Bài Ca Ánh Sáng
BÀI CA ÁNH SÁNG (LỄ GIÁNG SINH)
Có thể coi đoạn mở đầu sách Tin Mừng theo thánh Gio-an là Bài ca Ánh sáng. Thiên Chúa là ánh sáng, Ðức Giê-su là Ngôi Lời Thiên Chúa giáng trần, Người là Ánh sáng Thiên Chúa soi vào đêm đen u tối trần gian. Người chính là Ánh sáng ban Sự Sống. (“Lúc khởi đầu, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” – Ga 1, 2-4).
Khi sự sống khởi thuỷ do Thiên Chúa dựng nên bị tội lỗi thống trị, Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự nguyện sinh xuống trần gian để cứu độ nhân loại. Ngôi Lời Thiên Chúa đã chiếu vào bóng đêm chết chóc trần gian một làn ánh sáng cứu độ. Những ai tiếp nhận ánh sáng này thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Dưới làn ánh sáng này, nhân loại tội lỗi được tái sinh. Việc tái sinh này “không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.” (Ga 1, 13). Ðó là những người được cứu độ. Họ sẽ phản chiếu ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa. Ngôi Lời Thiên Chúa chính là Ánh Sáng Cứu Ðộ.
Bài đọc 2 trong Thánh lễ nửa đêm của Lễ Giáng Sinh (năm A) trích thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Ti-tô (Tt 2, 11-15), cốt ý nhắc nhở “người con tôi thực sự sinh ra trong cùng một đức tin chung” (Tt 1, 4), là hãy giảng dạy và làm gương tại Cơ-rê-ta về “Bổn phận của các hạng tín hữu” (từ các cụ ông, cụ bà, tới các người vợ trẻ, các thanh niên). Cuối cùng, ngài nhấn mạnh: “Nền tảng thần học của những đòi hỏi trên: Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.” (Tt 2, 11-14)
Căn cứ trên mầu nhiệm Giáng Sinh mà Thánh Phao-lô và các cộng sự viên của ngài là Mác-cô, A-rít-ta-khô, Đê-ma và Lu-ca (Plm 1, 24; Cl 4, 10) đã kinh qua trong thời gian rao giảng Tin Mừng kể từ khi Đức Giê-su Ki-tô về trời. Thánh nhân đã gửi thư cho Ti-tô với mục đích là khuyên nhủ các tín hữu (kể cả chính môn đệ Ti-tô) hãy luôn giữ vững cái “nền tảng thần học” bất di bất dịch đó trong cuộc sống bằng một tư thế chuẩn bị sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến lần thứ hai. Đó sẽ là chuỗi ngày giống như thời gian Cựu Ước trông đợi Chúa đến lần thứ nhất: “Dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (xc bài đọc 1 lễ nửa đêm: Is 9, 1). Quả thực là trong bóng tối của đêm trường Cựu Ước, “ánh sáng huy hoàng” đã bừng lên chiếu rọi khắp nơi nơi: Mầu nhiệm Giáng Sinh đã tỏ hiện.
Thánh sử Gio-an là người hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Giáng Sinh (xc bài Tin Mừng lễ ban ngày – Ga 1, 1-3), nên ngài không dừng lại ở hiện tượng và không miêu tả việc Chúa sinh ra; mà là khẳng định: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.” Thánh nhân đã nhìn máng cỏ, nhìn mầu nhiệm Chúa ra đời như là một sáng tạo mới của Thiên Chúa dành cho loài người. Sách Tin Mừng theo Thánh Gio-an bắt đầu bằng cụm từ "Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời" khiến người đọc phải nghĩ tới những chữ đầu tiên của toàn bộ Kinh Thánh là sách Khởi Nguyên (Sáng Thế Ký) nói đến việc Thiên Chúa sáng tạo vạn vật và dựng nên lịch sử nhân loại (“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” – St 1, 1). Liên hệ thời điểm Ngôi Lời nhập thể với "lúc khởi nguyên" để bắt đầu nói về Tin Mừng Cứu Độ nhằm gợi lên việc Đức Giê-su sinh ra, Thánh Gio-an muốn nói lên một chân lý: việc Chúa Giáng Sinh bắt đầu một sáng tạo mới, một lịch sử mới, không phải để thay thế lịch sử và sáng tạo cũ, nhưng để làm cho chúng trở nên mới mẻ, hoàn thiện.
Trong bài Tin Mừng này, Thánh sử Gio-an nhấn mạnh đến vấn đề ánh sáng trong việc sáng tạo. Sách Sáng Thế trình thuật về việc Thiên Chúa dựng nên trời đất, ngay từ ngày đầu tiên trong “bóng tối bao trùm vực thẳm”, Thiên Chúa đã phán: "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa gọi ánh sáng là "ngày", bóng tối là "đêm". (St 1, 3-5). Rồi những ngày sau, trong ánh sáng Tình Yêu, Thiên Chúa tiếp tục dựng nên trời đất, vạn vật và nhất là con người. Sau sáu ngày “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1, 31) và Người chúc lành cho ngày thứ bảy, ngày “Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2, 1-2). Rõ ràng ánh sáng Tình Yêu từ khởi nguyên lại bừng lên trong đêm Ngôi Lời giáng thế (“Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.” – Ga 1, 9). Đó chính là công trình Sáng Tạo Mới của Thiên Chúa được thực hiện nơi hang đá Bê-lem: E-và Mới (“Người Nữ đạp nát đầu con rắn” – St 3, 15) hạ sinh Trưởng Tử A-đam Mới (“A-đam cuối cùng” – 1Cr 15, 45).
