Hiến chương Nước Trời
HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI
(TẾT CANH TÝ)
MỪNG XUÂN CANH TÝ LÒNG HỒ HỞI
ĐÓN TẾT HỒNG ÂN SỐNG HỢP ĐOÀN
Biết ơn là một hành vi hết sức nhân văn của con người ở mọi thời và mọi nơi. Ai càng biết ơn nhiều bao nhiêu, người đó càng trở nên con người đàng hoàng bấy nhiêu. Vì thế, khi nhận được một ân huệ nào đó của ai, người ta thường nói lời cám ơn. Người không biết cám ơn là người sống chưa thực sự trưởng thành. Chiều tối hôm nay, mọi người trong gia đình quy tụ nhau để cử hành lễ tất niên. Gọi là tất niên, vì đây là thời điểm kết thúc 365 ngày (âm lịch là 360 ngày) của năm cũ. Nhìn lại, trong suốt một năm qua, người Ki-tô hữu lãnh nhận biết bao ơn lành đến từ Thiên Chúa. Vì thế, thái độ tạ ơn là điều rất chính đáng và phải đạo để dâng lên cho Chúa trong thánh lễ Giao Thừa đêm nay.
Ngày cuối năm được gọi là “trừ nhật” ( 除 日 ), còn “trừ tịch” ( 除 夕 ) là đêm cuối năm. Đó là thời điểm hoán đổi giữa “năm cũ” và “năm mới” (theo nghĩa “trừ: thay đổi, hoán đổi”). Còn một thuyết khác (căn cứ vào nghĩa “trừ: bỏ đi, diệt, dẹp, khai trừ”) cho rằng Trừ Tịch là đêm trừ khử tà ma, xua đuổi cái xấu, để cầu điều tốt đẹp, phuớc lộc cho năm mới. Lễ Trừ Tịch được tổ chức vào giờ Tý (từ 23g tới 01g sáng), để tiễn cũ đón mới (“tống cựu nghinh tân”: 送 舊 迎 新 ). Truyền thống dân tộc Việt Nam – và nói chung, của các dân tộc Á Đông – rất coi trọng giờ phút năm cũ bước sang năm mới trong gia đình, bởi quan niệm đó là giờ phút thiêng liêng nhất để 2 vị thần Hành Khiển – một vị bảo trợ năm cũ, một vị bảo trợ năm mới – bàn giao công việc cho nhau. Cụ thể là vị thần trông coi gia đình chấm dứt nhiệm kỳ một năm, bàn giao trách nhiệm ấy cho vị thần kế nhiệm. Người trước trao (giao), người sau nhận (thừa), Năm Cũ trao Năm Mới nhận, vì thế mới gọi là Giao Thừa.
Bài Tin Mừng đêm Giao Thừa năm nay (Mt 5, 1-10) trình thuật Lời dạy của Đức Ki-tô về “Tám mối phúc”. Đó là Lời dạy của Lòng Thương Xót nói về những quy định hướng dẫn người tín hữu hành động, nếu muốn được hưởng hạnh phúc đích thực nơi quê Trời vĩnh cửu. Giáo hội đã coi đó là bản Hiến chương Nước Trời. Xin cùng tìm hiểu:
Hiến chương là gì? Thời phong kiến, những điều luật cơ bản trong một nước do nhà vua đặt ra, làm nền tảng cho việc chế định ra pháp luật và gọi là “ước pháp” (Vd: Khi Hán Cao Tổ [Lưu Bang] tiêu diệt nhà Tần, thống nhất Trung Quốc, đã ban hành một “Ước Pháp Tam Chương” quy định “pháp luật chỉ có ba điều thôi: giết người thì xử tử, đánh người bị thương và trộm cắp thì xét tội mà trị. Còn lại những gì thuộc về hình pháp nước Tần đều bỏ hết.”). Về sau, ước pháp được gọi là hiến pháp. Theo Bách Khoa Toàn Thư (“Wikipedia”) “Hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Nhiều hiến pháp cũng bảo đảm các quyền nhất định của nhân dân.” Rộng ra hơn nữa, những điều ước ký kết giữa nhiều nước, quy định những nguyên tắc và thể lệ chung trong quan hệ quốc tế, thì gọi là “Hiến chương” (Vd: Hiến chương Liên Hiệp Quốc).
Điều đó cho thấy Tám Mối Phúc chính là bản Hiến Chương Nước Trời. Đức Ki-tô vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người để cứu độ, giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của tội lỗi. Người không chỉ thi hành sứ vụ bằng cách đơn thuần chết treo trên thập giá, mà còn là giảng dạy, khuyên bảo, răn đe, đồng thời sống đúng như những gì Người đã rao giảng, để làm mẫu gương cho những người đã biết lắng nghe, mà còn biết thực hành theo Lời Người dạy. Như vậy, bản Hiến chưong Nước Trời chính là những hướng dẫn, những quy định, nhằm giúp công dân Nước Trời sống tốt vai trò của mình để đạt đuợc hạnh phúc vĩnh cửu đích thực.
Hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. Nếu chỉ tìm hiểu về ý nghĩa thì chỉ cần một động tác nhỏ (mở tự điển) là xong; nhưng để có được hạnh phúc đích thực thì chuyện không còn là đơn giản nữa. Nói về hạnh phúc thì mỗi người một cách, mỗi người một quan niệm. Có người thì nói: “Tôi hạnh phúc vì tôi có được vợ đẹp con khôn, gia đình êm ấm”; người thì nói: “Tôi hạnh phúc vì tôi có được đầy đủ cả tiền bạc và danh vọng”; người thì có quan niệm thật đơn giản: “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no, Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.” (Nguyễn Công Trứ). Có người thì cho rằng hạnh phúc là sống thụ hưởng, sống hôm nay không cần biết đến ngày mai (Jean Paul Sartre với phong trào “Hiện sinh – Existentialisme), lại cũng có người cho hạnh phúc là sống thanh tịnh vô vi, không màng đến thế sự (Lão Tử).
Quan niệm về hạnh phúc thật đa dạng, rất phong phú, không dễ gì tìm được một điểm chung. Đa số những quan niệm đó đều nhắm vào hiện thực cuộc sống trần thế, và chính những hiện thực cuộc sống ấy đem lại cho chủ thể “trạng thái sung sướng” trong lãnh vực tinh thần. Nói cách cụ thể hơn, cái hạnh phúc hệ tại cuộc sống trần thế có thế đụng chạm, cầm nắm được (vật chất), và khi có được nó rồi thì tinh thần mãn nguyện, sung sướng.
Còn hạnh phúc trong bản Hiến chương Nước Trời thì sao? Cứ theo tâm lý thông thường của người đời, trong 8 mối phúc thì có tới 3 mối phúc chẳng ai ham. Chẳng ai ham nghèo khó (dù cho đó chỉ là “tâm hồn nghèo khó”), ham sầu khổ, ham bị bách hại. 5 mối phúc còn lại (hiền lành, khao khát đức công chính, thương người, trong sạch, xây dựng hoà bình) thì tuy không bị thiệt hại nặng cho bản thân, nhưng còn hạnh phúc thì cũng thấy mơ hồ, xa vời quá, nên cũng chẳng ham (hoặc ít ham hơn). Tuy nhiên, vấn đề cần xét tới ở đây là những quy định, những điều kiện được đua ra trong cả 8 mối phúc đều là những điều kiện về phương cách sống cho những người muốn tìm đến hạnh phúc vĩnh cửu đích thực. Vì thế, có 2 chiều kích rõ rệt:
1- Năm Phúc đối nội: Tâm hồn nghèo khó, sầu khổ, hiền lành, trong sạch, đói khát sự công chính.
2- Ba Phúc đối ngoại: Thương xót người, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì lẽ công chính.
Với 2 chiều kích đó, những quy định, những điều kiện được đua ra trong cả 8 mối phúc đều là những điều kiện về tinh thần (tinh thần nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khao khát nhân đức, thương người, trong sạch, bị bách hại), và nếu sống được như vậy thì chắc chắn sẽ được phần thưởng. Phần thưởng đó không là giấy khen, bằng khen, hay những món tiền, mà là những phần thuởng về tinh thần, về cuộc sống mai hậu. Nếu anh coi đó là những mơ hồ, ảo tưởng, thì anh vẫn chưa tin vào Người Thầy chí thánh của anh, vẫn chưa tin vào lòng nhân hậu, tình bác ái bao la của Thiên Chúa. Cho nên có thể nói rằng, để có được “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”, thì tiên vàn anh phải có niềm tin vào Người Thầy của anh chính là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật – hiện thân của Lòng Thương Xót – Đấng Cứu Độ trần gian. Như vậy, Tám mối Phúc là những cách thế biểu lộ niềm tin, là những con đường sống đức tin, bởi chỉ có đức tin mới là cứu cánh tuyệt đối cho mọi phương cách chiếm hữu Nước Trời.
Sống đức tin ư? Đúng vậy! Anh có tin, anh mới thực hành được Lời Chúa dạy, nhất là những điều thiệt hại nặng nề đến bản thân (“bị sầu khổ, bị bách hại…”). Thánh Phao-lô Tông đồ đã từng nhấn mạnh: “Vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng còn gì để hãnh diện! Dựa vào luật nào mà hãnh diện? Vào việc làm chăng? Không, nhưng dựa vào lòng tin. Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy.” (Rm 3, 27-28), ”Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Ki-tô Giê-su, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy.” (Gl 2, 17).
