Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mục vụ giới trẻ

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

MỤC VỤ GIỚI TRẺ

 

Nói đến mục vụ giới trẻ, không thể không nhắc đến Tông huấn Chúa Ki-tô hằng sống “Christus vivit”. Tông huấn (số 31) viết cho các bạn trẻ: “Các bạn trẻ thân mến, Đức Giê-su không dạy các con từ xa hay từ bên ngoài, nhưng từ chính trong tuổi trẻ của các con, một tuổi trẻ mà Người cùng kinh nghiệm với các con. Thật quan trọng việc các con chiêm ngắm chàng trai Giê-su như được giới thiệu trong các Sách Tin Mừng, vì Người thực sự là một giữa các con, và Người chia sẻ nhiều nét trong tâm hồn trẻ trung của các con... Người tỏ lòng thương cảm sâu xa đối với những người yếu đuối nhất, đặc biệt những người nghèo, người đau ốm, người tội lỗi và những kẻ bị loại trừ. Người có can đảm để đương đầu với các quyền bính chính trị và tôn giáo thời ấy; Người hiểu thế nào là bị hiểu lầm và bị tẩy chay; Người kinh nghiệm nỗi sợ trước đau khồ và Người biết sự chênh vênh trong cuộc khổ nạn. Người hướng nhìn tương lai, phó thác chính mình trong vòng tay che chở của Cha và trong sức mạnh của Thánh Thần. Nơi Đức Giê-su, mọi người trẻ có thể nhìn thấy chính mình.”

 

Trong chiều hướng đó, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ban hành Thư Chung gửi cộng đồng Dân Chúa ngày 4/10/2019. Thư Chung (số 6) viết: “Chúng tôi đề nghị Chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm (2020 - 2022) với các chủ đề sau:

 

- 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

- 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.

- 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.”

Xin cùng tìm hiểu:

 

I.- Giới trẻ là ai?

 

Tuổi trẻ là thời gian của cuộc sống giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành. Tuổi trẻ là một kinh nghiệm có thể định hình mức độ phụ thuộc của một cá nhân, có thể được đánh dấu theo nhiều cách khác nhau theo các quan điểm văn hóa khác nhau. Liên Hiệp Quốc định nghĩa tuổi trẻ là những người trong độ tuổi từ 15 đến 24 với tất cả các số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc dựa trên phạm vi này, Liên Hiệp Quốc tuyên bố giáo dục là nguồn để thống kê. Liên Hiệp Quốc cũng công nhận rằng điều này thay đổi mà không ảnh hưởng đến các nhóm tuổi khác được liệt kê bởi các quốc gia thành viên là18-30 tuổi. Ở phần lớn châu Phi, thuật ngữ "tuổi trẻ" có liên quan đến những người đàn ông trẻ từ 15 đến 30 hoặc 35 tuổi.

Tuổi trẻ cũng được định nghĩa là "vẻ ngoài, sự tươi mới, sức sống, tinh thần, v.v., đặc trưng của một người trẻ". Ở Brazil, thuật ngữ giới trẻ chỉ những người thuộc cả hai giới tính từ 15 đến 29 tuổi. Khung tuổi này phản ánh ảnh hưởng đối với luật pháp Brazil của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ở Việt Nam, quan niệm phổ biến về giới trẻ của những công trình xã hội chính trị cho cả hai giới trong độ tuổi từ 15 đến 35. Riêng KI-tô giáo coi giới trẻ trong khoảng tuổi từ 15 tới 39 tuổi. (nguồn: Wikipedia).

           

II.- Giới trẻ cần làm gì?

 

1- Học hỏi: Gia đình là “trường học đầu tiên”, nơi đó người trẻ Ki-tô giáo đón nhận những bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Thiên Chúa. Ngoài ra, sống trong thời đại toàn cầu hóa, giới trẻ có nhiều cơ hội học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, mở rộng giao lưu gặp gỡ, có những hoạt động phong phú trong lãnh vực văn hóa, thể thao.

 

Song song với chiều thuận, người trẻ cũng phải đối diện với những thách đố của thời đại mới. Hiện tượng di dân vừa đem lại những hiệu quả tích cực, vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống gia đình và xã hội. Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng.

 

Đó chính là lý do người trẻ cần đi sâu vào vấn đề học hỏi. Học hỏi không những để mở mang kiến thức, mà còn là cơ hội cho người trẻ Ki-tô giáo biết phân định ơn gọi và sứ mệnh của bản thân.

 

2- Phân định: Việc phân định thường bao gồm hành vi nhận thức và hành vi phân biệt hoặc phán đoán. Đó là nói về mặt ý nghĩa, còn nội dung việc phân định thường bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau, tập trung vào 2 mặt chủ yếu :

 

* Phân định luân lý: Phân biệt điều tốt, điều xấu, dựa trên những nguyên tắc tổng quát của luân lý. Sự phân định này cũng quen được gọi là “phân định của lương tâm” (Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1777-1782).