Vì thế, có thể gọi đoạn mở đầu Tin Mừng theo Thánh Gio-an là “Bài Ca Ánh Sáng”. Thánh nhân đã định nghĩa “Thiên Chúa là Ánh sáng”, mà Ðức Giê-su là Ngôi Lời Thiên Chúa giáng trần, nên Người là “Ánh sáng ban Sự Sống” (những gì được tạo thành nơi Người thì đó là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại); Ngôi Lời là “Ánh Sáng Cứu Ðộ” (Ngôi Lời Thiên Chúa đã chiếu vào bóng đêm chết chóc trần gian một làn ánh sáng cứu độ, những ai tiếp nhận ánh sáng này thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa); Ngôi Lời là “Ánh Sáng Tình Yêu” (Vì tình yêu mà Thiên Chúa đã tạo dựng muôn loài; vì tình yêu mà Thiên Chúa đã cứu chuộc muôn loài, nên Ngôi Lời là hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa chiếu tỏa trên trần gian). Ấy cũng bởi vì Ngôi Lời chính là “Ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật” (Kinh Tin Kính) soi chiếu vào đêm đen u tối trần gian nguồn Ánh Sáng Chân Lý bất diệt: Hồng ân Cứu Độ.
Cũng chính Ngôi Lời đã khẳng định: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.” (Ga 12, 46). Không những thế, Người còn công nhận những ai theo Người là “ánh sáng cho trần gian” (“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” – Mt 5, 14-16). Ý thức được nền tảng thần học “Ánh sáng Đức Ki-tô” như vậy, người Ki-tô hữu hãy sống đúng như lời khuyên của Thánh Phao-lô Tông đồ: “Anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối.” (1Tx 5, 4-5).
Trong Thông điệp Giáng Sinh 2012 (phần kết luận), ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI viết: “Trong Chúa Giê-su, sinh tại Bê-lem bởi Đức Trinh Nữ Maria, lòng nhân ái và sự thật đã thực sự gặp gỡ, công lý và hòa bình đã giao duyên, sự thật đã vươn lên khỏi mặt đất và công lý đã nhìn xuống từ trời cao (Tv 85). Thánh Au-gus-ti-nô giải thích ngắn gọn đáng ngưỡng mộ rằng: "Chân lý là gì? là Con Thiên Chúa. Trái đất là gì? là nhục thể. Nếu hỏi từ đâu Chúa Ki-tô đã được sinh ra, bạn sẽ thấy rằng chân lý đã vươn lên khỏi trái đất ... chân lý đã được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria" (En. Ps. 84:13)”. Rõ ràng nguồn ánh sáng chân lý xuất phát từ một “Hài Nhi bé bỏng trên máng cỏ nơi hang bò lừa”, đã trên 2000 năm chiếu tỏa trên thế giới loài người, nhờ đó “Lòng khoan nhân và chân lý, công lý và hòa bình đã gặp gỡ, đã hoá thân trong hài nhi sinh ra bởi Đức Maria tại Bê-lem. Hài nhi ấy là Con Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử. Việc Giáng Sinh của Ngài là sự nở rộ của cuộc sống mới cho tất cả nhân loại.” (Thông điệp Giáng Sinh “Urbi et Orbi” 2012).
Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô cũng viết: “Diện mạo của Thiên Chúa đã được mạc khải qua khuôn mặt của một con người. Nó không xuất hiện trong khuôn mặt một thiên thần, nhưng trong khuôn mặt một người nam, được sinh ra trong một thời gian và một địa điểm cụ thể. Qua sự nhập thể của mình, Con Thiên Chúa nói với chúng ta rằng ơn cứu rỗi đến từ tình yêu, từ sự chấp nhận, từ sự tôn trọng đối với nhân loại đáng thương này của chúng ta, mà tất cả chúng ta chia sẻ trong một sự đa dạng rất lớn các chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều là anh chị em trong tình nhân loại!” (Thông điệp Giáng Sinh “Urbi et Orbi” 2018).
Như vậy là đã rõ, chính Ánh Sáng Chân Lý chiếu tỏa từ hang đá Bê-lem là “Nền tảng thần học” xuất phát từ ân sủng của Thiên Chúa. Ân sủng đó đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Thế nên, khi chiêm ngưỡng Hài Nhi mới sinh nơi máng cỏ, người Ki-tô hữu phải coi như được sống trong công trình sáng tạo mới của Thiên Chúa, để đi vào thế giới mới, lịch sử mới, sự sống mới mà Hài Nhi thành Bê-lem mang đến cho chính mình. Để từ đó, ý thức được bổn phận của bản thân là: “phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.” (Tt 2, 11-13).
Ôi! Lạy Chúa! Chính “Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11, 25). Xin cho chúng con được trở nên những kẻ bé mọn như những mục đồng năm xưa cùng hợp hoan với “muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương." (Lc 2, 13-24). Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen. Alleluia!
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Chia sẻ Lời Chúa: