Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại
THIÊN CHÚA TỎ MÌNH RA CHO DÂN NGOẠI (LỄ HIỂN LINH)
Từ khi nguyên tổ phạm tội, loài người trở thành xa lạ với Thiên Chúa, không muốn nhận biết Người là Chủ Tể của tạo vật mà chính Người đã dựng nên. Mối thâm tình giữa Thiên Chúa với nguyên tổ A-đam và E-va nhạt phai, nếu không nói là con người đã trở thành thù địch với Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn mong muốn cứu vãn mối tương quan đứt đoạn ấy và nhận lại con người làm con cái. Kế hoạch ân sủng khởi đầu bằng việc Chúa tỏ mình ra để con người nhận biết Người và những gì Người đang thực hiện. Người tỏ mình ra như ánh sáng đến phá tan bóng đêm tội lỗi đã bao trùm trên trái đất (bài đọc 1). Người cho chúng ta thấy gia nghiệp Người ban không chỉ dành riêng cho dân Do Thái, mà cho hết mọi người (bài đọc 2). Để đáp lại sự mạc khải của Thiên Chúa, các nhà chiêm tinh từ phương Đông đã đón nhận bằng cách đến Giu-đê để thờ lạy Thiên Chúa giáng trần (bài Tin Mừng).
Ngôn sứ I-sai-a đã thấy trước một tương lai sáng lạn của Ít-ra-en sau khi họ được trở về từ cuộc lưu đày. Có thể hình dung khung cảnh tưng bừng nhộn nhịp khi dân chúng trở về tái thiết đất nước và xây dựng lại Giê-ru-sa-lem. Đất nước trước kia chìm trong bóng tối của ách nô lệ ngoại bang, giờ đây bừng sáng nhờ vinh quang Thiên Chúa. Thánh đô Giê-ru-sa-lem trở thành nơi hội tụ của muôn dân nước kéo đến chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tất cả hình ảnh tươi đẹp của ngày trở về cố hương là để báo trước về số phận mới của nhân loại khi Chúa đến cứu thoát họ khỏi tội lỗi và đưa họ về làm con cái Thiên Chúa. Sự sung túc giàu có của Giê-ru-sa-lem là hình ảnh nói lên một nhân loại mới được đón nhận ơn cứu độ. Như vậy, sự thay đổi toàn bộ của nhân loại được thực hiện là nhờ Con Thiên Chúa, Đấng đã đích thân đến như ánh sáng của bình minh phá tan màn đêm tội lỗi.
Dưới những triều đại phong kiến, thường thì các đời vua nối tiếp nhau theo kiểu “cha truyền con nối”. Có trường hợp vua cha băng hà, truyền ngôi cho con (hoàng tử) mà con còn nhỏ tuổi thì Hoàng hậu phải đứng ra nhiếp chính và được tôn là Hoàng Thái hậu (như trường hợp vua Quang Trung mất, hoàng tử Nguyễn Quang Toản mới 10 tuổi lên nối ngôi. Bà Bùi thị Nhạn – mẹ của Quang Toản – được tôn xưng là Hoàng Thái Hậu). Cũng có trường hợp thấy hoàng tử đã trưởng thành có đủ sức hoạt động, vua cha truyền ngôi cho con để mình lên làm Thái Thượng hoàng. Nhưng tuyệt nhiên không có ai mới sinh đã làm vua. Vậy mà “Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: "Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." (Mt 2, 1-2). Thật là một chuyện hi hữu.
Đến hỏi một ông vua bằng xương bằng thịt đang trị vì Do Thái về một ông Vua Do Thái mới sinh, kể ra cũng quá đường đột, nếu không muốn nói rằng đã bạo gan chọc tức Hê-rô-đê. Sao vậy? Vì nếu hài nhi mới sinh ấy là con của Hê-rô-đê, thì cũng chưa thể gọi là vua được, vì chưa được truyền ngôi, chưa lên ngôi. Vậy thì ai, ai mà mới lọt lòng mẹ đã được làm vua? Cho dù là ai đi chăng nữa, thì Hê-rô-đê cũng tức lộn ruột (“mình là vua sờ sờ ra đây nó chẳng bái lạy, lại còn đi tìm vua con nít nào nữa?”). Tất nhiên trận lôi đình của kẻ “hét ra lửa, mửa ra khói” này sẽ khủng khiếp vô cùng. Và điều đó đã thực sự xảy ra: hàng loạt hài nhi vô tội đã bị thảm sát!
Ba vị đạo sĩ với tâm địa ngay thẳng, bộc trực, đã vô tình chọc giận hung thần Hê-rô-đê; nhưng mặt khác lại chứng tỏ cho thiên hạ (kể cả Hê-rô-đê) biết thực sự đã có một vị Con Trời và là Ông Trời thật, giáng trần. Nếu không thế thì làm gì có chuyện “Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao.” (Mt 2, 3). Ngày xưa vẫn gọi vua là Thiên tử (con trời), mà vị Vua ấy sinh tại Do Thái nên mới gọi là Vua Do Thái, chớ thực ra vị Vua ấy không phải là Vua Do Thái theo cách hiểu hạn hẹp của Hê-rô-đê, nói chung là của loài người. Người là Vua, mà còn là Vua trên hết các vua trần gian nữa, bởi "Nước tôi không thuộc về thế gian này" (Ga 18, 36). Chắc 3 chiêm tinh gia sẽ nghĩ: “Chúng tôi đã tìm hiểu, đã biết, và chỉ có như thế thì chúng tôi mới cất công lặn lội từ phương Đông tới để được triều bái Người”.
Ba vị đạo sĩ biết được sự kiện trọng đại này chính là nhờ các ngài là những chiêm tinh gia được Thiên Chúa mạc khải mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và cho ngôi sao dẫn đường. Có một điểm đặc biệt là Đức Vua Giê-su sinh ra tại Do Thái, nơi vùng đất được tuyển chọn, nhưng ngôi sao Bê-lem lại xuất hiện tại phương Đông, nơi chưa hề biết Thiên Chúa là ai. Đó chính là mầu nhiệm “Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại” như lời Thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô: “Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mạc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.” (Ep 3, 5-6)
Rõ ràng ngôi sao Bê-lem đã báo Tin Mừng về mầu nhiệm Tinh Yêu được thực hiên khi “Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại” và đó chính là dấu chỉ mầu nhiệm Giáo hội trong tương lai. Thiên Chúa Tình Yêu đã tiền định từ trước vô cùng, sai Con Một xuống thế làm người thực hiện chương trình yêu thương, bằng cách hy sinh cả mạng sống mình để cứu độ nhân loại thoát khỏi tội lỗi. Người đã dùng ngôi sao Bê-lem để báo cho loài người biết mầu nhiệm Tình Yêu xuất phát từ Thiên Chúa đã được thực hiện: Vua Tình Yêu đã giáng sinh nơi hang đá Bê-lem. Không những thế, Ngôi sao Tình Yêu Bê-lem còn là một dấu chỉ biểu lộ 3 đặc tính tiêu biểu của Giáo hội Ki-tô Giáo (Mầu nhiệm + Hiệp thông + Sứ vụ) được chính vị Vua Tình Yêu – là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật – thiết lập.
Chỉ cần lướt qua ít trang Thánh Kinh, đã đủ thấy mầu nhiệm Giáng Sinh là nền tảng thần học mở ra một sáng tạo mới của Thiên Chúa Tình Yêu: E-và Mới hạ sinh một A-đam Mới – A-đam cuối cùng – xây dựng một Giáo hội mà Đầu là Trưởng Tử Giê-su cùng với thân mình là toàn thể Dân Chúa. Vâng, khởi đi từ Thánh Gia Thất nơi hang đá Bê-lem, Vua Tình Yêu thiết lập Giáo hội, coi như hiền thê của Người và Người chính là vị Hôn phu trong Giao ước Tình yêu này. Vì thế, Giáo hội được gọi là "thành Giê-ru-sa-lem trên trời" là "mẹ chúng ta" (Gl 4, 26; Kh 12, 17); Được mô tả như hiền thê tinh tuyền của Con Chiên không tì ố (Kh 19, 7-8 ; 21, 2); Được Hôn phu yêu mến "và hiến thân để thánh hóa" (Ep 5,25-26); Được Người kết hợp bằng một giao ước bất khả phân ly, được "nuôi dưỡng và săn sóc" không ngừng (Ep 5, 29). Sau khi thanh tẩy Hiền thê, Đức Hôn phu Giê-su Ki-tô muốn hiền thê ấy kết hợp và vâng phục trong tình yêu và trung tín (Ep 5, 24).
Đó là tất cả lý do vì sao gọi Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Một cách cụ thể là: “Khi Con Thiên Chúa chiến thắng sự chết bằng cái chết và phục sinh, trong nhân tính mà Người kết hợp, Người đã cứu chuộc và biến con người thành một tạo vật mới (x. Gl 6,15; 2Cr 5,17). Thực vậy, Người tạo lập cách mầu nhiệm các con em của Người, tụ họp từ muôn nước thành thân thể Người, bằng cách thông truyền Thánh Thần cho họ. Chúa Ki-tô là Ðầu của Thân Thể này. Chính Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, và trong Người mọi vật được tác thành. Người có trước mọi người và mọi sự được bền vững trong Người. Người là Ðầu của Thân Thể là Giáo hội. Người là nguyên lý, là anh cả của những kẻ phải chết, hầu nắm quyền thủ lãnh mọi sự (x. Cl 1,15-18), Người thống trị mọi vật trên trời dưới đất bằng thần lực lớn lao, và ban dư tràn sự vinh hiển phong phú của Người cho toàn thân thể nhờ sự toàn thiện và hoạt động siêu đẳng của Người (Eph 1,18-23).” (Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium”, số 7).