 

* Phân định tâm linh (còn gọi là phân định thần khí): Phân định, lựa chọn giữa thần khí tốt (Thần Khí Thánh Linh) và thần khí xấu (thần dữ). Cách thức phân định này mang tính cá biệt: tìm hiểu ý muốn của Thiên Chúa qua sự thúc đẩy trong tâm hồn, nhận ra cơn cám dỗ của ba thù để bác bỏ nó và tiếp tục bước trên hành trình tiến tới sự viên mãn của đời sống.

 

Việc phân định trước tiên là khả năng nhìn thấy rõ những vấn đề trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, trong các yếu tố hình thành nên các biến cố; đặc biệt nhất là thấy rõ bản thân mình. Muốn đánh giá bản thân một cách chính xác và chân thực, cần phải biết rõ đâu là yếu tố quyết định bản chất và phẩm giá con người. Điều này đòi hỏi con người phải biết quy chiếu vào những giá trị chân thiện mỹ đích thực để thấy được chính mình. Tự biết mình là yếu tố rất quan trọng để con người đạt tới sự trưởng thành.

 

Khi đã nhận biết bản thân, cần thao luyện óc phán đoán để đánh giá đúng con người thật của mình, ngõ hầu phân định được những vấn đề cần thiết. Ơn phân định thần khí là một ơn do Chúa Thánh Thần thông ban. Như vậy, phân định thần khí là việc của đời sống thiêng liêng. Khi xác định đời sống nhân bản tốt là nền tảng nuôi dưỡng và phát triển khả năng phân định, thì giá trị của việc rèn luyện thiêng liêng là yếu tố quyết định khả năng phân định thần khí. Việc rèn luyện tâm linh bao gồm 2 lãnh vực chủ yếu: Đời sống nội tâm + Đời sống đức tin.

 

Hiện nay, không ít người trẻ băn khoăn đi tìm ý nghĩa và hướng đi đích thực cho đời sống. Cũng như Chúa Ki-tô đã công bố Tin Mừng cho những người trẻ Em-mau, cho các môn đệ, ngày nay Giáo hội cũng muốn gửi đến các bạn trẻ sứ điệp cao cả của Tin Mừng: Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương các bạn trẻ, Chúa Ki-tô đã cứu độ các bạn, ngày hôm nay Người vẫn đang sống, vẫn đồng hành với các bạn như một người Bạn thân thiết. Tuổi trẻ là ân sủng và quà tặng mà các bạn cần đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn chứ không lãng phí, hãy phát huy các khả năng Chúa ban để trở nên một người trưởng thành toàn diện.

 

            Tuổi trẻ là một phúc lành cho Giáo hội và thế giới. Thật vậy, người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo hội, mà còn là chủ thể phản ánh Đức Giê-su Ki-tô giữa lòng nhân thế; không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của thế giới, họ đã và đang góp phần làm phong phú thế giới. Chúa Ki-tô dù đã hiến mạng sống cho nhân loại, đã về trời, nhưng thực chất, Người vẫn đang sống với mọi người nói chung, và cách riêng Người vẫn đồng hành với giới trẻ.

 

           Người trẻ làm phong phú Giáo hội và thế giới bằng nhiều cách, trước hết bằng việc nên thánh. Đồng thời, các bạn trẻ cũng thể hiện sự thánh thiện qua việc sống đức ái trong gia đình và trong xã hội. Nhiều người trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động giáo xứ hoặc dấn thân vào các hoạt động bác ái xã hội. Các phong trào vì môi trường ngày càng phổ biến mà thành phần đông đảo là người trẻ. Tất cả làm nên sức sống trẻ trung của Giáo hội, đồng thời là sự dấn thân cụ thể để Phúc Âm hóa xã hội và thế giới, mở rộng Triều đại của Thiên Chúa (Tông huấn “Christus vivit”, số 168).

 

3- Sống (thực hành);   Sau khi đã phân định, người trẻ cần sống và thực hành những kiến thức đã học hỏi. Để đạt hiệu quá, cần thiết phải đồng hành, đồng hành để giúp người trẻ thăng tiến và dấn thân.

 

           Theo hướng đi trên, tất cả các thành phần Dân Chúa đồng hành với giới trẻ và đổi mới mục vụ giới trẻ. Những người tham gia mục vụ giới trẻ, đặc biệt các linh mục, cần đổi mới cách nhìn và cách tiếp cận người trẻ. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhận xét: “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội.” (Tông huấn “Christus vivit”, số 221).