Một điều hiển nhiên đối với Thánh Phao-lô là khi ngài chưa tin vào Đức Giê-su Ki-tô thì ngài là người rất năng nổ trong việc lùng bắt những người theo Ki-tô; nhưng sau biến cố Damas, được sáng mắt sáng lòng (nhờ được chính Đức Ki-tô chữa lành bệnh mù nội tâm), ngài đã tin vào Đức Ki-tô như lời ngài khẳng định: “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20). Tin và thể hiện bằng hành động, bằng chính cuộc sống, đến độ “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.” (Gl 2, 20). Thánh nhân đã rất nhiệt thành trong sứ vụ rao giảng Lời Chúa, làm nhân chứng sống cho Tin Mừng cứu độ, để trở nên một tông đồ kiệt xuất như một vì sao Bê-lem đem Ánh Sáng đến cho dân ngoại. Phải chăng chính Thánh Tông đồ dân ngoại đã là một mẫu gương sáng chói cho việc “sống đức tin”? Ấy cũng bởi vì “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26).
Sống trên đời, ai cũng mong muốn có hạnh phúc. Ai mà chẳng muốn luôn được sống trong “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”. Để ý một chút sẽ thấy chỉ có được trạng thái ấy khi đã hoàn toàn đạt được ý nguyện, mà ý nguyện là những mong mỏi, những ao ước, những hy vọng đề ra trong cuộc sống, để con người nỗ lực vươn tới. Vì thế, vẫn cần phải có một nỗ lực để sống và nhất là để bảo vệ chủ thuyết mình đã theo. Tóm lại, bản Hiến Chương Nước Trời đươc Đức Giê-su Thiên Chúa truyền dạy chính là một Giao Ước – một Ước pháp 8 chương – thể hiện Lòng Thương Xót cách cụ thể nhất: “Đó là một chương trình sống vừa đòi hỏi vừa phong phú với niềm vui và bình an. Lệnh truyền của Chúa Giê-su hướng đến bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Ngài (x. Lc 6, 27).” (Tông chiếu Dung Mạo Lòng Thương Xót “Misericordiæ Vultus”, số 13).
Để mừng đón mùa Xuân mới, người Ki-tô hữu hãy chiêm niệm (dán mắt vào để cảm nghiệm) Lòng Chúa Thương Xót thông qua bản Hiến chương Nước Trời; đồng thời chia sẻ với anh em – nhất là những anh em đang sống cơ cực bên lề xã hội. Cụ thể hơn là cần phải canh tân đời sống bản thân theo Tám Mối Phúc cả đối nội (tu sửa bản thân theo “5 phúc đối nội”) và đổi mới công cuộc truyền giáo bằng cách đến với anh chị em đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội (thực hành đức ái qua châm ngôn “Đức Tin hành động qua đức Ái” [Gl 5, 6] theo “3 Phúc đối ngoại”). Nói gọn lại là rất cần thiết phải sống trọn hảo điều răn trọng nhất – điều răn “Mến Chúa yêu người” – mà hiện thân Lòng Thương Xót đã truyền dạy qua Bài giảng trên núi về “Hiến Chương Nước Trời” (Mt 5, 1-10), đồng thời Người đã thực hiện thông qua mầu nhiệm Thập Tự và Phục Sinh để cứu chuộc nhân loại.
Vâng, “Chúng ta trông đợi những trải nghiệm của việc mở lòng mình ra với những người đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội: Chính cái xã hội hiện đại này tạo ra những vùng ngoại vi như thế. Có biết bao những tình huống bấp bênh và đau đớn trên thế giới hiện nay! Cơ man nào là những vết thương mang trên thân xác của những người không có tiếng nói bởi vì tiếng kêu của họ bị bóp nghẹt và bị át đi bởi sự thờ ơ của kẻ giàu có! Trong suốt Năm Thánh này, Giáo hội càng được mời gọi nhiều hơn để chữa lành những vết thương này, xoa dịu chúng với dầu an ủi, băng bó chúng với lòng thương xót và chữa lành chúng với tình liên đới và sự chăm sóc chu đáo.” (Tông chiếu Dung Mạo Lòng Thương Xót “Misericordiæ Vultus”, số 15). Ước đươc như vậy.
Ôi! “Lạy Chúa, trong đêm giao thừa này, Chúa đã cho cộng đoàn chúng con được tham dự tiệc thánh. Xin nhìn đến lòng tin của chúng con mà luôn luôn che chở giữ gìn hầu suốt cả năm nay chúng con được sống trong tình thương của Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện hiệp lễ, lễ Giao Thừa).
BẤT NGỜ… XUÂN
Có bất ngờ chăng để … giật mình ?
Xuân sang … Ừ nhỉ ! Cũng xinh xinh
Mai vàng khép nép tâm hoài cổ
Cúc thắm bàng hoàng giấc hiện sinh
Ngất ngưởng dăm ly mà tự thọ
E dè nửa mắt với nhân tình
Đã qua ngưỡng cửa “xưa nay hiếm”
Có bất ngờ đâu phải … giật mình !
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: