Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Xây nhà trên đá

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ

 

Chủ đề mục vụ tháng 11/2019 là HỘI NHẬP: XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ. TIẾP CẬN MỤC VỤ TOÀN DIỆN. Để hiểu đúng vấn đề, trước hết cần suy niệm Dụ ngôn “Xây nhà trên đá” (Mt 7,  21-27), ngõ hầu tiến bước hội nhập, tiếp cận Mục vụ toàn diện.

 

1. Dụ ngôn “Xây nhà trên  đá”:

Khi phải lựa chọn một công việc, một vấn đề nào đó, ai cũng muốn chọn cho mình những cách thức tốt nhất để thực hiện, với ước mong làm sao đạt được thành công, gặt hái được kết quả tốt đẹp. Trong chiều hướng đó, Đức Giê-su Ki-tô mở ra cho con người cái nhìn và thái độ dứt khoát khi Người tuyên bố: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” Để cụ thể hóa vấn đề, ngõ hầu giúp cho người môn đệ và dân chúng thấy được thái độ khôn ngoan và sự khờ dại, Đức Ki-tô đã kể dụ ngôn hai người xây nhà.

Người khôn xây nhà trên đá, có nền tảng vững chắc, kiên cố. Chính Đức Giê-su đã phán dạy Phê-rô, người đứng đầu Giáo hội tiên khởi: "Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." (Mt 16, 18). Còn người dại xây nhà trên cát, nền tảng bấp bênh, dễ sụp đổ. Chúa ví người có thái độ khôn ngoan đích thực chính là người biết lắng nghe và đem Lời Chúa ra thực hành trong cuộc đời của mình. Còn người khờ dại thì nghe xong để đó, không sống và thực hành Lời Chúa dạy. Chính Chúa Giê-su đã nêu gương cho con người về việc lắng nghe và sống theo thánh ý của Thiên Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4, 34); đồng thời Người chúc phúc cho những ai biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa (“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” – Lc 11, 28).

Thánh Gio-an trong thư thứ nhất diễn tả: “Thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi.” (1Ga 2, 17). Thánh Phao-lô thì nhắc nhở: “Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.” (Pl 4, 9). Thánh Gia-cô-bê cũng khuyên bảo: “Vì vậy, anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn; hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em; Lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.” (Gc 1, 21–22).

Sứ điệp Tin Mừng thật ý nghĩa và thích hợp để mọi người cùng suy gẫm và sống theo Lời Chúa. Nếu chỉ lắng nghe Lời Chúa thôi thì chưa đủ, nhưng còn phải biết đem những lời đã nghe ra thực hành bằng những hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. Nếu chỉ nói là mến Chúa yêu người, nhưng cuộc sống thì toàn dối lừa phỉnh gạt, oán ghét hận thù, bất công bạo tàn, thì lời nói chẳng có giá trị gì, bởi “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17.26). Thật thiết thực và ý nghĩa biết bao khi mỗi người biết biến điều mình đã lãnh nhận thành hành động cụ thể như: Sống bác ái yêu thương, luôn mở rộng tấm lòng để quảng đại chia sẻ, mở rộng đôi tay để phân phát cho đi… Chính khi làm như thế là đang sống Lời Chúa dạy.

 

2. Hội nhập vào cộng đồng Dân Chúa: 

Hội nhập là tham gia vào một cộng đồng để cùng hoạt động và phát triển với cộng đồng ấy (thường nói về quan hệ giữa các dân tộc, các quốc gia. Ví dụ: hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực…). Có nhiều kiểu hội nhập: Hội nhập văn hóa, hội nhập kinh tế, hội nhập tài chính, hội nhập quốc tế, hội nhập thương mại. Chủ thể hội nhập ở đây được xác định là một cá nhân hay một tập thể (cộng đồng) tiếp nhận một phần hay toàn bộ hệ thống giá trị đã có sẵn của một dân tộc nào đó (Wikipedia).

Với Ki-tô giáo, và nói chung là các tôn giáo, nói đến hội nhập là nói đến “hội nhập văn hóa”. Theo từ nguyên, văn hoá của một dân tộc hiểu theo nghĩa căn bản nhất là toàn bộ những cái qua đó một dân tộc tự biểu hiện mình, tự nhận biết mình và giúp các dân tộc khác nhận biết mình. Như thế, văn hoá có thể được hiểu là toàn bộ những hoạt động sáng tạo và những giá trị của nhân dân một nước, một dân tộc về mặt sản xuất vật chất và tinh thần trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Văn hoá là thành quả của sự sống và hoạt động của con người, con người được uốn nắn trong phạm vi rộng rãi bởi nền văn hoá trong đó họ đang sống. Con người và nền văn hoá tác động hỗ tương với nhau. Vì con người và xã hội thay đổi, nền văn hoá cũng bị thay đổi theo. Vì văn hoá biến đổi nên con người và xã hội cũng biến đổi theo nó. Từ viễn ảnh này, việc Phúc Âm hoá và hội nhập văn hoá liên hệ với nhau cách tự nhiên và mật thiết.

Hội nhập văn hoá là hoà mình vào trong nền văn hoá hay đúng hơn là chấp nhận một hệ thống giá trị mới. Hội nhập văn hóa không chỉ là thích ứng bên ngoài, nhưng là biến đổi thâm sâu những giá trị văn hóa chân thực, bằng cách hội nhập vào, bám rễ vào những nền văn hóa khác nhau của nhân loại. Đó là một tiến trình sáng tạo, qua đó mỗi người hay mỗi cộng đoàn lớn lên trong căn tính văn hóa của mình. Ki-tô giáo coi hội nhập văn hóa có nghĩa là một Giáo hội đối thoại liên tục, khiêm tốn và yêu mến đối với những truyền thống sống động, những nền văn hóa, những tôn giáo, với tất cả những thực tại sống của dân tộc mà Giáo hội cắm rễ sâu xa ở đó, đồng thời vui vẻ đón nhận lấy lịch sử và đời sống của dân tộc đó làm của mình.

Quả thật “Trong quá trình gặp gỡ các nền văn hoá khác nhau của thế giới, Giáo hội không những truyền đạt các chân lý và những giá trị của mình và đổi mới các nền văn hoá từ bên trong, nhưng Giáo hội cũng tiếp thu từ các nền văn hoá khác nhau, những yếu tố tích cực có sẵn trong các nền văn hoá đó. Đó là con đường bắt buộc cho những nhà rao giảng Tin Mừng khi trình bày đức tin Ki-tô giáo và làm cho nó trở nên một thành phần di sản văn hoá của một dân tộc.” (Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu “Ecclesia In Asia”, số 21).

Khi các nền văn hoá khác nhau được hoàn thiện và canh tân dưới ánh sáng của Tin Mừng, chúng có thể trở nên những diễn tả đích thực của đức tin Ki-tô giáo duy nhất. "Nhờ hội nhập văn hoá mà Giáo hội, về phần mình, đã trở nên một dấu chỉ dễ hiểu hơn về bản tính của mình, và trở nên một dụng cụ hữu hiệu hơn cho việc truyền giáo." Sự giao kết đó với các nền văn hoá đã luôn là thành phần cuộc hành trình của Giáo hội qua lịch sử. Nhưng ngày nay sự giao kết đó càng cấp bách cách đặc biệt trong cảnh huống đa-dân-tộc, đa-tôn-giáo, đa-văn-hoá tại Á Châu, nơi mà Ki-tô giáo vẫn thường còn bị coi là ngoại lai.” (ibid).

 

3. Tiếp cận Mục vụ toàn diện: 

Theo từ nguyên, mục vụ là công việc chăm sóc gia súc (mục: chăm sóc gia súc; vụ: công việc). Chữ mục vụ được dùng khởi thủy từ Thánh vịnh 78 coi đoàn người Do Thái như “đàn cừu”, “bầy chiên” (kể lại việc Mô-sê hướng dẫn người Do Thái thoát khỏi Ai Cập và đi về hướng Đông, khởi đầu một cuộc hành trình tiến vào Ca-na-an). Đó là Thánh Vịnh 78, câu 52-53 (“Còn dân Chúa, Người dẫn đi như thể đàn cừu, đem họ vào sa mạc chẳng khác bầy chiên, đưa họ đi an toàn, chẳng có chi phải sợ, nhưng quân thù họ bị biển khơi chôn vùi.”); hoặc câu 70-72 (“Chúa chọn Đa-vít, người tôi trung, cất nhắc ông, thuở còn là mục tử, cho vời đến, lúc đang giữ bầy chiên, để chăn dắt dân Người là Gia-cóp, và Ít-ra-en sản nghiệp của Người. Ông chăn dắt họ với một lòng liêm chính, tay dẫn đưa khéo léo tài tình.”).