Vì là Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, nên đặc tính của Giáo hội là hiệp thông – hiệp thông trong Lời Chúa, trong các nhiệm tích, trong một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền; nói cách khác là hiệp thông trong cuộc sống với mọi mặt hoạt động của Giáo hội. Hiệp thông giữa các thành phần, các nhân tố trong Giáo hội (từ Đức Giáo hoàng, đến các Giám mục, Linh mục, tu sĩ và cộng đồng giáo dân, cùng tham gia và đồng trách nhiệm), hiệp thông đại kết với các cộng đồng Ki-tô ngoài Công Giáo. Chưa hết, còn hiệp thông với cộng đồng dân nước xây dựng quốc gia, hiệp thông với cộng đồng quốc tế trong xây dựng hoà bình và an lạc cho nhân loại, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc. Hiệp thông không phải là những khẩu hiệu hô to, những biểu ngữ hoành tráng, mà phải là thực hành cho kỳ được Lời dạy của chính Con Người đã tuôn đổ ơn thông hiệp của Ba Ngôi Thiên Chúa xuống trên Giáo hội: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12), tức là phải sống và cầu chúc cho nhau luôn được “đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần.” (2Cr 13, 13).
Giáo hội đã được Chúa Ki-tô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người sử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được sai đi khắp thế giới như “ánh sáng trần gian và muối đất” (Mt 5, 13-16). Chính vị Hôn phu nhân lành đích thân trao sứ vụ cho Hiền thê Giáo hội: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16, 15). Một cách cụ thể, Giáo hội được sai đi (sứ) làm công việc (vụ) loan báo Tin Mừng, mở mang Nước Chúa, nên có thể khẳng định: Sứ vụ duy nhất của Giáo hội là “Truyền giáo”. Trong khi "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian" (Mt 5, 14) thì như trên đã nói, mỗi thành viên, mỗi nhân tố trong Giáo hội phải là một vì sao soi dẫn cho người khác biết chân lý Cứu Độ và nhất là chân lý Nước Chúa đã đến gần, thật gần. Tất nhiên, những vì sao Ki-tô hữu ấy phải là bản sao trung thực nhất của vì sao Bê-lem: Sao Tình Yêu.
Tóm lại, Sao Tình Yêu Bê-lem đã hiển dương Tình Yêu vô tận, khởi từ mầu nhiệm “Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại”, mầu nhiệm Giáo hội hiệp thông được thiết lập để đem Tin Mừng đến cho muôn dân nước. Một cách cụ thể thì sứ vụ duy nhất của Giáo hội chỉ có thể là Truyền Giáo như Sắc lệnh Truyền Giáo (Lời mở đầu) đã khẳng định: “Ðược Thiên Chúa sai đến muôn dân để nên “bí tích cứu độ phổ quát”, Giáo hội, vì những đòi hỏi căn bản của Công Giáo tính và vì mệnh lệnh của Ðấng Sáng Lập, kiên quyết loan báo Phúc Âm cho hết mọi người. Thực vậy, chính các Tông Ðồ, nền tảng của Giáo hội, đã theo chân Chúa Ki-tô, “rao giảng lời chân lý và khai sinh các giáo đoàn”. Do đó, những người kế vị các Tông Ðồ có nhiệm vụ tiếp tục công việc này, để “Lời Chúa được lan tràn và sáng tỏ” (2 Th 3,1), nước Chúa được công bố và thiết lập khắp trần gian. Nhưng tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại trong một hoàn cảnh mới, vì thế Giáo hội, là muối đất và ánh sáng trần gian, càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài, hầu mọi sự được tái lập trong Chúa Ki-tô, và nơi Ngài mọi người họp thành một gia đình và một Dân Chúa duy nhất.”
Ôi! Lạy Chúa Hài Đồng! Con ước ao được là một vì sao thật nhỏ bé (nhưng là bản sao trung thực nhất của Sao Bê-lem) ở ngay trong gia đình con, để dẫn đường chỉ lối cho con cháu của con biết tìm về Chính lộ: nơi đang sáng tỏ mầu nhiệm Giáng Sinh trong mầu nhiệm Giáo hội. Và nếu con còn một chút sức lực nào đó, xin cho con được làm một vì sao bé nhỏ trong khu xóm, trong giáo xứ của con nữa. Xin Chúa thương ban Thần Khí cho con để con có thể làm tròn trách vụ một vì sao Ki-tô hữu trong thời buổi nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn này. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: