Dấu chỉ tuyệt vời của Máng Cỏ, của chúng ta
CN III MV
Dấu chỉ tuyệt vời của Máng Cỏ, của chúng ta
“Anh em ra xem gì trong hoang địa ? Một cây sậy phất phơ trước gió ư ?”
(Mt 11,7).
Trên khắp thế giới, nhất là Đạo Công Giáo chúng ta đang chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh. Ngoài xã hội, thì người ta trưng bày và bán hàng Giáng Sinh. Còn trong Đạo, chúng ta trưng bày và làm hang đá, làm Máng Cỏ Giáng Sinh. Máng Cỏ Giáng Sinh có ý nghĩa gì đối với chúng ta, chúng ta hãy đọc và suy tư về Tông Thư dưới dạng tự sắc Admirabile Signum, (Dấu chỉ tuyệt vời) của Đức Phan-xi-cô về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cảnh Giáng Sinh (Số 1 và 2).
1- Hình ảnh làm say mê của máng cỏ Giáng Sinh, rất thân thương đối với dân Kitô, không bao giờ ngừng khơi dậy sự kinh ngạc và suy tư trong lòng. Việc mô tả sự ra đời của Chúa Giêsu tự nó là một lời công bố đơn sơ và vui mừng về mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa. Cảnh Chúa Giáng Sinh giống như một Tin mừng sống động mọc lên từ các trang của Kinh thánh. Khi chúng ta suy ngẫm về câu chuyện Giáng Sinh, chúng ta được mời tham gia vào một cuộc hành trình tâm linh, kín múc từ sự khiêm nhường của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành phàm nhân để gặp gỡ mọi người nam nữ. Chúng ta nhận ra rằng tình yêu của Ngài dành cho chúng ta quá lớn khi Người trở thành một trong số chúng ta, để đến lượt mình chúng ta nên một với Người. Với Thư này, tôi muốn khuyến khích không chỉ truyền thống tốt đẹp của các gia đình chuẩn bị cảnh Giáng Sinh vào những ngày trước dịp lễ, mà cả phong tục bày trí cảnh Giáng Sinh ở nơi làm việc, trong trường học, bệnh viện, nhà tù và các quảng trường thị trấn. Trí tưởng tượng tuyệt vời và sự sáng tạo luôn được thể hiện trong việc sử dụng các vật liệu đa dạng nhất để tạo ra những kiệt tác nhỏ của thẩm mỹ. Khi còn nhỏ, chúng ta học hỏi từ cha mẹ và ông bà của mình để tiếp tục truyền thống hân hoan này, trong đó gói gọn rất nhiều lòng đạo đức bình dân. Tôi hy vọng rằng phong tục này sẽ không bao giờ bị mất và bất cứ nơi nào nó rơi vào tình trạng không được dùng đến, nó có thể được tái khám phá lại và hồi sinh.
Trong số 1, Đức Thánh Cha cho biết Ngài khuyến khích việc làm hang đá ở nhà hay ở những nơi công cộng có thể làm được, vì đó là một truyền thống tốt đẹp, trong đó “gói gọn rất nhiều lòng đạo đức bình dân”. Điều đó cho thấy, khi chúng ta làm hang đá không phải chỉ để trưng bày hay phô trương, mà nhất là để “công bố sự ra đời của Đức Giê-su; về mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa. Nó như một Tin Mừng sống động mọc lên từ những trang Thánh Kinh”.
Bởi đó “Khi chúng ta suy ngẫm về câu chuyện Giáng Sinh, chúng ta được mời tham gia vào một cuộc hành trình tâm linh, kín múc từ sự khiêm nhường của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành phàm nhân để gặp gỡ mọi người nam nữ. Chúng ta nhận ra rằng tình yêu của Ngài dành cho chúng ta quá lớn khi Người trở thành một trong số chúng ta, để đến lượt mình chúng ta nên một với Người.
Có hai điều ta cần chú ý, đó là khi làm hang đá Giáng Sinh, chúng ta tham gia vào một cuộc hành trình tâm linh và chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa.
Cuộc hành trình thiêng liêng, mang tính chất tâm linh, đó là chúng ta biết học hỏi về sự khiêm nhường của Chúa. Sống sự khiêm nhường là cực kỳ khó khăn đối với mỗi người chúng ta. Thế nhưng ai cũng yêu quí những người sống khiêm nhường hết. Nhìn vào máng cỏ, chúng ta thấy gì ? Một Thiên Chúa oai phong lẫm liệt sao ? Một Thiên Chúa cao sang quyền phép sao? Không. Ngàn lần không. Một Thiên Chúa làm người; một trẻ thơ đang nằm trong máng cỏ, trong chuồng súc vật.
Một Thiên Chúa dám hạ mình như thế, huống chi là con người chúng ta. Chúng ta còn dám lên mặt hay kiêu căng ngạo mạn nữa không? Còn dám muốn trèo lên đầu lên cổ người khác nữa không?
Điều thứ hai, chúng ta nhận ra tình yêu quá lớn của Thiên Chúa. Điều là thánh Gio-an đã viết : “Thiên Chúa đã quá yêu thế gian nên đã ban Con Một” (x. Ga, 3,16). Một tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa và kêu gọi chúng ta hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Một lần nữa, chúng ta cũng gặp điều khó làm nơi mỗi người chúng ta là yêu thương hết mọi người, kể cả những người làm hại hay bách hại chúng ta.
Yêu thương những người chúng ta yêu thích thì khỏi phải nói, nhưng yêu thương những người làm hại và bách hại chúng ta kìa, mới khó. Chắc Chúa cũng không đòi hỏi chúng ta phải yêu thương những người này như những người chúng ta yêu thích; Chúa chỉ cần chúng ta cầu nguyện cho họ thôi ; “Còn Thầy, Thầy bảo anh em, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em” (x. Mt 5, 44). Một lời cầu nguyện cho họ, chắc không khó lắm đối với chúng ta, hy vọng chúng ta sẽ làm được.
Còn về việc yêu kẻ thù, chúng ta hãy thực hành lời thánh Phao-lô dạy ; “Yêu thương thì không làm hại người đồng loại” (Rm 13,10). Như vậy để yêu thương kẻ thù, những kẻ làm hại và bách hại chúng ta, chúng ta đừng làm gì hại đến họ; có nghĩa là chúng ta không trả đũa, không trả thù; không lấy “răng đền răng, mắt đền mắt”; Có làm gì thì cũng làm điều tốt cho họ thôi. Vì nếu chúng ta trả thù; họ làm hại chúng ta, chúng ta tìm cách làm hại họ, thì chúng ta cũng đâu có tốt lành hơn gì họ đâu, chúng ta cũng xấu xa như họ thôi.
Đó là hai bài học lớn và quan trọng mà chúng ta học nơi máng cỏ Giáng Sinh. Thường thí chúng ta làm và xem cảnh Giáng Sinh đẹp hay không mà không chứ ý đến hai bài học lớn lao và quan trọng này. Năm nay, theo lời chỉ dạy của Đức Thánh Cha, chúng ta hãy làm thêm một việc nữa là xây dựng cho mình một đời sống tâm linh, một đời sống nội tâm với hai điều cơ bản đó là khiêm nhường và yêu thương.
2- Trên tất cả, nguồn gốc của máng cỏ Giáng Sinh được tìm thấy trong các chi tiết nhất định về việc Chúa Giêsu được sinh hạ tại Bêlem, như được tường trình trong Tin Mừng. Thánh Sử Luca nói đơn giản rằng Đức Maria “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2: 7). Bởi vì Chúa Giêsu đã được đặt trong máng cỏ, cảnh Giáng Sinh được biết đến ở Ý như một presepe, từ chữ praesepium trong tiếng Latinh, có nghĩa là “máng cỏ”.
Đến với thế giới này, Con Thiên Chúa được đặt ở nơi các động vật được cho ăn cỏ. Cỏ trở thành chiếc giường đầu tiên của Đấng sẽ tự mạc khải mình là “bánh từ trời xuống” (Ga 6,41). Thánh Augustinô, và các Giáo Phụ khác, đã rất cảm kích trước hình ảnh biểu tượng này: “Được đặt trong máng cỏ, Người đã trở thành của ăn nuôi sống chúng ta” (Bài Giảng 189, 4). Thật vậy, cảnh Giáng Sinh gợi lên một số mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu và đưa các mầu nhiệm ấy gần gũi hơn với cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Trong số 2, Đức Thánh Cha nhắc đến CỎ. Trong Máng Cỏ Giáng Sinh một điều không thể thiếu là CỎ. Chúng ta mà làm hang đá mà không có CỎ, toàn là những dây kim tuyến đẹp đẽ thì sẽ mất hết ý nghĩa của MÁNG CỎ. Đức Giê-su, Thiên Chúa làm người “nằm trong máng cỏ”, ở giữa những con vật ăn cỏ, chứ không ở giữa động vật ăn thịt. Động vật ăn cỏ thì hiền lành, không cắn xé hay ăn thịt các động vật khác. Điều đó, cho thấy Thiên Chúa gần gũi và ở giữa những người hiền lành.
Một ý nghĩa khác của CỎ là thức ăn cho bò, lừa, chiên, dê,.....Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người, cũng sẽ là lương thực cho mỗi người chúng ta. Khi chúng ta ăn “Cỏ Giê-su”, chúng ta phải hiền lành như bò, lừa, chiên, dê,...không cắn xé hay làm hại những người khác.
Một điều mà Đức Thánh Cha muốn nói nữa là khi nhìn vào cảnh máng cỏ Giáng Sinh, chúng ta sẽ thấy “một số mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu và đưa các mầu nhiệm ấy gần gũi hơn với cuộc sống hàng ngày của chúng ta”. Nói cách khác là khi Chúa mang thân phận làm người như chúng ta thì Người gần gũi với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Do đó, mà chúng ta hãy sống với Người, sống nhờ Người và sống trong Người, để chúng ta lãnh nhận được sự bình an mà Chúa Giáng Sinh đem đến cho chúng ta.
Vậy, chúng ta xem gì trong Hang Đá Giáng Sinh ? Những tượng người và thú, cỏ và đá, đèn và kim tuyến ? Trên hết tất cả, chúng ta hãy thấy sự khiêm nhường và tình yêu lớn lao của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta. Chúng ta hãy nhìn và cảm nhận cũng như biết kín múc và học hỏi nơi Máng Cỏ Giáng Sinh sự khiêm nhường và yêu thương như Chúa. Hãy tập và sống khiêm nhu và yêu thương như Chúa, để Chúa Giáng Sinh trong lòng mỗi người chúng ta, Người nuôi sống chúng ta và sống với chúng ta ngay tại thế này, cũng như sẽ đưa chúng ta về sống với Ngài trên thiên đàng. Đó không là “Dấu chỉ tuyệt vời” sao !!!! Vâng, đó là dấu chỉ tuyệt của Hang Đá Bê-lem; đó là dấu chỉ tuyệt vời của Máng Cỏ Giáng Sinh và cũng là dấu chỉ tuyệt của mỗi người chúng ta nữa.
Lm. Bosco Dương Trung Tín