Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Giáo Hội Với Người Trẻ

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

GIÁO HỘI VỚI NGƯỜI TRẺ

 

Giáo hội Việt Nam và nói chung Giáo hội hoàn vũ muốn dành sự quan tâm đặc biệt cho người trẻ, được soi sáng bởi Tông huấn Chúa Ki-tô đang sống “Christus Vivit” của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô. Thật vậy, trong Tông huấn (số 3) Đức Thánh Cha viết: “Với cả tấm lòng, cha trao gửi Tông huấn này cho tất cả các bạn trẻ Ki-tô hữu. Tông huấn này nhằm nhắc các con về một số xác tín đến từ đức tin của chúng ta, đồng thời khích lệ các con lớn lên trong sự thánh thiện và trong sự dấn thân cho ơn gọi riêng của mình. Nhưng vì đây cũng là một phần của tiến trình Thượng hội đồng Giám mục, tôi cũng trao sứ điệp này cho toàn thể Dân Thiên Chúa, các mục tử cũng như các tín hữu, bởi vì tất cả chúng ta đều được thách đố và được thúc bách để suy tư cả về giới trẻ lẫn cho giới trẻ. Vì thế, nhiều chỗ tôi sẽ nói trực tiếp với các bạn trẻ, nhiều chỗ khác, tôi sẽ gợi ra một số xem xét khái quát hơn cho sự phân định của Giáo hội.”

 

1- Khái niệm về Giáo hội:

Đối với Ki-tô giáo, chữ Giáo hội (Latinh: Ecclesia, tiếng Anh: Church) có nguồn gốc từ chữ κκλησία (Ekkkèsia) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "triệu tập", và được dùng để chỉ những cuộc tụ họp dân chúng thường có tính cách tôn giáo. Thật ra, các văn bản Cựu Ước cũng đã dùng chữ này để chỉ cuộc triệu tập dân tộc Israel để nghe lệnh truyền của Thiên Chúa. Sau này, các Giáo hội thuộc Ki-tô giáo muốn nhấn mạnh họ là cộng đoàn tín hữu thánh thiện do Thiên Chúa tuyển chọn thì xưng thêm thuật ngữ là Hội Thánh (Latinh: Ecclesia Sancta, tiếng Anh: Holy Church). Ví dụ: Hội Thánh Công Giáo, Hội Thánh Tin Lành... Thông thường, chữ Giáo hội dùng để chỉ tư cách pháp nhân về tổ chức, không dừng lại ở mối quan hệ trong đạo mà còn là mối quan hệ xã hội; còn chữ Hội Thánh dùng để chỉ đặc tính thiêng liêng, một tập hợp rộng rãi cả chức sắc và tín đồ có mối quan hệ trong tôn giáo, và chỉ mang tính chất tôn giáo thuần túy. Trên thực tế, trong Ki-tô giáo thì hai khái niệm này rất gần nhau, thậm chí đôi khi được hiểu là một và sử dụng như nhau (Wikipedia – Bách Khoa Toàn Thư).

 

Giáo hội Công Giáo thường được hiểu là cộng đoàn những kẻ tin vào Đức Giê-su Ki-tô là Ngôi Lời và là Con Một Thiên Chúa, đã được gửi đến trần gian để thể hiện Thiên Chúa là Tình Yêu và đưa con người vào mối hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa và với nhau. Vì thế, Giáo hội được hiểu là cộng đoàn hiệp thông, xuất phát từ mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ðồng thời, Giáo hội còn được hiểu là Cộng Ðoàn Dân Chúa, có một lịch sử riêng bắt nguồn từ lịch sử Ít-ra-en là dân riêng của Thiên Chúa thời Cựu Ước, trải dài suốt lịch sử nhân loại. Giáo hội có một đời sống riêng biệt và đặc thù là đời sống Tin - Cậy - Mến được thể hiện trong việc cử hành phụng vụ và Bí tích cùng với việc phục vụ trong đức ái. Giáo hội có sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng Cứu Ðộ, là dấu chỉ và công cụ của Nước Trời.

