lễ: Hôm qua, Giáo hội hân hoan mừng các Thánh Nam- Nữ, hướng chúng ta về Quê Trời; Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta hướng lòng đến Giáo hội đang thanh luyện, tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời. 

 

Trong giây phút thiêng liêng, bên cạnh nấm mồ người thân yêu, hơn lúc nào hết ta cảm nhận rõ thân phận mong manh nay còn mai mất của phận người, đồng thời thấy người quá cố sống động trong hiệp thông Giáo hội.

 

Hôm nay chính ngày Giỗ Tổng Thống Gioaan Baotixita Ngô Đình Diệm và bào huynh Gicobe.

 

Cầu cho quên hương đất nước, cho quan chức sống liêm chính, vì Nước vì Dân…

 

Cầu nguyện cho 39 di dân lậu mà cơ quan Anh quốc mới cho biết tất cả là người VN.

 

Nhớ đến Mẹ Tổng thống Hàn quốc, người Công giáo mới qua đời…

 

Đặc biệt Thánh lễ xin cầu: Tiên nhân, ông bà, thai nhi, nhất là các Linh hồn đang bị chính con cháu mình quên lãng, ân nhân.

 

Chia sẻ:

 

Tháng 11 khởi đầu hai đại Thánh lễ quan trọng nhất trong tháng, phản ảnh rõ hơn, sống động hơn Giáo hội Hiệp thông. Chân trời Sự hiệp thông vô cùng rộng lớn, vượt thời gian, không gian, vượt qua cả cái chết. Chúng ta tưởng nhớ những người đã qua đời, những người đã chết đang hưởng phúc Thiên đàng- ta gọi các Thánh và không ít người đang trong luyên tội, mong chờ ngày về thiên đàng.

 

Như vậy, hôm qua ta hướng về Trời- tưởng nhớ các Thánh Nam Nữ trên trời  như một nhắc nhở: Nước Trời mới là quê hương đích thực. Điều này dẫn ta  đến sống Lời Chúa Giêsu trong thời đầu sứ vụ công khai, kêu gọi chúng ta: Hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước nhất còn mọi sự khác Chúa se ban thêm.

 

Ngày hôm nay, tại Đất thánh này, bên những nấm mộ thầm lặng, thiêng thánh… hướng ta tưởng nhớ các Linh hồn đang ở Luyên tội, cách riêng cho ta trải nghiệm sống động hơn một chân lý: Cái chết.

 

Ai cũng phải chết. Chúa Giêsu- Ngôi Lời nhập thể trong thân phận con người cũng không thoát khỏi án tử. Bài Tin mừng vừa công bố cho ta thấy những giây phút cuối đời của Đức Giêsu trên thập giá. Người vô tội mà đón nhận án tử do tội lỗi con người và trong Tình yêu của Cha trong sức mạnh Chúa Thánh Thần đã Phục Sinh. Giờ đây trong Chúa Giêsu- và nhờ Chúa Giêsu cái chết không còn là án phạt nữa mà là cánh cửa Hồng phúc để ta bước vào phúc trường sinh. Nói như Thánh Phaolo: Sống là Đức Giêsu thì chết là mối phúc.   

 

Ai cũng phải chết… Nay người mai ta, không mai thì mốt, không mốt thì ngày nào đó… ta cũng sẽ đến chỗ chết, dẫu ta có là vua chúa trần gian, dẫu ta đầy quyền uy, lắm của cải cõi trần… cũng không tránh được cái chết. 

 

Và có lẽ cái chết sẽ kinh khủng hơn đối với những người giàu có, lắm quyền còn lệ vào tiền- quyền… nếu không biết dùng chúng như những phương tiện tốt để phục vụ bác ái, chia sẻ trách trách nhiệm, phục vụ cho công lý, tôn trọng sự sống…

 

Nói ‘bên những nấm mồ thầm lặng, thiêng liêng’ bởi chết không phải là hết, là bắt đầu bước vào cuộc sống mới…

 

Nếu coi cuộc sống như một bản trường ca, thì trực diện trước sự chết là dấu lặng trầm đối với người thịt thân, và không ít người giật mình về cuộc sống mong manh của phận người, và biết đâu có cả những nuối tiếc.

 

Đối với người Kitô hữu, đây là dấu lặng trầm thiêng thánh, bởi nó làm ta thấy rõ sự thật, cảm động rõ nét một sự thật, mà đôi khi vì mài mê trần thế ta coi nhẹ, lãng quên.