 

Vì thế, thay vì áp đặt lên người trẻ một chương trình có sẵn, cần phải đồng hành và lắng nghe các bạn trẻ, giúp họ khám phá những khả năng và các đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban, và tạo điều kiện thích hợp để người trẻ phát huy những khả năng đó. Mục vụ giới trẻ phải mang tính “hiệp thông hành động”, nghĩa là có khả năng liên kết mọi thành phần dân Chúa trong một “hành trình chung”. Nếu giới trẻ được quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo hội sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Truyền Giáo.

 

Để sống đúng tinh thần Phúc Âm, người trẻ cần chiêm ngắm hai người trẻ trong hành trình Emmaus, Người Trẻ Giê-su cùng đi với hai môn đệ, Người bước vào trong đêm tối của họ. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra. Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh.” (Tông huấn “Christus vivit”, số 237).

 

III.- Trách nhiệm của cộng đồng:   

 

            Các mục tử, hướng dẫn viên, giáo lý viên và nói chung là cộng đồng Dân Chúa cần làm theo Thư của Hội Đồng Giám Mục (số 7) bao gồm (phần này xin trích nguyên văn Thư của HĐGM):

 

a- Thể lý: giúp người trẻ rèn luyện thân thể khỏe mạnh, giữ kỷ luật đối với chính bản thân, phòng ngừa các đam mê nguy hại như rượu, bia, ma túy, cờ bạc, nghiện game.

 

b- Tâm lý: giúp người trẻ tập luyện các đức tính nhân bản, đặc biệt tính trung thực, ý thức công bằng, lương tâm ngay thẳng, tinh thần trách nhiệm; tạo điều kiện để người trẻ có nhiều cơ hội sinh hoạt cộng đồng, nhờ đó hướng mở tới tha nhân, tập sống chung và làm việc chung với tinh thần liên đới, quảng đại, vị tha; mở các lớp kỹ năng sống về nhận diện giá trị bản thân, trưởng thành tâm lý và tính dục, phát triển tương quan hài hòa với mọi người.

 

c- Tâm linh: giúp các bạn trẻ gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Kitô,

 

Đấng đang sống, nhờ cầu nguyện với Lời Chúa, tôn thờ Thánh Thể, tham dự phụng vụ cách tích cực. Để thực hiện mục tiêu này, các mục tử và giáo lý viên cần canh tân việc dạy giáo lý cho giới trẻ bằng cách tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận theo chuyên đề, nhất là những vấn đề thiết thân với giới trẻ.

 

d- Văn hóa: không thể tách rời việc đào tạo tâm linh ra khỏi đào tạo về văn hóa. Đào tạo văn hóa đích thực là phát triển sự khôn ngoan, tức là tri thức nhân văn và phát triển nhân bản, chứ không chỉ tìm lợi ích vật chất và hiệu quả cụ thể tức thời (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 223).

 

e- Phân định ơn gọi: người trẻ cũng cần được đồng hành và hướng dẫn trong việc phân định tiếng gọi của Thiên Chúa, kêu mời họ bước vào đời sống tu trì hoặc đời sống hôn nhân, để họ có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa với tất cả tự do, ý thức đức tin và quảng đại dấn thân.

 

Kết luận:

 

Tóm lại, “Các cơ sở giáo dục của Giáo hội rõ ràng là một khung cảnh tập thể cho việc đồng hành; chúng có thể cung cấp sự hướng dẫn cho nhiều người trẻ, nhất là khi chúng “đón nhận mọi người trẻ, không phân biệt tôn giáo, nguồn gốc văn hóa, hoàn cảnh cá nhân, gia đình và xã hội. Bằng cách này, Giáo hội đóng góp một cách căn bản vào công cuộc giáo dục toàn diện cho người trẻ ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới”. Các cơ sở giáo dục ấy sẽ cắt mất vai trò này nếu như đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho việc tuyển sinh và việc tiếp tục theo học tại nơi của mình, vì như vậy chúng tước mất của nhiều người trẻ sự đồng hành vốn có thể giúp làm phong phú đời sống của họ.” (Tông huấn Christus vivit”, số 247).

 

Trong tâm tình đó, người trẻ hãy đến với Mẹ Maria, cũng vì khi Đức Mẹ hoài thai Chúa Giê-su, Mẹ cũng là một người trẻ. Mẹ đã đồng hành với Người Trẻ Giê-su trong công cuộc Cứu Chuộc. Mẹ đã lắng nghe, suy đi nghĩ lại trong lòng, và quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi. Và một khi đã thưa ‘Xin vâng’, Mẹ dấn bước với tất cả tình yêu trung tín, kể cả trong những lúc khó khăn và thử thách nhất. Mẹ thực sự là mẫu gương và hơn nữa, là Ngôi Sao Hy Vọng, dẫn bước chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách để bước đi trên con đường của Tin Mừng. Chúng ta cùng hướng về Đức Maria với tâm tình cậy trông và yêu mến. Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta.

 

Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.