Công việc mục vụ trong Ki-tô giáo có ý nghĩa là việc chăm sóc về mọi mặt cho giáo dân. Người thực hiện công việc mục vụ là các Giám mục, Linh mục, Phó tế, kể cả giáo dân (đã được rèn luyện). Về phần giáo dân nói chung thì công việc mục vụ là đóng góp xây dựng việc liên quan đến mục vụ của các linh mục. Nói cách khác, giáo dân cộng tác với linh mục trong mục vụ Giáo xứ. Về các linh mục thì dâng lễ, tổ chức dạy giáo lý Công giáo, tổ chức các hoạt động vui chơi, thăm hỏi người bệnh, cử hành các Bí tích Thánh Thể, Giải Tội, Xức Dầu bệnh nhân… Về các giám mục thì dâng lễ, cử hành Bí tích Thêm sức, đi đặt viên đá đầu tiên, cai quản giáo phận và linh mục, phó tế, đào tạo chủng sinh… (Wikipedia).

Cũng bởi vì Giáo hội do Chúa Giê-su Ki-tô thiết lập, xuất thân từ những nguời nghèo, bao gồm phần lớn là những người nghèo, thì trong Giáo hội, người nghèo phải có chỗ đứng, có tiếng nói. Người nghèo không thể mãi là những người thấp cổ bé miệng. Giáo hội phải lưu tâm nhiều hơn đến những hạng người này, chăm sóc đặc biệt hơn, đồng hành với họ, chia sẻ nếp sống của họ, chia sẻ của cải cho họ, trợ giúp thực tế khi họ cần. Ngoài ra, Giáo hội là của mọi người và cho mọi người (ý nghĩa của từ “Công Giáo”), nên Giáo hội dấn thân loan báo Tin Mừng. Đặc biệt hơn, Giáo hội phải hội nhập văn hóa, góp phần tích cực vào các công việc xã hội. Để đạt được ước nguyện, Giáo hội phải luôn canh tân nếp sống và cách làm việc.

Tất nhiên các tín hữu Công giáo cần phải có một sự định hướng mục vụ nhiều hơn nữa để thực hiện nghĩa vụ Ki-tô giáo trong việc chăm sóc người khác với nghĩa cử yêu thương và quan tâm chăm sóc theo quan điểm của Giáo hội về sự sống con người (tất cả mọi người, bất kể nam nữ, đều được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa). Nói cách cụ thể, người Ki-tô hữu dù ở cương vị nào cũng cần  phải được tiếp cận mục vu Giáo hội. Rõ ràng sứ vụ nhất quán của người tín hữu là loan báo Tin Mừng, loan báo bằng chính đời sống chứng tá của bản thân.

 

Kết luận: 

Trong bài nói chuyện với hội nghị các Bề trên thượng cấp các Hội dòng có mặt tại Việt Nam, ở Tu viện Don Bosco K’Long ngày 05/01/2013, Đức cố Tổng Giám mục Phao-lô Bùi Văn Đọc phát biểu: “Ngoài đường hướng đã được vạch ra trong Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi đề ra một vài dấu nhấn, để tránh sự hiểu lầm có thể có nơi một số người nghĩ rằng Giáo hội tại Việt Nam không đi vào “thực tế đời sống”, mà chỉ nói chung chung. Chúng tôi rất ý thức “cần phải đưa Ánh sáng Chúa Ki-tô”, đưa “Ánh sáng Đức tin” (Lumen Fidei) vào trong cuộc sống thực tế của xã hội hôm nay, nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể nhấn mạnh một số điều cơ bản. Phần còn lại là công việc của mỗi người Ki-tô hữu muốn là người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô.”

Tóm  lại, người Ki-tô hữu cần tiếp cận mục vụ toàn diện. Giáo hội luôn mời gọi các tín hữu biết chọn lựa giữa việc “xây nhà trên đá” hay “xây nhà trên cát” (cũng giống như Lời dậy của Đức Ki-tô: “Không thể cùng lúc vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của” (Lc 16, 13). Bởi “nhà” mà Chúa Giê-su nói đến chính là đời sống của mỗi con người. Như ngôi nhà vật chất cần được xây dựng trên nền móng vững chắc thế nào, cuộc đời chúng ta cũng cần được xây dựng trên nền móng vững vàng như vậy. Nền móng ấy là gì, nếu đó không phải là một tâm hồn biết chú tâm lắng nghe và thi hành Lời Chúa, như Đức Giê-su đã dạy chúng ta. Một ngôi nhà xây trên nền đá là một cuộc đời được thiết lập căn bản trên Lời Chúa và niềm tin yêu phó thác hoàn toàn ở nơi Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, vì thế, có thể đứng vững bình an trước mọi thử thách (phong ba, bão táp) của cuộc đời. Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.