 

Đấy là Sự thật: phận người mong manh, ngắn ngủi, chết là chắc; trần gian là tạm bợ, phù hoa, bởi vậy được lời lãi cả thế gian mà mất phần Linh hồn thì được ích chi, nói cho đúng thì rất khốn nạn.

 

Sự thật đấy là, Ông- Bà- Cha- Mẹ, người thân yêu rồi đến lúc phải chết, bởi vậy những giây phút vàng Chúa còn để cho sống ta hãy tận dụng sống sao cho thảo hiếu, cho đời có ý nghĩa, cho sự hiện diện của ta là sự hiện diện của niềm vui, bình an và hy vọng.

 

Sách Gương phúc thật chí lý khi nói:

 

“Của đời của chóng qua. Không gì phù phiếm bằng chỉ tích góp cho nhiều của mau qua, để hết lòng trí vào đó. Không gì phù phiếm bằng chỉ ham hố danh vọng vả ưa tìm ăn trên ngồi chốc. Không gì phù phiếm bằng sống bê tha nhục dục và đam mê những cái rốt cục để cho mình bị nghiêm phạt. Không gì phù phiếm bằng thích sống lâu mà không cố gắng sống thánh thiện ...”

 

Trải nghiệm về phận người mỏng giòn, mong manh, chóng vắn, Thánh Kinh từ ngàn ngàn năm trước đã thảnh thốt:

 

‘Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi;

Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng;

Một cơn gió thoảng là xong;

Chốn xưa mình ở cũng không biết mình’ (Tv 102, 15-16).

 

Lời Chúa trên được diễn ca, thường nghe trong Thánh lễ an táng- cầu hồn: 

 

‘Đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi nơi nó mọc cũng không còn mang dấu tích… Chúa ban ơn cứu độ cho người công chính!’

 

‘Chúa ban ơn cứu độ cho người công chính’… 

 

Trực diện trước sự chết- những nấm mồ người thân yêu được coi như dấu lặng trầm thiêng thánh bởi sự chết hướng ta đến Chúa, nhắc nhớ ta nhìn lại đời sống Đức tin của mình, đời sống Đạo của mình. Làm sao ta có thể yên tâm khi mình còn sống trong tội trọng. Ta sẽ trả lẽ ra sao- số phận ta sẽ thế nào trước mặt Đấng chí công khi chẳng may cái chết bất thần đổ ụp xuống trên ta mà Hạt giống đời ta thuộc loại sép lẹp, không có mầm sự sống?

 

Minh họa: Kỷ niệm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm hồi sinh viên văn khoa hay tảo bộ vào khu nghĩa trang Mạc Đình Chi, nay là công viên Lê Văn Tám, ngài ấn tượng trên một bia mộ của bác sĩ người Pháp, khắc: ‘Nếu bạn quên người chết là cách làm họ chết lần thứ hai’

 

Liệu chúng ta có làm cho Ông- Bà- Cha- Mẹ, người thân của mình chết lần hai khi vì mải mê cuộc sống mà ta quên mất người thân qua cố, họ có con cháu, song giờ con cháu quên họ rồi và đang trở thành những Linh hồn mồ côi. Đó cũng là lý do đầu lễ xin tưởng nhớ cầu nguyện những Linh hồn đang bị con cháu thờ ơ.

 

Ở bên kia thế giới, các Linh hồn không còn khả năng lập công chuộc tội, họ đang mong chờ chúng ta làm thay, mong chờ từng giây phút. Vâng, điều mà con cháu, những người còn sống có thể giúp các linh hồn, đền ơn đáp hiếu cho bậc sinh thành không gì hơn lời cầu nguyện, hy sinh- hãm mình, nỗ lực cộng tác với ơn Chúa sống thánh thiện hơn, cách riêng dâng và tham dự Thánh lễ- Hy tế Cứu độ của chính Chúa Giêsu.  

 

 Và  các bậc tiên nhân cũng không mong muốn gì hơn, là được thấy con cháu sống đoàn kết, yêu thương, sống Đức tin tích cực.

 

‘Hôm nay ngươi ở trên Thiên đàng với ta’, Lời Chúa Giêsu  nói với người trộm lành chúng ta vừa nghe, chớ gì nhờ những hy sinh, cầu nguyện của chúng ta cũng là lời Chúa Giêsu sớm nói cho chính người thân yêu đã qua đời của chúng ta.

 

Chúng ta hãy trao dâng Người quá cố cho lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa sớm đưa họ chung hưởng vinh phúc Nước trời.

 

Và khi ở bên Chúa, xin các bậc Tổ tiên nhớ đến chúng con và gia đình giáo xứ Kim Lâm thân yêu. Amen        

 

Lm. Đaminh Hương Quất