Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội Tuyệt Mỹ

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

ÐẤNG VÔ NHIỄM THAI TUYỆT MỸ (LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYEN TỘI)

 

Kể từ khi A-đam và E-và phạm tội bất tuân với Thiên Chúa, tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian, khiến cho bất cứ ai sinh ra thì đều mang trong mình hệ lụy của tội. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn có một chương trình nhiệm mầu dành cho kế hoạch cứu độ. Chính vì vậy, Thiên Chúa đã tuyển chọn một người đặc biệt để cộng tác với Người. Người đó chính là Mẹ Maria. Khi được tuyển chọn để tham gia vào kế hoạch yêu thương, Thiên Chúa, đã gìn giữ Mẹ cách tuyệt đối để nên người độc nhất vô nhị không bị vướng mắc tội tổ tông truyền.

 

Bước vào Mùa Vọng với lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Giáo hội mời gọi con cái mình cử hành với niềm vui vẻ, đồng thời tôn vinh Mẹ là Ðấng Tuyệt Mỹ, vì Mẹ đã được Thiên Chúa Cha – Đấng giầu lòng thương xót – yêu thương và tuyển chọn làm Mẹ Người Con Duy Nhất của Người. Mẹ được gìn giữ khỏi mắc tội nguyên tổ, là Ðấng đầu tiên được chính Người Con của Mẹ cứu chuộc. Nét đẹp cao cả của Mẹ phản chiếu nét đẹp của Chúa Ki-tô, là bằng chứng về chiến thắng của tình thương Thiên Chúa trên tội lỗi và sự chết, khi Người Nữ đạp nát đầu con rắn đã cám dỗ A-đam và E-và phạm tội.

 

Ngày 8/12/1854, bằng sắc lệnh Thiên Chúa bất khả ngộ “Ineffabilis Deus”, Đức Thánh Cha Pi-ô IX đã long trọng tuyên bố: “Với uy quyền của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, của hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, cũng như của riêng Ta, Ta công bố, tuyên ngôn và xác nhận tín điều được mạc khải bởi Thiên Chúa buộc mọi tín hữu phải tin vững vàng và trung kiên là “Rất Thánh Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu thai, nhờ đặc ân của Thiên Chúa toàn năng và công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội.” (Sắc lệnh Niềm Tin Ki-tô Giáo “The Christian Faith” – TCF, số 204). Sau đó hơn 3 năm, ngày 25-3-1858, khi hiện ra với chị thánh Bernadette, chính Đức Maria đã công nhận tín điều này khi tự xưng mình là “Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội".

 

Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao lại có Sắc lệnh “Ineffabilis Deus”? Ấy cũng bởi vì không chỉ ở bên ngoài Giáo hội, mà ngay cả bên trong Giáo hội vẫn có những suy nghĩ: “Nguyên tổ loài người đã pham tội, tội đó truyền tử lưu tôn đời đời kiếp kiếp. Đức Maria là con cháu của Nguyên tổ thì làm sao có thể thoát khỏi tội Nguyên tổ cho được?” Lý luận nghe ra có vẻ hợp lý, nhưng đó mới chỉ là những “tư tưởng của loài người, không phải tư tưởng của Thiên Chúa” (Mc 8, 33). Thiên Chúa đã làm những việc vượt quá trí khôn của loài người, nên không thể “suy sự Đức Chúa Trời” như kiểu Thánh Au-gus-ti-nô (1), nếu chưa được Người mạc khải cho biết. Vâng, đối với Thiên Chúa thì mọi sự “không thể” đều trở nên “có thể” (“Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.” – Mt 19, 26). Tất cả đều không ra khỏi sự quan phòng của Đấng Tối Cao, mọi sự đều đã được tiền định từ trước vô cùng.

 

Khi Nguyên tổ phạm tội bị trục xuất ra khỏi vườn Địa Đàng (Ê-đen), thì vì Tình Yêu vô hạn, Thiên Chúa đã có ngay kế hoạch Cứu Độ. Quả thế, “sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” (Rm 5, 15). A-đam xưa đã phạm tội phải xa lìa Thiên Chúa, thì cần phải có một A-đam Mới đem nhân loại trở về với Thiên Chúa. A-đam Mới đó chính là Đức Giê-su Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Đã là Thiên Chúa thì tất nhiên không hề có chuyện mắc tội cúa Nguyên tổ loài người, như vậy thì Con Thiên Chúa làm người là Đấng Vô Nhiễm cần phải được sinh ra từ một người Mẹ Vô Nhiễm, và đó chính là E-và Mới Maria Vô Nhiễm Nguyên tội vậy. Sáng tạo cũ dựng nên Nguyên tổ loài người, nhưng A-đam và E-và đã phạm tội, thì E-và Mới hạ sinh A-đam Mới (A-đam cuối cùng) mở ra một kỷ nguyên mới, một sáng tạo mới chan đầy ân sủng của Thiên Chúa toàn năng. Sáng tạo mới không thay thế mà chỉ làm mới lại sáng tạo cũ, nói cách khác, con người được dựng nên bởi sáng tạo cũ đã chết đi thì nay được tái sinh bởi sáng tạo mới.

 

Như vậy, “Với Đức Maria, người thiếu nữ Sion tuyệt vời sau thời mong đợi đằng đẵng nhờ Thiên Chúa thực hiện lời hứa, thời gian đã nên trọn và nhiệm cục mới được thiết lập.” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, điều 489). Quả thực Đức Trinh nữ Maria Vô nhiễm, Mẹ Thiên Chúa, đã được tiền định từ trước vô cùng (Giáo Lý HTCG, điều 488-489). Nếu không là một tiền định bất biến, thì làm sao ngôn sứ I-sai-a biết được (nhờ mạc khải) để tiên báo từ 5 thế kỷ trước khi mầu nhiệm Nhập Thể trở thành hiện thực? (“Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta." – Is 7, 14). Việc tiền định cho Đức Maria được vô nhiễm nguyên tội là điều tất yếu, bởi vì “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người.” (Ep 1, 11).

 

Hồng ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là một biểu hiện cụ thể và tròn đầy kết quả viên mãn của ơn cứu độ do Đức Ki-tô mang lại cho phần tử ưu tú nhất của nhân loại: Đức Maria vẹn tuyền, tuyệt mỹ. Mẹ đã gắn bó mật thiết với mầu nhiệm “Con Thiên Chúa làm người”, như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (điều 490) đã viết: “Để làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria “đã được Chúa ban cho nhiều ơn xứng với nhiệm vụ cao cả ấy”. Lời chào của Thiên sứ khi truyền tin cho Đức Mẹ ("Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." – Lc 1, 28) đã nói lên đầy đủ ý nghĩa của mầu nhiệm này. Vâng, “Suốt dọc chiều dài lịch sử, Hội Thánh đã nhận thức rằng Đức Maria, vì được Thiên Chúa ban cho “đầy ơn phúc” (Lc 1, 28), nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai. Mẹ đã được hoàn toàn gìn giữ khỏi tỳ ố của nguyên tội và suốt cả đời, Mẹ vẫn luôn tinh tuyền không phạm tội riêng nào.” (Giáo Lý HTCG, điều 508).

 

Rõ ràng “Mẹ có được sự thánh thiện tuyệt vời, có một không hai ‘ngay từ lúc tượng thai’ hoàn toàn là do Đức Ki-tô: Mẹ được cứu chuộc cách kỳ diệu nhờ công nghiệp Con của Mẹ.” (Giáo Lý HTCG, điều 506). Những đặc ân của “Đấng Đầy Ân Sủng” Maria không những là kết quả đi trước của cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô, mà còn tiên báo hình ảnh đích thực của Hội Thánh vào ngày cánh chung, ngày mà Dân Chúa sẽ được tác thành như “một trinh nữ vẹn toàn”. Tất cả những nội dung đó đã được tóm kết trong kinh Tiền Tụng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: “Cha đã gìn giữ Ðức Trinh Nữ Maria khỏi mọi vết nhơ nguyên tội. Cha đã cho Người được đầy ơn sủng để Người xứng đáng làm Mẹ của Con Cha. Nơi Người, Cha đã phác hoạ hình ảnh một Hội Thánh rất xinh đẹp, không tỳ ố, không vết nhăn, là Hiền Thê của Ðức Ki-tô…”.

 

Vì thế, Giáo hội luôn hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (“Bài ca Ngọi Khen – Magnificat” – Lc 1, 46-56). Những lời ngợi ca đó nói lên tất cả tâm tình của Mẹ. Đó là toát lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: mãi mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

 

Hơn thế nữa, “Khi chiêm ngưỡng nơi Mẹ Thiên Chúa một cuộc đời hoàn toàn do Lời lên khuôn, ta hiểu được rằng cả ta nữa cũng được mời gọi bước vào mầu nhiệm đức tin, nhờ đó, Chúa Ki-tô tới cư ngụ trong đời ta. Thánh Am-brô-si-ô nhắc nhở ta rằng xét theo một phương diện nào đó, mọi tín hữu Ki-tô đều tượng thai và sinh hạ Lời Thiên Chúa: mặc dù chỉ có Mẹ Thiên Chúa là tượng thai bằng xương bằng thịt, còn chúng ta, Chúa Ki-tô là con cái của mọi người chúng ta trong đức tin. Như thế, điều xẩy ra cho Đức Maria cũng hàng ngày xẩy ra nơi mỗi người chúng ta, trong việc nghe Lời Chúa và trong việc cử hành các bí tích.” (Tông huấn Lời Chúa “Verbum Domini”, số 20).

 

Cử hành lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội giữa Mùa Vọng, cộng đoàn Ki-tô hữu hãy cầu xin cho được “tượng thai và sinh hạ Lời Thiên Chúa trong đức tin” như Đức Maria đã “tượng thai và sinh hạ Lời Thiên Chúa bằng xương bằng thịt”. Một cách cụ thể là hãy dọn sạch tâm hồn, ngõ hầu xứng đáng đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh, nhất là để từng ngày cộng tác với ân sủng ngõ hầu biến cuộc sống trở thành một mảnh đất tốt để Lời Chúa đơm hoa kết trái, như mảnh đất tâm hồn trinh nguyên vẹn tuyền của Đức Maria, tinh hoa của bao ngàn năm mong đợi. Ước được như vậy. Amen.

 

----------------------------

 

Chú thích:  (1) –Truyền thuyết Thánh Au-gus-ti-nô (354-430) “suy sự Đức Chúa Trời”: Thánh Au-gus-ti-nô sinh ngày 13/11/354, tại Tagaste (An-giê-ri). Thánh nhân là một thanh niên có học và có tài (làm giáo sư triết học khi mới 19 tuổi), nhưng nhiễm phải giáo lý của giáo phái Ma-ni-kê. Mãi tới năm 33 tuổi, nhờ hiền mẫu Monica, ngài mới trở lại Đạo Chúa, thụ phong linh mục năm 36 tuổi và làm giám mục năm 41 tuổi. Trong quá trình sống và giảng dạy về Thần học và Triết học, Thánh Au-gus-ti-nô được đọc, được nghe, được thấy nhiều điều thật lạ lùng, khó hiểu – nhất là về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Một hôm, thánh nhân đi đi lại lại trên bờ biển để vừa cầu nguyện, vừa cố suy nghĩ xem có cách nào để hiểu và cắt nghĩa được tường tận mọi điều về Thiên Chúa Ba Ngôi cùng những việc Người thực hiện. Đang đăm chiêu bách bộ, chợt ngài thấy có một em bé trông rất khôi ngô tuấn tú, đang dùng một vỏ sò múc nước biển đổ vào một lỗ nhỏ (hang cua, hang cáy) trên bờ biển. Ngạc nhiên, Thánh Au-gus-ti-nô liền dừng lại hỏi em đang muốn làm gì vậy. Em bé mỉm cười trả lời: “Cháu đang muốn tát cạn nước biển”. Thánh Au-gus-ti-nô phì cười: “Sao cháu làm một việc vô ích như vậy. Làm sao cháu có thể dùng cái vỏ sò bé tí để múc nước cả đại dương này đổ hết được vào cái lỗ nhỏ như thế?” Em bé cũng cười rất tươi trả lời: “Thì việc cháu đang làm cũng đâu có gì khác với việc bác đang suy nghĩ?” Với sự đáp trả đầy thông minh hóm hỉnh của em nhỏ, Thánh Au-gus-ti-nô giật mình hiểu ra Thiên Chúa đã thức tỉnh ngài thông qua cậu bé (thiên sứ) này.

 

Kể từ đó, ngài không dám “suy sự Đức Chúa Trời” theo kiểu triết lý của trần gian nữa. Mặt khác, Thánh nhân luôn cầu nguyện xin ơn soi sáng để Thiên Chúa “vén tấm màn lên” (mạc khải – revelatio) cho ngài thông hiểu những “nền tảng thần học” vô cùng cao siêu, thâm hậu, mà Thiên Chúa đã thực hiện.

 

JM. Lam Thy ĐVD.