 

2- Người trẻ tham gia Giáo hội:

Người trẻ tham gia sinh hoạt trong Giáo hội ở 3 lãnh vực chủ yếu là: (1) tham dự thánh lễ; (2) học giáo lý; (3) tham gia các đoàn thể Công giáo. Vậy các bạn trẻ đóng vai trò như thế nào trong Giáo hội qua những sinh hoạt đó? Hiện nay người trẻ chưa có nhiều tiếng nói trong đời sống của Giáo hội, bởi vì các bạn không muốn hoặc không có cơ hội được lên tiếng. Trong phụng vụ, ngoại trừ một vài sự kiện đặc biệt có thánh lễ được tổ chức dành riêng cho các bạn trẻ, những thánh lễ hay nghi thức còn lại hầu hết là của người lớn và người trẻ chỉ là yếu tố phụ thêm. Trong các bài giảng hằng ngày của các linh mục, đôi khi các ngài chỉ trình bày kiến thức thần học xa vời, những bài học đạo đức được lặp đi lặp lại; thậm chí là những lời răn đe dọa nạt. Nhà thờ có nguy cơ trở thành một nơi xa lạ với các bạn trẻ, bởi vì các bạn không tìm gặp và cảm nếm được vị ngọt ngào êm dịu của Chúa Giê-su trong phụng vụ hay trong cung cách hành xử của các vị mục tử trong Giáo hội. Như thế, ngoài việc tới nhà thờ tham dự thánh lễ, các bạn trẻ không thấy chỗ đứng của mình trong việc đóng góp xây dựng giáo xứ.

 

Cách thức tổ chức các lớp học Giáo lý hiện nay cũng là yếu tố quan trọng khiến người trẻ chưa có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình. Phần lớn các lớp giáo lý trở thành nơi truyền thụ kiến thức hơn là môi trường đối thoại và chia sẻ về đức tin. Người trẻ chỉ biết học thuộc lòng chớ không được giải thích thỏa đáng. Họ buộc phải chấp nhận lắng nghe, học thuộc, trả bài về những gì họ nghe được nơi những người dạy giáo lý. Có nhiều bạn đi học giáo lý chỉ vì gia đình bắt buộc hay chỉ để thỏa mãn điều kiện chuẩn bị hôn nhân. Chính những lý do trên làm cho các giờ giáo lý trở thành gánh nặng và gây áp lực cho các bạn trẻ. Thật vậy, người trẻ khi được khuyến khích đặt vấn đề, chất vấn, thậm chí là nghi vấn về các chủ đề đức tin dựa trên hiểu biết và kinh nghiệm của mình, thì họ sẽ thấy hứng thú hơn khi học giáo lý. Ấy cũng bởi vì các bạn trẻ thấy rằng ý kiến của họ được Giáo hội lắng nghe, đón nhận và diễn giải để giúp họ hiểu rõ hơn về những vấn đề đụng chạm đến chính cuộc sống của họ.

 

Môi trường các bạn trẻ có cơ hội thể hiện mình nhiều nhất là các đoàn thể như Ca đoàn, Thiếu nhi Thánh Thể, Sinh viên Công giáo… Tuy nhiên, những tổ chức hội đoàn như thế này có thực sự là của người trẻ và cho người trẻ hay không lại là một vấn đề khác. Các đoàn thể có thể chỉ là nơi người lớn quy tụ để dạy dỗ và hướng dẫn người trẻ. Tất nhiên đó là mục đích rất tốt đẹp và cần thiết, nhưng mọi việc đều được sắp xếp theo kế hoạch của người lớn, nên nó vẫn tiềm ẩn nguy cơ là vai trò của người trẻ không được đánh giá đúng mức, thậm chí là không được tin tưởng và khuyến khích để chủ động sáng tạo đưa ra những phương hướng hoạt động phù hợp với các bạn. Đó là việc làm khiến các bạn trẻ trở thành “sản phẩm” đào tạo của người lớn hơn là có không gian riêng để trở nên chính mình.

 

3- Giáo hội lắng nghe người trẻ:

Giáo hội cần phải lắng nghe người trẻ, phải nhận ra và tôn trọng sự khác biệt giữa các thế hệ, đó là sự thật không thể phủ nhận. Người lớn cần phải khiêm tốn thừa nhận rằng tuổi trẻ của họ khác xa so với lối sống của các bạn trẻ ngày nay. Do đó, những nhận định hay những khuyên răn dạy bảo chỉ thực sự hữu ích và được các bạn trẻ đón nhận khi họ cảm nhận được rằng người lớn đã cố gắng hiểu, thông cảm và đi vào thế giới của họ, đồng hành với họ. Cần mạnh dạn tin tưởng vào tâm huyết và khả năng của người trẻ. Phải nói rằng các bạn trẻ ngày nay năng động và sáng tạo hơn các thế hệ trước rất nhiều. Có rất nhiều công việc trong Giáo xứ hoàn toàn có thể giao cho người trẻ đảm nhận, thậm chí họ còn làm tốt hơn cả người lớn. Các bạn trẻ không chỉ là những người cần được dạy dỗ mà còn là những thầy dạy cho người khác bởi sự đơn sơ nhiệt huyết của họ. Cần tạo môi trường để người trẻ được thể hiện, đóng góp trong đời sống của Giáo hội. Môi trường ở đây không chỉ là để đón nhận những điều tích cực mà còn chấp nhận cả những bồng bột, thiếu sót, sai lầm của người trẻ để các bạn có cơ hội được lớn lên.

 

Trong diễn văn chào mừng đại hội các bạn trẻ nước Ý ngày 11/8/2018, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã sử dụng một hình ảnh rất ý nghĩa khi nói về tương quan giữa người trẻ và người lớn: “Tôi rất vui mừng khi thấy các bạn chạy nhanh hơn những người chậm chạp và sợ sệt trong Giáo hội. Xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy các bạn trong cuộc đua này. Giáo hội cần đến sự nhiệt huyết, trực giác và đức tin của các bạn. Chúng ta cần nó! Và khi các bạn đến nơi mà chúng tôi chưa theo kịp, xin kiên nhẫn chờ chúng tôi, như Gio-an chờ Phê-rô trước ngôi mộ trống.” Đó là những lời đầy tính khích lệ từ vị chủ chăn Giáo hội dành cho các bạn trẻ. Do vậy, các bạn trẻ hãy cứ mạnh dạn tiến bước trong đời sống đức tin, hãy sống tương quan với Chúa theo cách của mình, vì Giáo hội cần đến sự năng động của các bạn. Chỉ xin các bạn kiên nhẫn chờ những người khác không còn sức trẻ như các bạn, để chúng ta cùng đồng hành tiến bước đến đích.

 

Giáo hội chính là cộng đồng sống đức tin, là nơi nuôi dưỡng đời sống đức tin của các bạn trẻ, và Giáo hội trở nên sống động cũng nhờ vào hoa trái đức tin của các bạn trẻ. Do đó, xin các bạn rộng lượng tha thứ cho những người lớn chúng tôi nếu chúng tôi đã không nêu gương sáng đức tin cho các bạn, thậm chí không ít người đã làm các bạn bị tổn thương. Chọn lựa đứng ngoài cuộc phê phán chỉ trích hay là chung tay đóng góp xây dựng cho Giáo hội Mẹ, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện hơn, tin rằng các bạn trẻ biết rõ điều gì nên làm, điều gì nên tránh.

 

Kết luận:

Tóm lại, các bạn trẻ hãy tạ ơn Chúa vì ơn đức tin mà ông bà cha mẹ đã truyền lại cho các bạn. Họ là những người đã từng sống tuổi trẻ như các bạn, cũng đối diện với rất nhiều thách đố và quan trọng là họ có kinh nghiệm nhờ Đức tin mà vượt qua được những thử thách. Cũng trong Tông huấn Chúa Ki-tô đang sống “Christus Vivit”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhắc nhở mọi người khi trưởng thành về mọi mặt thì không được quên bài học đức tin quý giá từ gia đình, vì đó là kho tàng khôn ngoan của tuổi tác. Chính đức tin đơn sơ nhưng mạnh mẽ của thế hệ đi trước đã giúp họ tiếp tục tiến bước và không bao giờ bỏ cuộc. Các bạn trẻ là thế hệ tiếp nối đón nhận và sống chứng từ đức tin như ông bà cha mẹ của các bạn. Nói cách cụ thể, các thành phần trong Giáo hội cùng đồng hành với nhau (không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, người lớn hay bạn trẻ) trong việc phân định đức tin và phụng vụ Lời Chúa. Ước được như vậy.

 

Ôi! Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết làm cho mọi người được thăng tiến, để góp phần vào việc phát triển xã hội và cộng tác trong việc xây dựng Giáo hội. Cúi xin Chúa Giê-su, Đức Mẹ và Thánh Cả Giu-se luôn hiện diện trong Giáo xứ, trong gia đình chúng con, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, khi lo âu cũng như lúc hy vọng, khi sinh con cũng như lúc có kẻ qua đời, để dù gặp phải những thăng trầm của cuộc sống, chúng con vẫn luôn kiên trì trong đức Tin -  Cậy - Mến, sẵn sàng sống chứng nhân trong sứ mạng mà Thiên Chúa và Giáo hội đã trao phó cho chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.